Yêu cuộc sống, hiểu sự đời hơn khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn
Đã 16 năm kể từ khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm. Nhạc phẩm của ông vẫn ngân vọng, vẫn làm người nghe mới – cũ đắm say. Chất u buồn còn đó, nhưng cũng không thể chối từ.
Gần như ai cũng thừa nhận, nhạc của Trịnh Công Sơn buồn lắm, triết lý lắm, sâu sắc lắm và cũng khó hiểu lắm. Chẳng mấy ai có thể cảm thấu được đầy đủ những tầng lớp nghĩa mà cố nhạc sĩ gửi gắm trong mỗi sáng tác của mình.
Chỉ biết rằng, âm nhạc của ông luôn làm người nghe thổn thức đồng cảm và ngưỡng mộ, dù ông viết về thân phận con người, về mẹ, về những người phụ nữ, về tình yêu hay những giằng xé khác giữa cuộc đời.
Cũng không ít lần người nghe nhạc Trịnh như bừng tỉnh giữa cơn buồn, để thấy trái tim được ru dịu, được sẻ chia, để trở nên mạnh mẽ hơn và vì thế, tha thiết yêu thêm cuộc sống. Nhạc Trịnh cũng không ít lần rực cháy, đủ truyền lửa cho nhiều thế hệ và hân hoan niềm vui.
Nối vòng tay lớn – một khúc ca rực lửa
“Rừng núi dang tay nối lại biển xưa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mảnh đất bao la, anh em ta về, gặp nhau mừng như bão táp quay cuồng trời rộng/ Bàn tayy nắm nối một vòng Việt Nam…”
Những câu hát từ trái tim yêu nước thiết tha của người nhạc sĩ tài hoa đã thực sự lay động, lan tỏa. Từ giữa thập niên 1960, Nối vòng tay lớn đã trở thành bài hát mở đầu trong tất cả cuộc sinh hoạt tập thể của sinh viên học sinh trên khắp cả miền Nam. Bài hát ra đời nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, khát vọng thống nhất đất nước.
Ca khúc này còn đi vào lịch sử trưa ngày 30/4/1975. Khi người dân nô nức xuống đường, hân hoan mừng ngày thống nhất đất nước, Trịnh Công Sơn đã có dịp cất tiếng hát qua Đài phát thanh Sài Gòn. Bài hát cất lên trong bối cảnh vĩ đại ấy đã khiến tất cả người nghe xúc động cùng hát vang.
Để gió cuốn đi – “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”
Danh ca Khánh Ly – người đã có thời gian dài gắn bó với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể lại rằng: “Thời đó tôi nghèo lắm. Không có tiền, sống trong một ngôi nhà ngổn ngang những sách với báo cùng một đám bạn trai nhưng tôi chẳng để ý đến ai cả. Lúc đó tôi chỉ cần tiền thôi vì một tấm áo dài hay một đôi giày mãi cũng không có được. Vậy mà hỏi anh Sơn “Cuộc sống cần nhất điều gì” thì anh bảo trong cuộc sống chỉ cần một tấm lòng, lúc đó tôi không hiểu. Tôi nghĩ “Tấm lòng để ăn à?”.
Đây có lẽ chính là cảm hứng để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác bài hát Để gió cuốn đi. Với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, con người sống không chỉ để tồn tại mà sống “cần có một tấm lòng”, có tình yêu thương hơn hết thảy, dù tấm lòng cuối cùng cũng chỉ để “gió cuốn đi”. Người nhạc sĩ cũng thiết tha “hãy yêu ngày tới”, dù ngày hôm qua, ngày hôm nay trôi qua theo cách nào…
Tôi ơi đừng tuyệt vọng – “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”
Tôi ơi đừng tuyệt vọng là ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác dựa trên câu chuyện tình của ông và một nàng Á hậu xinh đẹp – người đã mang đến cho ông những cảm xúc tình yêu mãnh liệt.
