Yêu cầu làm rõ việc chi gần 900 tỷ của ’sếp’ Công ty Liên Kết Việt
VKSND Tối cao đề nghị cơ quan điều tra làm rõ một số nội dung, trong đó có khoản tiền 718 tỷ đồng mà công ty đa cấp này đã thu từ các nhà đầu tư.
VKSND Tối cao vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Liên Kết Việt) cùng đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 67.000 nhà đầu tư.
Theo đó, VKSND Tối cao đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp phép, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa là thực phẩm chức năng được Công ty Liên Kết Việt sử dụng để kinh doanh đa cấp.
Ngoài ra, VKS cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ việc chi tiêu khoản tiền 718 tỷ đồng mà công ty đa cấp này đã thu từ các nhà đầu tư.
Lê Xuân Giang và lãnh đạo Liên Kết Việt trong một buổi hội thảo. Ảnh: L.K.
Hơn 2 tháng trước, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra Công ty Liên Kết Việt và các đơn vị khác có liên quan. Trong số 7 người bị đề nghị truy tố có ông Lê Xuân Giang (46 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt), ông Lê Văn Tú (32 tuổi, Tổng giám đốc) và bà Nguyễn Thị Thủy (47 tuổi, Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng nhóm quản lý phát triển kinh doanh).
Theo điều tra, tháng 2/2014, Công ty Liên Kết Việt được cấp phép kinh doanh đa cấp. Thấy Lê Xuân Giang không biết về kinh doanh đa cấp, một tháng sau, Nguyễn Thu Thủy gặp Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt bàn về hợp tác kinh doanh.
Video đang HOT
Sau đó, Lê Xuân Giang đã ký hợp đồng thuê ê kip của Thủy phát triển kinh doanh đa cấp cho công ty. Họ liên tiếp tổ chức các đại hội hoa hồng, lễ đón nhận các danh hiệu, khen thưởng hoành tráng tại trụ sở công ty và nhiều địa điểm sang trọng.
Để lôi kéo người tham gia, ngoài trao thưởng nhà và ôtô tiền tỷ, lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt sử dụng bằng khen giả của Thủ tướng, mạo danh doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng. Khi gặp gỡ nhà đầu tư, Lê Xuân Giang thường mang quân phục mang hàm đại tá.
Bên cạnh đó, Lê Xuân Giang còn thành lập Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP để mọi người nhầm tưởng công ty thuộc Bộ Quốc Phòng.
Bằng các thủ đoạn gian dối, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở 61 chi nhánh, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền hơn 2.091 tỷ đồng.
Cảnh sát xác định Giang đã chi hơn 1.113 tỷ đồng cho các hoạt động của công ty. Trong số hơn 978 tỷ đồng còn lại, Chủ tịch HĐQT Liên Kết Việt phải chịu trách nhiệm hơn 871 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thuỷ bị cáo buộc đã hưởng lợi 36,4 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan điều tra đã tạm giữ gần 148 tỷ đồng của Lê Xuân Giang (chưa tính tài sản kê biên). Bị can này không nhớ hết các khoản chi liên quan đến số tiền đã chiếm đoạt.
(Theo Zing News)
Gia đình chia rẽ vì tham gia vào Liên kết Việt
Với ước muốn làm giàu nhanh, số tiền con cái chu cấp bà Loan dùng để tham gia vào đường dây đa cấp. Khi vỡ mộng, sợ con biết, nhiều tháng trời bà sống trong thấp thỏm.
Tuần qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, Công an tỉnh Quảng Nam) đã làm việc với một số bị hại của Công ty Liên kết Việt sau khi được Bộ Công an ủy thác điều tra. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng đại lý của công ty tại TP Tam Kỳ bị công an triệu tập, tuy nhiên người này đã rời khỏi nơi cư trú.
"Qua làm việc với phó đại lý, bước đầu người này khai ở TP Tam Kỳ có 24 người tham gia vào đường dây. Phần lớn bị hại là trí thức, có nghề nghiệp, thu nhập ổn định", điều tra viên Nguyễn Thanh Hùng nói và cho hay ở Quảng Nam còn có đại lý tại TP Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên...
Ngồi thất thần trong phòng làm việc của công an, bà Loan (60 tuổi) cho hay được một số người bạn giới thiệu mua mã hàng đa cấp của Liên kết Việt vào tháng 5/2015. "Bạn bè nói công ty này của Bộ Quốc phòng. Các hồ sơ giấy tờ gì cũng có con giấu đỏ. Nhìn hình ảnh rồi bằng khen của Thủ tướng treo ở đại lý tôi chẳng mảy may nghi ngờ, thấy dễ kiếm tiền nên không ngần ngại đổ tiền vào mua hàng", bà Loan kể.
Người phụ nữ 60 tuổi làm việc với công an để xác minh số tiền đã nộp. Ảnh: T.H
Mỗi mã hàng giá 8,6 triệu đồng gồm một máy khử độc ozone, 3 hộp đông trùng hạ thảo, bổ não vương... Với mỗi mã hàng, người mua có hàng và được công ty cam kết nhận được 68 triệu đồng bằng cách trả dần vào tài khoản với mỗi tháng 140.000 đồng. Sau khi bàn bạc với chồng, bà Loan mua 13 mã hàng. Sau tháng đầu tiên thấy tiền đã chuyển, dễ làm giàu, bà giấu chồng mua thêm 2 mã hàng. Tổng cộng người phụ nữ bỏ 129 triệu để mua hàng đa cấp, nhưng tiền từ công ty chuyển về được 2 tháng thì ngừng.
