Yên Bái và những điểm du lịch hút hồn phượt thủ
Tỉnh Yên Bái có nhiều c ảnh đẹp, như Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, suối Giàng, Tà Xua, thác Pú Nhu…
Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Tây Bắc – Đông Bắc và trung du Bắc bộ, phía bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía tây giáp tỉnh Sơn La.
Với địa hình độ dốc lớn, cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc, độ cao trung bình 600 m so với mực nước biển, cảnh quan Yên Bái rất phong phú với nhiều cảnh đẹp như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chè xanh Suối Giàng, hay khu du lịch Hồ Thác Bà…
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Từ Hà Nội để đến với Mù Cang Chải, bạn có thể lựa chọn đi theo hướng Quốc lộ 32, để cùng với đó khám phá đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc.
Mù Cang Chải nổi tiếng với khách du lịch bởi sự hùng vĩ của thiên nhiên và những triền ruộng bậc thang xanh ngút ngàn tầm mắt. Hơn 700 ha ruộng, trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn, quyến rũ mê người từ màu vàng óng của những nương lúa.
Mù Căng Chải mùa lúa chín. Ảnh: Placehunt.
Săn mây Tà Xùa
Tà Xùa (Bắc Yên, Yên Bái) đang là điểm đến săn mây hấp dẫn của các nhiếp ảnh gia và bạn trẻ thích xê dịch trong những năm trở lại đây. Tà Xùa được hợp lại từ ba đỉnh núi hùng vĩ, quanh năm thường được mây ngàn bao phủ, và là ranh giới tự nhiên giữa Sơn La với Yên Bái.
Đến Tà Xùa, bạn có thể đi giữa rừng nguyên sinh, những cây cổ thụ rêu phong phủ kín phảng phất mùi thơm của gỗ, những vạt hoa rừng khoe sắc trong gió đông, những biển mây trôi bồng bềnh, phiêu lãng…
Biển mây trên Tà Xùa. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh.
Thác Pú Nhu
Video đang HOT
Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10 km về phía tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20 m được chia thành nhiều bậc.
Ở khu vực thác, nhiệt độ cao nhất trong năm khoảng 26 độ C, khí hậu trong lành, mát mẻ thật lý tưởng cho những chuyến dã ngoại trong ngày. Những thềm đá được nước đổ xuống chảy êm đềm trên những mảng rong xanh sẽ để lại ấn tượng cho ai từng trầm mình trên đó mà thả hồn theo dòng nước, quên đi những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Hồ Thác Bà
Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái, nơi được ví như “ Hạ Long trên núi” là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà.
Hồ Thác Bà nằm trong địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên, với diện tích gần 23.500 ha, với hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất thân thiện, hữu tình.
Những làng, bản ven hồ Thác hiện nay vẫn còn giữ được nét hoang sơ, nguyên thuỷ cùng bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan…
Suối Giàng
Suối Giàng là xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm ở độ cao 1.371 m so với mực nước biển, với diện tích 5.922 ha, được biết đến với các loại đá cảnh quý vân hoa tím, xanh với nhiều hình thù kỳ thú phân bố chủ yếu ở dãy núi Khỉ, thôn Kang Kỷ, thôn Suối Lóp…
Ngoài những sản vật của miền sơn cước như rau cải Mèo, su su, sa mộc, pơ mu, các loại củ, quả, ngũ cốc, nét hấp dẫn du khách tìm đến với Suối Giàng là văn hóa trà của người Mông. Niềm vui lớn nhất của nhiều du khách khi đến đây là được thưởng thức đặc sản chè Shan tuyết nức tiếng xa gần ngay tại cái nôi sản sinh cây Chè Tổ.
Vùng chè cổ thụ Suối Giàng nằm ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… Ngoài ra, du khách có thể tham quan các đồi chè ở tầng thấp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tham gia vào cuộc sống sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người Mông dưới chân núi.
Nương chè xanh mướt bạt ngàn. Ảnh: Hải Dương.
Bản văn hóa Ngòi Tu
Bản Ngòi Tu thuộc xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Với những đặc trưng riêng, Ngòi Tu hấp dẫn du khách không những bởi khung cảnh đẹp, hoang sơ mà còn bởi nơi đây là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Dao, Cao Lan, Nùng, trong đó chủ yếu là đồng bào Dao quần trắng.
