‘Yêu đi, đừng sợ!’ có cả 3 yếu tố giải trí hấp dẫn nhất
Bộ phim Việt remake tổng hòa cả yếu tố lãng mạn, kinh dị và hài hước, được xem là một bản Việt hóa thành công.
Yêu đi, đừng sợ! là bộ phim Việt làm lại từ phim Hàn ăn khách Spellbound. Trái với những ý kiến nghi ngờ về chất lượng trước đó, Yêu đi, đừng sợ! lại nhận được nhiều review tích cực nhờ biến tấu kịch bản hợp lý, diễn xuất tự nhiên. Tuy chưa xuất sắc vượt trội, bộ phim vẫn chứa đựng đủ các yếu tố giải trí chiều lòng khán giả.
Chuyện tình lãng mạn
Một “cuộc gặp gỡ định mệnh” đã đưa cô nàng bí ẩn Phương (Nhã Phương) đến với anh chàng ảo thuật gia đẹp trai, dễ mến tên Tùng ( Ngô Kiến Huy). Vượt qua sự e ngại ban đầu, cả 2 nhanh chóng thân thiết khi hiểu rõ hơn về nhau. Cả Phương và Tùng đều có điểm kỳ quặc: chàng là chúa sợ ma, còn nàng lại hay gặp ma.
Chuyện tình giữa Tùng và Phương bắt đầu từ những chầu nhậu “say quên đường về”, những lần chơi bowling “dở khóc dở cười”, cho đến giây phút lãng mạn nắm tay dạo phố hay dìu nhau trong một điệu nhảy duyên dáng. Như bao đôi tình nhân màn ảnh khác, khoảnh khắc ngọt ngào giữa Tùng và Phương đủ khiến khán giả từ tan chảy đến ghen tị.
Giây phút Tùng và Phương bên nhau càng thêm lung linh nhờ hình ảnh nên thơ, tông màu vàng vintage mang hơi hướng cổ tích.
Kinh dị “đứng tim”
Cũng giống bản gốc, bản Việt hóa mang đến cho khán giả những phân cảnh rợn tóc gáy bởi câu chuyện bí ẩn của các hồn ma. “Người thứ ba” đặc biệt trong chuyện tình của Tùng và Phương chính là các hồn ma đến tìm Phương hàng ngày, trong đó dai dẳng nhất là Vân, người bạn thân từ thuở nhỏ của cô. Hiệu ứng hình ảnh mỗi lần bóng ma xuất hiện được thể hiện sáng tạo, có tác dụng “hù dọa” người xem.
Đặc biệt, mỗi hồn ma lại sở hữu một câu chuyện riêng gợi tò mò. Điều này khiến cho cốt truyện phim thêm phần gay cấn, không bị rơi vào lối mòn nhạt nhẽo của các bộ phim hài – tình cảm.
Hài hước “không biên giới”
Dù vậy dọa ma “có tâm” nhưng Yêu đi, đừng sợ! vẫn không quên thể loại của mình là tình cảm – hài. Chính vì vậy các chi tiết hài được đan xen khéo léo vào cốt truyện, tạo các tình huống ngang trái nhưng vẫn khá duyên. Công “chọc cười” khán giả chính thuộc về nam diễn viên Kiều Minh Tuấn. Ngôi sao Em chưa 18 sở hữu khuôn mặt với biểu cảm “nhìn đã thấy hài”.
Video đang HOT
Yếu tố hài hước trong phim thành công nhờ cách xây dựng nhân vật tự nhiên, có độ ăn ý nhịp nhàng. Dàn nhân vật phụ không quá mờ nhạt mà cũng không bị “lố”.
Đến nay, Yêu đi, đừng sợ! đã được xếp vào nhóm phim Việt hóa thành công, trung thành bản gốc đồng thời có nhiều biến tấu hợp lý. So với một số bản remake khác như Sắc đẹp ngàn cân, Bạn gái tôi là sếp, bộ phim được đánh giá cao hơn hẳn.
Theo VNE
'Yêu đi đừng sợ': Remake không bê nguyên xi, nhưng cần thêm sáng tạo
"Yêu đi đừng sợ" là bộ phim remake (làm lại) có nhiều điểm sáng nếu so với sự nhạt nhòa của "Sắc đẹp ngàn cân" mới đây, nhưng sẽ trở nên hay hơn nếu đạo diễn quyết tâm sáng tạo.
