Yêu cầu phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
Nước sông Nhuệ đen như mực. (Ảnh: P.V/Vietnam )
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, gần đây, môi trường nước lưu vực sông Nhuệ-Đáy liên tục bị ô nhiễm, thậm chí có xu hướng gia tăng mức độ ô nhiễm đối với một số thông số, không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường trong năm 2018, cho thấy, có đến 57% cơ sở qua thanh tra đã bị xử phạt. Trong đó, xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải là hành vi vi phạm phổ biến nhất.
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ-Đáy là do nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Các cụm công nghiệp đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 30%), trong khi nước thải làng nghề cơ bản không được thu gom và xử lý.
Theo Tổng cục Môi trường, nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là nước thải sinh hoạt, chiếm tỷ lệ lên tới 70% tổng lượng nước thải vào lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy nhưng không được thu gom, xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận.
Một trong những nguyên nhân cơ bản khác gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ-Đáy là dòng chảy trên sông không đáp ứng được khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm, đặc biệt là đối với sông Nhuệ. Việc lấy nước chỉ thực hiện được trong các đợt các hồ chứa phía thượng lưu xả theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Các ngày còn lại trong tháng 11 đến tháng 5 năm sau hầu như phải đóng cống để tránh chảy ngược nước từ trong hệ thống ra sông Hồng.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc khai thác cát cũng diễn ra gần khu vực lấy nước của cống, dẫn đến tình trạng hạ thấp lòng dẫn, suy giảm mực nước sông Hồng, gây ảnh hưởng đến việc lấy nước trong mùa cạn của cống.
Video đang HOT
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, đồng thời cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy, đảm bảo đáp ứng cho mục đích sử dụng theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố trong lưu vực, đề nghị cùng phối hợp xử lý ô nhiễm.
Sông Tô Lịch. (Ảnh: P.V/Vietnam )
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có lưu lượng xả thải lớn ra lưu vực sông.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị có biện pháp chặt chẽ kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi trên lưu vực sông; phối hợp đẩy mạnh công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi thuộc lưu vực sông Nhuệ-Đáy, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm, nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng ngừa ô nhiễm…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án cải thiện nguồn nước sông Nhuệ-Đáy, các dự án xử lý nước thải, dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; chỉ đạo việc vận hành các nhà máy xử lý nước thải, các công trình điều tiết nguồn nước hiện hữu nhằm đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm nước.
Đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường sông Tô Lịch, chất lượng các hồ trên địa bàn, đặc biệt là các hồ nội đô; quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn; chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng thải chất thải rắn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả nước thải và chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy trước khi chảy vào địa bàn các tỉnh phía hạ lưu.
Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn, đặc biệt là những nguồn xả thải lớn (trên 200 m3/ngày đêm), xả thải trực tiếp ra lưu vực sông; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung…
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh trong lưu vực sông Nhuệ-Đáy phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi và công tác hậu kiểm nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa ô nhiễm; đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động trên hệ thống sông Đáy../.
Theo Hùng Võ (Vietnam )
Hồi sinh sông Tô Lịch
Việc thí điểm xử lý sông Tô Lịch bằng công nghệ nano bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, song để hồi sinh dòng sông này cũng như những sông, hồ khác thì cần nhiều biện pháp căn cơ
Sau 8 ngày bắt đầu thử nghiệm công nghệ nano bioreactor của Nhật Bản xử lý nước sông Tô Lịch, chiều 24-5, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã lấy mẫu nước để phân tích hiệu quả làm sạch của hệ thống này.
Giải pháp tạm thời
Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết việc lấy mẫu lần đầu này của tổng cục là độc lập và đối chứng, còn việc lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra là do UBND TP Hà Nội thực hiện. Càng nhiều đơn vị lấy mẫu kiểm tra thì càng có nhiều kết quả để làm cơ sở đánh giá tốt hơn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), nói rằng việc xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch không chỉ dừng lại ở việc tách nước thải. Có 3 vấn đề lớn cần giải quyết, đó là mùi hôi thối bốc lên, lớp bùn tầng đáy vẫn cần nạo vét cơ học, đặc biệt là mức độ ô nhiễm chì rất nặng dẫn đến các sinh vật không thể tồn tại được. Với công nghệ mà phía Nhật Bản mang tới, mỗi máy bioreactor được coi là những nhà máy xử lý nước thải tí hon đặt ngay dưới lòng sông. Những thiết bị này được giới thiệu có khả năng xử lý nước "nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh", sẽ phân giải hoàn toàn lớp bùn tầng đáy, loại bỏ mùi hôi thối. "Đây được coi là "cuộc cách mạng" về xử lý nước ô nhiễm sông, hồ, giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ, cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa đơn giản, dễ áp dụng lại tiết kiệm được ngân sách nhà nước" - ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, lại cho rằng giải pháp xử lý nước sông Tô Lịch của Nhật Bản chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này, nhất là ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống sông.
