Ý thức giao thông kém, do đâu?: Nguyên nhân đã thấy, giải pháp còn chờ
Hạ tầng thiếu; bố trí giao thông, quy hoạch đô thị không khoa học, đào tạo bằng lái xe dễ dãi; lực lượng chức năng không làm tròn bổn phận… Những điều này tác động đến ý thức giao thông của người dân
Thực trạng giao thông (GT) hỗn loạn dẫn đến tắc đường, kẹt xe, tai nạn… tại TP HCM hiện nay khá phổ biến. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành luật GT của nhiều người kém. Tuy nhiên, giải thích như thế mới chỉ là một nửa, chưa truy nguyên được nguồn gốc vẫn đề để tìm ra được giải pháp chữa trị hữu hiệu.
Chạy xe kiểu khôn lỏi, “mù” luật
Không khó để bắt gặp tình trạng hễ xe đông, đường chật là xuất hiện chen lấn, giành đường, “điền vào chỗ trống” bất chấp hậu quả, cuối cùng tất cả đều chôn chân tại chỗ. Va quệt, ẩu đả, tai nạn… cũng từ đó mà ra. Điều đáng lo ngại là kiểu chạy xe “chụp giựt” này ngày càng phổ biến. Chưa kể, nhiều phụ huynh thản nhiên chở con chạy ngược chiều, leo lề, lạng lách, không đội mũ bảo hiểm… Những hành vi đó sẽ “nhiễm” vào con trẻ, dần dần hình thành những thế hệ xem thường quy định pháp luật.
Khâu đào tạo cấp bằng lái xe cũng góp phần tạo ra những người lái xe “mù” luật. Trên lý thuyết, việc đào tạo có vẻ rất nghiêm khắc nhưng thực tế không hẳn như vậy. Xin dẫn chứng 2 trường hợp mắt thấy tai nghe từ 2 người quen của tôi (tạm gọi là A, B) ở các tỉnh miền Tây lên thi bằng lái ở TP HCM. A thi bằng lái xe 2 bánh ở tỉnh cả 3 lần đều rớt lý thuyết (do chậm chạp, tiếp thu kém). Sau đó, có người liên hệ đưa A lên TP HCM thi và chỉ một lần là đậu nhờ “được bao đậu lý thuyết”. B làm phụ xế cho xe tải của gia đình. Sau vài năm học lái, B được đưa lên TP HCM thi bằng lái xe tải, trong chi phí thi cũng có tiền “bao đậu lý thuyết”.
Việc “hỗ trợ đậu lý thuyết” khi thi bằng lái xe đã tạo ra những lái xe “mù” luật rất tai hại. Dù có bằng lái nhưng kiến thức về luật GT của họ đầy lỗ hổng và ý thức GT cũng rất tệ.
Thản nhiên chạy xe vào đường cấmẢnh: Tấn Thạnh
Bố trí giao thông thiếu khoa học
Video đang HOT
Thực tế, không đô thị nào có đủ đường cho các phương tiện trong giờ cao điểm. Dù vậy, việc thiết kế GT, quy hoạch đô thị khoa học thì sẽ giúp giảm ùn tắc.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, TP HCM hầu như không thể mở thêm đường ở khu vực trung tâm vì không còn quỹ đất. trong khi lượng phương tiện tăng rất nhanh, nhiều cao ốc văn phòng, chung cư mọc lên.
Đường thiếu cộng thêm việc phân luồng GT không khoa học nên kẹt xe lại càng tăng. Có những ngã tư ở quận 3 như Cao Thắng – Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần – Cách Mạng Tháng Tám… khi đèn xanh là các luồng xe chạy đâm vào nhau do làn đường bị lệch. Ngã tư Phạm Hùng – Hưng Phú (quận 8) vừa qua cầu Chánh Hưng là gặp đèn tín hiệu… Những điểm giao cắt bất hợp lý này kéo dài nhiều năm nhưng không thấy ngành GT điều chỉnh phân làn xe hay thay đổi, bổ sung chu kỳ đèn tín hiệu. Liệu Sở Giao thông Vận tải có sử dụng ứng dụng phần mềm mô phỏng GT (traffic simulator) để tính toán cập nhật cho thiết kế GT tối ưu trước tình hình mật độ phương tiện tăng vọt mỗi năm?
Áp dụng công nghệ để xử lý vi phạm
Để nâng cao ý thức GT cho người dân, ngoài việc tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin và bằng nhiều hình thức, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật nghiêm minh. Điển hình, quản lý chặt việc sát hạch cấp bằng lái xe các loại, quy định thời gian kiểm tra sức khỏe, kiến thức và trình độ tay nghề tài xế sau khi cấp bằng lái; ngăn chặn các “lò bao đậu lý thuyết”. Nên áp dụng mô hình sát hạch bằng lái như nước ngoài là tăng cường thời gian chạy đường trường khi sát hạch thay vì chỉ chạy có 2-3 km như hiện nay. Trong khi sát hạch đường trường còn phải kết hợp kiểm tra kiến thức luật GT của thí sinh qua các tình huống thực tế. Khi việc cấp bằng lái xe đúng thực chất, tài xế nắm vững luật thì ý thức GT sẽ được nâng lên.
