Yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình “khủng” không phép ở Tràng An
Trước câu hỏi của PV Dân trí về việc tháo dỡ công trình liệu có trả lại được nguyên trạng vùng lõi Di sản Tràng An, ông Phúc cho biết, trong quá trình xây dựng, việc dùng máy móc thi công, tập kết nguyên vật liệu… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng lõi; việc tháo dỡ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Ông Phạm Xuân Phúc trao đổi tại cuộc họp báo sáng nay 6/3. (Ảnh Nguyễn Dương).
Sáng nay (6/3), Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã tổ chức cuộc họp báo để thông tin về kết quả thanh tra liên quan đến công trình vi phạm tại Khu Di tích lịch sử Tràng An ( Ninh Bình). Tại cuộc họp, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về công trình đường lên đỉnh núi Huyền Vũ (Cái Hạ) xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình nằm ngay trong vùng lõi Di sản Tràng An, lãnh đạo Bộ đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất xuống làm việc với Sở Du lịch và Sở VH-TT Ninh Bình trong ngày 5/3.
Qua kết quả làm việc, ông Phạm Xuân Phúc nhận định, việc Công ty Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tự ý xây dựng dựng công trình đường lên núi Cái Hạ với chiều dài hơn 1km, gồm cổng và hơn 2.000 bậc lên xuống là vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản.
“Sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, du lịch ở Ninh Bình phát triển rất mạnh. Riêng năm 2017, lượng khách du lịch đổ về đây đạt trên 7 triệu lượt người. So với thời điểm trước 2014 (thời điểm khi chưa được UNESCO công nhận) thì tăng 2 – 3 lần. Khi Tràng An được UNESCO công nhận, Bộ VH-TT&DL cùng UBND tỉnh Ninh Bình đã có nhiều biện pháp bảo vệ và khai thác – phát triển du lịch.
Tuy nhiên, rất lấy làm tiếc, từ giữa năm 2017 đã xảy ra sai phạm hết sức nghiêm trọng, đó là việc Công ty Du lịch Tràng An tự ý xây dựng công trình đường lên núi Cái Hạ với chiều dài hơn 1km với hơn 2.000 bậc lên xuống”, ông Phúc cho biết.
Công trình “khủng” không phép ở vùng lõi di sản thế giới Tràng An. (Ảnh: Thái Bá)
Theo ông Phạm Xuân Phúc, Thanh tra Bộ, Cục Di sản đã về kiểm tra, làm việc trực tiếp với Sở Du lịch, Sở VH-TT Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư tại điểm vi phạm. Qua làm việc có thể khẳng định đây là công trình không có hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng. Đơn vị này đã tự ý xây dựng từ giữa năm 2017, thời gian xây dựng 6 tháng, cho đến nay đã hoàn thành. BQL danh thắng Tràng An đã kiểm tra tuần tra phát hiện và lập biên bản.
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã có văn bản gửi huyện Hoa Lư đề nghị Hoa Lư chỉ đạo yêu cầu dừng thi công công trình này, thu dọn các nguyên vật liệu tập kết để trả lại nguyên trạng di tích.
UBND huyện Hoa Lư đã chỉ đạo cho xã Trường Yên và suốt từ tháng 8 đến tháng 12/2017, UBND xã Trường Yên đã có 5 văn bản gửi đến đơn vị xây dựng đề nghị dừng thi công, thu gom nguyên vật liệu, trả lại nguyên trạng mặt bằng cho Di sản Tràng An.
Tuy nhiên, dù đã có chỉ đạo nhưng công ty này không chấp hành và tiếp tục thi công. Đến giờ công trình này đã hoàn thành. Tại thời điểm đoàn Thanh tra đến kiểm tra, công trình này đã đón khách và lượng khách đổ về đây để đi qua con đường này lên núi rất đông.
“Căn cứ quy định của pháp luật, chúng tôi yêu cầu Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình được UBND Ninh Bình giao quản lý Quần thể danh thắng Tràng An khẩn trương báo cáo rồi phối hợp với các đơn vị liên quan, có biện pháp tháo dỡ khẩn trương công trình trái phép này để trả lại nguyên trạng vùng lõi di tích vì đây là Di sản thế giới… Làm việc với UBND Hoa Lư, chúng tôi cũng yêu cầu khẩn trương có biện pháp, chỉ đạo quyết liệt để kiên quyết tháo dỡ công trình này. Các đơn vị đã tiếp thu, hứa báo cáo lãnh đạo tỉnh và sớm nhất có biện pháp khắc phục”, ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, trong quá trình làm việc, bà Nguyễn Thị Cúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư thừa nhận, sự quản lý của huyện thiếu sát sao, chưa thường xuyên và có những lúc còn buông lỏng. Bản thân Sở Du lịch có 4 văn bản gửi cho huyện Hoa Lư đề nghị có biện pháp ngăn chặn việc xây dựng trái phép này nhưng UBND huyện Hoa Lư không hề có bất kỳ văn bản nào phản hồi.
