Yesterday – Ngày hôm qua là thế
Nếu từng trải qua những cuộc phiêu lưu hào hứng của Runaway, The Next Big Thing thì giờ đây game thủ sẽ được tiếp tục một hành trình mới của Pendulo Studios với tựa game mới toanh Yesterday.
Pendulo Studios là cái tên chẳng xa lạ gì với những ai yêu thích thể loại game phiêu lưu giải đố, dù những sản phẩm của hãng đều mang phong cách chỉ và nhấn (point n click) cổ điển nhưng họ đã tạo dấu ấn riêng cho tên tuổi của mình.
Quay trở lại thời điểm một năm trước tại trụ sở New York của Les Enfants De Don Quichotte (The Children of Don Quixote) tổ chức từ thiện gốc Pháp chuyên giúp đỡ người vô gia cư, những kẻ xấu số đang là nạn nhân của nhiều vụ giết người hàng loạt liên tục diễn ra một cách bí ẩn. Chẳng ai mảy may quan tâm đến sự việc kể cả cảnh sát và nhà chức trách. Vì vậy hai tình nguyện viên của tổ chức: Henry White và người bạn trung thành Cooper quyết tâm tìm hiểu chân tướng sự việt. Cảm thấy nghi ngờ có sự nhúng tay của một giáo phái Satan bởi chữ Y được khắc trên bàn tay mỗi nạn nhân, Henry nhờ đến sự giúp đỡ của John Yesterday, chuyên gia về các hội kín cổ xưa. Chính John cũng mang trên mình chữ Y bí ẩn này. Thế nhưng một loạt các biến cố diễn ra không thể giải thích nổi khiến John suýt tự tử tại Paris, khi anh trở về từ cuộc điều tra và thuật lại những trải nghiệm kinh hoàng của mình cũng chính là lúc cơn ác mộng chính thức bắt đầu.
Bạn sẽ được điều khiển cả ba nhân vật chính của trò chơi (phần lớn là John) đan xen qua những phân đoạn khác nhau, đi qua nhiều nơi từ Paris cho đến New York và cả Scotland. Không chỉ cách biệt về không gian, những phân đoạn này còn cách biệt cả về thời gian: có lúc bạn điều khiển nhân vật này ở một nơi, đùng một cái qua phân đoạn sau bạn lại đến với nhân vật và địa điểm khác. Cách sắp xếp này dễ khiến người chơi rối rắm, khó nắm bắt hoàn toàn diễn biến và làm mất tính liền mạch của trò chơi. Dù vậy không thể phủ nhận cốt truyện của Yesterday khá hấp dẫn, kết hợp nhiều yếu tố truyền thuyết, tôn giáo, sự thật, hư cấu và cả sức mạnh siêu nhiên…
Dĩ nhiên trong một game phiêu lưu không thể thiếu chuyện đối thoại với các nhân vật phụ. Cách thể hiện củaYesterday chuyển sang mang cách comic thay vì trực tiếp như trước: khi bắt đầu trò chuyện với ai đó, hình ảnh của các nhân vật sẽ được phóng to qua những ô nhỏ, kèm theo là dòng phụ đề cho lời thoại, trông như đang xem một quyển truyện tranh biết chuyển động vậy. Trong cuộc hành trình bạn cũng được thử sức với các minigame chẳng hạn như đánh cờ vua, và chúng cũng được thể hiện theo cách của những đoạn hội thoại.
Video đang HOT
Khác với các đàn anh của mình, Yesterday đánh dấu một sự đổi mới trong phong cách của Pendulo. Vẫn trên nền đồ họa cel-shading đặc trưng như trước, nhưng lại nhuốm màu đen tối hơn, rối rắm hơn. Có thể thấy rõ điều đó ngay từ đoạn phim mở đầu của trò chơi. Một khung cảnh khá rùng rợn với những hình vẽ, dòng chữ kì dị trên tường, đan xen cùng tiếng la hét của người bị tra tấn và dấu ấn của một nghi lễ bí ẩn.
Một điểm khác biệt nữa, nếu như trong những sản phẩm trước đây khi di chuyển nhân vật tương tác với môi trường, game thủ thường phải đợi họ đi bộ đến vị trí chỉ định. Còn trong Yesterday, chỉ thoắt một cái nhân vật được “hô biến” đến ngay đích, tiết kiệm thời gian hơn. Đây cũng là game đầu tiên của Pendulo có kho đồ dùng được bố trí ngay trên thanh ngang phía dưới màn hình, tương tự như dòng Đảo Khỉ.
