Yemen có gì khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều chộn rộn?
Yemen đang là điểm nóng xung đột trên thế giới. Ngoại trừ những yếu tố bên trong liên quan đến sắc tộc, tôn giáo, bất ổn ở Yemen lần này đã trở thành tâm điểm chú ý của cả Mỹ và Trung Quốc, dù cách thức thể hiện có thể khác nhau.
Khi Mỹ muốn quân sự hóa các tuyến hàng hải chiến lược
Ngay khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu mở các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen hôm 26/3, Washington lập tức lên tiếng ủng hộ chiến dịch này, cam kết cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần. Đến ngày 7/4, Thứ trưởng Ngoại giao Tony Blinken nói rằng, Mỹ sẽ trợ giúp liên quân cả vũ khí, đạn dược. Nhìn vào những diễn biến trên, giới phân tích cho rằng can dự của liên quân ở Yemen thực chất là hình thức “chiến tranh ủy quyền” do Mỹ đứng sau, với mục tiêu là duy trì được một thể chế có thể chi phối được, phục vụ cho ý đồ chiến lược của Mỹ tại khu vực. Then chốt nhất là kế hoạch quân sự hóa các tuyến đường hàng hải chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Mỹ từ lâu đã dồn sự chú ý tới Socotra. Ảnh: AP
Đảo Socotra (Yemen) trên Ấn Độ Dượng là cửa ngõ quan trọng, án ngữ tuyến hàng hải chiến lược giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden, có tầm quan trọng chiến lược về mặt quân sự đối với Mỹ. Trong kế hoạch quân sự hóa các tuyến đường biển huyết mạch, Socotra có vai trò đặc biệt, từ đây có thể kết nối tới Địa Trung Hải, Nam Á, Viễn Đông thông qua kênh đào Suez, Biển Đỏ, Vịnh Aden. Khu vực này nằm trên tuyến đường vận tải biển sầm uất, nhất là đối với hoạt động vận chuyển dầu mỏ bằng tàu chuyên dụng. Đặt được một căn cứ quân sự ở Socotra, Mỹ có điều kiện giám sát mọi dịch chuyển tàu thuyền, kể cả tàu quân sự, ra vào Vịnh Aden.
Nhận thức được điều đó, ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã dồn ngay sự chú ý sang Socotra – nơi mà Liên Xô từng đặt một căn cứ quân sự tại đây. Năm 2010, Mỹ đã mở các cuộc tiếp xúc với chính quyền Yemen về vấn đề này. Đầu năm 2013, Mỹ từng tuyên bố sẽ thiết lập 3 căn cứ quân sự tại quốc gia Bắc Phi này, với trọng điểm là ở Socotra. Theo tính toán của Mỹ, Socotra và Diego Garcia là hai điểm mấu chốt nhất về mặt quân sự ở Ấn Độ Dương.
Video đang HOT
Nhìn rộng ra, Ấn Độ Dương là tuyến hàng hải lớn kết nối Trung Đông, Đông Bắc Á và châu Phi với châu Âu và châu Mỹ. Đại dương này có 4 cửa ngõ chính đối với hoạt động giao thương toàn cầu, đó là kênh đào Suez (Ai Cập), eo biển Bab-el-Mandeb (nằm giữa Djibouti và Yemen), eo biển Hormuz (giáp ranh giữa Iran và Oman) và eo biển Malacca (giữa Indonesia và Malaysia). Ai kiểm soát được những trọng điểm chiến lược này, người đó sẽ làm chủ cuộc chơi trên các đại dương. Trong tác phẩm “Sức mạnh biển”, tài liệu được cho là “học thuyết nền tảng” cho chiến lược viễn dương của Mỹ, Đô đốc Alfred Thayus Mahan chỉ rõ: Ai kiểm soát được sức mạnh biển ở Ấn Độ Dương, người đó sẽ nắm quyền chi phối thế giới; đây là vùng biển quan trọng nhất trong 7 vùng biển trên toàn cầu, vận mệnh của thế giới trong thế kỉ 21 sẽ được quyết định tại Ấn Độ Dương.
Quan tâm của Trung Quốc
Ngày 7/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình bất ổn tại Yemen, kêu gọi các bên liên quan nhanh chóng thực thi một lệnh ngừng bắn. Trước đó, hôm 2/4 Trung Quốc đã cử tàu hộ vệ tên lửa tới sơ tán công dân của 10 nước tại Yemen, sau khi đã sơ tán hơn 500 công dân Trung Quốc khỏi đây. Song song với hoạt động sơ tán công dân, hải quân Trung Quốc cũng phái biên đội tàu 3 chiếc tới làm nhiệm vụ “tuần tiễu chống cướp biển” tại Vịnh Aden, với tổng cộng 800 binh sĩ, thủy thủ và một đơn vị đặc nhiệm.
