‘Yêng hùng xa lộ’ giỡn mặt ‘tử thần’
Xe tham gia cuộc đua đã được “độ” nâng phân khối lên gấp hơn 2 lần thiết kế nguyên bản. “ Yêng hùng xa lộ” phải chứng tỏ “đẳng cấp” khi đua đêm bằng cách tháo đèn chiếu sáng, tháo phanh, thậm chí lột hết quần áo trên người và chỉ mặc duy nhất chiếc quần lót để… tránh cản gió…
Những cuộc đua xe trái phép của các “quái xế” dám đùa với mạng sống thường dẫn các “ tay chơi” tới bệnh viện để chịu cái chết do tai nạn, hoặc thương tật suốt đời.
Dị hợm “quái xế” chỉ mặc… quần lót
Rạng sáng ngày 5.1.2010, tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông tại khu vực km25, đường cao tốc Trung Lương (đoạn chạy qua huyện Bến Lức), nhiều cảnh sát giao thông không thể lý giải ngay được sự việc vì sao nam thanh niên bị chết do tai nạn giao thông lại chỉ mặc duy nhất một chiếc quần lót. Đương nhiên, do người chết không có một mẩu giấy tờ tùy thân nào, xe gặp nạn lại không gắn biển kiểm soát nên công an không thể xác định được ngay nhân thân của nạn nhân.
“Quái xế” tranh tài cao thấp
Ít giờ sau đó, bằng các nghiệp vụ điều tra, công an xác định nạn nhân là Nguyễn Bảo Toàn (SN 1984, ngụ quận 8, Tp HCM), chiếc xe người này sử dụng có chủ sở hữu là một thanh niên thường trú tại Long An. Khám nghiệm xe, công an nhận thấy xe đã bị “độ” nâng phân khối. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu của một vụ đua xe trái phép, hồ sơ ngay lập tức được chuyển đến cơ quan điều tra.
Tiến hành truy xét
2 tuần sau, cơ quan điều tra CA huyện Bến Lức phát hiện một thanh niên ngụ thị trấn Bến Lức có biết về nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Được gọi lên cơ quan công an, đối tượng này thừa nhận nạn nhân đã chết trong một cuộc đua xe trái phép. Từ lời khai này, công an đã xác định chủ mưu trong cuộc đua trái phép này là Mai Văn Vàng (SN 1989, ngụ ấp 4, xã Lương Bình).
Theo lời khai của Vàng, trưa ngày 4.1, một người bạn của hắn là Bùi Văn Lanh (SN 1989, ngụ xã Lương Bình, huyện Bến Lức) đến nhà giới thiệu chiếc xe mô tô vừa được “đôn dên, xoáy lòng” và gợi ý “kiếm vài tay có máu mặt lên đường cao tốc đua kiếm tiền xài chơi”. Vàng điện thoại cho Nguyễn Bảo Toàn (là người đã chết) đến “phân tài cao thấp”. Tổng cộng trong cuộc đua này, ngoài hai tay đua còn có vàng và 9 thanh niên khác tham gia làm “trọng tài”, cổ vũ. Hai tay đua thỏa thuận: ai thua cuộc sẽ mất số tiền 3 triệu đồng.
Những cuộc đua tử thần
Gần 1 giờ sáng ngày 5.1, cuộc đua trái phép bắt đầu. Đoạn đường đua được xác định dài 1,7 cây số, xuất phát tại km 24. Theo phân công, một đối tượng làm trọng tài ở đích đến để xác định ai thắng cuộc. Hai đối tượng làm nhiệm vụ chạy mô tô phía sau hai xe đua để pha đèn cho hai tay đua nhìn thấy mặt đường. Số đối tượng còn lại đứng hai bên lề cổ vũ. Hai tay đua thỏa thuận với nhau không sử dụng đèn, thắng, người ngồi trên xe chỉ mặc duy nhất quần lót để đỡ cản gió.