Tận dụng triệt để phương tiện công nghệ để xử phạt nguội thông qua trích xuất hình ảnh tại các tuyến đường đối với các phương tiện nhất là xe quá tải, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ cho phép… nhằm bảo đảm xử lý vi phạm một cách nghiêm minh, minh bạch, không bỏ sót. Tăng nặng các hình thức phạt để răn đe các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, rà soát các tuyến đường trên địa bàn TP để việc phân làn ôtô, xe tải và xe thô sơ, xe máy; việc bố trí đèn tín hiệu GT… thật khoa học.
Về phía ngành giáo dục, nên chăng học hỏi các nước phát triển cho học sinh dự các buổi ngoại khóa để hiểu thực tế nguy hiểm như điểm mù ôtô, cách đi đường an toàn, các nguy hiểm cần biết khi chạy xe… Đây là cách giáo dục trực quan, bổ ích và không nhàm chán, giúp học sinh dễ nhớ và tiếp thu.
Không yêu quý bản thân, thiếu tôn trọng người khác
Ý thức trước tiên thuộc về cá nhân và là yếu tố mang tính quyết định. Ý thức GT kém là do nhận thức của bản thân kém, biểu hiện là sự cẩu thả, chủ quan, thiếu trách nhiệm, không yêu quý bản thân, không lường trước hậu quả. Kế đến là do tính ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân, không nghĩ đến người khác.
Ý thức GT kém còn là một biểu hiện của trạng thái không hạnh phúc trong cuộc sống. Bởi ai biết tận hưởng cuộc sống, biết sống chậm, quan sát nhiều và nghĩ cho người khác nhiều hơn một chút sẽ chẳng thể rơi vào tình trạng thiếu ý thức khi tham gia GT và cuộc sống của họ khi đó sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Tiếc là nhiều người trong chúng ta lại luôn trong trạng thái cau có, hậm hực, căng thẳng; lúc nào cũng hối hả, vội vã chạy thục mạng về phía trước, mà nhiều khi cũng chẳng biết để làm gì.
Ở các ngã tư, chúng ta không khó để bắt gặp cảnh khi bên kia đèn đỏ đã bật được một lúc, vẫn có ai đó cố gắng băng qua, thậm chí đâm ngang, luồn lách giữa dòng xe đang được phép lưu thông. Để rồi, chỉ vì một chiếc xe máy đâm ngang, chặn đầu một chiếc xe buýt hay ôtô là có thể gây nên cảnh ùn ứ, tắc nghẽn kéo dài. Một người cẩu thả làm cho hàng trăm, hàng ngàn người phải vất vả.
Nếu được hỏi những người từng gây ra tai nạn GT: “Điều gì khiến bạn tiếc nuối nhất?”, tôi tin rằng câu trả lời phổ biến nhất sẽ là: “Giá như lúc đó tôi làm khác đi”. Nhiều khi chỉ vì một khoảnh khắc thiếu ý thức, một tâm thế chủ quan khi tham gia GT mà gây ra và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và người khác.
Tôi có một người bạn lúc đấy đang trong độ tuổi thanh niên tuyệt đẹp của cuộc đời. Vào một buổi chiều mưa, bạn chạy xe máy đi đón người yêu tan sở. Chiếc xe tải đằng sau bấm còi vượt lên, bị giật mình, loạng choạng tay lái, đường trơn, bạn ngã. Không đội mũ bảo hiểm, đầu bạn va xuống đường, bị chấn thương sọ não. Gia đình ra sức chữa chạy đến mức kiệt quệ về tài chính nhưng bạn không qua khỏi sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Nuối tiếc là cảm xúc thường trực của bạn tôi sau tai nạn, vào những khoảnh khắc tỉnh táo hiếm hoi. “Giá như…” .
Nguyễn Hồng Huấn
Song Nghi
Theo Nguoilaodong
Trung úy CSGT bị xe máy tông gục trên quốc lộ
Ra hiệu dừng xe máy do nam thanh niên không đội mũ điều khiển, trung úy CSGT bị tông gục trên quốc lộ 32.
Chiều 29/5, tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội ra hiệu dừng xe nam thanh niên xăm trổ điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm di chuyển trên quốc lộ 32, đoạn qua huyện Đan Phượng.
Tuy nhiên, người điều khiển phương đã tăng ga tông trúng một trung úy CSGT đang làm nhiệm vụ.
Tài xế sinh năm 1999 tại cơ quan công an. Ảnh: N.H.
Cú va chạm khiến trung úy cảnh sát bị hất văng xuống đường, còn người cầm lái xe máy cũng bị ngã.
Lực lượng chức năng đã đưa trung úy CSGT đi cấp cứu và tạm giữ thanh niên lái xe máy không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát. Một cán bộ tổ công tác 141 cho biết hai người liên quan vụ việc đều bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng.
Người vi phạm giao thông khai tên Trần Văn Phương (20 tuổi, quê Phú Thọ). Tổ 141 đã bàn giao tài xế cùng phương tiện cho Công an huyện Đan Phượng xem xét xử lý.
Hiện trường cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km. Ảnh: Google Maps.
Theo Zing.vn
Quận Bắc Từ Liêm: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đội mũ bảo hiểm Trong quý I/2019, Công an Quận Bắc Từ Liêm đã xử lý 1.819 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông với tổng số tiền xử phạt lên đến 563.490.000 đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm về đội mũ bảo hiểm lên tới 716 trường hợp. Tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm về đội mũ bảo hiểm...