Yên Bái: Nhà nông trồng quế, nuôi cá, vươn lên làm giàu
Những năm qua, Hội Nông dân xã Đại Sơn, huyện Văn Yên ( Yên Bái) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng mô hình sản xuất mới
Là xã vùng sâu của huyện Văn Yên, Đại Sơn có 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chiếm phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, Mông. Nhiều năm trước, kinh tế của xã Đại Sơn chậm phát triển nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Gia đình anh Bàn Tiến Nhị – Chi hội thôn 1 (xã Đại Sơn, huyện Văn Yên) với mô hình chăn nuôi lợn rừng lai và cá rô phi đơn tính có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ảnh: A Mua
Những năm gần đây, Hội Nông dân xã Đại Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên quan tâm sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, phát huy thế mạnh trồng quế; phát triển các mô hình sản xuất kinh tế mới như: Chăn nuôi tổng hợp, trồng nấm… tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.
Xác định nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2018, Hội Nông dân xã Đại Sơn đã phối hợp tổ chức được nhiều buổi tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho hội viên; mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi – thú y và kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ cho trên 60 học viên tham gia và tổ chức một số buổi đi tham quan thực tế mô hình kinh tế điển hình trong, ngoài xã.
Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, nhất là hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất.
Hội Nông dân xã Đại Sơn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên để xây dựng kế hoạch vay vốn cũng như hoạt động ủy thác vay vốn, quản lý dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Tất cả các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả gốc và lãi đúng hạn, không có tình trạng nợ quá hạn.
Ông Lý Tòn Cầu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Sơn cho biết, về cây quế, Hội đã tuyên truyền các hội viên từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: Trồng quế bầu để nâng cao tỷ lệ sống, không phun thuốc trừ cỏ, hạn chế thuốc trừ sâu theo hướng phát triển quế sạch…
Video đang HOT
Tăng thu nhập cho nông dân
Từ những kiến thức thông qua các lớp học nghề ngắn hạn, các buổi tập huấn về khoa học, kỹ thuật, tập huấn đầu bờ do Hội Nông dân xã Đại Sơn trực tiếp và phối hợp tổ chức, nhiều hội viên, nông dân tích cực phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, trồng mấm, trang trại tổng hợp, tăng thêm thu nhập.
Trong số các mô hình sản xuất hiệu quả, một số mô hình đã đem lại thu nhập cao, điển hình như: Mô hình chăn nuôi lợn rừng; nuôi cá rô phi đơn tính của hội viên Bàn Tiến Nhị ở Chi hội thôn 1; nuôi cá quất, cá lăng, cá bỗng của hội viên Hoàng Văn Thu ở Chi hội thôn 1…
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Đại Sơn luôn giữ vững diện tích quế với 3.000ha. Hàng năm cho khai thác quế vỏ khô đạt trên 475 tấn, tận thu gỗ quế trên 4.000m3 và hàng nghìn tấn cành, lá. Nguồn thu từ cây quế giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.
Hội viên Bàn Tiến Nhị ở Chi hội thôn 1 chia sẻ: “Qua các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức và tự tìm hiểu thông tin, tôi nhận thấy hướng phát triển kinh tế truyền thống ngày càng hạn chế vì đất đai hạn nên tôi bắt đầu học hỏi hướng phát triển kinh tế hiện đại, không cần nhiều đất, nhưng hiệu quả cao…”.
Sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi lợn rừng lai kết hợp nuôi cá rô phi đơn tính trên diện tích hơn 1.000m2 ao, sau khi trừ chi phí gia đình anh Nhị đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”.
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là sự đồng hành, giúp đỡ trực tiếp của Hội Nông dân xã Đại Sơn, hội viên, nông dân trong xã đã có chỗ dựa vững chắc về vật chất, kinh nghiệm, kỹ thuật, tạo động lực tinh thần giúp hội viên mạnh dạn khai thác thế mạnh tại chỗ phát triển kinh tế.
Ông Lý Tòn Cầu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Sơn khẳng định, Hội sẽ tiếp tục tập trung mạnh vào các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề cho hội viên, nông dân. Các ngành, nghề mới mà Hội đề xuất đưa vào tổ chức tập huấn, dạy nghề cho nông dân sẽ tập trung vào khai thác hiệu quả nhất tiềm năng về đất đai, thế mạnh đồi rừng, nguồn lao động ở địa phương. Hội cũng sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động phối hợp ủy thác, tín chấp để hội viên, nông dân vay được vốn đầu tư từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NNPTNT…
Theo Danviet
Đường "đặc thù" tiết kiệm 70% chi phí đầu tư có gì lạ ở Yên Bái?
Lên thôn Khe Đâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên (Yên Bái) những ngày này, PV Dân Việt không khỏi ngạc nhiên bởi những tuyến đường "đặc thù" đã thay thế cho những con đường dốc đứng, lầy lội, trơn trượt trước đây. Dù các tuyến đường này chỉ rộng 1m, dày 12cm nhưng đã giúp việc đi lại của đồng bào dân tộc nơi đây thuận tiện hơn, ai cũng phấn khởi...
Gọi là những con đường "đặc thù", bởi chúng chỉ có ở các thôn, bản vùng cao của huyện Văn Yên (Yên Bái). So với những tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa bằng nguồn ngân sách nhà nước thì đường "đặc thù" tiết kiệm được gần 70% chi phí đầu tư, trong khi thời gian thi công nhanh chóng, thuận tiện, diện bao phủ lớn nên số thôn, bản, người dân được hưởng lợi cũng vì thế mà nhiều hơn.