Người dân thủ đô đang kỳ vọng vào những động thái hồi sinh dòng sông Tô Lịch và nhiều sông, hồ khác
Ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cũng cho rằng việc thí điểm xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ nano của Nhật Bản diễn ra trong vòng 2 tháng và đây chỉ là một trong nhiều giải pháp mà TP cho thử nghiệm, sau đó mới chọn ra giải pháp tối ưu. Công ty cũng đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Làm sống lại các sông, hồ ở thủ đô
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) thuộc Hội Tưới tiêu Việt Nam (VNCID) - Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng sông Tô Lịch và nhiều con sông khác ở Hà Nội mỗi ngày phải hứng chịu hàng trăm ngàn mét khối nước thải và lượng nước thải này không giải thoát được.
"Đã gọi là sông thì phải có nguồn cấp nước, phải có dòng chảy nhưng do ảnh hưởng của quy hoạch đô thị, dòng chảy của sông, hồ ở Hà Nội đang bị "bí". Nhiều sông, hồ chỉ có nước thải và nước mưa đổ vào chứ không có nguồn khác. Ngay cả những con sông lớn như sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang rất bí bách về dòng chảy, chủ yếu là nước thải và nước mưa. Khi có nguồn nước cấp sạch, giải quyết được dòng chảy thì sông, hồ sẽ sạch, còn chỉ nhận nguồn nước cấp bẩn thì chắc chắn sẽ vẫn bị ô nhiễm. Ở Hà Nội bây giờ hiếm có sông hay hồ nào được gọi là sạch" - ông Tứ chỉ rõ.
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, những giải pháp của Hà Nội thời gian qua chỉ là tạm thời và chỉ thêm tốn tiền mà thôi. "Giải pháp căn cơ nhất, đầu tiên là phải tách toàn bộ nguồn nước thải đang đổ vào sông Tô Lịch hằng ngày. Không làm việc này thì không thể có một biện pháp nào khác để làm sạch được" - ông Côn nói.
PGS-TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh từ rất lâu rồi rất nhiều người đã bàn về giải pháp để cứu sông Tô Lịch cũng như các con sông, hồ ở thủ đô bị ô nhiễm nặng, song các giải pháp chỉ là tình thế. Điều cơ bản nhất là những cái gì tự nhiên thì phải trả lại và để nó tuân theo tự nhiên chứ không được ép nó theo mình. Một con sông hay hồ không thể cứ quanh năm sục khí, như thế thì không khác nào biến nó thành "bể cá", trái với quy luật tự nhiên.
Phải tách nguồn nước thải
Suốt nhiều năm qua, người dân sống dọc bờ sông Tô Lịch lúc nào cũng khốn khổ vì mùi hôi thối từ con sông này. Từ khi lắp đặt hệ thống xử lý bằng công nghệ nano, mùi hôi giảm hẳn, người dân rất phấn khởi. "TP nên nhân rộng dự án này dọc cả sông Tô Lịch và những sông, hồ khác để người dân được hưởng cuộc sống sạch sẽ, mát mẻ" - ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân địa phương, kiến nghị.
Dù vậy, theo phản ánh của nhiều người dân, mỗi ngày hàng chục ngàn hộ dân vẫn xả thải xuống dòng sông Tô Lịch vì không còn cách nào khác. Do đó, dù giảm mùi hôi nhưng nước vẫn còn màu đen kịt, váng vẫn còn rất nhiều. Theo họ, phải làm thế nào để tách nguồn nước thải này thì mới hy vọng hồi sinh sông Tô Lịch cũng như những sông, hồ khác.
Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH
Theo Nguoilaodong
Điểm nóng ô nhiễm: Từ bị động giải quyết sang chủ động kiểm soát Thời gian qua, trên phạm vi cả nước vẫn tiếp tục xảy ra các điểm nóng, vụ việc về ô nhiễm môi trường. Ở nhiều địa phương, khu vực, vấn đề ô nhiễm nước thải, khí thải, chất thải rắn sinh hoạt, nhất là tại các vùng nông thôn, làng nghề, lưu vực sông, thậm chí ở cả thành thị, đã tạo thành...