Y Tý mùa không mây
Ừ thì Y Tý có mây đẹp. Nhưng mây thì đỏng đảnh. Vừa phải đúng mùa, vừa phải có duyên, bạn mới gặp được. May sao, mùa không mây, Y Tý vẫn còn những mùa hoa, ruộng bậc thang, hai cây đuya già huyền thoại, dãy núi Nhìu Cồ San ( núi Sừng Trâu) hùng vĩ và những con người hồn nhiên, chất phác…
Giữa tháng 3 dương lịch, xuân đã muộn, không phải mùa mây. Cũng không là mùa vàng hay mùa đổ nước loang loáng mặt gương ruộng bậc thang. Nhóm chúng tôi lên đường đến Y Tý (Lào Cai) chỉ vì thèm bầu trời xanh trong vắt và những cung đường đầy thách thức.
Hoa xuân muộn
Hóa ra Y Tý thảo thơm vẫn còn giữ lại dọc đường nhiều cây đào hoa 5 cánh, hồng tươi như má cô em xóm núi. Bên cạnh màu hồng hoa đào, là rờ rỡ sắc vàng của hoa cải mèo (cải vùng cao đơm hoa kết hạt muộn hơn hẳn dưới xuôi), sắc xanh đậm trầm ngâm của những cây samu thân thẳng tắp.
Và, thật ấn tượng, còn đó sắc trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận, hoa táo mèo. Nếu như hoa lê mỏng manh sương khói, chỉ một làn gió nhẹ là đã có cả một cơn mưa cánh hoa rơi rụng đầy mặt đất, thì hoa mận, dù nom rất giống hoa lê, nhưng nhỏ nhắn hơn, bền hoa hơn. Hoa táo mèo (sơn tra) trắng ngà, nhụy vàng, mọc chi chít từ đầu cành tới cuối cành. Một cây hoa mận trắng bên đường, trước hiên nhà ung dung thả những cánh hoa trắng tinh xuống đất. Chợt ngân lên trong tâm trí tôi bài tanka đọc được đã lâu: “Nghe tiếng chim họa mi/ Cạnh nhà tôi/ Những cánh hoa mận trắng/ Nở rồi tàn/ Lẳng lặng”. Chẳng phải sang đến tận Nhật Bản đâu, ngay lúc này, trong chiều Y Tý, vẻ đẹp dịu dàng hiền triết của hoa mận đã xâm chiếm tâm hồn bạn…
Chú bé người Dao 12 tuổi đang tập cày.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những cây hồng rừng (mà bà con Hà Nhì gọi là cây đuya) ở Choản Thèn. Nhà nhiếp ảnh Lê Việt Khánh kể, anh bắt đầu chụp hai cây đuya già này từ 2011, cái thời mà đi xe máy từ Lào Cai lên tới Y Tý mất tới gần 8 tiếng. Năm 2016, đường Mường Hum hoàn thành, nhiều người mới có điều kiện lên chụp hai cây huyền thoại này. Đồng bào Hà Nhì thường trồng những cây đuya ở đầu và cuối bản. Trước đây Choản Thèn có 5 cây đuya, 3 ở đầu bản, 2 ở cuối bản. Theo phong tục ở đây, mỗi khi một trưởng bản qua đời, họ lại chặt đi một cây to. Ở đầu bản giờ chỉ còn một cây đuya. Nghe nói hai cây cuối bản này là cây thiêng, bên cạnh đó có sân và nhà tế lễ của bản, nên có lẽ sẽ không bị chặt. Chừng nào còn cây, bất cứ mùa nào, thời khắc nào, các nhiếp ảnh gia kiên nhẫn cũng vẫn “săn” được những tấm ảnh đẹp.
Cây táo mèo bung đầy hoa trắng.
