Yên tâm hơn với “xe ôm hãng”
Không mặc cả, không chặt chém, giá lại rẻ hơn 1/3 so với “ xe ôm” thông thường, dịch vụ motor taxi đang thu hút được sự quan tâm của người dân bởi sự tiện dụng và an toàn.
Hà Nội bùng nổ motor taxi tính cước theo đồng hồ
Vài năm trước, người dân TP Hồ Chí Minh hết sức ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy nhiều bác “xe ôm” nhếch nhác hàng ngày bỗng dưng đồng loạt mặc đồng phục. Những chiếc “xe ôm” cà tàng cũng lột xác khi gắn thêm tấm biển “Motor Taxi” kèm đồng hồ tính cước. Sau TP Hồ Chí Minh thì Hà Nội là thành phố thứ 2 bắt đầu làm quen với loại hình “xe ôm” có tổ chức như thế này.
Với ưu điểm tiện lợi, cơ động và chi phí vừa đủ đối với những chặng đường ngắn, xe ôm đã trở thành phương tiện giao thông cực kỳ quen thuộc với người dân từ thành thị tới miền núi, nông thôn… Tuy nhiên, tình trạng loạn giá, nói thách, chèo kéo hay đeo bám khách khiến không ít người luôn giữ thái độ cảnh giác mỗi khi cần sử dụng loại dịch vụ này. Cá biệt tình trạng lừa đảo hay chạy vòng vèo để tăng giá cũng là mối lo ngại với hành khách, đặc biệt là những người ngoại tỉnh. Mặc dù trước đây, một số bến xe đã cố gắng đưa dịch vụ “xe ôm” tự phát vào quy củ bằng cách phát đồng phục và yêu cầu tập trung tại từng khu vực nhằm giảm thiểu tình trạng lộn xộn, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Do đây là loại hình lao động thời vụ và cũng không có ràng buộc về cơ chế làm việc, cộng thêm sự manh mún, vô ý thức của mỗi cá nhân nên sau đó lại mạnh ai nấy lo.
Video đang HOT
Vì thế khi một số doanh nghiệp tại Hà Nội “nhân bản” mô hình motor taxi, đưa hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe máy vào quy củ, có cơ chế quản lý xe và người nên đã nhanh chóng nhận được sự ưu ái của đại đa số hành khách. Mặc dù vẫn chỉ là dịch vụ vận tải, đưa đón hành khách bằng xe máy, nhưng motor taxi lại có đồng hồ tính cước, bảng giá niêm yết công khai kèm đường dây nóng, nhân viên mặc đồng phục và thái độ thân thiện. Cũng từ đây, khái niệm “xe ôm hãng” và “xe ôm dù” ra đời nhằm phân biệt giữa những bác tài tự phát và những bác tài chạy xe ăn lương. Còn hành khách, dĩ nhiên, sẽ chọn những dịch vụ mà họ yên tâm nhất.
Anh Lê Hồng Tuấn, sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên nhìn thấy những chiếc xe máy có dán lôgô taxi đậu ở bến xe Mỹ Đình, em rất ngạc nhiên. Một lần đi thử từ bến Mỹ Đình về Long Biên em thấy giá cước tính theo đồng hồ chỉ có 75 nghìn đồng. Trong khi đó mọi lần em đi “xe ôm dù” toàn hết từ 100-120 nghìn đồng. Lại phải mặc cả lên mặc cả xuống. Thế là từ đó có việc đi đâu, em toàn gọi điện cho xe ôm hãng. Vừa rẻ, vừa tiện”.
Hiện tại ở Hà Nội có khoảng 6 hãng motor taxi như Bình An, Âu Cơ, Thân Thiện, Văn Minh… hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, do mô hình còn mới mẻ, công ty nhỏ nên số lượng xe của các hãng chưa nhiều. Lớn nhất cũng chỉ tới gần 100 đầu xe như của Văn Minh. Ông Nguyễn Bảo Trung, Đội trưởng Đội quản lý xe Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Văn Minh cho biết: “Tất cả các xe của công ty đều được gắn đồng hồ tính cước, chip định vị GPS theo quy định, do đó mỗi lộ trình của lái xe chúng tôi đều nắm được. Hành khách nếu không biết đường cũng không còn phải lo về việc bị đưa đi vòng vèo nữa. Ngoài ra 100% lái xe khi vào công ty đều được ký HĐLĐ và không phải đặt cọc tiền xe. Tuy nhiên, họ phải có bằng lái và kiểm tra sức khỏe định kỳ, đảm bảo không bệnh tật, nghiện hút và được tập huấn về tác phong ứng xử với khách hàng. Trường hợp nếu lái xe phục vụ không vừa lòng, hành khách cũng có thể phản ánh trực tiếp tới số đường dây nóng in trên thân xe”.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định: “Thành phố nhiều lần có ý kiến đưa hoạt động của dịch vụ “xe ôm” vào quy củ nhằm đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội, nhưng vẫn chưa thực hiện được do đây là loại hình dịch vụ tự phát rất khó quản lý. Do đó khi các doanh nghiệp đưa ra loại hình này, tôi cho rằng đó là mặt tích cực. Hành khách sẽ được sử dụng dịch vụ một cách minh bạch và an toàn. Quyền lợi và nghĩa vụ của người hành nghề cũng được đảm bảo hơn. Tôi cho rằng đây là một nghề giải quyết được nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như tạo công ăn việc làm cho khá nhiều lao động, đặc biệt là những người đã về hưu nhưng vẫn còn sức khỏe. Trong khi chúng ta chưa giải quyết được bài toán quản lý “xe ôm” và trật tự an toàn đô thị thì hãy để những gì ưu việt phủ định những tồn tại, nhếch nhác bấy lâu nay”.
Theo ANTD
Không chấp nhận cây xăng kém an toàn
Đó là ý kiến của ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô xung quanh việc đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu không đạt chuẩn trên địa bàn thành phố.
Phòng chống cháy nổ là điều kiện kinh doanh hàng đầu với các cây xăng
- PV: TP vừa yêu cầu đóng cửa hàng loạt cây xăng vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy, các doanh nghiệp có chấp hành nghiêm túc?
- Ông Lê Hồng Thăng: Vừa qua Sở Công Thương Hà Nội và các đơn vị chức năng đã kiểm tra, rà soát và nhận thấy, trong gần 440 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn phải dừng 12 cửa hàng. Các cửa hàng phải đóng cửa đều thực hiện đúng ngày giờ đã ấn định. Họ đều chấp hành rất tốt và lực lượng quản lý thị trường cũng đã được giao nhiệm vụ phải quan tâm, xem xét đặc biệt tới 12 cửa hàng đó.
- Có thông tin nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, sẽ có hàng trăm cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội phải dừng hoạt động?
- Sở Công Thương chỉ nói hàng trăm cửa hàng sẽ phải cải tạo lại cho đủ điều kiện chứ không phải dừng. Đất nước đang phát triển nên chúng ta liên tục có những quy định mới, tiêu chuẩn mới. Để đáp ứng các yêu cầu mới đó, thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải nâng cấp, sửa chữa. Doanh nghiệp không thể chủ quan trong việc áp dụng các quy định của Nhà nước. Chẳng hạn, có cửa hàng xăng dầu chỉ có một lối ra vào, không đảm bảo yêu cầu nên chúng tôi yêu cầu sửa chữa. Còn trong quá trình sửa chữa, Sở có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
- Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù để tránh việc nhiều cửa hàng sẽ phải đóng cửa nếu áp đúng tiêu chuẩn, các bộ ngành đã có phản hồi về việc này?
- Hiện nay, liên ngành cũng đã báo cáo và UBND TP Hà Nội cũng đã đề xuất lên Trung ương để xin cơ chế đặc thù. Theo tiêu chuẩn cũ, các cửa hàng này vẫn hoạt động bình thường nhưng khi áp dụng tiêu chuẩn mới, trong điều kiện ở nội thành, có những nội dung phải báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Điều kiện hàng đầu của cửa hàng kinh doanh xăng dầu là phòng chống cháy nổ và yêu cầu này là không thể điều chỉnh được. TP không thể chấp nhận được những cửa hàng không an toàn.
Nhưng có những tiêu chuẩn rất khó thực hiện như diện tích cửa hàng phải rộng 300m2. Nếu cửa hàng dưới 300m2 mà tiêu chuẩn phòng cháy vẫn tốt thì mới cần cơ chế đặc thù. Tiêu chuẩn về chỉ giới đường giao thông cũng thế. Ngày trước đường sá nhỏ hẹp, giờ mới mở rộng thêm một chút nên vỉa hè có khi sát vào cửa hàng... Các quy định về tiêu chuẩn phải nghiêm túc thực hiện, nhưng khi triển khai có khó khăn, vướng mắc, mới cần đề xuất đặc thù.
Theo ANTD
Cần phối hợp nhịp nhàng Bản đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam của Quỹ Tiền tệ quốc tế dành những lời nhận xét tích cực về nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Các cơ quan chức năng của Chính phủ đã tiến bộ đáng kể trong ổn định thị trường tài chính khi Ngân hàng Nhà nước cung ứng thanh khoản và hợp...