Y tá Mỹ bất bình trong cuộc chiến Covid-19
Dù đóng vai trò quan trọng và đối mặt nguy cơ nhiễm nCoV cao, các y tá Mỹ cho rằng sức khỏe của họ không được ưu tiên.
Mỹ hiện ghi nhận ít nhất 8 nhân viên y tế dương tính với nCoV, bao gồm ba người thuộc một bệnh viện ở thành phố Vacaville, bang California, cùng 5 người làm việc cho trung tâm dưỡng lão Life Care ở thành phố Kirkland, bang Washington.
Tại Bệnh viện Evergreen Health ở Kirkland, nơi ghi nhận ít nhất 11 trường hợp tử vong vì nCoV, các y tá được yêu cầu tự cách ly đã trở lại làm việc, gây lo ngại nguy cơ lây lan virus trong trường hợp họ không may đã bị nhiễm.
Bất chấp rủi ro cao, 40% y tá tại Evergreen cho biết họ thiếu đồ bảo hộ thích hợp, theo một khảo sát của Hiệp hội Y tá bang Washington, tổ chức đại diện cho 16.000 y tá địa phương. Hơn một nửa nói rằng họ cảm thấy không sẵn sàng chăm sóc những bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV.
Một y tá ở thành phố Everett, bang Washington, Mỹ trình bày cách đeo mũ bảo hộ có tấm chắn mặt hôm 23/1. Ảnh: AP.
Hiệp hội cho hay y tá tại các bệnh viện khác của bang Washington cũng lo ngại tình trạng thiếu vật tư. “Một số người lo sợ về việc chính họ hoặc đồng nghiệp từng tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, nhưng vẫn phải tiếp tục đi làm”, hiệp hội báo cáo.
“Nếu các y tá không được đảm bảo an toàn, cộng đồng của chúng ta thực sự sẽ gặp nguy”, Jenny Managhebi, y tá lâm sàng tại Trung tâm Y tế Đại học California, nêu ý kiến. 24 y tá ở cơ sở của bà được yêu cầu tự cách ly sau khi một bệnh nhân tại đây dương tính với nCoV. “Nếu tôi không an toàn khi ở bên giường bệnh nhân, chồng con tôi ở nhà cũng không an toàn”, Managhebi nói.
Video đang HOT
Trong số 19 bang xuất hiện Covid-19 tại Mỹ, Washington là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm 13/14 ca tử vong, trường hợp còn lại ở bang California. Không chỉ các y tá tại bang Washington và California lo lắng, đồng nghiệp của họ trên toàn quốc cũng chung tâm trạng.
Theo khảo sát do Liên đoàn Y tá Quốc gia Mỹ (NNU), tổ chức đại diện cho khoảng 150.000 y tá trên cả nước, công bố hôm 5/3, chỉ 29% trong số 6.500 y tá tham gia khảo sát cho biết bệnh viện của họ có sẵn kế hoạch cách ly bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Chưa đến một nửa số y tá được hướng dẫn về cách xử lý virus và 40% không có khẩu trang N95, loại dày hơn khẩu trang y tế và ngăn chặn hầu hết vi hạt.
Một y tá ở California, người đang trong thời gian cách ly sau khi chăm sóc một bệnh nhân nCoV, phàn nàn rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) không xét nghiệm virus cho cô đủ nhanh. “Đây không phải quầy vé tại nhà hàng đông khách, đây là tình trạng y tế khẩn cấp!”, cô viết trong bài đăng được NNU chia sẻ.
Tại cuộc họp báo hôm 5/3, NNU yêu cầu chính phủ liên bang đảm bảo tất cả nhân viên y tế nhận được những đồ bảo hộ tốt nhất, đồng thời kêu gọi quốc hội ngay lập tức thông qua gói ngân sách khẩn cấp ứng phó Covid-19.
Để phản bác những lời chỉ trích, Mary Shepler, y tá trưởng tại Bệnh viện Evergreen, khẳng định cơ sở này đã chuẩn bị cho dịch bệnh với đầy đủ vật tư, bao gồm cả khẩu trang dùng một lần và kính chắn mặt được khử trùng và tái sử dụng. Shepler cho biết bệnh viện cũng tiến hành những đợt tập huấn, nói thêm rằng bà hiểu áp lực mà mọi người phải chịu đựng khi đối mặt với một chủng virus mới. “Tất cả đều không thoải mái trên mặt trận mới này”, Shepler cho hay.
Theo nữ y tá này, sau khi cách ly một số nhân viên từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, bệnh viện đánh giá việc cách ly quy mô lớn không thực tế bởi họ thiếu nhân lực. Vì vậy, các y tá không có triệu chứng bệnh được điều trở lại làm việc, cách tiếp cận được CDC cho là hợp lý. Bệnh viện thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho họ, đồng thời yêu cầu họ đeo khẩu trang trong lúc điều trị bệnh nhân.
