Ý tưởng gặp ông Putin của EU bị ví như ‘cuộc chiến giành mật ong với gấu’
Ba Lan và các nước từng thuộc Liên Xô đã phản đối kịch liệt đề xuất hội nghị thượng đỉnh EU – Nga. Ukraine, quốc gia không thuộc EU, cũng lên tiếng yêu cầu Berlin và Paris giải thích vì sao muốn gặp Tổng thống Nga Putin.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12-2019 – Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối đề xuất của Đức và Pháp trong một phiên họp ngày 25-6. Thủ tướng Đức Angela Merkel là người thông báo kết quả cuộc họp được đánh giá là căng thẳng đến khuya 24-6.
Theo bà Merkel, ngay cả khi không có hội nghị thượng đỉnh, EU và Nga vẫn có thể ngồi xuống đối thoại theo một thể thức khác mà hai bên sẽ cùng xây dựng.
Tuy nhiên, Ba Lan và các nước EU từng thuộc Liên Xô cho rằng hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin là một sai lầm trong bối cảnh quan hệ hai bên ngày càng xấu đi.
Video đang HOT
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố Matxcơva “phải ngừng các chính sách gây hấn”, và sẽ không có thượng đỉnh nào nếu Nga tiếp tục “giữ bán đảo Crimea của Ukraine và đứng về phe ly khai miền đông Ukraine”.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda thì ví von ý tưởng ngồi xuống với ông Putin “giống như chuyện đang đánh nhau với một con gấu để giữ bình mật ong an toàn”, theo Reuters.
Pháp và Đức mong muốn có thể hợp tác với Nga về chống biến đổi khí hậu và tìm cách ổn định quan hệ với nước này. Thành công tương đối của thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Thụy Sĩ dường như đã thúc đẩy Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel đi tới ý tưởng trên.
Trước đây, trụ cột trong mối quan hệ của EU với Nga là hội nghị thượng đỉnh hằng năm giữa ông Putin và chủ tịch Ủy ban châu Âu. Nhưng các cuộc họp này đã bị gián đoạn kể từ khi Nga sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu ý dân năm 2014.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp người đồng cấp Nga Putin tại Thụy Sĩ ngày 16-6 – Ảnh: REUTERS
Ông Sebastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors (Pháp), nhận định EU không muốn bị đóng vai trò thứ yếu khi phương Tây xác định lại mối quan hệ với Nga.
Khối này muốn chủ động hơn Mỹ vì họ ở gần Nga và phụ thuộc vào khí đốt Nga nhiều hơn. “Ông Biden không phải là tiếng nói của phương Tây và EU. Chúng tôi cũng có những lợi ích, giá trị riêng cần bảo vệ trước Nga”, ông Maillard nêu quan điểm với AFP.
Thêm vào đó, việc định hình lại mối quan hệ giữa EU và Nga là rất cấp thiết, do Thủ tướng Đức Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở vào tháng 9 tới.
Ở tuổi 67 (chỉ kém ông Putin 2 tuổi), bà Merkel đã có 16 năm liên tục làm thủ tướng Đức và được xem là nhà lãnh đạo “có nhiều kinh nghiệm đối phó ông Putin nhất thế giới”, theo ông Maillard.
Ukraine, một quốc gia từng thuộc Liên Xô và chưa phải là thành viên EU, cũng lên tiếng yêu cầu Đức, Pháp giải thích lý do muốn gặp Tổng thống Nga Putin. Quan hệ giữa Kiev và Matxcơva trượt dốc không phanh từ năm 2014 vì vấn đề Crimea và các nhóm ly khai miền đông Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba lập luận rằng Nga không có ý định thay đổi thái độ và các chính sách đối với EU hay Ukraine. Theo ông Dmytro, sẽ là sai lầm và “chệch hướng nguy hiểm” khi Brussels nối lại hội nghị thượng đỉnh với Matxcơva, xa rời các lệnh trừng phạt mà EU đã áp đặt với Nga.
Phản ứng trước việc EU bác ý tưởng gặp Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định nhà lãnh đạo Nga “vẫn quan tâm đến việc cải thiện quan hệ làm việc giữa Matxcơva và Brussels”.
“Lập trường của EU thật rời rạc, không phải lúc nào cũng nhất quán và đôi khi không rõ ràng”, ông Peskov nêu quan điểm của Matxcơva.
Đức, Pháp kêu gọi châu Âu đối thoại với Nga
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/6 hối thúc Liên minh châu Âu (EU) cần duy trì đối thoại với Nga, bất chấp những khác biệt giữa hai bên trong một số lĩnh vực như vấn đề an ninh, cuộc xung đột ở Ukraine và Syria.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin (từ trái sang) trong cuộc họp báo tại một hội nghị ở Paris, ngày 9/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà Merkel nhấn mạnh Nga là thách thức lớn nhưng cũng là quốc gia láng giềng của EU. Vì thế, EU có lợi ích lớn trong việc duy trì đối thoại với Nga nếu như muốn đảm bảo an ninh và ổn định nội khối. Cũng theo nhà lãnh đạo Đức, cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 16/6 vừa qua đã mở ra cánh cửa đối thoại mà EU cũng nên thực hiện với Moskva. Tổng thống Pháp Macron cũng chia sẻ nhận định này, cho rằng EU cần có đường lối chung trong cách tiếp cận với Điện Kremlin.
Ngoài đồng nhất quan điểm trong quan hệ với Nga, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng có cùng cách tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ, một thách thức lớn khác của EU. Bà Merkel cho rằng mặc dù giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều bất đồng, nhưng hai bên đều cần đến nhau trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề di cư, tương lai của Syria và Lybia. Về phần mình, ông Macron cũng đồng ý với quan điểm của nhà lãnh đạo Đức, song lưu ý thêm rằng EU cần phải tôn trọng cả quan điểm của Hy Lạp và Síp trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã hoan nghênh sự trở lại của Mỹ, đồng thời đánh giá cao tinh thần hợp tác trong quan hệ quốc tế của chính quyền Tổng thống Biden. Ông Macron cho rằng châu Âu chủ động hơn trong các vấn đề của mình, nhất là khi Tổng thống Biden cũng đã thể hiện sự tôn trọng và mong muốn hợp tác với EU như một đối tác.
Về cuộc chiến chống COVID-19, nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ các nước EU cần phối hợp tốt hơn trong việc mở cửa lại biên giới. Hiện tại đã có một số nước trong khối tiến hành bước đi này, nhưng toàn khối phải rất thận trọng về nguy cơ lây lan của các biến thể mới. Thủ tướng Merkel cũng kêu gọi châu Âu hành động nhất quán, thận trọng và cảnh giác trước các biến thể mới. Theo bà, việc một số nước châu Âu cho phép quá nhiều khán giả tới dự khán các trận đấu VCK EURO 2020 đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và châu Âu không thể hành động như kiểu đại dịch COVID-19 đã kết thúc.
Tổng thống Macron là nguyên thủ đầu tiên tới Đức trong năm nay và chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra từ 24-25/6 tới.
Lãnh đạo Nga, Pháp và Đức thảo luận về các vấn đề quốc tế Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành một hội nghị trực tuyến 3 bên trong ngày 30/3 để thảo luận về hợp tác và các vấn đề quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN Tại hội nghị, 3 nhà lãnh đạo đặc biệt...