Mới “tranh tài” được nửa đoạn đường, khi tới km 25 xe của 2 tay đua va vào dải phân cách cài trên mặt lộ gần 20 m. Toàn văng ra đâm đầu vào trụ phân cách thiệt mạng tại chỗ, Lanh chấn thương nặng (sau đó chết tại bệnh viện huyện Bến Lức). Chứng kiến cảnh 2 tay đua tử nạn, tên Vàng cùng nhóm cổ vũ đưa tên Lanh tới cấp cứu rồi lặng lẽ bỏ trốn.
Video đang HOT
Ngày 27.2, được sự phê chuẩn của VKS huyện, cơ quan điều tra CA huyện Bến Lức quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Vàng và 1 thanh niên khác là Nguyễn Quốc Thuận với tội danh tổ chức đua xe trái phép. Trong quá trình điều tra, hai đối tượng này khai nhận trước đó đã tham gia một vụ đua xe khác cũng gây hậu quả chết người.
Đùa với “cua tử thần”
Giao lộ đường Huỳnh Hữu Thống – Huỳnh Văn Nhứt tại thành phố Tân An là đoạn cua gấp. Trong những năm qua, đã có một số trường hợp chạy quá tốc độ, đua xe, lạng lách gây chết người tại khu vực này nên người dân địa phương đặt tên là cua “tử thần”. Thế nhưng có những quái xế lại lấy đoạn đường khó đi này làm nơi “đo tài” tốc độ.
Chiều ngày 28.7, các đối tượng Ngô Chí Thượng (ngụ phường 5), Đặng Quang Phát (ngụ phường 3), Giang Vạn Phước (ngụ phường 1), Nguyễn Văn Thành (ngụ phường 7), Nguyễn Tuấn Anh (ngụ xã Nhơn Thạnh Trung, thành phố Tân An) hẹn nhau đi nhậu. Tại quán nhậu, sau một hồi trò chuyện rôm rả về các chủ đề “trên trời dưới bể”, các thanh niên này ai cũng khoe “chiến mã” Dream, Wave Trung Quốc lên đời. Nghe nói xe đã đôn dên xoáy lòng có thể chạy tốc độ trên 100 cây số/giờ là chuyện bình thường, các đối tượng này quyết định hẹn nhau ra “cua tử thần” đua tốc độ.
Các tay đua chọn đích xuất phát là ngã 3 đường Châu Thị Kim – Huỳnh Hữu Thống (khu vực phường 3). Tay đua Tuấn Anh và Phước nổi hứng nẹt pô, rú ga dẫn đầu đoàn xe lao đi. Thấy hai chiến hữu “trổ tài”, số đối tượng còn lại lập tức rú ga lao theo cổ vũ, nẹt pô đánh võng. Đua lần thứ nhất nhưng hai xe hầu như cùng về đích một lúc nên cả bọn quyết định đua lại lần 2. Chạy được khoảng 500m, hai xe lao vào nhau tự té ngã khiến 3 tay đua nhập viện.
Hậu “biểu diễn” là tàn phế
Các quái xế khai nhận, có những cuộc đua các tay đua chỉ ngẫu hứng vì muốn… biểu diễn. Các quái xế Nguyễn Quang Đông (ngụ phường 3, thành phố Tân An), Trần Thanh Tùng (ngụ phường 4), Nguyễn Văn Khỏe (ngụ phường 1), Lê Hồng Sang (ngụ phường 4), Nguyễn Tấn Cường (ngụ xã An Vĩnh Ngãi), Trần Ngọc Hiếu Hòa (ngụ phường 1) trong cuộc đua đêm ngày 10.8 là một ví dụ. Đêm đó, sau khi đã chạy xe lòng vòng nẹt pô, lạng lách, biểu diễn đua xe ở một số tuyến đường trung tâm, các đối tượng này ngẫu hứng “tranh tài”. Các quái xế chia đoạn đường thành ba chặng, lộ trình xuất phát từ ngã tư Trần Văn Nam – tỉnh lộ 827 – Nguyễn Thông rồi quay lại.
