Yamaha BWS với gói độ 200 triệu đồng tại TP.HCM
Biker tại TP.HCM đã chi khoản tiền lớn để lột xác chiếc Yamaha BWS.
Tại Việt Nam, các mẫu xe tay ga thường có thiết kế trung tính, phổ thông. Nếu muốn mẫu xe có kiểu dáng cá tính, xe nhập khẩu là sự lựa chọn thích hợp. Trong quá khứ, Yamaha BWS là mẫu xe từng gây chú ý với kiểu dáng thể thao, hầm hố đặc trưng.
Dù không phổ biến tại Việt Nam, BWS là một mẫu xe khá được ưa chuộng tại Đài Loan hay Thái Lan. Một tay chơi xe người Đài Loan tại Việt Nam đã quyết định chi mạnh tay để lột xác chiếc BWS với hàng loạt trang bị đắt giá.
Không chỉ trang bị thêm “đồ chơi”, tổng thể chiếc Yamaha BWS cũng được thay đổi. Thoạt nhìn, bạn sẽ khó nhận ra đây là BWS. Chiếc xe được sơn lại với các mảng màu vàng, cam, đỏ theo nhân vật hoạt hình. Cấu trúc xe được tinh giản khá nhiều, giúp xe trông gọn gàng hơn.
Nguyên bản, chiếc BWS này có cặp đèn trước đặt dọc và đi kèm giá bảo vệ. Chủ xe đã thay bằng dàn đèn đặt ngang của phiên bản BWS tại thị trường Mỹ. Giá bảo vệ và phần ốp đầu nguyên bản cũng được loại bỏ.
Đồng hồ analog nguyên bản được thay bằng loại kỹ thuật số hiển thị màu Koso RXF. Đồng hồ mới hiển thị lên đến 18 thông số như nhiệt độ ngoài trời, thời gian bên cạnh vận tốc, quãng đường… Mức giá của đồng hồ này cũng không hề rẻ, khoảng 15 triệu đồng.
Xe sử dụng cặp cùm phanh Brembo Corsa Corta RCS 15 ở bên phải và RCS 14 ở bên trái. Để tăng độ độc đáo, chủ xe đã thay phần tay phanh bằng loại carbon nguyên khối của Dream Base. Một số trang bị đáng chú ý khác ở khu vực này là bình dầu Rizoma Wave, bao tay Work Racing.
Ở phía trước, bản độ này sử dụng mâm CNC của Over Racing đi kèm giảm xóc upside-down MSP UF2 phiên bản chỉnh điện.
Dàn phanh gồm kẹp phanh Brembo HPK 4 piston 100 mm và đĩa phanh PBF T-Drive đường kính 245 mm.
Video đang HOT
Phần sau xe khá nổi bật với đèn hậu LED. Đây là loại đèn thay thế cho mẫu Yamaha R6 đời cũ. Phần ốp đèn hậu được làm bằng carbon.
Bản độ này có thêm hệ thống chống rung thân xe Moto-r phiên bản titanium.
Hệ thống giảm xóc sau sử dụng loại RacingBros Bazooka 4.0 có thể điều chỉnh. Khác với mâm trước, mâm sau của xe đến từ Work Racing. Bộ gắp bằng nhôm CNC cũng đến từ Work Racing. Kẹp phanh sau là loại Brembo Billet đi kèm đĩa phanh FAR 200 mm.
Bên cạnh dàn trang bị bên ngoài, chiếc BWS còn được can thiệp vào động cơ. Xy-lanh nguyên bản được thay bằng loại 59 mm của TTMRC.
Để phù hợp với sức mạnh mới, xe được trang bị ECU Aracer RC Super 2 đi kèm bộ nồi của Work Racing. Ống xả trên bản độ là Bumblebee SS1, cho cái nhìn bắt mắt hơn.
Theo chủ xe, khoản tiền độ chiếc BWS này là hơn 200 triệu đồng, chưa tính chi phí mua xe. Hiện tại, một chiếc Yamaha BWS đã qua sử dụng có giá 25-35 triệu đồng.
Đánh giá Yamaha BWS đời cũ - cá tính và không dành cho số đông
Chiếc Yamaha BWS vẫn nổi bật trên đường phố sau hơn 6 năm sử dụng.
Tại các thị trường khác nhau, yêu cầu về mẫu xe tay ga cũng khác nhau. Đa phần đều ưa chuộng các mẫu tay ga có kiểu dáng cá tính, thiết kế thể thao, tiêu biểu như Thái Lan, Malaysia hay Đài Loan. Trong khi đó, các mẫu tay ga tại Việt Nam hướng đến số đông với thiết kế trung tính, phổ thông. Đây lại là điều gây nhàm chán đối với những khách hàng muốn một mẫu tay ga cá tính, có chất riêng.