Tình yêu ấy tưởng sẽ bên người nhạc sĩ mãi mãi nhưng bỗng một ngày nàng ra đi để lại trong lòng Trịnh Công Sơn sự hụt hẫng, nỗi buồn vô bờ. Cuộc tình dang dở ấy đã trở thành niềm cảm hứng để Trịnh Công Sơn cho ra đời nhạc phẩm Tôi ơi đừng tuyệt vọng.
“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.
Video đang HOT
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này….”
Bằng một cách dung dị nhất, các thế hệ nối tiếp thế hệ, bất chấp khoảng cách, những trái tim rã rời vì tình yêu lại tìm đến Tôi ơi đừng tuyệt vọng như một “liều thuốc” xoa dịu nỗi đau và thắp thêm cho mình niềm tin sống. Nhịp điệu “tôi ơi đừng tuyệt vọng” và “tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này” cứ ngân vọng như một tiếng chuông thức tỉnh của riêng mỗi người.
Hãy yêu nhau đi – Ca khúc khiến người nghe thèm yêu
Ca khúc này được Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1970, giữa thời bom đạn ác liệt, sự sống trở và cái chết luôn cận kề.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lên ca khúc này như giục giã mọi người rằng, hãy yêu nhau đi vì cuộc sống này ngắn ngủi lắm, hãy biết trân trọng từng phút giây bên nhau.
Nếu yêu có thể khiến con người ta quên đi mọi thương đau, quên đi mọi u tối và chỉ còn lại những hạnh phúc đong đầy như những câu hát: “Hãy trao cho nhau muôn ngày yêu dấu/ Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau/ Trái tim cho ta nơi về nương náu/ Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều” thì chắc hẳn ai cũng sẽ muốn yêu và được yêu.
Mưa hồng – “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”
Mưa hồng là một trong những tình khúc của Trịnh Công Sơn được nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Mưa hồng là nỗi nhớ nhung, luyến tiếc, khắc khoải về một tình yêu nhưng người nghe không hề nghe thấy sự bi lụy. Ngược lại, phủ lên tất cả sắc buồn là sự trân trọng, trân quý mỗi khoảnh khắc được sống, được yêu.
Và cuối cùng, sau tất cả vẫn là một lẽ sống thiết tha “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Ru tình – “Ru em mãi yêu người”
Ru tình là ca khúc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng riêng cho một cô ca sĩ người Nhật. Vì muốn sang Việt Nam để gặp Trịnh Công Sơn mà cô ca sĩ đã bị tai nạn và mãi ra đi.
Quá thương xót và đau buồn cho cô gái tài hoa bạc mệnh nên Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc Ru tình. Ru tình là lời ru một mối tình không có thật nhưng lại đẹp đẽ vô cùng, khiến người nghe có thêm niềm tin và động lực vào tình yêu.
Em là hoa hồng nhỏ – Khúc ca trẻ thơ rộn rã
Nhắc đến Trịnh Công Sơn, người ta thường nghĩ ngay đến những tình khúc vượt thời gian mà ít nhờ rằng, ông là một nhạc sĩ sáng tác rất nhiều ca khúc nhạc thiếu nhi nổi tiếng.
Một trong số đó là bài hát Em là hoa hồng nhỏ và người thể hiện bài hát này đầu tiên chính là “cô Bống” Hồng Nhung, khi ấy mới 14 tuổi. Bài hát viết về những mơ ước của trẻ nhỏ, về ước mong cho trẻ em được lớn lên, được tươi đẹp như là mùa xuân của mẹ, như là màu nắng của cha.
Tuổi đời mênh mông – Những ngày tuổi trẻ tươi đẹp
Bài hát Tuổi đời mênh mông được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1982. Ông từng nhận xét: “Thế hệ trẻ hôm nay đẹp hơn ngày xưa nhiều”, có lẽ vì vậy cố nhạc sĩ đã viết lên ca khúc này dành riêng cho tuổi trẻ. Cũng như để nói với mọi người rằng, cuộc sống này mênh mông tươi đẹp lắm và hãy cứ vô tư đón nhận.
Theo VTV
Trịnh Công Sơn qua lời kể của bạn: Một người đã đi vào cõi bất tử
Mười sáu năm qua, Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi bất tử. Anh chọn ngày cá tháng tư- ngày nói dối toàn thế giới để ra đi.