Trailer bộ phim 'Yêu đi đừng sợ!' Phiên bản Việt hóa của "Spellbound" (2011) với Ngô Kiến Huy và Nhã Phương trong hai vai chính.
Thể loại: Lãng mạn, hài hước, kinh dị
Đạo diễn: Stephane Gauger
Diễn viên chính: Nhã Phương, Ngô Kiến Huy, Kiều Minh Tuấn, Puka, Ái Phương, Lê Hạ Anh
Tôi xem Yêu đi đừng sợ trước khi xem Spellbound (2011) của Hàn Quốc để tránh bị định kiến ngay từ đầu. Sau khi xem cả hai, tôi có thể tự tin để nói rằng bản làm lại của đạo diễn Việt kiều Stephane Gauger không hề thua kém so với tác phẩm gốc của đạo diễn Hwang In-ho.
Phiên bản Việt gần như trung thành với Spellbound, nhưng nó không cho người xem cảm giác đạo diễn lười biếng và kém sáng tạo, "ăn sẵn" trên những chất liệu đã có mà có những xử lý mang dấu ấn cá nhân, cho dù là những dấu ấn cá nhân này chưa tạo ra những thay đổi mang tính đột phá.
Yêu đi đừng sợ là phim làm lại từ tác phẩm Spellbound của điện ảnh Hàn Quốc.
Lãng mạn, hài kết hợp kinh dị
Yêu đi đừng sợ kể về mối quan hệ bất thường giữa ảo thuật gia trẻ Tùng (Ngô Kiến Huy) với Phương (Nhã Phương), cô gái xinh đẹp nhưng có vẻ ngoài buồn bã và cách ứng xử lập dị. Bị cuốn hút bởi vẻ đẹp bí ẩn của Phương, Tùng mời cô làm cộng sự. Phương trở thành nguồn cảm hứng để Tùng sáng tạo ra một màn ảo thuật hấp dẫn mang màu sắc tâm linh.
Thế nhưng, càng dấn sâu vào mối quan hệ này, Tùng càng phát hiện ra những biểu hiện... bất thường ở Phương, từ tật xấu thích xé áo của đối phương khi uống rượu say đến những khả năng đáng sợ như nhìn thấy ma. Và ai chơi thân với cô cũng bị "lây" khả năng kì lạ này.
Dù là một ảo thuật gia sợ ma và đã có người yêu là một cô siêu mẫu, Tùng vẫn bị hấp dẫn bởi sự bí ẩn của Phương, bất chấp việc anh được cảnh báo là phải mua bảo hiểm tính mạng trước khi quen cô...
Yêu đi đừng sợ là một bộ phim kết hợp giữa ba thể loại: lãng mạn, hài và kinh dị. Chúng được hòa trộn khá nhuần nhuyễn trong phiên bản gốc, giúp bộ phim ít nhiều thoát ra được những khuôn sáo và công thức trong thể loại rom-com (lãng mạn hài).
Rõ ràng với một bộ phim như thế này, trước sau gì ta cũng biết được một cái kết "happy ending" (có hậu) giữa Tùng và Phương. Nhưng nếu chỉ xử lý chất liệu trên hai thể loại vốn thường đi với nhau là lãng mạn và hài, tác phẩm sẽ khó hấp dẫn nổi người xem đương đại vì sự lặp lại đến sáo mòn.
Chất liệu kinh dị với một chút siêu thực, tâm linh khiến Yêu đi đừng sợít nhiều có những mảng miếng sáng tạo, đồng thời có thể hù dọa được khán giả, tăng thêm chất xúc tác cho bộ phim.
Khả năng nhìn thấy ma của Phương bắt đầu từ một bi kịch trong quá khứ. Và điều kỳ lạ là khả năng kỳ quái đó như một thứ dịch bệnh, khiến bất cứ ai chơi thân với Phương bị "lây nhiễm", khiến họ thất kinh hồn vía, không dám gần gũi cô. Đó là cơ hội để anh chàng ảo thuật gia sợ ma dám vượt qua lời nguyền nếu muốn đến với tình yêu đích thực của đời mình.
