Yên Bái- mỏ quặng vùi lấp ruộng dân
Hàng trăm hộ dân ở xã xã Nậm Búng- huyện Văn Chấn- Yên Bái đang đứng trước nguy cơ bị mất hết ruộng canh tác do tỉnh này b
Trưởng công an xã Nậm Búng tại hiện trường mỏ quặng Sài Lương- nơi mà ông nói ngày nào cũng xảy ra va chạm giữa công nhân mỏ và người dân của xã- ảnh PV
Chúng tôi có mặt tại xã Nậm Búng vào những ngày giữa tháng 5. Ông Lê Thanh Hải, trưởng Công an xã Nậm Búng cất công đưa chúng tôi vượt đèo lên tận đỉnh ỏ quặng sắt Sài Lương – Nậm Chậu, nơi từ nhiều tháng qua đã bị những chiếc xe xúc, xe ủi xới tung từng mảng ruộng. Vừa đi ông Hải với tay chỉ xuống những con vực sâu: “Không thể trồng được gì nữa rồi! Rất nhiều khu ruộng đã bị bỏ hoang, đất đá từ trên cứ lao ầm ầm xuống ruộng, nguồn nước bị mất bà con không canh tác được nữa”.
Thoáng nhìn lướt qua, nhiều người có thể nhận ra nơi đây chỉ là những vạt đồi hoang và chưa từng được canh tác gì. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, thì từng thửa ruộng bậc thang được bà con người Dao bao năm xây đắp mới dần lộ ra, vòng vèo nhưng lỗ chỗ, ngắt quãng bởi những mỏ quặng thâm sì.
Ông Hải nói: “Kể từ ngày có mấy cái mỏ này, anh em công an xã chúng tôi càng thêm vất vả. Có những điểm mỏ khai thác suốt đêm ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Đất đá lấp hết ruộng. Sáng hôm sau người dân kéo lên cãi vã, xô xát với nhân viên khu mỏ gây mất an ninh trật tự. Tôi đã phải báo cáo huyện cử tới 7 đồng chí Công an lên đây nằm vùng để đảm bảo an ninh”.
Lên đến đỉnh Sài Lương, đứng giữa khu mỏ của Công ty cổ phần xây dựng Hoàn Thiện, đập vào mắt chúng tôi là đống quặng sắt khoảng vài ngàn tấn quặng đã được “moi” khỏi mặt đất và đang nằm trơ giữa đồi để rồi khi mưa xuống, các chất thải độc hại cứ theo những dòng nước mà xối ào ào xuống những mảnh ruộng dưới lưng chừng đồi.
Điều tra riêng của nhóm phóng viên cho thấy: tháng 6- 2008, UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cho phép Công ty cổ phần xây dựng Hoàn Thiện (trụ sở tại xã Vân Phú- TP. Việt Trì- tỉnh Phú Thọ) được khai thác khoáng sản tại mỏ quặng sắt tại thôn Nậm Chậu, thôn Sài Lương, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn.
Tiếp đó, tháng 11- 2008, UBND tỉnh Yên Bái ban hành tiếp quyết định 1856 thu hồi 306.001,1m2 đất nông nghiệp (đất ruộng bậc thang) của các hộ gia đình, cá nhân và đất đồi chưa sử dụng do UBND xã Nậm Búng đang quản lý tại thôn Sài Lương và thôn Nậm Chậu để cho Công ty cổ phần xây dựng Hoàn Thiện thuê đất để khai thác khoáng sản, xây dựng nhà máy chế biến, làm các công trình phụ trợ, bãi ém thải và hành an an toàn…
Trong quyết định này cũng quy định rõ trách nhiệm của Công ty Hoàn Thiện “trong quá trình khai thác và hoạt động khoáng sản phải tuân thủ theo đúng thiết kế khai thác được phê duyệt, không được làm ảnh hưởng tới các thửa đất của các hộ dân canh tác liền kề…”.
Tuy nhiên, thực tế đã không như vậy, bởi sau khi có được giấy phép này, hơn một năm sau, ngày 16-1-2010 Công ty cổ phần xây dựng Hoàn Thiện đã ký hợp đồng kinh tế với một doanh nghiệp khác là Doanh nghiệp Dung Quang để khai thác mỏ quặng sắt Sài Lương- Nậm Chậu. Theo bản hợp đồng này, Công ty Hoàn Thiện đã cho đối tác được phép “đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, kho tàng, bến bãi, đường công vụ và các cơ sở vật chất khác để phục vụ công tác khai thác, chế biến trong suốt quá trình hoạt đọng của mỏ”. Đổi lại, Công ty Hoàn Thiện sẽ được chia 30% sản lượng thành phẩm, đối tác được 70%.
