Ý nghĩa phía sau logo của các hãng xe
Logo của các hãng xe trên thế giới chứa đựng những câu chuyện, tham vọng và thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải đến người tiêu dùng.
Mặc dù mang hình ảnh giống với biểu tượng giới tính nam, logo Volvo lại chứa đựng ý nghĩa hoàn toàn khác. Lịch sử của hãng sản xuất ôtô Thụy Điển cho thấy những người sáng lập Gabrielsson và Larson từng có thời gian làm việc cho một công ty thép. Vì thế thực chất hình tượng logo Volvo được lấy cảm hứng từ biểu tượng của sắt trong giả kim thuật. Nhóm sáng lập Volvo đã mượn biểu tượng sắt để phán ánh di sản, sức mạnh và cam kết của hãng xe về độ bền và an toàn.
Logo hình ngôi sao ba cánh của Mercedes-Benz hiện tại có nguồn gốc từ một tấm bưu thiếp mà nhà sáng lập Gottlieb Daimler từng gửi. Vào năm 1872, Gottlieb Daimler đã gửi tấm bưu thiếp cho hai người con trai Paul và Adolf, trong đó sử dụng một ngôi sao ba cánh đánh dấu vị trí ngôi nhà của họ. Đến năm 1909, hình ảnh này được sử dụng làm logo cho hãng xe Mercedes, vốn ban đầu mang tên Daimler-Motoren-Gesellschaft. Hình tượng ngôi sao ba cánh cũng thể hiện tham vọng cơ giới hóa toàn cầu của nhà sản xuất ôtô nước Đức. Ba cánh của ngôi sao trên logo Mercedes-Benz cũng tượng trưng cho đất liền, biển cả và bầu trời.
Infiniti khởi đầu là một bộ phận của Nissan Motors, nổi tiếng trên thị trường với nhiều dòng sedan, coupé và SUV sang trọng. Trên logo của Infiniti tồn tại hai đường thẳng hướng lên trên tạo ra hình ảnh mà hãng xe tuyên bố là đại diện cho núi Phú Sĩ, biểu tượng của xứ sở hoa anh đào. Ngoài ra, hai đường thẳng này còn tượng trưng cho con đường vô tận kéo dài về phía xa. Logo của Infiniti gắn liền với slogan “những chân trời mới”, truyền tải tinh thần của thương hiệu xe sang về khao khát phá vỡ những ranh giới trong sản xuất và thiết kế ôtô.
Logo của Lamborghini có hình dáng một chiếc khiên màu đen với đường viền màu vàng. Trên đó, dòng chữ mang tên thương hiệu được khắc bằng các chữ cái viết hoa cùng hình ảnh một chú bò ở vị trí trung tâm. Nhà thiết kế Paolo Rambaldi đã chọn hình ảnh này từ biểu tượng của Kim Ngưu, cung hoàng đạo của người sáng lập Ferruccio Lamborghini. Hình ảnh chú bò trên logo của Lamborghini cũng tượng trưng cho khả năng bứt tốc mạnh mẽ mà các dòng xe thể thao Lamborghini mang lại.
Ý tưởng sử dụng hình ảnh ngựa chồm trên logo Ferrari vốn bắt nguồn từ nữ bá tước Paolina Baracca. Nữ bá tước là mẹ của Francesco Baracca, người phi công đã sơn hình ảnh ngựa đen lên chiếc máy bay chiến đấu của mình khi tham gia Thế chiến I. Khi gặp gỡ Enzo Ferrari, bà Paolina Baracca gợi ý sử dụng hình ảnh này như một sự may mắn cho các ôtô của Ferrari. Nền màu vàng hoàng yến trên logo là sự tôn vinh mà Enzo Ferrari dành cho quê hương Modena của mình. Hai chữ S và F trên logo là viết tắt của dòng chữ Scuderia Ferrari. Ngoài ra trên đỉnh của logo là ba dải màu đỏ, trắng và xanh lá, những màu sắc đặc trưng của quốc kỳ Italy.