"Hai vợ chồng sống dựa vào tiền 3 người con ở TP HCM gửi về chu cấp. Nếu chúng biết tôi tham gia đa cấp, chắc từ mặt luôn. Các con biết bạn bè tôi tham gia nên nghi ngờ tôi cũng mua, dạo này điện thoại về truy vấn liên tục. Hai vợ chồng phải tìm đủ cách nói dối", bà Loan ngậm ngùi. Do chỉ cần tiền, không cần hàng nên 15 máy khử độc và thực phẩm chức năng mua về nhưng không dùng. Dịp Tết, sợ con về nhà phát hiện, vợ chồng bà lại phải mang đi giấu.
Cùng cảnh ngộ với bà Loan, gia đình chị Hạnh (43 tuổi) gần đây lục đục khi chồng biết chị mang tiền mua hàng đa cấp. "Hồi tháng 6/2015, tôi ra Hà Nội dự sinh nhật công ty thấy có đến 5.000 người. Nhiều người mang áo quần bộ đội rồi công an nên rất tin tưởng. Cũng may là số tiền mua chưa nhiều thì công ty vỡ nợ, không chuyển tiền về tài khoản nữa nên thôi, không mua hàng nữa. Chứ nếu không có lẽ phải bán nhà", chị Hạnh nói.
Người phụ nữ làm sếp tại một công ty bảo hiểm nói rằng, đã nhiều tháng nay chồng không thèm nhìn mặt. "Từ khi anh biết tôi mất tiền vì tham gia đa cấp, tình cảm giữa hai vợ chồng trở nên căng thẳng. Cứ cãi nhau chuyện gì đó thì chồng lại lôi việc tôi lén lút bỏ tiền đầu tư để nói. Những lúc ấy tôi chỉ biết câm lặng", chị Hạnh nói.
Không chỉ bị gia đình chì chiết, bà Ngân (54 tuổi) gần đây phải đổi số điện thoại vì những cuộc gọi trách móc của bạn bè. Bị lừa mất hàng chục triệu đồng, bà Ngân lại còn mang tai tiếng bởi lỡ lôi kéo bạn bè tham gia vào công ty. Người phụ nữ làm giáo viên cấp 3 cho hay ân hận đến "mất ăn mất ngủ" kể từ khi đại lý Liên kết Việt tại đây đóng cửa. Sau khi đầu tư tháng đầu tiên thấy tiền rót về tài khoản như cam kết, bà rủ thêm bạn bè tham gia.
"Mỗi lần giới thiệu thêm người, tôi cũng được thưởng. Nhưng không phải vì thế mà tôi rủ họ vào để rồi bạn bè mất tiền. Cũng chỉ vì lòng tham, muốn làm giàu cho mình và cho bạn. Chẳng còn mặt mũi nào để đến trường đi dạy nữa cả. Về nhà thì xấu hổ với gia đình, tôi chỉ biết tự trách mình", bà Ngân rưng rưng nói.
Phòng Cảnh sát kinh tế cho hay, công an các tỉnh chỉ có nhiệm vụ xác minh bị hại, thống kê số tiền đã nộp vào Công ty Liên kết Việt sau đó gửi ra Cục Cảnh sát kinh tế (C46, Bộ Công an) để cơ quan này điều tra và kết luận.
Công an tỉnh Quảng Nam cũng thông báo những ai mua mã hàng đa cấp và cộng tác viên bán hàng đã nộp tiền cho đại lý Liên kết Việt tại số nhà 466, đường Hùng Vương (TP Tam Kỳ), do Trần Quốc Tuấn làm trưởng, liên hệ với Phòng PC46 (địa chỉ số 4, Phan Tứ, TP Tam Kỳ), hoặc gặp điều tra viên Nguyễn Thanh Hùng, số điện thoại 0905055414 để lấy lời khai.
Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa khởi tố, tạm giam Lê Xuân Giang (Tổng giám đốc Công ty CP Liên kết, sản xuất Thương mại Việt Nam, gọi tắt Công ty Liên kết Việt), và một số cấp dưới của Giang về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lãnh đạo của công ty bị cáo buộc mạo nhận Bộ Quốc phòng, làm giả bằng khen của Thủ tướng. Công ty đa cấp này hoạt động từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015 nhưng đã lôi kéo hơn 45.000 người tham gia tại nhiều tỉnh thành. Nhà chức trách ước tính những người này đã nộp khoảng 1.900 tỷ đồng vào Liên kết Việt.
*Tên bị hại đã thay đổi.
Tiến Hùng
Theo VNE
Đa cấp Liên kết Việt 'càn quét' làng quê, nhiều người điêu đứng Giấu chồng con mang sổ đỏ cầm cố lấy tiền đầu tư vào Liên kết Việt mong được nhận lãi suất cao, giờ đây bà Thiên tủi nhục, ân hận sống trong căn lều nuôi vịt ở bờ sông. Giấu kín chuyện mang bìa đất đi cầm cố vay 86 triệu đồng để thành khách hàng của Công ty Liên kết Việt chi...