Trong khi đó, Hiệp hội Y tá California, đại diện cho khoảng 155.000 y tá, tuyên bố bất cứ nhân viên y tế nào tại bang này từng tiếp xúc với nCoV sẽ được nghỉ có lương ít nhất 14 ngày, cũng như duy trì những lợi ích khác trong suốt thời gian nghỉ phép đó. Tuy nhiên, một số người lo ngại các bệnh viện sẽ thiếu nhân lực trầm trọng nếu quá nhiều y tá bị cách ly.
Công tác hướng dẫn sử dụng đồ bảo hộ cũng vô cùng quan trọng, bởi việc cởi không đúng cách có thể khiến dịch từ bệnh nhân lây lan. “Chúng tôi từng có những lớp đào tạo cả ngày, nhưng giờ đây phải học cách mặc và cởi đồ bảo hộ qua mạng”, Gerard Brogan, giám đốc thực hành điều dưỡng tại Hiệp hội Y tá California, cho biết.
Một y tá giấu tên ở quận Cam, làm việc cho một bệnh viện thuộc công ty Tenet Healthcare, tiết lộ các nhân viên y tế không được hướng dẫn phải làm gì trong trường hợp có bệnh nhân Covid-19 vào phòng cấp cứu, nói thêm rằng một số bác sĩ thậm chí chế nhạo những người tỏ ra quá lo lắng.
“Thật vô cùng bối rối. Trong khi một số bác sĩ nhiều tuần nay phải đeo khẩu trang phòng độc trong bệnh viện, những người còn lại khước từ nó, như thể họ nghĩ rằng việc cảnh giác với dịch bệnh là yếu đuối hoặc lo lắng thái quá”, y tá cho hay.
Y tá Managhebi ở California cho biết bà cùng các đồng nghiệp đã yêu cầu để sẵn khẩu trang N95 trong xe đẩy chứa vật tư cung cấp cho họ, thay vì buộc họ phải hỏi quản lý mới được phát như hiện nay. Các y tá cũng muốn bệnh viện áp dụng một quy trình chi tiết về cách xử lý những ca nghi nhiễm nCoV, tương tự kế hoạch hồi dịch Ebola.
“Tuy nhiên, họ nói rằng những điều đó chưa cần thiết vào lúc này”, Managhebi cho hay.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Theo vnexpress.net
19 bang kiện Tổng thống Trump vì tiền xây tường biên giới
Chính quyền 19 bang vừa đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump vì chuyển 3,8 tỉ USD từ các quỹ của Lầu Năm Góc sang phục vụ hoạt động xây bức tường biên giới với Mexico.
Cá bang tham gia vụ kiện là California, Colorado, Connecticut, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont, Virginia và Wisconsin.
Vụ kiện diễn ra sau khi ông Trump vào đầu tháng 2-2020 thông báo sẽ chuyển 3,8 tỉ USD từ các quỹ của Lầu Năm Góc sang dự án xây bức tường biên giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp nhà lãnh đạo Mỹ có bước đi như thế.
Trước đó, vào năm 2019, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết đứng về phía chính quyền ông Trump sau khi nhà lãnh đạo này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới và chuyển hơn 6 tỉ USD ngân sách quốc phòng sang xây bức tường biên giới.
Ông Trump tuyên bố sẽ chuyển 3,8 tỉ USD tài trợ quốc phòng sang xây dựng bức tường biên giới giũa Mỹ và Mexico. Ảnh: UPI
Bang Washington gần đây cũng đệ đơn kiện để đòi lại khoảng 90 triệu USD trong quỹ quốc phòng để sử dụng cho các dự án địa phương. Tổng chưởng lý Bob Ferguson của bang Washington lập luận rằng việc chuyển khoản tiền trên cho các mục đích khác sẽ cản trở một dự án xây dựng tại căn cứ tàu ngầm Bangor ở bang này, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.
Một thẩm phán liên bang sau đó ra phán quyết ủng hộ bang Washington và khẳng định phán quyết của bà không mâu thuẫn với phán quyết trước đó của Tòa án tối cao. Theo thẩm phán này, vụ kiện của Washington liên quan đến các nguyên đơn khác nhau và các tổn thất khác nhau.
Giờ đây, vụ kiện của 19 bang dường như sử dụng những lập luận tương tự vụ kiện của chính quyền bang Washington, tức hành động của chính quyền ông Trump "gây hại cho các nền kinh tế và lợi ích của các bang liên quan".
Các thành viên đảng Cộng hòa cũng quan ngại về động thái của ông Trump. Nghị sĩ Ken Calvert cảnh báo trong phiên điều trần hôm 3-3 rằng việc chuyển ngân sách quốc phòng sang dự án bức tường biên giới có thể làm suy yếu quyền phân bổ ngân sách của quốc hội.
Gia Minh (Theo American Military News)
Theo nld.com.vn
California ghi nhận ca tử vong do nCoV đầu tiên Một bệnh nhân lớn tuổi chết tại quận Placer, miền bắc California, nâng số ca tử vong vì nCoV ở Mỹ lên 11 hôm 4/3, tổng số ca nhiễm tại nước này là 154. 10 trường hợp tử vong trước đó ở Mỹ đều được ghi nhận tại bang Washington. Giới chức y tế cho rằng bệnh nhân ở California có thể nhiễm...