Video đang HOT
Tấm khiên trên logo của Porsche đại diện cho vẻ sang trọng, đẳng cấp và hiệu suất cao được hãng xe Đức duy trì xuyên suốt hơn 6 thập kỷ. Logo của Porsche được lấy cảm hứng từ huy hiệu của bang Wrttemberg, nơi thành phố Stuttgart được chọn làm thủ phủ. Hình ảnh gạc hươu ở hai góc logo là đại diện cho vùng Swabia và các khu vực lân cận. Trong khi đó các dải màu đỏ và đen là nhóm màu sắc đại diện cho bang Wrttemberg. Thành phố Stuttgart sử dụng hình ảnh chú ngựa trong con dấu chính thức, do vậy Porsche đã đưa một chú ngựa đen vào trung tâm của logo để biểu thị sức mạnh và quyền lực.
Điểm dễ nhận thấy trên logo của Alfa Romeo là hai phần tách biệt, với mỗi nửa đại diện cho một biểu tượng truyền thống của Milan nhằm tôn vinh nguồn cội của thương hiệu. Ở nửa bên trái, hình thánh giá đại diện cho biểu tượng lịch sử từng gắn liền với những người lính Milan thời Trung cổ trong các cuộc Thập tự chinh. Trên nửa bên phải là biểu tượng Biscione vốn gắn liền với gia tộc Visconti, những người từng cai trị Milan trong lịch sử. Biểu tượng này mang hình ảnh con rắn đang nuốt một người Moor, nhóm người từ Bắc Phi theo đạo Hồi đã chinh phục và xâm chiếm bán đảo Iberia và nhiều hòn đảo ở phía đông Địa Trung Hải trong thời Trung cổ.
Bản thân cái tên Subaru mang ý nghĩa “thống nhất” trong tiếng Nhật, ám chỉ việc hợp nhất 5 công ty để tạo nên Fuji Heavy Industries, công ty mẹ của thương hiệu Subaru. Ngoài ra, Subaru cũng là tên tiếng Nhật của cụm sao Thất Nữ (sao Tua Rua, sao Mạ), một cụm sao thuộc chòm Kim Ngưu. Ban đầu, logo của Subaru sở hữu thiết kế được lấy cảm hứng từ chính hình ảnh của cụm sao Thất Nữ trên bầu trời. Logo Subaru mang hình bầu dục cùng 6 ngôi sao bốn cánh đặt trên nền màu xanh kim loại. Trong đó, 5 ngôi sao nhỏ đại diện cho 5 công ty sơ khai, còn ngôi sao lớn hơn đại diện cho Fuji Heavy Industries.
Logo của Toyota được cấu thành từ ba hình bầu dục với độ dày nét khác nhau, tượng trưng cho tinh hoa nghệ thuật thư pháp của Nhật Bản. Phía bên trong, hai hình bầu dục vuông góc chồng lên nhau tạo thành chữ T đại diện cho tên thương hiệu. Các hình bầu dục này cũng là hình ảnh minh họa trái tim của cả khách hàng và công ty được lồng vào nhau, thể hiện sự tin cậy trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Các khoảng trống bên trong logo tượng trưng cho những giá trị vô hạn mà Toyota mong muốn truyền tải đến khách hàng, còn hình bầu dục bao bên ngoài tượng trưng cho hình ảnh thế giới đang ôm lấy thương hiệu.
Hyundai trong tiếng Hàn có nghĩa là “hiện đại”, mang ý nghĩa một cuộc sống tiên tiến và hiện đại cùng hãng xe Hàn Quốc. Hình tượng chữ H trên logo Hyundai không đơn thuần là chữ cái đầu trong tên thương hiệu. Hình ảnh này còn mô tả cái bắt tay giữa khách hàng và công ty, đại diện cho sự tin tưởng và hài lòng từ cả hai phía. Chữ H được thiết kế hơi nghiêng về bên phải, biểu thị khát vọng luôn tiến về phía trước. Logo mang hình bầu dục đại diện cho tính toàn cầu, mang theo tham vọng chinh phục những thị trường khác bên cạnh châu Á.
