Yêu cầu thường xuyên kiểm tra an toàn đập Sông Tranh 2
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Tập đoàn điện lực VN chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2.
Đồng thời cung cấp các số liệu từ các thiết bị quan trắc đặt tại công trình về động đất xảy ra tại đập thủy điện này cho UBND tỉnh Quảng Nam, H.Bắc Trà My, các cơ quan liên quan của tỉnh để theo dõi, chỉ đạo và thông tin chính xác, kịp thời đến người dân trong khu vực. Bộ KH-CN được giao chủ trì khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất tại H.Bắc Trà My, báo cáo Thủ tướng đồng thời, tổ chức thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu các nguyên nhân gây rung chấn động đất.
* UBND tỉnh Quảng Nam ngày 14.9 phê duyệt phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập thủy điện A Vương năm 2012. Phương án do Công ty CP thủy điện A Vương lập, trong đó liệt kê những nội dung đã chuẩn bị như: xây dựng bản đồ báo mức ngập lụt, hệ thống thông tin – thông báo xả tràn tự động, lắp đặt 2 hệ thống còi hụ công suất lớn trang bị radio, loa phóng thanh cầm tay, áo phao cho lực lượng chức năng… Về tình huống mất an toàn do sự cố vỡ đập, Công ty CP thủy điện A Vương khẳng định “đây là vấn đề kỹ thuật phức tạp, cần có thời gian để tính toán”, nên công ty sẽ thuê đơn vị tư vấn lập phương án riêng và báo cáo trong thời gian tới.
Theo TNO
Video đang HOT
Rung chấn
Nhiều "kết luận" về đập thủy điện Sông Tranh 2, đang gây rung chấn xã hội không thua rung chấn do động đất gây ra.
Những rung chấn địa chất liên tiếp trong thời gian qua, mạnh dần đến 4,2 độ Richter, có lúc khiến người dân ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, hoảng loạn bỏ chạy.
Còn kết luận của đoàn khảo sát ở Viện Vật lý địa cầu, đưa ra sau 5 ngày làm việc, "các trận động đất không gây ảnh hưởng đến an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2", lập tức bị phản ứng "không thể tin".
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong nói: "Chưa có trạm đo động đất ở Bắc Trà My mà khẳng định đập Sông Tranh 2 không ảnh hưởng là không thể tin".
Ông Lê Quang Thanh, Vụ Khoa học tự nhiên (Bộ KH&CN), cho rằng phải lắp thêm nhiều trạm địa chấn và mất 3-4 năm nghiên cứu "mới kết luận được".
Hồi tháng 3-2012, đập thủy điện Sông Tranh đã khiến người dân huyện Bắc Trà My hoảng hốt vì thông tin nước rò rỉ qua đập. Đoàn công tác của Bộ Xây dựng khảo sát và chiều 21-3, thông báo nguyên nhân chính gây rò rỉ nước là không có đường ống thoát nước kết nối, khiến nước đọng chảy và thấm qua thân đập.
Tháng 6-2012, đập Sông Tranh 2 được đem ra tranh luận tại Quốc hội. Phiên chất vấn ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định "đập đã an toàn".
Nay lại rung chấn liên tục, vấn đề an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2 càng trở nên nghiêm trọng. Còn trong giai đoạn bảo hành hai năm mà đập đã "rò rỉ nước", thì tuổi thọ công trình sẽ thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nhận xét: "Trước tới nay, phát ngôn về đập Sông Tranh 2 đều thấy câu "đến nay đập vẫn an toàn", mà chưa ai dám khẳng định tương lai đập an toàn".
Phía dưới đập, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam Trần Xuân Thọ cho biết, có hơn 1,5 triệu dân. Đập cao 96 m, dung tích hồ chứa vào loại lớn nhất miền Trung, khoảng 730 triệu m3 nước.
Rung chấn xã hội của đập Sông Tranh 2, xoay quanh nỗi lo an toàn cuộc sống, tức là "văn hóa an ninh công trình", không phải giải quyết sự cố mà ở chỗ ngăn ngừa khủng hoảng.
Tại phiên chất vấn ở Quốc hội tháng 6-2012, sau khi các bộ trưởng giải trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Các đồng chí nói vậy tôi thấy rõ và yên tâm, nhưng cũng phải củng cố lại kết luận của mình. Bây giờ có phải di dân hay không, có chắc chắn là 3 an toàn không?". Câu hỏi đến nay chưa được trả lời.
Theo TPO
"Chẳng ai tin đập Sông Tranh 2 an toàn" Ai cho tích nước, người ấy phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. "Lãnh đạo và người dân tỉnh Quảng Nam đều không tin đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn sau các trận động đất vừa qua. Kết luận thời gian tới các trận động đất không thể vượt quá 5,5 độ Richter (ngưỡng an toàn của đập)...