Vết tích để lại của những cuộc đua
Khi gần tới đích, bất ngờ xe của Cường mất phanh leo lên lề đường đụng thẳng vào gốc cây. Xe của Hòa bị mất thăng bằng lao vào lan can cây cầu rồi… bay hơn 5m sang bên kia bờ kênh. Hậu quả Cường bị gãy chân làm ba khúc, Hòa bị bể hàm trái, mắt phải bị hư, thị lực giờ chỉ còn 1/10.
Hậu đua xe, các quái xế lãnh thương tật. Mẹ của quái xế Tấn Cường tâm sự “Chuyện xảy ra thật đau lòng. Hiện tại chân trái của cháu bị gãy làm ba, đầu gối bể nát phải điều trị tốn đến 30 triệu đồng nhưng giờ vẫn phải nằm tại chỗ với một chân nẹp inox từ 6 – 8 tháng mới mong phục hồi”.
Một điều tra viên đã tham gia xử lý nhiều vụ đua xe trái phép tại Long An cho biết, khi được hỏi có biết hậu quả chết người, tàn phế của những vụ việc đua trái phép đã xảy ra hay không thì hầu như “quái xế” nào cũng gật đầu. “Thế nhưng trả lời câu hỏi “Tại sao lại đùa với trò chết người như thế?”, các em lại lúng túng và chỉ biết giải thích: “Nổi hứng nên quên hết hậu quả”", điều tra viên này nói.
Cũng theo điều tra viên này, đa số thanh thiếu niên trong các vụ đua xe trên tuổi đời còn rất trẻ, có tên mới 17 tuổi, có nhiều em còn là học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn nhưng vẫn thích làm “yêng hùng xa lộ”. Tất cả những xe tham gia đua đều đã bị thay đổi đặc trưng tại các lò độ xe trên địa bàn thành phố. “Thậm chí, có những chiếc xe 50 phân khối nhưng được đổi nòng loại… 110 phân khối. Xe như thế chạy tốc độ cao không nguy hiểm mới là lạ”, điều tra viên này cho biết.
Theo Đời sống pháp luật
Bài thuốc chữa rắn cắn bí truyền và mẩu sừng dinh
Hai thầy chữa rắn cắn đã cứu hàng ngàn mạng người nhưng bài thuốc của họ thì vẫn bí truyền.
Ông Lê Văn Duyên (72 tuổi) ngụ tại sóc Tà Ngáo, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang). Sống lâu ở Tà Ngáo nên người ta gọi ông là thầy Tư Tà Ngáo.
Quý mạng sống nên cứu người
Thầy Duyên kể về hoàn cảnh đẩy đưa thầy đến nghề trị rắn. Cha mẹ thầy là người Việt nhưng sinh sống ở Tà Lập, huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia). Thuở trước, vùng Tà Lập bốn mặt là núi rừng. Sống trong rừng sâu, núi thẳm không làm nghề gì đào ra tiền. Nhà chỉ sống bám vào mớ củi kiếm được từ rừng mang bán. "Cha tui tham gia cách mạng nên bị Mỹ bố ráp, gia đình phải kéo nhau đến tỉnh Pursat, giáp Thái Lan để trốn. Về đó không lâu thì Pôn Pốt nổi dậy. Hễ thấy người Việt là chúng bắt giết. Để tránh hiểm họa, tui vô chùa xuống tóc quy y" - thầy Duyên nhớ lại.
Tu một thời gian thì ông Duyên nhận ra rằng mình cứ lo niệm Phật mà thấy người chết chỉ đứng nhìn, không cứu được. Thế là ông ráng tu cho đủ niên hạn, lấy cái giấy chứng nhận tu sĩ để Pôn Pốt tưởng mình là người Campuchia, không bắt giết. "Khi hoàn tục, tui lặn lội tìm thầy học nghề thuốc Nam. Rồi có lần tình cờ tui học được thuật chữa rắn cắn của người Thượng. Kể từ đó tui trở thành thầy lang" - ông Duyên kể.
Miếng sừng dinh nhỏ nhưng đã cứu nhiều người.