Sau khi doanh nghiệp Dung Quang đưa máy móc vào làm được và tổ chức khai thác, do bất đồng nên cuối năm 2010, Công ty Hoàn Thiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên phía doanh nghiệp Dung Quang không chấp nhận yêu cầu này nên giữa hai doanh nghiệp đã xảy ra tranh chấp quyền khai thác mỏ sắt. Cho tới lúc này, trong khi Công ty Hoàn Thiện vẫn đang tranh cãi về quyền khai thác mỏ sắt thì hàng chục hộ dân ở xã Nậm Búng đã phải gánh hậu quả từ việc khai thác mỏ của họ gây ra.
Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Công an xã Nậm Búng cho biết: “Ở xã Nậm Búng này hiện có 8 điểm mỏ. Cánh đồng Sài Lương – Nậm Chậu trước đây chỉ có 30 ha, sau đó bà con khai hoang thêm, diện tích cánh đồng hiện nay khoảng 35 ha. Việc khai thác quặng sắt trong thời gian gần đây do không xử lý nên có thể đã bị lấp trên dưới 10ha. Không một điểm mỏ nào là không từng bị dân kéo lên phản đối vì làm tổn hại đến môi trường. Hoang tàn nhất là điểm mỏ Hoàn Thiện, Hùng Loan và HTX Tú Lệ”.
Một người dân tộc Dao vừa gùi sắn từ trong rừng về, khi gặp chúng tôi cũng bức xúc: “Nước ô nhiễm lắm, lúa cấy không lên nổi. Máy xúc, máy ủi chạy suốt đêm, bà con không thể nào ngủ được đâu. Đền bù cho bà con được ít tiền nhưng giờ thì không còn ruộng để cấy nữa rồi.”
Những cánh đồng Nậm Búng đang có nguy cơ bị vùi lấp bởi đá và chất thải từ mở quặng- ảnh PV
Làm việc với phóng viên, ông Phạm Bá Dư – Chủ tịch xã Nậm Búng cho biết: “Hai năm gần đây, cứ mỗi khi mưa xuống là đất đá lại lấp hết diện tích đất canh tác. Có đơn vị khai thác để ảnh hưởng rất cao tới canh tác lúa của bà con. Chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi của nhân dân. Chỗ nào khắc phục được sẽ hót bỏ đất đá đó đi để tiếp tục canh tác. Còn không khôi phục được thì sẽ đền bù.”
Nhưng lạ thay, ông Chủ tịch xã này lại hùng hồn nói: “Không đồng ý cũng phải đồng ý vì đã bị đất đá đè hết rồi! Xã định hướng cho bà con mua cây trồng và vật nuôi để thế vào đó. Đất bà con vẫn còn nhiều lắm!”
Video đang HOT
Được biết, theo thiết kế thì các khu mỏ này đều có bãi thải, các bãi thải này không ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Với quan sát của chúng tôi, thì bãi thải mỏ sắt Sài Lương – Nậm Chậu nằm trên độ cao từ 500-800m, với độ dốc rất lớn thì hàng chục ngàn khối đất đá thải từ các khai trường sẽ đổ ập xuống ruộng của người dân khi mùa mưa đến là điều dễ xảy ra. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, phá hủy đất canh tác của bà con, hiện nay, tại khu vực khai thác mỏ đang xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các doanh nghiệp có thể gây mất an ninh trật tự.
Ông Trần Văn Mộc, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: ” Huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn. Chúng tôi không liên quan đến viêc làm ăn của các doanh nghiệp. Do doanh nghiệp giải quyết. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề an ninh trên địa bàn. Đất đá lăn xuống ruộng, bà con kéo lên xô xát với nhau. Hiện chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo, đồng thời nhắc nhở các doanh nghiệp giải quyết ổn thỏa không gây mất ảnh hưởng tới an ninh trên địa bàn huyện.”
Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai khi để xẩy ra tình trạng này? Làm việc với phóng viên, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh cho biết: “Đã nắm được tình hình và thành lập tổ công tác. Nếu chuyển nhượng không được phép thì sai phạm và sẽ thu hồi giấy phép nếu đủ điều kiện.”.
Tuy nhiên, khi hỏi về việc có hay không việc quản lý các khu mỏ sau khi đã được cấp phép thì ông Khánh cho rằng: Đây là việc làm của nhiều cơ quan, chính quyền chứ Sở TN – MT chỉ cấp phép, khi cấp cũng đã thẩm định các doanh nghiệp, họ đủ điều kiện thì mới cấp phép. Còn sau khi cấp phép nếu có vi phạm thì cần phải thanh tra kiểm tra xem mức độ vi phạm như thế nào…???
Câu trả lời không thỏa đáng của người đứng đầu tỉnh Yên Bái trong lĩnh vực quản lý môi trường cho thấy rất cần sự “vào cuộc” xem xét một cách nghiêm minh vấn đề khai thác quặng trên địa bàn tỉnh.
Báo PLVN Online sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Nhóm phóng viên điều tra
Theo Pháp Luật VN
Đột nhập mỏ quặng núp bóng "xã hội đen"
Chủ mỏ thiếc Trần Đình Trúc cùng đồng bọn sau khi tra tấn tàn bạo nhiều công nhân của mình đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giữ. Thế nhưng, "đàn em" của y vẫn trắng trợn khai thác quặng thiếc tại vùng mỏ Thung Kẽn vốn từ lâu được coi là điểm nóng "quặng tặc" thuộc 2 huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp (Nghệ An).
Chủ mỏ tra tấn công nhân như "thời trung cổ"Sau khi bị một số công nhân tố cáo bị chủ "tra tấn như thời trung cổ", chủ mỏ thiếc Trần Đình Trúc ở huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) đã bị cơ quan điều tra tạm giữ để điều tra làm rõ.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc đột nhập địa điểm rửa quặng thiếc, cũng là nơi diễn ra vụ chủ mỏ đánh đập dã man 2 công nhân như &'thời trung cổ' và điểm khai thác quặng lậu tại 2 xã Văn Lợi và Tân Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).
Đây là tụ điểm ít có bóng người qua lại, rừng núi heo hút, chỉ có một con đường mòn độc đạo đi vào khu mỏ. Một cảm giác rờn rợn khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất có nhiều dân "xã hội đen" đang thống lĩnh tại các điểm mỏ.
Khe Hao nhuốm máu đời phu
Nắng tháng năm, hơi nóng bốc lên từ mặt đường như tát vào mặt. Chiếc xe máy cà tàng lầm lũi rú ga vượt những chặng đường dốc. Xe thoắt ẩn thoắt hiện trên con đường đất gồ ghề dưới đám bụi mịt mù.
Anh bạn đồng nghiệp đi cùng trấn an: "Cố gắng chạy vào điểm rửa quặng tại Khe Hao rồi nghỉ, chắc là công an bắt hết "bọn đầu gấu" rồi. Chúng ta cứ yên tâm mà đi".
Theo mô tả của anh Lữ Văn Tới, công nhân bị chủ mỏ hành hung dã man thì hố nước phía trước khu căn lều trên là nơi anh bị đánh đập rất tàn nhẫn.
Từ thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ vào đến dòng Khe Hao gần 30km, con đường đất phủ bụi mù trời. Chiếc xe máy cọc cạch lại như chạy nhanh hơn.
Dòng nước Khe Hao xuất hiện phía trước, điểm rửa quặng tại đây vẫn công khai hoạt động như chưa có chuyện gì vừa xảy ra.
Cách đây mấy hôm, chủ mỏ Trần Đình Trúc khai thác quặng tại Khe Hao cùng đồng bọn đánh đập nhiều công nhân dã man đã bị công an bắt giữ.
Toàn bộ lều lán, phương tiên máy móc khai thác quặng đã được Công an huyện Tân Kỳ tịch thu để điều tra.
Nhóm công nhân 5 người đang tổ chức dựng lều lán, đưa trang thiết bị máy móc trở lại điểm vừa bị Công an huyện Tân Kỳ tịch thu máy móc cách đây mấy ngày trước.
Dòng nước đỏ ngòm, đục ngầu như đang oằn mình giữa núi rừng chịu đựng vì hàng trăm ngàn khối đất đá của đội quân &'quặng tặc' chuyển về đây tập kết, đãi lấy quặng thiếc.
Tưởng rằng, sau vụ tra tấn công nhân như thời trung cổ thì mỏ đã phải ngừng hoạt động, nhưng không phải vậy. Máy móc, vòi phun nước, đường dây điện bọc vẫn được kéo vào để tiếp tục công việc đãi quặng trên dòng Khe Hao. Bên cạnh những chiếc lán vừa bị tháo dỡ, gần đó có 2 đến 3 chiếc lán phủ bạt màu xanh vừa được mọc lên.
Đột nhập vào điểm mỏ khai thác quặng lậu của "đàn em" được cho là của chủ mỏ Trần Đình Trúc, nơi giáp ranh 2 huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp
Theo những thông tin chúng tôi có được, một cân quặng thiếc bán tại mỏ có giá lên đến từ 200.000 - 280.000 đồng. Tại bãi bến của chủ mỏ hành hung công nhân dã man, bình quân mỗi ngày làm 2 ca sẽ thu được từ 40 đến 50 kg.