Ông Phạm Xuân Phúc cho biết, qua làm việc, đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT&DL còn phát hiện, ngoài việc xây dựng trái phép công trình đường lên núi Huyền Vũ ở vùng lõi Di sản Tràng An, công ty này còn vi phạm nhiều lỗi khác.
Video đang HOT
Cụ thể, sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn viên; sử dụng phương tiện thuyền đò để chở khách du lịch tham quan nhưng đội ngũ lái đò chưa được tập huấn nên tiềm ẩn nguy cơ với khách du lịch; tự ý phát hành vé thu phí của khách với mức 45.000 đồng/vé chưa được phép của cơ quan thẩm quyền; tự ý phát hành – nhân bản các đĩa DVD tuyên truyền quảng cáo tới khách du lịch nhưng nội dung đĩa chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định và cho phép; tất cả các đĩa này chưa được dán tem lưu hành nên có thể khẳng định đĩa in sao trái phép.
Ngoài ra công ty này còn đăng các bảng biển giới thiệu về lịch sử nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Công ty này thậm chí còn tự “bịa” tên “Tràng An cổ” để gắn cho vùng tham quan này. Khi đoàn Thanh tra yêu cầu xuất trình hồ sơ – tài liệu nào của Nhà nước chứng minh đây là vùng “Tràng An cổ” thì đơn vị này không xuất trình được.
Bên cạnh đó, trong nhà ông Nguyễn Văn Son – Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An – còn trưng bày hàng chục tủ kính đề di vật cổ thời Đinh – Lê. Khi đoàn Thanh tra yêu cầu cung cấp tài liệu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về niên đại của các loại đồ cổ đó, ông Son cũng không cung cấp được.
Toàn cảnh điểm du lịch do ông Son tự đặt là Tràng An cổ sau đó đưa vào khai thác
Bến thuyền ko phép ở Tràng An cổ
Tiền lẻ vương vãi trong đền thờ ở khu Tràng An cổ (Ảnh: Thái Bá)
“Từ những sai phạm đó, chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Hoa Lư, Sở Du lịch Ninh Bình đình chỉ ngay lập tức toàn bộ hoạt động của công ty này. Toàn bộ cơ quan này tiếp thu, hứa sớm ra quyết định để đình chỉ hoạt động của công ty này. Chắc chắn UBND tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư và các đơn vị liên quan sớm có cuộc họp để bàn phương án giải quyết sai phạm”, ông Phúc khẳng định.
Trước câu hỏi của PV Dân trí về việc tháo dỡ công trình liệu có trả lại được nguyên trạng vùng lõi Di sản Tràng An, ông Phúc cho biết, trong quá trình xây dựng, việc dùng máy móc thi công, tập kết nguyên vật liệu… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng lõi; việc tháo dỡ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Chia sẻ thêm, ông Phạm Xuân Phúc cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể căn cứ Nghị định 158, điều 13 của Luật Di sản… mức xử phạt vi phạm này đối với cá nhân sẽ từ 30 – 40 triệu đồng, đối với tổ chức có thể lên 80 triệu đồng. Ngoài ra, dựa vào kết quả làm việc của UBND tỉnh Ninh Bình với các đơn vị, có thể sẽ xử lý sai phạm một cách nghiêm khắc hơn để nêu cao tính răn đe.
Nguyễn Dương – Hà Tùng Long
Theo Dantri
Cận cảnh công trình "khủng" trái phép trong di sản thế giới Tràng An
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An là vùng cấm, bảo vệ nghiêm ngặt, thế nhưng hàng trăm tấn bê tông cốt thép vẫn dễ dàng được vận chuyển vào vùng lõi để xây dựng công trình "khủng". Cả một di sản bị phá vỡ, xâm hại nghiêm trọng khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Khu du lịch Tràng An cổ nằm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), đây là điểm du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhiều hạng mục. Điểm du lịch do Công ty CP Du lịch Tràng An tự quản lý khai thác. Nằm trong vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng cấm và được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Son - chủ doanh nghiệp (người địa phương) đã tự ý xây dựng và cho hoạt động công trình này.
Mới đây, công trình "khủng" đường lên đỉnh núi Cái Hạ (doanh nghiệp gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh đặt đàn Kính Thiên) do ông Son tự ý xây dựng bị phát hiện không phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như điều ước quốc tế về di sản nhân loại. Dù chưa xây dựng xong nhưng từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, điểm du lịch này đã đón nhiều du khách.