Mô phỏng các cứ điểm trong “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc. Ảnh: Wiki
Không thể hiện rõ như Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng dành sự quan tâm không nhỏ đối với Yemen. Quan hệ hai nước có bước phát triển mạnh vài năm trở lại đây. Năm 2013, Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi (người hiện chạy khỏi Yemen) có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc. Tại đó, Bắc Kinh tuyên bố dành cho Yemen khoản vay 507 triệu USD để phát triển cảng Aden và hai bên thậm chí còn cam kết đẩy mạnh hợp tác quân sự.
Mối quan ngại lớn nhất của Trung Quốc chính là nguy cơ “đóng cửa” eo biển Bab-el-Mandeb. Hiện có tới 50% tàu container và 70% tàu chở dầu đi qua tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương. Riêng với Trung Quốc, 90% lượng dầu nhập khẩu là từ các nước Trung Đông, châu Phi và đều phải qua vùng biển này; hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc cũng đi qua đây.
Về mặt chiến lược, giới nghiên cứu phương Tây từ lâu đã đề cập đến khái niệm “Chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc theo đuổi nhằm mở rộng sức mạnh ở Ấn Độ Dương, tiến đến vị thế của một cường quốc đại dương. Lý thuyết này đề cập đến việc tạo lập một chuỗi các cứ điểm quân sự và thương mại chạy dọc từ Trung Quốc đại lục qua các tuyến đường biển huyết mạch như eo Bab-el-Mandeb, eo Malacca, eo Hormuz, eo Lombok, các cảng chiến lược ở Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Maldives và Somalia. Yemen với vịnh Aden và eo Bab-el-Mandeb khi đó được xem là những cửa ngõ rất quan trọng.
Theo Tin Tức
Thủ tướng Trung Quốc nói về chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đánh giá chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến diễn ra trong năm nay sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa 2 nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12 hôm 15/3, ông Lý Khắc Cường đánh giá quan hệ Trung - Mỹ là mối quan hệ giữa một nước đang phát triển lớn nhất thế giới và một nước phát triển lớn nhất thế giới.
Do đó Bắc Kinh đề xuất Trung Quốc và Mỹ "hợp tác xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới, dựa trên tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng, không xung đột và không đối đầu".
Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Thu Yến Kiên-Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc
Nhà lãnh đạo này cũng nói thêm rằng mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên khăng khít hơn và góp phần tăng cường đều đặn mối quan hệ song phương tổng thể.
Theo ông, tuy giữa Trung Quốc và Mỹ có tồn tại một số khác biệt, nhưng điều quan trọng hơn là 2 nước có lợi ích chung rộng rãi. Khi đã có thể giải quyết thỏa đáng những khác biệt này thì 2 bên sẽ có thêm động lực để mở rộng hơn nữa cơ sở các lợi ích chung.
Kinh tế Trung Quốc không dễ đạt được mức tăng 7%
Cũng trong buổi họp báo trên, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong năm 2015 như chính phủ đã đề ra, song Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi nỗ lực có thể để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý.
Ông Lý Khắc Cường khẳng định nếu cần thiết, Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng các chính sách bằng những biện pháp cụ thể để ngăn chặn khả năng nền kinh tế giảm tốc quá mức, hoặc tránh để số lượng việc làm sụt giảm mạnh.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho rằng khi kinh tế phát triển chậm lại, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về tài chính, song giới chức nước này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được những rủi ro mang tính hệ thống.
Ông Lý Khắc Cường đồng thời lưu ý Chính phủ Trung Quốc vẫn còn sẵn nhiều công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế vận hành trong một khuôn khổ thích hợp khi quá trình phát triển kinh tế bước vào một giai đoạn "bình thường mới".
Năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 7,4% - mức tăng trưởng thấp nhất của nước này kể từ năm 1990.
Theo Tin Tức
Trung Quốc đang thách thức vị thế của Mỹ, có thể gây xung đột ở Biển Đông Đây là nhận định của học giả phương Tây, nhưng học giả Singapore cho rằng, giữa các nhà lãnh đạo Đông Á đã đạt được đồng thuận "hòa bình để phát triển kinh tế". Năm 2014 chứng kiến một nước Trung Quốc hung hăng hăm dọa, uy hiếp Việt Nam tại biển đảo của Việt Nam. Trong hình là tàu cảnh sát biển...