Như đã nói, Yêu đi đừng sợ trung thành với chất liệu, thể loại của Spellbound. Nhưng xem phiên bản Việt ra đời sau 6 năm, chúng ta có thể thấy được một vài xử lý khá sáng tạo về kịch bản, đặc biệt là việc hóa giải lời nguyền ma quái.
Yêu đi đừng sợ trung thành với phiên bản gốc nhưng có sự sáng tạo riêng.
Việc xử lý kịch bản mang dấu ấn cá nhân và hợp lý hơn, khiến đoạn kết của phiên bản Việt nghiêng về một bộ phim lãng mạn thuần túy, so với chất lãng mạn và hài (nhây) của phiên bản gốc. Phim cũng có nhiều sáng tạo về khuôn hình, dàn cảnh và chỉ đạo diễn xuất, tránh được tình trạng "bê nguyên xi" những cảnh trong bản gốc đưa vào bộ phim làm lại.
Sự trở lại của Stephane Gauger
Trước khi đạo diễn phim remake này, Stephane Gauger là một nhà quay phim, biên kịch, đạo diễn Việt kiều được giới trong nghề đánh giá khá cao. Anh từng có trong tay hai bộ phim nói tiếng Việt là Cú và chim se sẻ và Sài Gòn Yo!.
Những trải nghiệm thực tế ở Việt Nam và tình yêu với đất nước mà anh có một nửa dòng máu trong huyết quản giúp hai bộ phim của Stephane Gauger khá gần gũi với khán giả Việt Nam. Anh lựa chọn thể loại phim độc lập ít tiền, phong cách máy quay cầm tay rung lắc, ít xử lý bối cảnh, sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Cú và chim se sẻ (2007) ít nhiều gây được tiếng vang và đoạt một số giải thưởng ở một số LHP quốc tế trên thế giới (giải khán giả bình chọn tại LHP Los Angeles và hai đề cử khá quan trọng tại các giải thưởng điện ảnh độc lập nổi tiếng của Mỹ là Independent Spirit và Gotham Awards).
Sau khi Sài Gòn Yo! (2011) thất bại về doanh thu, sáu năm sau Stephane Gauger mới trở lại Việt Nam và thực hiện bộ phim thứ ba Yêu đi đừng sợ. Rất có thể đây sẽ là tác phẩm mở đường để anh chính thức chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp điện ảnh của mình sau những đạo diễn Việt kiều thành danh như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Hàm Trần...
Đạo diễn Stephane Gauger.
Yêu đi đừng sợ là một bộ phim làm lại sạch sẽ và có thể nói là thành công, nhưng cũng không thể nói đây là bước đột phá về tay nghề của Stephane Gauger. Việc xử lý một sản phẩm mà yếu tố thương mại được đặt lên hàng đầu khiến đạo diễn vốn xuất thân từ dòng phim độc lập phải hạn chế khả năng kể chuyện mang màu sắc cá nhân.
Không chỉ vậy, với một bản gốc chỉ dừng ở mức là một bộ phim lãng mạn hài kinh dị về đề tài tình yêu, phiên bản làm lại khó có thể tạo thành một thành công mang tính đột phá hay hiện tượng của điện ảnh. Chưa kể, một vài điểm hạn chế về "chất Việt kiều" chưa được "Việt hóa" hoàn toàn khiến một vài cảnh hài trong phim khá gượng gạo.
Với Yêu đi đừng sợ, Stephane Gauger không chỉ Việt hóa một bộ phim Hàn, mà còn phải Việt hóa chất "Việt kiều" của chính anh.
Hơn và thua so với bản gốc
Như công thức của những bộ phim thương mại Hàn Quốc, đặc biệt là dòng phim lãng mạn hài, bên cạnh các nhân vật chính luôn phải có tuyến nhân vật phụ hỗ trợ. Và đôi lúc họ còn lấn át cả tuyến chính bởi sự duyên dáng hay những hành xử kỳ quặc.
Trong Spellbound, tuyến chính do hai diễn viên Lee Min-ki và Son Ye-jin đều khá tròn vai và họ giữ được sự thăng bằng xuyên suốt bộ phim. Còn ở Yêu đi đừng sợ, sự đuối sức hoặc không hợp vai của Ngô Kiến Huy khiến anh phải chật vật với vai nhân vật chính.