Video đang HOT
Bãi đất rộng ở gần đó cũng hứa hẹn tặng cho bạn những bức ảnh đẹp với những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa. Có gì đâu, chỉ một đống lửa đốt lên ấm áp trong chiều sương giá, những bé trai người Dao dũng cảm nhảy vèo qua lửa trong tiếng hò reo của chúng bạn. Khi thấy tôi hốt hoảng can ngăn, một người mẹ trẻ đang địu con cười, bảo: “Không sao, chúng được cha chú tập cho quen rồi, không sợ lửa đâu, sau còn nhảy múa được trên than hồng đấy” (người Dao có Tết nhảy lửa với nghi thức này). Những ngày đẹp trời, các cô gái rủ nhau ra bãi ngồi thêu những bộ trang phục truyền thống. Không ồn ào “bà tám” như dưới xuôi, họ chăm chỉ làm việc, chỉ trao đổi khe khẽ và đôi khi khúc khích cười duyên.
Giữ cái duyên Y Tý
Thoạt nhìn, trong bộ quần áo dân sự, Nguyễn Minh Thế, Đồn phó Đồn Biên phòng Y Tý trông không mấy khác một đồng bào vùng cao, với đôi mắt sắc và nhanh của người quen luồn rừng lội suối. Anh quả là một ví dụ điển hình đã “bén rễ xanh cây” nơi miền biên viễn. Xung phong nhận nhiệm vụ ở Y Tý từ năm 1994, anh chỉ có một suy nghĩ đơn giản: là lính biên phòng, nghĩa là đã chấp nhận đi xa, chấp nhận khó khăn gian khổ. Đã vậy, khi vẫn còn tuổi trẻ và sức lực, thì đi hẳn một nơi rất xa.
Khỏi phải nói thời đó Y Tý xa xôi và gian truân đến thế nào, chưa nói đến nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm của người lính quân hàm xanh… Thế nói anh thật may mắn khi có người vợ, chị Yến, cũng là bộ đội biên phòng, cùng chung chí hướng với chồng. Để ổn định gia đình, sau khi xuất ngũ, chị không về xuôi mà ở lại Y Tý cùng anh, mở một quán ăn nhỏ ngay gần đồn biên phòng. Nhờ đó, sau những phiên trực vất vả, anh có thể tranh thủ về nhà ăn bát cơm nóng từ tay người vợ đảm. Mùa đông khách du lịch, vào ngày nghỉ, anh cũng ngược xuôi đỡ đần vợ một tay. Điều băn khoăn duy nhất là những đứa con của họ, trong đó cô gái con lớn đã tốt nghiệp, đi làm, đều phải ở với ông bà dưới xuôi để có điều kiện học hành tốt hơn.
Rót mời chúng tôi chén rượu ngâm sâm đất (bà con quen gọi là củ hoàng sin cô), anh Thế hồ hởi: “Củ hoàng sin cô ngọt, mát, bổ dưỡng, rất tốt cho sức khoẻ. Lâu nay, nó đã trở thành cây làm kinh tế của đồng bào Y Tý. Hoàng sin cô được trồng ở thôn Mò Phú Chải rất nhiều”. Nghe nói, cây và hoa sâm đất gần giống cây hoa dã quỳ. Được trồng từ trước Tết Nguyên đán, tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi cây trổ hoa, cũng là đến vụ thu hoạch. Dùng tay lay nhẹ là nhấc lên được cả chùm củ sai lúc lỉu. Rửa sạch, gọt vỏ, cắt khoanh là bạn có thể thưởng thức rồi. Nhưng hoàng sin cô còn có thể hầm xương, xào thịt, làm miến hoặc ngâm rượu…
Ơ, mà nói đến rượu, bạn nhất định phải lên Sim San nhé. Loại rượu nấu từ thóc nảy mầm ở thôn Sim San có hương vị rất khác dưới xuôi, nặng độ mà uống xong chẳng hề nhức đầu. Chỉ có điều nếu muốn mua về thì phải dặn trước, vì ở đây gần như nhà nào cũng biết nấu rượu, mà chỉ nấu để uống thôi – Tẩn Láo Tả, một anh chàng người Dao lém lỉnh nói với tôi…
Một thoáng lo âu chợt đến bữa cơm trưa tạm biệt Y Tý khi vô tình nghe được câu chuyện từ bàn bên. “Mua được mảnh đó chưa, nó có bớt cho không? Bọn nó hẹn hôm nào thì nhận tiền…”. Thế đấy, cơn “sốt đất” đang nóng lên từng ngày ở Y Tý với những mảnh, những thửa được tính giá theo mét vuông chứ không vô tư phóng khoáng như cách đây chỉ vài năm. Tự an ủi là đồng bào có cơ hội đổi đời, nhưng cũng lo lắm cho bản sắc văn hoá của một vùng biên cương xa xôi hùng vĩ. Ở trung tâm xã, một tấm bảng quy hoạch to tướng đã được dựng lên. Hy vọng nó đã được thực hiện công phu và có trách nhiệm; hy vọng nó sẽ được tuân thủ nghiêm túc. Sẽ thật đáng tiếc, nếu một ngày nào đó trở lại, tôi không còn nhận ra Y Tý của tôi, một Y Tý mà tôi đã đem lòng yêu mến…
Khám phá Thác Xanh - Y Tý
Thác Xanh thuộc địa phận thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, được du khách lựa chọn là điểm đến lý tưởng vào mùa hè bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của thác nước đổ được bao bọc của thảm thực vật xanh mướt.