Tuy nhiên, cải tiến lớn nhất là hệ thống trợ giúp người chơi. Bất kì lúc nào “bí” đường, người chơi có thể nhấn vào biểu tượng bóng đèn sáng để nhận gợi ý từ máy, từ đó tìm ra hướng giải quyết. Mặc dù một số gợi ý giúp ích cho người chơi kha khá nhưng một số lại có vẻ vô dụng, mơ hồ càng làm bạn rối thêm. Nhằm tránh việc người chơi lạm dụng hệ thống trợ giúp này, game chỉ cho phép dùng nó vài phút một lần. Khoảng thời gian này có thể rút ngắn đôi chút khi bạn chứng tỏ là mình đang cố gắng “phá án” bằng cách kết hợp các đồ vật với nhau.
Tạo hình nhân vật của game giống như The Next Big Thing nhưng được thiết kế chi tiết hơn, có cảm giác sống động hơn đặc biệt là khi phóng to gương mặt của họ. Tuy nhiên mảng âm thanh lại có phần khập khiễng, đôi lúc không khớp với chuyển động của môi.
Yesterday có lẽ là trò chơi ngắn nhất và cũng dễ dàng nhất trong số các sản phẩm của Pendulo, toàn bộ cuộc phiêu lưu được hoàn thành chỉ trong vài giờ. Yếu tố hài hước vốn là đặc trưng của Pendulo vẫn hiện diện nhưng lại không phù hợp với một số tình huống. Có thể thấy nhà sản xuất muốn làm trò chơi giống một bộ phim kinh dị huyền bí, nhưng cách họ làm điều đó lại chưa thực sự thỏa mãn. Ví dụ dễ thấy nhất là đoạn Henry bị buộc phải đánh cờ với một cây súng chĩa vào đầu. Nếu thắng dĩ nhiên anh sẽ thoát nạn nhưng cho dù bạn có đi sai nước cờ thì vẫn… chẳng có gì xảy ra cho Henry, chỉ đơn thuần là dòng chữ “No, try again” và bạn lại có cơ hội sửa lỗi. Trong tình huống hiểm nguy như vậy mà kết cục lại quá đỗi “an toàn” , thể hiện rõ sự tuyến tính của trò chơi, dù bạn có làm gì đi nữa thì cũng chỉ theo con đường mà trò chơi đã vạch sẵn, không hề mang giá trị chơi lại.
Yesterday là một sự đổi mới đáng khen của Pendulo Studios, nhưng nó chưa thực sự hoàn hảo như ý họ mong muốn. Dù sao đi nữa đây vẫn là một game phiêu lưu hay, rất đáng chơi nếu bạn là người hâm mộ của thể loại này hay của Pendulo.
Phát hành: Focus Home Interactive
Phát triển: Pendulo Studios
Thể loại: Phiêu lưu
Ngày phát hành: 22/3/2012
Nền: PC
Theo Bưu Điện Việt Nam
The Next Big Thing - Tựa game hài hước không thể bỏ qua
Tuy vẫn còn nhiều thiếu sót trong quá trình dịch các đoạn thoại từ tiếng Tây Ban Nha nhưng trò chơi này vẫn đem lại những khẩu vị tưởng chừng như đã bị lãng quên.
Sau khi đã vực dậy thể loại game phiêu lưu qua thương hiệu Runaway với hàng triệu fan hâm mộ trên toàn thế giới, sắp tới đây Pendulo studios còn chuẩn bị dành một bất ngờ mới cho những ai yêu thích những cuộc tìm tòi khám phá. The Next Big Thing, đứa con cưng mới của họ, hứa hẹn sẽ còn vui nhộn và chứa đựng nhiều bất ngờ hơn thế nữa. Đồng thời, trò chơi này sẽ vực dậy một nhánh game tưởng chừng đã bị các nhà phát triển lạnh nhạt
Trên hết tất cả, lần này game thủ sẽ được thưởng thức game ở độ phân giải cao đẹp mắt, chứ không còn những khung cảnh đồ họa thô sơ như trước. Cặp đôi hoàn hảo lần này được Pendulo Studios xây dựng trau chuốt, sinh động hơn. Cùng với anh chàng đồng nghiệp Dan Murray của mình, nữ phóng viên Liz Allaire sẽ cùng đến dự lễ trao giải thưởng cho những tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại kinh dị. Ít ai có thể ngờ rằng, điều này đã vô tình cuốn họ vào một chuyến phiêu lưu kì thú.
Khi bắt đầu vào game, người chơi sẽ nhanh chóng nhận ra đặc trưng của thế giới lạ kì trong game. Những loài quái vật ở đây sinh sống cùng loài người, cũng đi làm để có thu nhập, cũng ăn bận chải chuốt. Tiêu biểu trong số đó là William A. Fitzrandolph, một quái vật thủy tề với dáng dấp con người trong bộ lễ phục tuxedo và hút thuốc trong tẩu một cách rất lịch thiệp.
Tính cách của cô nàng Liz Allaire được khắc họa một cách quái gở hơn so với những nhân vật chính thông thường trong các tựa game phiêu lưu thuần túy khác. Những lời nói thốt ra từ Liz hoặc không hề mang nghĩa lí gì cả hoặc hoàn toàn đi lạc đề. Tâm trí của cô nàng dường như chẳng thể nào chú trọng vào bất cứ điều gì đó quá lâu. Liz cũng không hề nhìn nhận sự việc xung quanh một cách bình thường và luôn không ý thức được những rắc rối đang sắp sửa ập tới.
Chính phong cách nói chuyện mà không cần đếm xỉa đến lời nói của mình đã khiến cho việc thưởng thức The Next Big Thing trở nên thú vị hơn hẳn. Dù không hề ăn nhập vào đề, nhưng hầu hết chúng đều hài hước vui nhộn, bạn sẽ muốn tìm hiểu xem thái độ của cô ta trước bất kì thứ gì có thể nhận xét được trong game.
So với nàng Liz khả ái, nhân vật Dan Murray lại thiếu sức sống hơn hẳn. Khi nắm quyền điều khiển chàng người hùng này, nhiều khi bạn sẽ mau chóng mau muốn được trải qua đoạn chơi nhanh hơn. Với ngoại hình của mình, Dan được cho là tay sát gái khét tiếng. Theo quan niệm của anh ta, chỉ có hai thứ trên đời quan trọng nhất: phụ nữ đẹp và thể thao, trong đó phái yếu được ưu tiên cao hơn. Thế nên khi bị chuyển từ mục phụ trách thể thao yêu thích của mình sang làm đồng nghiệp cùng Liz, Dan chẳng có vẻ gì là bất mãn cả.
Lối chơi của The Next Big Thing vẫn tuân thủ theo cách thức truyền thống của thể loại game phiêu lưu. Mặc dù thế, người chơi sẽ sớm nhận thấy Pendulo Studios đã cố gắng rất nhiều trong việc thiết kế giao diện sao cho thật hợp lí cùng những món đồ cần thiết trong quá trình chơi để tao ra được những câu đố hấp dẫn. Bạn sẽ vẫn phải thu thập một vài thứ nhất định, kết hợp chúng để thực hiện chức năng nào đó, hoặc nói chuyện với những nhân vật khác để lấy thêm thông tin.
Điểm thiếu sót ở thời điểm hiện tại của The Next Big Thing có lẽ vẫn là chất lượng đoạn thoại. Do được chuyển sang tiếng Anh từ bản gốc Tây Ban Nha, nên dù ê kíp dịch thuật đã làm tốt nhiệm vụ của mình đến đâu chăng nữa vẫn rất khó truyền tải được trọn vẹn nội dung.
Dù vậy, các diễn viên lồng tiếng sẽ bù đắp lại đôi phần vào khuyết điểm này, vì đây nhìn chung vẫn là khuyết điểm của những game phiêu lưu phổ biến có nguồn gốc từ các nước châu Âu.
Tựa game này đã được phát hành trên hệ PC.
(Tổng hợp)
Theo PLXH
Trải nghiệm Ultimate Marvel vs Capcom 3 phiên bản VITA Sau khi gặt hái không ít thành công trên hai hệ Xbox360 và PS3, giờ đây Ultimate Marvel vs Capcom 3 lại tái ngộ người hâm mộ với phiên bản dành cho hệ máy cầm tay mới nhất của Sony. Bước chân sang handheld, điều đầu tiên mà ai cũng quan tâm chính là phần nghe - nhìn của game. Tất nhiên với...