Do quen đóng khung với những vai hài bắng nhắng trong những bộ phim dành cho tuổi mới lớn, Ngô Kiến Huy rõ ràng vẫn còn thiếu một "level" để vào vai nam chính trong Yêu đi đừng sợ khi vai diễn đòi hỏi cân bằng giữa yếu tố bi và hài, chất láu lỉnh nhưng cũng không kém phần trưởng thành của nhân vật.
Nhã Phương diễn xuất tốt hơn ở những cảnh bi như sở trường của cô, nhưng lại "đuối" và kém duyên ở những mảng miếng hài hoặc thiếu tự nhiên ở lối hành xử có phần kỳ quặc, lập dị của nhân vật nữ chính.
Bù đắp cho sự thiếu hụt của bộ đôi nhân vật chính, tuyến nhân vật phụ của Yêu đi đừng sợ lại tỏ ra chắc tay và duyên dáng hơn so với bản gốc của Hàn, từ anh chàng cộng sự kiêm quân sư Phúc (Kiều Minh Tuấn) đến hai cô bạn "chuyên gia tư vấn" cũng kỳ quái không kém Phương, do Puka và ca sĩ Ái Phương đóng.
Spellbound lộ không ít điểm yếu như dài dòng, thiếu độ kết dính giữa những cảnh lãng mạn và hài, giữa hài và kinh dị, khiến nó khá lê thê ở đoạn giữa và thiếu độ cao trào ở đoạn kết. Phiên bản Việt lặp lại điểm yếu này, đặc biệt là những đoạn hài kém duyên (Phương đi coi mắt bạn trai do người mẹ sắp đặt từ xa hay anh chàng điển trai do Tùng mai mối).
Đây có lẽ là một vấn đề mà những nhà biên kịch của phim làm lại cần chú ý: dám dũng cảm cắt bỏ những cảnh thừa mứa hay không đủ độ duyên dáng trong bộ phim gốc, hoặc không phù hợp với khán giả bản địa. Còn với đạo diễn Việt kiều, họ cần có một chuyên gia ngôn ngữ tư vấn để những cảnh hài hước hay chọc cười mang màu sắc Việt Nam.
Tuyến nhân vật phụ của Yêu đi đừng sợ khá duyên dáng và chắc tay.
Yêu đi đừng sợ của điện ảnh Việt năm 2017 so với Spellbound của điện ảnh Hàn năm 2011 có thể nói là ngang ngửa, ngay cả ở những cảnh xử lý kỹ xảo, bối cảnh dàn dựng cầu kỳ (những màn ảo thuật của Tùng phải nói là khá ấn tượng) và hình thức bắt mắt của dàn diễn viên (dàn diễn viên Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn so với bản Hàn).
Tuy nhiên, có lẽ điều cần hơn với các đạo diễn của những bộ phim remake là họ dám dũng cảm sáng tạo khi xử lý bản gốc và đưa vào đó nhiều dấu ấn cá nhân của mình, nhiều màu sắc văn hóa của khán giả mà họ muốn chinh phục.
Có như vậy, xem một bộ phim làm lại mới giúp khán giả thấy rõ yếu tố bản địa và màu sắc văn hóa địa phương, thay vì phải xem lại một bộ phim Hàn chỉ thay diễn viên và bối cảnh.
Và vì thế, Yêu đi đừng sợ mới chỉ dừng lại ở mức là một bộ phim xem được, chứ khó lòng để tạo nên một hiện tượng như Em là bà nội của anh.
Theo Zing
Ngô Kiến Huy làm ảo thuật ở buổi ra mắt phim 'Yêu đi, đừng sợ!' Nam diễn viên trổ tài ảo thuật, biến Only C thành Nhã Phương sau khi nam rapper bước vào trong một chiếc hộp. Tối 22/8, Nhã Phương cùng đoàn phim dự ra mắt phim Yêu đi, đừng sợ! tại TP.HCM. Ngô Kiến Huy và Nhã Phương đảm nhận hai vai chính trong phim. Bên cạnh đó là sự tham gia của dàn diễn...