Đây là thác nước được người dân địa phương khám phá khi đi rừng trồng thảo quả. Hhiện nay chưa có đường thuận lợi để vào thác do thác nằm sâu trong tán rừng xanh, đường xuống thác hiện chỉ là lối mòn được hình thành từ bước chân người dân đi rừng.
Chỉ dẫn đường xuống thác Xanh gần homestay Y Tý Cloud
Được bao quanh bởi những vùng đồi núi cổ thụ và thảm thực vật xanh tươi, đó là nguyên nhân thác xuất hiện tên thường gọi như lúc bấy giờ. Thác Xanh cao khoảng 20m, quanh năm nước chảy ào ạt chia làm nhiều tầng dựng đứng. Nước thác Xanh trong vắt, mát lạnh, chảy từ mạch nguồn núi đá, xung quanh là rừng cây cổ thụ và thảm thực vật xanh mướt. Dưới chân thác có nhiều phiến đá lớn, du khách có thể nướng gà cùng hương vị cay cay của bia Hà Nhì giữa khung cảnh bình yên đúng là một trải nghiệm tuyệt vời.
Vẻ đẹp hoang sơ của thác Xanh
Đường xuống thác Xanh khó đi nên cách tốt nhất khi dừng chân ở Y Tý, du khách nên nhờ người dân địa phương dẫn đường. Đặc biệt, những ngày mưa, đường xuống thác trơn nên khuyến khích du khách tới tham quan vào những ngày nắng ráo để có được trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Cảnh vật trên đường xuống thác Xanh
Thác năm sâu trong tán rừng, hiện nay khu vực thác Xanh còn khá hoang sơ, chưa có dịch vụ hỗ trợ du khách nên nếu có dự định khám phá thì du khách nên chuẩn bị đồ ăn, nước uống cho chuyến đi dã ngoại của mình.
Nhiều phiến đá dưới chân thác
Men theo dòng nước chảy, du khách cũng có thể tìm được lối ra ngoài thác Xanh dẫn vào con đường trong thôn mà không cần quay lại. Tuy nhiên, du khách đặc biệt chú ý đi theo đoàn do nhiều khu vực còn chưa được phủ sóng điện thoại hoặc sóng kém làm gián đoạn liên lạc.
Lối ra men theo dòng nước chảy ở thác Xanh
Đến với Y Tý, du khách hãy một lần đến thác Xanh để được thả mình vào thiên nhiên kỳ vĩ. Theo người dân địa phương, họ thường đến đây để cầu cho những dự định sắp tới được suôn sẻ và công việc đạt những thành quả tốt bởi nước thác Xanh không chỉ sạch mà còn mang lại nhiều may mắn.
Đại ngàn Y Tý bung nở ngàn hoa Sau giấc ngủ đông dài, đại ngàn Y Tý (huyện Bát Xát) và các xã lân cận đang bung nở muôn nghìn sắc hoa. Những cây lê, sơn tra, mận trồng trong vườn nhà hay mọc hoang dại trong rừng thẳm, bên đường xa đang độ rực rỡ nhất năm, tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Dịp gần đây, mong muốn...