Do đó, nhóm khách hàng này thường tìm đến các mẫu xe nhập khẩu như Honda Vario, Zoomer X, Scoopy hay Yamaha Fino. Những mẫu xe nhập khẩu trên có giá trên 40 triệu đồng, thấp nhất là Scoopy cũng khoảng 38 triệu đồng. Nếu muốn một mẫu xe dưới 35 triệu đồng, Yamaha BWS đã qua sử dụng là một lựa chọn sáng giá.
Chiếc BWS trong bài được đăng ký lần đầu vào năm 2014 và đã trải qua hơn 13.000 km sử dụng.
Ngoại hình thể thao, gai góc nhưng không được lòng số đông
Từ khi có mặt tại Việt Nam vào năm 2009, Yamaha BWS đã gây ấn tượng bởi kiểu dáng độc đáo. Hiện tại, BWS vẫn nổi bật giữa hàng chục mẫu xe tay ga tại Việt Nam. Ở thời điểm ra mắt, các mẫu tay ga nhập khẩu chưa đa dạng như hiện nay, và BWS gần như là mẫu tay ga nổi bật nhất tại Việt Nam.
BWS có kiểu dáng không quá cầu kỳ. Yamaha làm nổi bật từng mảng thiết kế của xe với các điểm nhấn riêng. Ở phía trước là hệ thống đèn chiếu xa và đèn chiếu gần hình tròn được tách riêng, đặt dọc. Phần khung lộ ra ngoài là đặc điểm ở 2 bên xe. Chiếm trọn không gian đuôi xe là đèn hậu cũng là 2 hình tròn nhưng được đặt ngang.
Với thiên hướng off-road nhẹ, xe được tối giản dàn nhựa, đèn trước/sau đều có khung bảo vệ, bộ lốp có gai sâu hơn và có ốp nhựa bảo vệ tay lái. Theo chia sẻ của chủ xe, anh đã ấn tượng với thiết kế của BWS ngay từ những ngày đầu xe có mặt tại Việt Nam. Mức giá hơn 60 triệu đồng của xe đã ngăn cản anh đến với mẫu tay ga cá tính này.
Nếu đánh giá khách quan, thiết kế của BWS khó tiếp cận với người tiêu dùng Việt. Như đã nói, thị trường xe Việt là vùng đất của những mẫu xe trung tính, thiết kế không cần nổi bật nhưng phải dễ nhìn. Do đó, BWS là một "kẻ ngoại lai" đúng nghĩa khi về Việt Nam.
Yamaha BWS có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 1.910 x 765 x 1.110 (mm), chiều dài cơ sở 1.290 mm và chiều cao yên 780 mm. So với thế hệ hiện tại, BWS thế hệ đầu tiên thấp hơn 15 mm và trục cơ sở ngắn hơn 15 mm. Với các thông số này, BWS không phải là mẫu tay ga nhỏ nhắn cho chị em phụ nữ. Yên xe của mẫu tay ga 125 cc này cao hơn cả Vario 150 (769 mm).
Sau 6 năm sử dụng, ngoại hình chiếc BWS này còn khá mới, chưa xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. Dàn nhựa bên ngoài vẫn có cứng cáp, nước sơn còn đậm màu. Các chi tiết nhựa nhám và khung xe còn mới. Chỉ 2 chi tiết trên xe cho thấy sự bào mòn của thời gian là cổ ổng xả và một phần khung xe bên trái. Tình trạng gần như mới của xe cũng dễ hiểu vì sau 6 năm, xe chỉ mới lăn bánh hơn 13.000 km - chưa bằng một năm sử dụng của tôi. Mỗi năm, chiếc xe máy của tôi phải di chuyển khoảng 2.000 km.
Điểm trừ ở kiểu dáng của BWS là khoảng để chân phía trước khá hẹp. Thông thường, phần lớn các mẫu tay ga có khoảng để chân rộng, nhất là đối với chiếc xe có yên cao đến 780 mm như BWS. Khi yên xe càng cao, sàn để chân càng rộng do trục cơ sở được kéo dài nhằm cân bằng lại trọng tâm. Honda Scoopy có khoảng để chân khá thoải mái dù yên xe chỉ cao 745 mm. Việc BWS có khoảng để chân hẹp là điều khá khó hiểu.
Trang bị đủ dùng, thực dụng
Tương tự dàn nhựa, các trang bị trên BWS vẫn còn nguyên bản và trong tình trạng không quá cũ. Ốp đèn phía trước vẫn còn trong, chưa có dấu hiệu bị ố. Đèn pha halogen của xe cho ánh sáng kém nên chủ xe đã chuyển sang đèn LED, đèn chiếu gần được giữ nguyên bản. Cụm đèn hậu và các đèn báo rẽ vẫn hoạt động tốt.