Hóa ra, tin anh đi khỏi cuộc đời này, về thực chất là một tin bịa đặt. Trịnh Công Sơn không bao giờ chết khi các ca khúc tuyệt vời của anh còn sống mãi với dân tộc. Trịnh Công Sơn là bạn với cả nước. Hỏi có gia đình Việt nào không một lần mê mẩn vì các ca khúc "gây nghiện" của anh.. Trong chừng mực ấy, kẻ viết bài này cũng là bạn của Trịnh.
Nhớ cuối năm 1992, ngồi uống café với Trịnh Công Sơn trước Hội Âm nhạc TP.HCM. Anh bảo: "Hảo có thơ gì mới đọc cho mình nghe với ?". Hầu như lần nào gặp nhau, có cơ hội yên lặng là anh hỏi tôi có làm được bài thơ nào mới, đọc cho "moi" nghe chơi !
Thơ phú lênh láng một hồi xong, Trịnh Công Sơn bảo : "Mình sắp in một tập nhạc có tựa đề: "Bên đời hiu quạnh", đã xin được giấy phép, do Hội Âm nhạc thành phố đứng ra in, đây là tập nhạc đầu tiên của mình được phép ra trong chế độ mới (CS) nên phải cẩn thận. Từng bản nhạc đã được "cơ quan chức năng" duyệt, kể cả lời tựa do bạn mình là Bửu Ý viết. Mình muốn Hảo viết cho mình mấy dòng in trân trọng nơi bìa bốn, đồng ý chứ?".
Nữ ca sĩ Khánh Ly tưởng niệm bên mộ cố nhạc sĩ nhân ngày mất của ông.
Tôi hơi bất ngờ, bảo anh: " Anh Sơn này, theo Hảo, anh nên mời anh Nguyễn Quang Sáng hoặc anh Nguyễn Duy, hai bạn nhậu của anh viết cho có phải thú vị hơn không?". Anh Sơn bảo: "Sáng và Duy có viết về mình mấy bài in báo, nhưng dài quá, không thể trích mấy dòng nơi bìa bốn của tập nhạc được; vậy "moi" mới nhờ Hảo, cũng muốn có một kỷ niệm với Hảo cho vui...". Tôi đồng ý!
Hai ngày sau tôi chưa kịp viết thì anh Trịnh Xuân Tịnh, người em trai thứ hai của anh Sơn tìm tôi giục, rằng: " Bìa một đã làm, anh Sơn bảo chờ mấy dòng của anh Hảo mới làm tiếp bìa bốn của tập nhạc...". Tôi ngồi viết ngẫu hứng mấy dòng sau đưa cho anh Tịnh:
"Nghệ thuật hi vọng của Trịnh Công Sơn là nghệ thuật băng qua tuyệt vọng, có đi qua lò bát quái của phần số, nhân tính mới còn cơ phát lộ. Trong lò lửa luyện ngục của anh, chúng ta được gặp cái mát lành của tuyết đầu mùa. Anh chỉ ra rằng băng tuyết cũng có thể dùng để sưởi ấm.
Anh làm ta tin vào khả năng lặng im của loài quạ. Thực ra thiên chức của nghệ thuật là thức tỉnh nỗi cô đơn cùng tận của con người. Chính cô đơn là hình ảnh tư duy của chàng Hamlet.
Chừng như sự chết và hư vô là hai tên gọi khác của nỗi cô đơn? Thức tỉnh nỗi cô đơn, nghệ thuật đồng thời cũng thức tỉnh cả cái chết và niềm hư vô. Âm nhạc của Sơn làm ta có cảm giác vừa rơi lên đỉnh vực nỗi cô đơn. Chỉ có thể đi hết cái tôi, chúng ta mới có cơ gặp cả loài người" - Trần Mạnh Hảo 10-1992 (Bìa bốn, tập nhạc BÊN ĐỜI HIU QUẠNH -TRỊNH CÔNG SƠN -Tình khúc -Nhân Bản 1993 - Hội Âm Nhạc TP-Giấy phép xuất bản số 345 ngày 9 tháng 01 năm 1993 - In và nộp lưu chiểu tháng 06 năm 1993)
Bằng thiên tài của mình, quả thực Trịnh Công Sơn đã đi hết nỗi cô đơn kiếp người, đi hết niềm hư vô và đi băng qua cái chết để đến với sự bất tử của anh trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới. Trịnh Công Sơn không chỉ là một hiện tượng âm nhạc hậu bán thế kỷ thứ XX của ViệtNam; anh còn là một hiện tượng văn hóa của dân tộc đau thương và bất hạnh vào bậc nhất của thế giới này.