Đến với Ngòi Tu, ngoài việc được thưởng thức những món ăn dân dã, bạn sẽ còn được hòa mình vào phong cảnh hữu tình, say lòng cùng những làn điệu dân ca, những điệu múa: làm chay, xúc tép, rước dâu truyền thống… Những bạn thích lang thang khám phá còn có thể tham gia trekking núi Yến, núi Cao Biền hoặc đạp xe khắp bản để khám phá văn hóa của người Dao.
Háng Tề Chơ – làng Nhì
Háng Tề Chơ (Háng Đề Chơ) là bản xa nhất của xã Làng Nhì, Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là một bản tập trung khoảng vài chục hộ dân người Mông Đen, bản cũng sở hữu ngọn thác cùng tên Háng Tề Chơ, được coi là một ngọn thác đẹp trong danh sách các điểm đến của Tây Bắc.
Để vào được bản Háng Tề Chơ (hay bản Đề Chơ), du khách phải đi bộ vài tiếng, bởi đường ở đây chỉ dành cho ngựa, còn xe máy không thể đi vào. Từ quãng rẽ Làng Nhì – Háng Tề Chơ, du khách phải vượt qua thêm chừng 10 con dốc dựng đứng 25 độ. Chính sự hiểm trở của nơi đây đã thôi thúc bước chân chinh phục của những lữ khách
Theo Zing News
Tháng 9 này, đến Yên Bái thăm mùa vàng Mù Căng Chải
Những vạt núi, vạt đồi của Tây Bắc hửng lên sắc vàng ươm của những thửa ruộng bậc thang trập trùng.
Tháng 9, khi da trời xanh ngăn ngắt, điểm xuyết những dải mây trắng bồng bềnh như chiếc khăn voan hờ hững trên bờ vai thiếu nữ, khi những vạt lá sấu vàng chạy lăn tăn dưới hơi thở của cơn gió heo may chợt ghé thăm phố phường, khi cái nắng chỉ còn nồng nàn mà không gay gắt, vàng óng mật mà không chói chang, khi lòng người chợt chùng xuống trước chiếc lá sen già thì đấy là lúc từ tận sâu thẳm tâm hồn, bỗng khởi lên niềm đam mê rong ruổi trên những con đường Tây Bắc.
Biết bao khách thị thành đã ngẩn ngơ trước những thớt ruộng xếp san sát và đều tăm tắp như những phím đàn dương cầm.
Chưa đầy một tháng nữa, trên những vạt núi, vạt đồi của Tây Bắc, sẽ hửng lên sắc vàng ươm của những thửa ruộng bậc thang trập trùng. Những chiếc thang bắc lên trời của người H'mông như được dát vàng cứ tãi thóc một cách hào phóng từ chân núi đến tận trời xanh.
Ruộng bậc thang của người H'mông ở thung lũng Tú Lệ, ở La Pán Tẩn, ở Mù Căng Chải đẹp là thế. Chỉ dùng cái cuốc bướm (loại cuốc lưỡi nhỏ, hình cánh bướm), sức lực của đôi tay và kinh nghiệm ngàn đời, người H'mông đã tạo thành các thớt ruộng lớn bé có đường đồng mức giống nhau, độ cao giống nhau và mức nước giống nhau để tạo nên một quần thể ruộng bậc thang đẹp nhất nhì Việt Nam.
Biết bao khách thị thành đã ngẩn ngơ trước những thớt ruộng xếp san sát và đều tăm tắp như những phím đàn dương cầm như thế. Và những phím đàn rực một màu no đủ, ấm áp đó cứ mải miết hòa vào trong bản giao hưởng bất tận của núi rừng, với vi vu gió núi, với róc rách nước khe, với thánh thót họa mi với ríu ran tiếng cười nói ngày gặt.
Thế nên, mùa vàng Mù Căng Chải hớp hồn bao viễn khách. Khi những triền đồi chuyển từ xanh sang vàng cũng là lúc những diễn đàn mạng, những trang Facebook ngập tràn những kế hoạch "phượt mùa vàng" khắp trong Nam ngoài Bắc. Và quốc lộ 32 bỗng dập dìu bao kẻ "bỏ phố lên rừng", mong rũ bỏ thành thị bụi bặm, buồn tẻ và bận rộn để được sống đôi ngày chốn hoang sơ.
Đi thôi nhỉ! Lời rủ rê như mật rót vào tai, như con rắn xui Eva và Adam cắn trái táo. Theo những vòng quay của bánh xe, hành trình từ Hà Nội tới Mù Căng Chải dài 380 km cứ bị nuốt dần dù cho con đường quanh co, uốn lượn như rắn cuộn mình, một bên là núi cao, một bên là vực sâu.