Là mẫu xe ghi-đông trần, BWS có đồng hồ đặt rời. Bảng đồng hồ có bố cục khá trực quan với phần báo tốc độ to nhất được đặt ở giữa. Hai bên là đồng hồ nhiên liệu và cụm đèn báo chức năng. Là một trong những bộ phận tiếp xúc với nắng nhiều nhất, phần nhựa của đồng hồ có dấu hiệu xuống màu nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động.
Là mẫu xe của hơn 10 năm về trước, không lạ khi BWS sử dụng hệ thống khoá cơ tích hợp mở cốp. Điểm đặc biệt là chìa khoá của BWS là loại hạn chế gãy với cơ cấu khớp nối ở giữa.
Bình xăng của BWS đời này đặt ở phần trước của yên xe nhằm mở rộng không gian cốp. Nắp bình xăng được đặt ở đầu yên xe giúp người lái không phải xuống xe và mở yên để đổ xăng như thông thường. Tuy nhiên, thiết kế này khá bất tiện với phái nữ.
Phần đệm của yên xe khá dày và êm ái. Dưới yên là phần cốp khá rộng, có thể để một mũ 3/4 và một vài vật dụng khác.
Người ngồi sau không phải là ưu tiên của BWS với không gian khá nhỏ và chỗ để chân khó chịu.
Hệ thống treo trên xe gồm giảm xóc ống lồng ở phía trước và giảm xóc lò xo đôi phía sau. Theo cảm nhận của tôi, giảm xóc của xe còn khá tốt. Xe không bị quá sốc khi qua gờ giảm tốc và có độ êm ái nhất định. Khi chở thêm người phía sau, giảm xóc của BWS còn đầm chắc hơn.
Động cơ không nổi bật, ngốn xăng
Yamaha BWS sử dụng động cơ 125 cc, làm mát bằng gió, cho công suất 11 mã lực. Trải nghiệm thực tế thì động cơ của BWS đời này không nhanh nhạy như thế hệ động cơ 125 cc hiện tại. Nước ga đầu có độ trễ lớn, dễ gây nguy hiểm cho người lần đầu chạy mẫu xe này.
Khi vặn ga nhẹ, xe chỉ gầm gừ chứ chưa di chuyển nhưng chỉ cần nhích ga thêm đôi chút thì xe sẽ chồm mạnh về trước. Một người chơi BWS lâu năm cho tôi biết là các mẫu xe tại thị trường Đài Loan đều có yêu cầu nước ga đầu như vậy nhằm đề phòng trường hợp "cướp ga".
Khi được chủ xe thay bộ ly hợp mới, chiếc BWS trở nên lanh lợi hơn khi di chuyển trong phố. Trên hành trình TP.HCM - Cần Thơ, chiếc tay ga 6 năm tuổi không có dấu hiệu mệt mỏi. Khi chở 2 người, xe vận hành ổn định trong dải vận tốc 40-80 km/h.
Ở thời điểm chủ xe mua chiếc BWS này, hầu hết xe tay ga tại Việt Nam đều có động cơ phun xăng điện tử. BWS vẫn sử dụng bộ chế hoà khí (hay còn gọi là xăng cơ). Rõ ràng, đây là điểm thất thế của BWS khi tiết kiệm nhiên liệu là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của người Việt khi mua xe.
Qua 2 ngày trải nghiệm, mẫu tay ga này tiêu tốn khoảng 3,5-4 lít cho 100 km. Đây là một con số đáng suy ngẫm với phần lớn người tiêu dùng Việt. Tất nhiên đối với những người yêu thích kiểu dáng của BWS, hao xăng không phải là vấn đề lớn.
Sau hơn 10 năm, BWS vẫn không là mẫu xe cho số đông
Ởnăm 2009, Yamaha BWS có giá 60 triệu đồng. Các yếu tố quyết định sự thành công của một mẫu xe tại Việt Nam là thiết kế bắt mắt, giá rẻ, tiện lợi, tiết kiệm xăng lại không có trên BWS. Do đó, mẫu xe này mất hút ở Việt Nam sau khoảng 4-5 năm.
Đối với người thích thiết kế cực đoan, BWS là mẫu xe đáng để săn lùng. Hiện tại, không nhiều mẫu xe tương tự BWS được phân phối tại Việt Nam. Phần lớn đều có giá hơn 40 triệu đồng do là xe nhập khẩu. Do đó, Yamaha BWS đời cũ vẫn được săn đón vì giá dễ thở (25-35 triệu đồng), thiết kế cá tính và ít bị "đụng hàng".
Dàn xe tay ga độ đắt tiền tụ họp tại TP.HCM Một sự kiện tại TP.HCM quy tụ hơn 50 xe tay ga độ bắt mắt. Trong đó, một số bản độ có chi phí lên đến 200 triệu đồng. Sáng 10/1, hơn 50 xe tay ga quy tụ tại một sự kiện ở TP.HCM. Phần lớn xe tại sự kiện là các dòng xe phổ biến tại Việt Nam như Honda Air Blade,...