Công trình "khủng" được xây dựng với hệ thống bậc thang lên xuống đỉnh núi, tổng quãng đường dài hơn 1km với trên 2.000 bậc thang. Để làm dự án này, ông Son đã thuê thợ đến khoan núi rồi cắm thép vào, sau đó đổ cột bê tông, vận chuyển bậc thang và lan can cốt thép lên gắn vào, tạo thành hệ thống cầu thang núi với sự đồ sộ về quy mô.
Dự án "khủng" không phép trong vùng lõi di sản Tràng An được Công ty CP Du lịch Tràng An thi công trong vòng 6 tháng (từ tháng 8/2017). Trong thời gian này nhiều cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Ninh Bình đã đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu sao, sau đó công trình vẫn được thi công tiếp và đi vào hoạt động.
Nhiều người đã không khỏi xót xa khi nhìn thấy cả một vùng di sản bị xâm phạm, phá vỡ nghiêm trọng.
Hệ thống bậc thang được xây dựng trên hệ thống núi đá vôi được kiến tạo hàng nghìn năm, nơi đây cũng là vùng núi non hiểm trở từng gắn với "kinh đô đá Hoa Lư" trên 1.000 năm lịch sử. Quần thể Tràng An với những giá trị về văn hóa và thiên nhiên đã được công nhận là di sản thế giới nhưng đã bị xâm hại không thương tiếc.
Leo hết hơn 2.000 bậc thang, lên đến đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn một vùng rộng lớn. Điều đau lòng là để thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch, cả một vùng di sản quý giá đã bị phá vỡ nghiêm trọng.
Những khối bê tông lớn nằm xen kẽ với hệ thống núi đá vôi triệu năm đã được công nhận là di sản của nhân loại. Khi Công ty CP Du lịch Tràng An tiến hành xây dựng công trình, Sở Du lịch Ninh Bình phát hiện, sau đó nhiều lần có văn bản đề nghị UBND huyện Hoa Lư vào cuộc xử lý, dẹp bỏ công trình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không mạnh tay, thờ ơ trong cách xử lý vụ việc dẫn đến công trình trái phép vẫn ngang nhiên được xây dựng và tồn tại đến ngày hôm nay.
Không chỉ những bậc, lan can cầu thang, doanh nghiệp còn làm một chiếc cầu kiên cố bắc từ đỉnh núi này qua đỉnh núi khác để làm đường đi cho khách. Bước đầu đưa vào khai thác, Công ty CP Du lịch Tràng An vẫn chưa thu vé nên lượng người đổ về đây như trảy hội, có ngày lượng khách lên đến gần 20.000 người. Người dân chen chúc nhau trên đường lên núi, ai dám chắc tai nạn không xảy ra? Khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Đỉnh núi Cái Hạ, ông Nguyễn Văn Son gọi là đỉnh Huyền Vũ - nơi vua Đinh lên ngôi hoàng đế, lập đàn Kính Thiên. Đỉnh núi này, mỗi ngày có hàng trăm lượt người lên đây, cùng nhau chụp ảnh, đứng trên các tảng đá bất chấp sự nguy hiểm rình rập.
Ngay trên đỉnh núi, một khối bê tông cốt thép đồ sộ, thô kệch xấu xí cũng án ngữ. Di sản thế giới trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu và vô hồn.
Nhà vệ sinh cũng được xây dựng trên lưng chừng núi rất phản cảm, nhếch nhác.
Từng phiến đá lớn bị khoan thủng, đập vỡ để tạo lối đi, thay vào đó là những khối bê tông cốt thép. Dấu vết của sự xâm phạm di sản đang còn in rõ trên từng phiến đá, nơi xây dựng công trình "khủng".
Người dân cùng du khách kéo đến chiêm ngắm, tham quan đường lên đỉnh núi Huyền Vũ. Ít người nhận ra được, công trình "khủng" này xây dựng không phép, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và đang phá nát di sản thiên nhiên ban tặng.
Các bạn trẻ thích thú chụp ảnh trên chiếc cầu "khổng lồ", điểm bắc qua hai đỉnh núi tại vùng lõi di sản Tràng An.
Nhiều lối đi bậc thang rất dốc và nguy hiểm, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn cho con nhỏ đi lên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Thái Bá
Theo Dantri
Khu công nghiệp "khủng" vô tư xả thải: Sẽ truy trách nhiệm chủ đầu tư UBND tỉnh Ninh Bình vừa gia "hạn chót" yêu cầu chủ đầu tư đưa nhà máy xử lý nước thải gần 400 tỷ đồng trong KCN Gián Khẩu đi vào hoạt động để đảm bảo môi trường; đồng thời sẽ truy trách nhiệm đơn vị này và Ban quản lý các KCN nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về bảo vệ...