Tuồng như không phải anh cô độc ôm đàn hát lên nỗi niềm day dứt mê ly của mình mà chính là những vết thương của lịch sử đang cất tiếng hát, vết thương của nỗi cô đơn, vết thương của tình yêu, vết thương của bất hạnh và hạnh phúc, vết thương của vô thường, vô ngã, vô vi, vô ưu, vô vọng, vô biên, vô lượng ... cùng cất tiếng hát.
Trịnh Công Sơn, chính anh mới là cây đàn của mẹ Việt Nam. Mẹ Việt Nam đã ôm anh vào lòng như bức tranh người đàn ông ôm cây Tây Ban Cầm của Pablo Picasso để hát lên tình yêu và nỗi buồn vô tận của kiếp người.
Hay nỗi buồn mượn anh mà hát lên những giai điệu có thể làm "đá ngây ngô" cũng ứa nước mắt ? Hay cỏ cây, mây trời, núi sông, ruộng đồng... đã mượn anh mà hát lên nỗi niềm vạn thưở của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...?
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không chỉ là ma thuật giai điệu hài hòa với phần lời rất thi ca sâu thẳm mà còn là thiền học, triết học cất lời, rót vào tâm hồn người cả nỗi ưu tư của đất trời, những thắc thỏm, u hoài trần thế, những băn khoăn, day dứt, sầu thương, hoài vọng, hoài nghi, hụt hẫng, ngơ ngác nhân sinh.
Tôi cho rằng một số nhạc sĩ chê phần nhạc của Trịnh Công Sơn là đều đều, đơn điệu... là vô căn cứ nếu không phải là do đố kị tài năng. Nhạc Trịnh bỏ lời đi, vẫn vô cùng quyến rũ, vẫn làm mê mẩn hàng triệu người. Phần lời của nhạc Trịnh quả tình siêu việt, là thi ca được hát lên. Bằng chứng là rất nhiều bài hát Trịnh Công Sơn được hòa tấu không lời vẫn cứ tuyệt vời, làm thổn thức hàng triệu triệu trái tim người nghe.
Đánh tên Trịnh Công Sơn lên công cụ tìm kiếm Google, sẽ thấy rất nhiều bài báo vu cho Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, là tên văn công hạng bét, là phản bội Việt Nam Cộng Hòa, nơi đã sản sinh ra thiên tài Trịnh... Ngay cả một người bạn thân của anh Sơn là họa sĩ Trịnh Cung cũng cho Trịnh có ý đồ chính trị...
Không, Trịnh Công Sơn trước hết là một con người phi chính trị, một văn nghệ sĩ thuần túy. Âm nhạc của anh vượt lên mọi đối kháng chính trị trong suốt cuộc chiến Việt Nam.
Nếu Trịnh từng là Việt Cộng nằm vùng, không đời nào năm Mậu Thân 1968, anh lại viết bài hát "Tôi đã thấy": "Chiều đi lên Bãi Dâu hát trên những xác người..." than khóc cho hàng nghìn người bị tàn sát ?
Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, không bao giờ anh viết về cuộc chiến Việt Nam là: "hai mươi năm nội chiến từng ngày"? Nếu Trịnh là Việt Cộng, không bao giờ anh dám viết bài hát (Requiem - Kinh cầu hồn) "Cho một người nằm xuống" là đại tá Lưu Kim Cương bị quân đỏ bắn chết năm Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất?
Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, sau năm 1975, sinh viên Huế sao lại dám mang nhạc anh ra đấu tố, anh phải đi lao động cải tạo trồng sắn trên núi; và quan trọng hơn là nhạc của anh nhiều năm liền vẫn bị cấm hát? Anh phải bỏ Huế vào Sài Gòn sống với mẹ và các em.
Sau năm 1975, tôi có dịp sinh hoạt chi bộ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc anh Sáng bắt đầu cặp kè với Trịnh Cộng Sơn như bóng với hình. Chi bộ hỏi anh Sáng về chuyện đó, anh Sáng khai: "Thành ủy và anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) chỉ thị cho tôi bám sát Trịnh Công Sơn để lôi kéo anh ta về phía cách mạng. Trên bảo: "Nhạc sĩ này là thành phần đáng ngờ, có thể anh ta từng làm việc cho CIA, cần phải theo dõi anh ta trong mọi nơi mọi lúc".
Có thể vì chưa hiểu được nhiệm vụ cách mạng này của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà nhà văn Đặng Tiến (bên Pháp) mới viết rất không đúng rằng: "Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Duy điếu đóm cho Trịnh Công Sơn" chăng?
Có thể vài bài hát của Trịnh Công Sơn như: "Huyền thoại mẹ", "Em ở nông trường em ra biên giới", "Ngọn lửa Matxcơva"... anh làm trong lúc bị "phê" rượu Tây với sự tranh thủ hết sức thân tình của Nguyễn Quang Sáng chăng?
Nếu anh Sơn là Việt Cộng, anh đã để cho nhà nước tổ chức đám tang mình ở Hội văn nghệ hay tại nhà tang lễ Lê Qúy Đôn giành cho những cán bộ công khai và cán bộ ngầm có công với hai cuộc kháng chiến. Anh Sơn trối lại cho các em là tang lễ anh sẽ chỉ tổ chức tại nhà mình 37D Phạm Ngọc Thạch mà thôi !
Nếu anh Sơn là Việt Cộng nằm vùng, ít nhất anh đã được giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật ?
Trịnh Công Sơn không phải người của quân đỏ hay quân xanh. Anh là con của mẹ Việt Nam, đến đất mưa bom bão đạn này để hát lên niềm hi vọng về nỗi tuyệt vọng con người, hát lên tình yêu bi thảm kiếp người, hát lên nỗi buồn mang mang thiên cổ nhân sinh của một gã du tử đến từ khu vườn các thiên sứ.
Nữ danh ca Khánh Ly bên mộ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Chừng như từ khi sinh ra Trịnh Công Sơn đã bị thần thi ca, thần âm nhạc Apollon cướp mất cả hồn xác, biến anh thành âm nhạc, thành thi ca thuần túy. Bao nhiêu người đàn bà đẹp mê anh, yêu anh chừng như đã không giành được thân xác anh và linh hồn anh mãi mãi? Tình yêu anh đã hiến tế cho âm nhạc, thi ca, cho triết học, thiền học, không còn chỗ cho phái đẹp cư trú.
Những người đàn bà ghé qua âm nhạc anh trú ngụ ít ngày rồi cũng "bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ". Nói cho cùng, tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho các người đẹp là một tình yêu thiên sứ. Mà thiên sứ thì chỉ yêu bằng tâm hồn thôi! Còn thể xác anh đã tận hiến cho đất trời, cho cát bụi, cho Phật, cho Chúa...cho âm nhạc của mình muôn thưở trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Mười mấy năm trước, Trịnh Công Sơn đã mang nguyên vẹn niềm trinh nguyên thiên sứ của mình về với cát bụi để mãi mãi thủy chung cùng cõi hư vô, thủy chung cùng thần Apollon mà bất tử với cây đàn Lia vĩnh cửu trên Niết Bàn ẩn cư trong trái tim mỗi người Việt yêu nhạc Trịnh.
Theo NS
Khánh Ly và những điều chưa tiết lộ về Trịnh Công Sơn Trong buổi trà đàm được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/3 vừa qua, nữ danh ca Khánh Ly đã tiết lộ những điều chưa từng kể về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khánh Ly và những điều lần đầu tiết lộ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Năm 2000, trước khi về Mỹ, nữ danh ca Khánh Ly đến...