Ý tưởng thành lập ngân hàng phát triển Triều Tiên
Theo Thời báo Hàn Quốc, Hàn Quốc đang xem xét bổ sung nội dung thành lập một ngân hàng phát triển dành riêng cho Triều Tiên vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN.
Ý tưởng thành lập ngân hàng với số tiền 1.000 tỷ won (835,7 triệu USD) lần đầu tiên được Thị trưởng thành phố Busan Oh Keo-don đề xuất lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi giữa tháng 2/2019 trong chuyến thăm của ông Moon tới Busan.
Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp nội các tại Seoul ngày 2/8/2019. Ảnh minh họa: TTXVN
Các nguồn tin từ Phủ Tổng thống, Bộ Ngoại giao và Tòa Thị chính Busan cho biết, Phủ Tổng thống và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sắp bắt đầu lựa chọn chương trình nghị sự của Hội nghị với sự tư vấn của ASEAN và đang tính đến ý tưởng của ông Oh Keo-don. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã hoài nghi về động thái của Chính phủ. Họ lập luận rằng các nỗ lực đối thoại phi hạt nhân hóa đã bị đe dọa kể từ khi ông Oh Keo-don đề xuất ý tưởng trên, như sự thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi cuối tháng 2 vừa qua, Bình Nhưỡng tái diễn các vụ phóng thử tên lửa và rút khỏi các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Washington vào tuần trước. Hơn nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không đáp lại lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay chính quyền Moon Jae-in vẫn lạc quan về ý tưởng của ông Oh Keo-don, bởi nó phù hợp với nền kinh tế “hướng tới hòa bình” của Tổng thống Moon, nhấn mạnh sự hợp tác xuyên biên giới. Chính phủ Hàn Quốc có thể huy động Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Hàn Quốc và các tổ chức tài chính nhà nước khác để gây quỹ cho ngân hàng này. Theo nguồn tin này, “với việc đưa ý tưởng trên vào Hội nghị, Chính phủ Hàn Quốc có thể tìm cách lôi kéo 10 quốc gia thành viên ASEAN và cả các tổ chức tài chính khu vực như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào kế hoạch này”.
Video đang HOT
Một nguồn tin khác suy đoán rằng việc đưa đề xuất của ông Oh Keo-don vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN có thể được coi như một cử chỉ tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc trong việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên và nối lại đối thoại. Bình Nhưỡng đã khăng khăng chỉ “nói chuyện” với Washington, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kéo dài của Mỹ bất chấp vai trò “trung gian hòa giải” của ông Moon Jae-in.
Về phần mình, Park Won-gon, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, đánh giá đề xuất của ông Oh Keo-don là “điều gì đó chỉ có thể được thực hiện khi cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra”. Vị Giáo sư này nói: “Bản thân ý tưởng này không tệ khi không thấy có nhiều biện pháp tương ứng mà Mỹ có thể đưa ra để đổi lấy quyết định phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên có thể thực hiện”. Hơn nữa, ông cũng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn nước Mỹ chịu chi phí phát triển nền kinh tế nghèo nàn của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Triều Tiên không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ADB (tiêu chí để được vay vốn). Tuy nhiên, vị Giáo sư này cho rằng: “Việc xem xét đề xuất của Oh Keo-don vào thời điểm này là rủi ro bởi nó sẽ khiến Tổng thống Moon như thể đang cầu xin đối thoại với Triều Tiên bất chấp những hành động khiêu khích quân sự mới nhất của nước này”.
Yang Moo-jin, Giáo sư trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, bày tỏ quan điểm tương tự với ông Park. Nhà học giả này nói: “Từ trước tới nay, không có trường hợp nào một ngân hàng phát triển được thành lập để nhằm giúp đỡ một quốc gia riêng lẻ. Đây là lý do tại sao ý tưởng thành lập một ngân hàng phát triển chỉ để giúp Triều Tiên không giành được sự ủng hộ quốc tế”. Ông đề nghị các tổ chức tín dụng quốc tế cho Triều Tiên vay, nhưng chỉ khi nước này đạt tiến bộ trong phi hạt nhân hóa.
Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN dự kiến diễn ra từ ngày 25-26/11 tại Busan. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh thứ ba giữa hai bên. Năm 2009, sự kiện được tổ chức trên đảo Jeju, còn năm 2014 được tổ chức cũng ở Busan./.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN tại Seoul)
Triều Tiên phóng tên lửa: Không chỉ là thông điệp chính trị
Theo giới phân tích, các vụ phóng tên lửa không chỉ là thông điệp gửi đến Mỹ, mà còn cho thấy các bước phát triển công nghệ vũ khí của Triều Tiên.
Triều Tiên ngày 10/9 thực hiện một loạt vụ phóng mới, chỉ vài giờ sau khi nước này thể hiện sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại hạt nhân đang bị đình trệ với Mỹ.
các vụ phóng tên lửa không chỉ là thông điệp gửi đến Mỹ, mà còn cho thấy các bước phát triển công nghệ vũ khí của Triều Tiên. Ảnh: AP
Phản ứng với các vụ phóng tên lửa mới nhất này, Hàn Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia và nhận định đây là các tên lửa tầm ngắn. Tuyên bố của quân đội Hàn Quốc cho rằng, những hành động này của Triều Tiên không ủng hộ cho những nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc kêu gọi các bên dừng ngay lập tức các hành động thù địch. Nhật Bản cũng ngay lập tức có phản ứng với vụ phóng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết: "Chính phủ Nhật Bản đang thu thập và phân tích thông tin. Tuy nhiên các vật thể bay của Triều Tiên không vào lãnh thổ Nhật Bản hay vùng đặc quyền kinh tế. Chúng tôi nghĩ Triều Tiên đang cố gắng cải thiện các công nghệ có liên quan đến tên lửa thông qua hàng loạt các vụ phóng liên tiếp".
Ngay sau vụ phóng xảy ra, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun và Đặc phái viên Hàn Quốc Lee Do-hoon đã tổ chức các cuộc điện đàm thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như các biện pháp để đạt được bước tiến hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhất trí có cuộc gặp sớm nhất để tiếp tục các cuộc đối thoại.
Vụ phóng chỉ diễn ra vài giờ sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui trong một tuyên bố cho biết, Triều Tiên sẵn sàng có các cuộc đối thoại toàn diện với Mỹ vào cuối tháng 9, vào thời điểm và địa điểm đã được nhất trí. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng cảnh báo rằng, Mỹ cần phải đưa ra cách tiếp cận mới hoặc các cuộc đối thoại có thể lại tiếp tục đối mặt với thất bại. Thị trường cổ phiếu các công ty xây dựng Hàn Quốc có mối liên hệ với Triều Tiên đã tăng ngay sau thông báo của Triều Tiên. Phản ứng trước đề nghị của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, thông báo của Triều Tiên là thú vị và cần chờ đợi điều gì sẽ xảy ra.
Nhận định về vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là thông điệp gửi đến Mỹ về những hậu quả sẽ xảy ra nếu Mỹ không đến bàn đối thoại với các đề xuất thực tế, đồng thời Triều Tiên đang tìm kiếm lợi thế trước vòng đối thoại mới với Mỹ. Bằng cách liên tục sử dụng tên lửa tầm ngắn đe dọa trực tiếp các quốc gia láng giềng cũng được coi là gây áp lực buộc Hàn Quốc phải thúc giục đồng minh Mỹ nhượng bộ.
Tuy nhiên điều mà giới chuyên gia lo ngại là các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên không đơn thuần chỉ là các thông điệp chính trị. Mặc dù đây là các tên lửa tầm ngắn, nhưng mỗi vụ phóng lại thể hiện các kỹ năng quân sự tinh vi hơn. Trong số các tên lửa phóng có nhiều loại được thiết kế mới để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với tuyên bố của Triều Tiên phát triển vũ khí mới nhằm chống lại các mối đe dọa quân sự và áp lực tấn công nhằm vào an ninh quốc gia, sự phát triển trong hệ thống vũ khí của Triều Tiên sẽ là mối lo ngại lớn đối với các quốc gia láng giềng là Hàn Quốc và Nhật Bản./.
Theo Phạm Hà/VOV1
tổng hợp
Triều Tiên thử tên lửa sau đề xuất nối lại đàm phán với Mỹ Triều Tiên đã phóng hai vật thể bay không xác định về phía biển Nhật Bản chỉ vài giờ sau khi bày tỏ ý định nối lại đàm phán với Mỹ. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) hôm 10.9 cho biết, hai vật thể bay không xác định được Triều Tiên phóng về hướng đông từ tỉnh Nam Pyongan...