Điều lo lắng nhất của ông Duyên đã là sự thật. Một đêm nọ, Pôn Pốt tràn đến giết sạch người trong nhà, chỉ sót mình ông. Sau giải phóng, nhờ bộ đội Việt Nam lên giúp, ông mới về được cố hương và sinh sống tại Tà Ngáo đến bây giờ.
Nơi ông ở gần núi Đất có nhiều loài rắn độc. Tình cờ có lần đi rừng, ông gặp một người bị rắn chàm oạp mổ trúng chân. Nghĩ đến những người trong gia đình bị giết thảm, mạng sống con người vô cùng quý nên ông chẳng chút ngần ngại ra tay cứu giúp. Ông đưa tay quơ vội mấy thứ thuốc rừng, móc cục thuốc gùi từ trong túi áo, rồi bẻ nhánh cây làm chày giã nhuyễn. "Hai tay tui túm nắm thuốc vắt mạnh, đưa những giọt nước vào miệng nạn nhân. Còn xác thuốc tui đắp vết thương. Khoảng 20 phút sau thì nọc độc được chặn đứng. Tui làm thêm ba lần như vậy nữa thì anh ấy khỏe hẳn" - ông Duyên kể.
Là dân sành nghề nên nhìn vết thương ông Duyên có thể đoán được loại rắn gì cắn phải. "Rắn chàm oạp chả, chàm oạp lửa cắn vết thương chảy máu nhiều nhưng nọc phát chậm và nguy cơ tử vong cao, phải chữa nhiều ngày. Rắn hổ mang, hổ sơn cắn thì vết thương chỉ bầm tím, thấy rõ dấu răng chứ máu không nhiều. Loại này nọc độc bạo phát, đưa đi xa nạn nhân sẽ chết nhưng giải độc kịp thời thì mau chóng hết" - ông giải thích.
Thầy Duyên nói để làm và tồn tại được với nghề thì người thầy thuốc không tham lam, không thù hận, không làm điều bất nhân, bất nghĩa. Có khi người ta mới chửi mình đó nhưng họ bị rắn cắn thì mình không thể vì oán hận mà làm ngơ.
Dù mang danh là thầy giỏi nhưng ông Tư Tà Ngáo cũng có lúc bó tay. "Rắn cắn từ sau tới, trúng vào bắp chuối chân thì cũng bó tay. Những trường hợp này thì thầy chạy, kêu người ta đến bác sĩ gấp, nếu không là mang họa" - thầy Duyên vui vẻ chỉ nghề.
Nhờ trị rắn cắn mà ông Tùng được tặng cái hộp đựng thuốc Ruby. Bàn đựng có con chim gắp điếu thuốc mời khách, được một người tù Côn Đảo công phu làm ra trong những năm tháng bị giam cầm.
Miếng sừng dinh cứu đồng đội, cứu dân
Ở ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang) có ông Tư Tùng (Bùi Thanh Tùng) sở hữu chỉ miếng sừng dinh nhỏ bằng hạt lựu mà đã giành lại mạng sống cho hàng trăm người.
Ông Tùng năm nay đã 83 tuổi, tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Ông có dịp quen với ông Bảy Biên, người dân tộc Rắc Lây và được tặng hai cục sừng dinh to bằng lóng tay út có thể hút được rất nhiều loại nọc độc.
Ông Tùng kể những lần hành quân đêm, băng rừng cùng đồng đội, một số anh em đã bị rắn độc cắn đến ói mửa và trào bọt mép. Ông liền cho nạn nhân nằm trên võng, rồi đưa sừng dinh vào vết cắn. Bỗng cục sừng dinh hít vào vết thương, khoảng 20 phút sau nó tự rớt ra. Thế là sáng hôm sau, đồng chí ấy tiếp tục hành quân.
Sau vài lần cứu đồng đội thoát chết, mấy anh em cùng đơn vị ai nấy chạy đến xin sừng của ông Tùng. Ai cũng lấy dao vạt một miếng để phòng thân. Tới nay từ hai cục, sừng dinh của ông Tùng chỉ còn một mẩu nhỏ bằng hạt lựu. "Những người xin sừng dinh của tôi ngày trước giờ họ cũng đã chết. Cả vùng Bảy Núi này hiện chỉ còn tôi có miếng sừng dinh độc nhất này" - ông Tùng cho hay.