Ông Đặng Nho Tài cười rạng rỡ, phấn khởi khi bon bon trên con đường mới. Ảnh: Hoàng Hữu
Thấy cán bộ huyện và xã đang đo kiểm tra con đường mới được đổ bê tông, ông Đặng Nho Tài (trú tại thôn Khe Đâm, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, Yên Bái) cùng xúm vào với cán bộ, ngắm thước dây chỗ đất lề do bà con đắp. Ông Tài phấn khởi chia sẻ: "Có đường bê tông mới vui lắm chứ, bà con cả thôn đều ủng hộ, rồi còn góp tiền mỗi hộ 200.000 đồng để thuê máy xúc làm nền đường cho đẹp, cho chắc".
Ông Đặng Nho Tài cho biết thêm: "Nhà có 3 đứa con, trước đây đi học rất khó khăn, nhất là những hôm trời mưa, quãng đường chỉ 2km nhưng toàn dốc, có hôm các con đi học về mà như đi tắm bùn. Rồi chuyện tư thương ép giá mỗi khi bán con gà, con lợn thường xuyên xảy ra. Ngay cả cây quế là cây trồng chủ lực của địa phương cũng bị ép giá, khi chưa có đường bê tông chỉ bán được 160.000 đồng/yến, thậm chí phải gánh bộ ra đường lớn. Nhưng từ ngày có đường bê tông, thứ gì bán cũng dễ hơn".
Người dân đi lại trên các con đường dốc giờ đây đã đỡ vất vả hơn. Ảnh: Hoàng Hữu
Ông Đặng Nho Quan, cán bộ Tư pháp xã Mỏ Vàng chia sẻ, trước đây khi chưa có đường "đặc thù", những cán bộ xã như ông đi xuống cơ sở rất khó khăn. Trước đây, mỗi lần đi tuyên truyền pháp luật đến các thôn Khe Sung, Khe Đâm thì phải đi mất 2 tiếng, nhưng nay chỉ mất 40 - 50 phút, từ đó hiệu quả công việc cũng được nâng lên.
Chia sẻ với PV, ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng phấn khởi nói: "Từ tháng 5.2018 xã được triển khai thực hiện đường "đặc thù". Đến nay địa phương đã có 9km từ thôn Khe Hóp đi Khe Lóng 2, Khe Lóng 3 và vừa hoàn thiện đưa vào sử dụng đoạn đi thôn Khe Đâm. Dù chưa bằng đường bê tông theo chương trình 135 là rộng 3m, dày 18cm nhưng nhân dân rất vui, rất phấn khởi vì đi lại thuận tiện hơn, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống".
Cùng chung niềm vui với nhân dân xã Mỏ Vàng, tại các thôn: Ao Ếch (xã Châu Quế Thượng), Khe Dẹt (xã Phong Dụ Thượng), Khe Lép 1, Khe Lép 2, Khe Lép 3 (xã Xuân Tầm)..., các tuyến đường "đặc thù" cũng được triển khai đầu tư, xây dựng.
Người dân xã Phong Dụ Thượng, Văn Yên tham gia làm tuyến đường "đặc thù".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Trong những năm qua, tranh thủ các nguồn lực, Văn Yên đã kiên cố hóa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên tỷ lệ được kiên cố hóa đạt thấp, nhất là các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư nên việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Xác định việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường là nhiệm vụ cần phải làm, huyện có chủ trương triển khai xây dựng các tuyến đường "đặc thù" đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn với quy mô bề rộng 1m, dày 12cm. Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản.
Cán bộ Phòng KTHT huyện Văn Yên cùng cán bộ xã kiểm tra đường "đặc thù". Ảnh: Hoàng Hữu
Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Văn Yên triển khai làm trên 200km đường "đặc thù", trung bình mỗi xã sẽ có từ 2 - 3 thôn, bản được hưởng lợi từ dự án này. Trong đó, năm 2018 đã có 31km đường "đặc thù" được đầu tư xây dựng với kinh phí 9 tỷ đồng. Định hướng trong giai đoạn 2018 -2020 huyện Văn Yên phấn đấu mỗi năm đổ được 25km đường "đặc thù", cả giai đoạn là 75km.
Ngân sách huyện sẽ bảo đảm đầu tư 100% kinh phí cho việc làm mới các tuyến đường này, người dân đóng góp ngày công để làm mặt đường, khơi thông cống rãnh và đắp lề đường.
Ông Vũ Quang hải Chủ tịch UBND Huyện Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu
"Trước mắt chúng tôi làm theo thứ tự ưu tiên những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cự ly từ cụm dân cư đến trung tâm xã trên 5km, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, triển khai đến các thôn bản khó khăn. Trên cơ sở đó, huyện giao cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng cử cán bộ tổ chức khảo sát, rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đường và xây dựng các kế hoạch thực hiện hàng năm cũng như cả giai đoạn", ông Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND Huyện Văn Yên cho biết thêm.
Theo Danviet
Bản Lùng bị lũ lịch sử "xóa sổ" đã hồi sinh đón Tết Sau 6 tháng kể từ khi cơn lũ lịch sử ngày 20.7.2018 càn quét, xóa sổ cả bản Lùng (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), đến nay bà con vùng lũ đã được an cư. Cuộc sống của bà con bản Lùng đã được hồi sinh nhờ sự chung tay của cộng đồng. Ký ức kinh hoàng Trận lũ...