Mù Căng Chải luôn là đề tài bất tận cho các nhiếp ảnh gia.
Trên đường tới mùa vàng Mù Căng Chải, khách nỡ lòng nào bỏ qua Tú Lệ. Đó là một thung lũng nhỏ nhắn, xinh tươi như một đóa hoa cẩm tú và diễm lệ. Hãy dừng chân nơi đây khi bóng hoàng hôn đang trôi và nhuộm tím những vách núi ven đường.
Tú Lệ nổi tiếng với gạo nếp như trong câu tục ngữ nơi đây "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò". Thế nên, phải xơi ngay một bát xôi ngũ sắc nấu bằng nếp Tú Lệ. Mùa này, lúa mới gặt, gạo mới giã nên mùi thơm cứ lừng lên ngay khi còn là hạt gạo. Thế thì cưỡng làm sao nổi khi hạt nếp thành hạt xôi bởi mùi hương quyến rũ ngào ngạt trong bàn tay, trong vòm họng viễn khách.
Thứ hương đó sẽ vương vấn trong tâm hồn nhiều năm sau này, tạo thành một thứ hương gieo niềm nhớ. Để mỗi khi lá vàng xào xạc, lòng người lại bần thần nhớ về một chiều hoàng hôn nơi sơn cước, được ngồi với tri kỷ giữa gió núi hương ngàn và khẽ khàng nhón một chim xôi hay chia những những hạt cốm của người Thái làm bằng thứ nếp diệu kỳ.
Qua Tú Lệ là đèo mây Khau Phạ (tiếng Thái có nghĩa là Sừng Trời), điểm đầu của Mù Căng Chải. Con đèo Khau Phạ dài khoảng 30km, chỗ cao nhất là 1.500 m so với mực nước biển, như một chiếc sừng chọc xuyên biển mây mà vươn tới trời.
Ở đây hầu như lúc nào cũng mịt mù biển mây. Đứng trên đỉnh đèo Khau Phạ, nếu may mắn gặp được hôm trời quang mây tạnh, hãy nhìn xuống cánh đồng Cao Phạ phía dưới với lốm đốm vàng, xanh, nâu tạo thành một bức thảm tuyệt vời.
Khi vượt qua đỉnh đèo, mây mù dần tan bớt rồi bất thình lình Mù Căng Chải hiện ra giữa một cao nguyên được bao quanh bởi dãy Hoàng Liên Sơn điệp trùng. Không gian ngập tràn mùi lúa chín tỏa ngào ngạt từ những thớt ruộng bậc thang mịn màng.
Vẻ đẹp của mùa vàng Mù Căng Chải rất đa dạng khiến đôi mắt chẳng thể nào no bởi đó là một họa phẩm đồ sộ với nhiều mảng miếng, góc cạnh khác nhau. Cứ đi đi, cứ ngắm rồi sẽ thấy được những vẻ đẹp khác nhau của ruộng bậc thang nơi đây.
Đó là những thửa ruộng nhỏ nhắn, uốn lượn tạo thành những vân ruộng đẹp như vân tay của trời đất ở La Pán Tẩn. Đó không còn là mảnh ruộng trồng lúa nữa mà đã hóa thân thành tác phẩm kiến trúc nghệ thuật của người H'mông rồi. Đó là những thớt ruộng vàng óng lên bởi nắng thu, bởi trời xanh ngăn ngắt ở bản Lìm Mông vốn ẩn sâu trong mây trắng. Đó là những vệt vàng chạy miên man trên lưng chừng trời ở Chế Cu Nha, Dế Xu Phình.
Dưới cái tiết thu dễ chịu với nắng gió mơn man này, đi giữa những thớt lúa rập rờn này, lòng khách như bị mê hoặc như con ong quên lối về. Ánh đèn thành thị bỗng nhạt nhòa và trở thành niềm quên lãng giữa bát ngát hương lúa sóng vàng.
Tháng Chín này, ai đi ngắm mùa vàng?
Theo ngôi sao
Những địa điểm khi phượt Mù Căng Chải mùa này bạn nên ghé qua Mùa lúa chín ở Mù Căng Chải bắt đầu từ 20/9 - 10/10 dương lịch hàng năm. Do đó, ngay từ bây giờ, ban hãy lên lịch trình đến đây mục sở thị nhé! Đến với Mù Căng Chải thời gian này (cuối tháng 9 đến đầu tháng 10), du khách bị ấn tượng với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm...