Yemen đối mặt với ‘thảm họa kinh hoàng’ nếu bị tràn dầu
Thời gian để bốc dỡ một triệu thùng dầu từ một tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Yemen sắp hết và các chuyên gia cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến một “ nạn đói lan rộng” nếu tàu bị vỡ.
Một triệu thùng dầu thô cần được giải cứu khỏi tàu chở dầu FSO Safer đang neo đậu ngoài khơi bờ Biển Đỏ của Yemen. Ảnh: UNRCO Yemen
Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cảnh báo rằng thế giới nguy cơ không còn thời gian để ngăn chặn một “ thảm họa có cường độ nghiêm trọng” ở Biển Đỏ, khi một triệu thùng dầu thô từ tàu chở dầu khổng lồ FSO Safer đang bị rỉ sét ở ngoài khơi bờ biển của Yemen.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng tàu FSO Safer có thể phát nổ hoặc vỡ bất cứ lúc nào. “Các cảng sẽ bị đóng cửa đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu do dầu tràn và ngành đánh bắt cá sẽ sụp đổ. Tác động nhân đạo, chỉ riêng ở Yemen, sẽ là một cuộc khủng hoảng dẫn đến nạn đói lan rộng”, Joost Hiltermann, Giám đốc MENA tại ICG, nói.
Hiện công việc sửa chữa con tàu rỉ sét đã bị trì hoãn một phần do thiếu kinh phí và ở mức độ lớn hơn là sự “lãng quên” của quốc tế.
Liên hợp quốc đã đảm bảo 60 triệu USD để khắc phục sự cố và dự kiến còn thiếu 20 triệu USD nữa. Do đó, Liên hợp quốc đã chuyển sang huy động vốn từ cộng đồng để đảm bảo số tiền còn lại.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Hiltermann lo ngại rằng bất kỳ sự cố tràn dầu nào cũng có thể khiến cuộc xung đột ở Yemen lan rộng vì dẫn đến sự can dự của các lực lượng quốc tế khác vào khu vực vốn đã mong manh.
“Với bản chất chiến lược của Biển Đỏ là một tuyến đường vận tải quan trọng; sự cố có thể quốc tế hóa hơn nữa cuộc chiến Yemen, vốn đã trở nên phức tạp hơn do có sự can dự của bên ngoài”, ông Hiltermann nói.
Tại Yemen, các bên tham chiến, hiện đang hướng đến một thỏa thuận hòa bình, có thể nhanh chóng đổ lỗi cho nhau về thảm họa, điều này rất có thể dẫn đến “một cuộc cạnh tranh gay gắt về nguồn lực rất khan hiếm”, ông Hiltermann lưu ý.
Các chuyên gia cảnh báo rằng con tàu chở dầu 45 năm tuổi FSO Safer đang bị ăn mòn gần cảng Hodeidah của Yemen đã trở thành “một quả bom hẹn giờ”.
Câu hỏi “ai sở hữu dầu, ai có quyền bán nó và số tiền đó sẽ do ai quản lý” đã gây ra sự bất đồng giữa các phe phái Yemen khác nhau và những người ủng hộ họ đồng ý về một kế hoạch chung để giải quyết tình hình.
Hannah Porter, một nhà phân tích Yemen tại DT Global, một công ty phát triển quốc tế, cho rằng vấn đề này không nên được chính trị hóa: “Con tàu là mối đe dọa đối với tất cả người dân Yemen, bất kể đảng phái chính trị nào. Mọi người đều quan tâm đến mối đe dọa này phải được hóa giải ngay lập tức”.
Các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo chi phí của hoạt động trục vớt, khoảng 80 triệu USD, sẽ chỉ bằng một phần nhỏ so với ước tính 20 tỷ USD cho chi phí để làm sạch dầu tràn.
Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực giảm thiểu nạn đói do xung đột
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 21/4, Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) đã họp theo thể thức Arria về chủ đề nạn đói và xung đột dưới sự chủ trì của Ireland.
Người tị nạn Afghanistan dựng lều tạm tại khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan, ngày 31/8/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phiên họp có sự tham dự của ông Máximo Torero Cullen, Trưởng bộ phận kinh tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO); bà Margot Van Der Velden, Giám đốc phụ trách xử lý khủng hoảng, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP); ông Michael Fakhri, Báo cáo viên đặc biệt LHQ về quyền lương thực cùng đại diện hơn 40 nước thành viên LHQ.
Các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về việc số người bị ảnh hưởng bởi xung đột và mất an ninh lương thực đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây, với trên 139 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong năm 2021. Các chuyên gia này cho rằng hậu quả của xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống lương thực thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia vốn đã bị ảnh hưởng bởi xung đột như Afghanistan, Syria, Yemen, Ethiopia, Somalia và Nam Sudan.
Nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo; kêu gọi các bên trong xung đột tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận người dân nhanh chóng, không bị cản trở; khẳng định phát triển bền vững, chấm dứt và giải quyết xung đột là giải pháp lâu dài, toàn diện để chấm dứt nạn đói trong xung đột. Một số ý kiến kêu gọi HĐBA sớm thiết lập cơ chế Đặc phái viên của Tổng Thư ký về nạn đói và xung đột cũng như đề nghị Tổng Thư ký báo cáo định kỳ về chủ đề này.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN phát
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ ghi nhận hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng bị thách thức bởi xung đột, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và thiên tai. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia và tình hình xung đột ở châu Phi, châu Âu và châu Á.
Kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để giải quyết nạn đói do xung đột, Đại sứ cũng đồng thời hoan nghênh các nỗ lực gần đây của LHQ, FAO, WFP, các đối tác nhân đạo hỗ trợ người dân tại nhiều địa bàn; khuyến khích LHQ và các đối tác thúc đẩy các biện pháp xử lý vấn đề giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu gia tăng hiện nay, xử lý các thách thức trong từng tình huống cụ thể, đồng thời tăng cường thông tin, cập nhật về các khu vực nảy sinh hoặc có diễn biến phức tạp về mất an ninh lương thực.
Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh trách nhiệm của các bên xung đột trong việc bảo đảm tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, không sử dụng việc bỏ đói làm công cụ phục vụ mục đích quân sự, như đã nêu tại Nghị quyết 2417 và Nghị quyết 2573 mà Việt Nam đã thúc đẩy với sự đồng bảo trợ của tất cả các nước thành viên HĐBA.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong việc thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột, qua đó giảm thiểu nguy cơ của nạn đói do xung đột. Đại sứ cho biết ASEAN đã có những hợp tác cụ thể về bảo đảm an ninh lương thực trong những năm qua, nhấn mạnh Việt Nam coi an ninh lương thực là gốc của an ninh, ổn định, phát triển và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực.
Cuộc họp theo thế thức Arria là một hình thức họp không chính thức của HĐBA nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham gia của các nước thành viên HĐBA cũng như các thành viên LHQ ngoài HĐBA, các tổ chức quốc tế/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan.
Con tàu trôi dạt trên biển có thể khiến 8 triệu người mất nước sạch Sự cố tràn dầu từ một con tàu rỉ sét bị bỏ hoang trên Biển Đỏ có thể khiến 8 triệu người mất nước sạch cũng như phá hủy ngư trường của Yemen trong ba tuần. Tàu FSO Safer đã trôi dạt trên biển nhiều năm. Ảnh: AP Các bên liên quan gồm lực lượng phiến quân Houthi, Chính phủ Yemen và Liên...