Thầy Duyên đang chữa cho người bị đau khớp và bị rắn cắn nhẹ. Tuy cách chữa có kỳ lạ nhưng nhiều người từng là nạn nhân của rắn độc xác nhận là hiệu nghiệm.
Ông Tùng nhớ mãi có lần một con rắn lục đuôi đỏ bị "giam" suốt chục ngày bởi uy lực của chiếc sừng dinh. Hôm đó, do hành quân gấp nên ông bỏ lại miếng sừng trong chiếc ba lô, treo trên nhánh cây tràm. Ông thấy trên cây tràm có con rắn lục đuôi đỏ mang bầu nằm gần chiếc ba lô. Khoảng chục ngày sau ông về thì con rắn vẫn nằm đó, ốm lòi xương.
Trước tết Ất Dậu, bà Nguyễn Thị Bé Hai ở thị trấn Tịnh Biên trong lúc lấy lá dừa nấu cơm ban đêm bị rắn hổ đất mổ vào tay, cứ tưởng là gà mổ nên bà không để ý. Sáng hôm sau, đờm kéo lên tới khí quản, gia đình bà mới hốt hoảng chạy thầy và được ông Tư Tùng trị hết. "Lúc tôi làm bí thư chi bộ xã Thới Sơn, ông Mười Minh (tức Võ Văn Hết, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang) cũng bị rắn chàm oạp chả cắn, sau khi từ Côn Đảo trở về, mình mẩy ổng sưng phù, đau nhức dữ dội. Hai cột sống chạy từ cần cổ xuống nổi lên vết phù giống như vẩy rắn. Tôi lấy sừng dinh để vào vết cắn thì hơn chục ngày sau ông ấy chơi thể thao được. Nhớ ơn tôi, hễ sau này đi đâu ngang nhà là ổng ghé tặng quà" - ông Tùng kể tiếp.
Theo ông Tùng, tính từ ngày ông có sừng dinh đến nay 47 năm thì ông đã cứu mạng của đồng đội cũng như dân làng cả ngàn người. Hiện ở vùng Bảy Núi ai bị con gì có nọc độc cắn cũng mang đến ông điều trị.
Bí ẩn sừng dinh
Tương truyền có ba loại dinh gồm dinh cỏ, dinh rắn và dinh cá. Mỗi con nặng không quá 2 kg, đầu mọc một chiếc sừng cong như lưỡi câu. Sừng dinh cỏ và dinh cá không có tác dụng trị độc. Còn dinh rắn thì chuyên ăn các loại rắn độc. Rắn độc cỡ nào mà gặp dinh rắn cũng phải đầu hàng cho nó ăn thịt. Loài dinh rắn này khi ngủ móc sừng trên nhánh cây. Đối với các loài động vật ăn thịt khác thì còn phải săn mồi, rượt chạy mệt lả mới có cái mà ăn. Còn con dinh rắn không săn mà mồi ăn không hết. Các loài rắn bò qua khu vực nó nằm ngủ trong bán kính chừng trăm mét đều phải nằm lại, cứ thế mà nó ăn mồi no nê rồi ngủ.
Gần đây, có thông tin cho biết ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) có người sở hữu cả cái sừng dinh nguyên chiếc. Người chủ này công nhận hiệu lực đặc trị các loại nọc độc của sừng dinh. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai tìm hiểu con dinh có tên khoa học là gì, sách vở cũng chưa thấy đề cập đến.
Theo Người Lao Động
Kinh hoàng "bão" đêm Các "quái xế" đang tranh hùng trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh chụp lúc 4 giờ ngày 13-9. Nạn đua xe trái phép trên địa bàn TPHCM đã có từ lâu, thời gian gần đây trở nên phổ biến và kinh hoàng hơn. Hàng trăm xe máy đủ loại đã được lên đời, xoáy nòng, nối đuôi nhau dài hàng cây số...