Chúng tôi gặp trong lều phủ bạt màu xanh có 4 đến 5 thanh niên tóc vàng hoe, quần áo xộc xệch, người nhuộm đỏ cả màu đất vì đãi quặng.
Nơi đây, nhiều công nhân đã phải đổ máu vì nghi ngờ trộm quặng, bị chủ mỏ đánh đập không thương tiếc. Chợt nhớ tới lời anh Lữ Văn Tới - công nhân bị đánh: "Phía trước lán có hồ nước rửa quặng thiếc, bọn chúng đánh tôi chảy hộc máu rồi ném xuống hồ để tỉnh lại".
Trong khi nhóm công nhân đang tất bật chuẩn bị đồ nghề, máy móc để bóc tách lấy quặng thiếc trên dòng Khe Hao, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đột nhập vào Thung Kẽn, một "điểm nóng" khác.
Xâm nhập điểm nóng quặng tặc
Từ dòng Khe Hao đi vào đến tận điểm mỏ đang khai thác tại Thung Kẽn, một bên là xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ và một bên là xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp kéo dài hơn gần 15km. Đường đi gập ghềnh ổ gà, ổ voi, vòng quanh các chân núi đầy trắc ẩn.
Thông tin cho hay, ở Thung Kẽn luôn có dân "xã hội đen" đang canh chừng tại các mỏ.
Một tên chủ mỏ quặng lậu kéo áo lên và đe doạ: "Chụp đ. chi mà chụp. Mau biến khỏi đây ngay". (Ảnh: Đ.L)
Trời trưa đứng bóng. Người thấm mệt vì một chặng đường dài đầy những con dốc, khúc cua khuỷu tay.
Trong số mấy chiếc lều tấp bạt, chúng tôi chọn chiếc lều màu vàng nằm sát bên một mỏ đang được xới tung đất đá còn mới toanh.
Vừa bước vào, một thanh niên lực lưỡng, tóc cắt cua chặn ngay trước cổng lều, hỏi: "Đi đâu? Các anh đến đây làm gì?". "Chúng tôi là cán bộ môi trường đi kiểm tra, xác định ranh giới của các khu mỏ. Nhìn thấy dưới sông nước ô nhiễm, nên tìm đến kiểm tra".
Nghe thế, tay đầu đinh phân bua: "Các anh ở dưới tỉnh lên ạ? Có thật là cán bộ môi trường không?".
Một nhóm phụ nữ làm thuê cho mỏ quặng thiếc đang trong giờ nghỉ ăn trưa.
Cuộc trao đổi diễn ra khoảng 5 phút, không khí trong lán trở "nóng" như lửa đốt khi một tên đầu cua tỏ ra nghi ngờ: "Nhìn chúng mày giống nhà báo lắm. Không có việc gì thì biến đi".
"2 cán bộ môi trường" bước vội ra khỏi lều và không quên đưa máy ảnh ra chụp thì có 1 tên bước theo, kéo áo lên ngực đứng chống nạnh trước cửa nói vội: "Chụp đ... chi mà chụp. Mau biến khỏi đây ngay".
Rời căn lều với chiếc bạt màu vàng với những câu hỏi đầy nghi vấn của các "đại ca" chủ mỏ thiếc lậu, chúng tôi sang một ngôi nhà tranh, nơi có nhóm phu nữ quặng thiếc đang ngồi nghỉ và ăn cơm trưa.
Hỏi chuyện, những người phụ nữ trên cho biết họ đều là công nhân làm quặng thuê cho chủ mỏ. Bình quân mỗi ngày công được từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Rời vùng điểm nóng khai thác quặng lậu "đậm chất xã hội đen", đem câu chuyện vừa mới đột nhập vùng mỏ Thung Ken nói với ông Nguyễn Văn Thanh - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ, ông Thanh nói:
"Các anh liều quá. Vùng này rất nhạy cảm, nơi giáp ranh vùng mỏ giữa 2 huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Chúng tôi giờ mà vào thì phải có công an mang súng ống đi theo, chứ không dám đi một mình đâu. Vùng này từng xảy ra hỗn chiến, tranh chấp giữa các nhóm khai thác quặng. Bây giờ vào đó họ đánh chết mình thì cũng chưa chắc đã ai biết được...".
Câu nói của ông Phó phòng cũng khiến chúng tôi ít nhiều lạnh người...
Còn ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp lại cho biết: "Sáng nay tôi đi qua điểm rửa quặng của chủ mỏ Trần Đình Trúc vẫn tiếp tục có công nhân chuyển máy móc vào để hoạt động tiếp. Những người này lì lắm, chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này với công an và huyện Tân Kỳ để tiếp tục xử lý".
Theo Vietnamnet