Yêu cầu xe khách vào đường cấm để tưởng nhớ chồng
Chủ xe khách thừa nhận đã yêu cầu tài xế điều khiển xe vào đường cấm để tưởng nhớ người chồng quá cố.
Công an TP Huế (Thừa Thiên – Huế) ngày 2/8 cho biết vừa ban hành quyết định xử phạt 1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1 tháng đối với tài xế Trần Kỳ Thiện (45 tuổi, trú TP Huế) về hành vi điều khiển ôtô vào đường cấm.
Xe khách vào đường cấm trong khu vực thành nội – Huế. Ảnh: Trang Hue-S.
Trước đó, người dân phản ánh đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên – Huế (Hue-S) bày tỏ thắc mắc về việc một ôtô khách loại 42 chỗ vẫn thường xuyên ra vào và đậu tại đường Lương Ngọc Quyến. Trong khi đó, các cửa ra vào Thành nội – Huế đều đã cắm bảng hạn chế tải trọng 5 tấn và hạn chế xe khách là 16 chỗ.
Video đang HOT
Nhận phản ánh, Công an TP Huế đã chỉ đạo xác minh, làm việc với chủ phương tiện trên để xử lý theo quy định.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Dương Thị May (chủ xe xe khách), cho biết gia đình bà sử dụng ôtô để kinh doanh vận tải hành khách tuyến Huế – TP.HCM, thường đón trả khách tại Bến xe phía nam TP Huế.
Bà May thừa nhận ngày 8/7 có yêu cầu tài xế Thiện điều khiển vào khu vực Thành Nội tại đường Lương Ngọc Quyến (phường Tây Lộc, TP Huế) với mục đích tưởng nhớ ngày mất của chồng (chồng bà May từng điều khiển ôtô này).
“Tôi biết việc đưa xe quá tải trọng vào khu vực nội thành là trái quy định. Vì vậy, sau khi tổ chức ngày giỗ của chồng, tôi đã đưa xe trở về lại Bến xe phía nam”, bà May, trình bày.
Quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải bằng xe ô tô
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Kiểm tra xe khách trước khi xuất bến. (Ảnh minh họa)
Theo đó, sau khi được giao nhiệm vụ và trước khi cho xe khởi hành, người lái xe được giao nhiệm vụ vận chuyển phải thực hiện kiểm tra đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện (riêng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện kiểm tra theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị) tối thiểu các nội dung chính gồm: Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe (đối với những xe bắt buộc phải lắp theo quy định) đảm bảo tình trạng hoạt động tốt; kiểm tra hệ thống lái; kiểm tra các bánh xe; kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe.
Trước khi cho xe khởi hành thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người lái xe nhận nhiệm vụ phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe.
Khi xe đang hoạt động trên đường, bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: Theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông. Các thông tin về việc chấn chỉnh, nhắc nhở khi người lái xe vi phạm phải được ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị để theo dõi.
Người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông trong quá trình điều khiển phương tiện để vận chuyển hành khách, hàng hóa, chấp hành quy định về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của người lái xe, quy định về tốc độ, hành trình chạy xe, thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại phương tiện phải lắp) đảm bảo luôn hoạt động; báo cáo ngay thời gian, địa điểm và nguyên nhân khi xảy ra sự cố mất an toàn giao thông để đơn vị có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi người lái xe kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc, bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: thống kê quãng đường phương tiện đã thực hiện làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo theo đúng chu kỳ bảo dưỡng định kỳ; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện; thống kê các lỗi vi phạm về tốc độ xe chạy, vi phạm về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình bị gián đoạn; báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất an toàn giao thông trong quá trình xe hoạt động kinh doanh vận tải trên đường.
Người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ: Phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Nhiều bất cập trong quy định dán phù hiệu cho xe công nghệ Theo Nghị định số 10, từ ngày 1/4, các loại hình xe ôtô hợp đồng điện tử phải dán phù hiệu để nhận diện và quản lý, song đến nay vẫn còn nhiều chủ phương tiện chưa thực hiện quy định này. Từ ngày 1/4, Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô chính thức...