Logo hãng xe Mitsubishi là sự kết hợp giữa biểu tượng ba hình thoi xếp chồng của gia tộc Iwasaki với hình ảnh ba chiếc lá chụm lại trên gia huy của gia tộc Tosa. Theo những gì lịch sử ghi nhận, gia tộc Tosa là nơi đầu tiên mà nhà sáng lập Yataro Iwasaki làm việc. Đáng chú ý, chữ “Mitsu” có nghĩa là “ba” trong tiếng Nhật, còn “hishi” mang nghĩa “củ ấu”, từ thường được sử dụng khi mô tả hình thoi hay hình kim cương. Trong tiếng Nhật, chữ “h” sẽ được đọc thành âm “b” khi phụ âm này nằm giữa. Do vậy có thể nói cái tên Mitsubishi chính là sự diễn giải cho hình ảnh logo của hãng.
Khi những chiếc xe kỳ lạ đang trở thành điều 'bình thường mới'
Trái ngược với việc từng vật lộn để duy trì bản sắc của mình, nhiều hãng xe đang dựa vào các tính năng phô trương và thiết kế kỳ lạ để thu hút sự chú ý của người dùng trẻ.
Thị trường đang đón nhận một sự thay đổi âm thầm và mãnh liệt với các phiên bản xe hơi mới phát hành, những cỗ máy mới với hình dáng khác biệt cùng với hoạt động tiếp thị dựa trên các tính năng đầy phô trương mà không ai yêu cầu.
Giờ đây, khi cân nhắc về việc mua một chiếc xe mới, nhiều người bỗng nhận ra rằng việc này đã không còn giống như cách bạn từng chọn mua xe trong một vài năm trước đây.
Ioniq 5 có thiết kế khác biệt với phong cách truyền thống của Hyundai.
Nhìn chung, những chiếc ô tô đã trở nên kỳ lạ hơn, về mặt tổng thể. Mặc dù một số hãng xe từng đưa ra các phiên bản kỳ quặc trong nhiều thập kỷ, nhưng chúng thường xuất hiện lẻ tẻ và biến mất rất nhanh. Nhưng giờ đây, chúng hiện đang ngập tràn với một mật độ dày đặc đáng kinh ngạc. Nếu hỏi tại sao, thì đơn giản là việc làn sóng điện khí hóa đang bùng lên mạnh mẽ đã thay đổi các tính năng truyền thống, vốn luôn được các thương hiệu xe hơi lâu năm dựa vào để quảng bá sản phẩm. Giờ đây, các công ty đang liều lĩnh đi theo những hướng đi mới, đầy táo bạo một cách vội vã và gấp gáp.
Nếu có một thương hiệu tiêu biểu cho khoảnh khắc kỳ quặc này, đó là Hyundai. Công ty, và các thương hiệu anh em là Kia và Genesis, đã thực sự vượt qua ranh giới của "thiết kế đẹp" trong khoảng một thập kỷ qua. Nhưng bằng cách nào đó, những chiếc xe của họ giờ càng trở nên thú vị và kỳ dị hơn. Hãy thử nhìn lại đèn pha của Hyundai Sonata, với dải chrome chạy dọc từ cản trước đến tận trụ A. Đây được đánh giá là một thiết kế cực kỳ táo bạo, nhất là khi nó xuất hiện trên một chiếc xe phân khúc giá rẻ.
Ioniq 6 càng trông "không giống ai".
Nhưng giờ đây, với mẫu xe điện Ioniq 5, hầu như tất cả ngôn ngữ thiết kế của Hyundai đã bị ném ra ngoài cửa sổ. Một chiếc xe có vẻ ngoài gợi cảm và khá kỳ lạ khi chạy trên đường. Nhưng chưa dừng lại ở đó, tiếp theo nó là Ioniq 6. Công ty dường như đã nhấn F5 để làm mới và thay thế tất cả các đặc trưng trong thiết kế của Ioniq 5 và tạo ra một thứ trông không giống như những gì mà Hyundai đã từng làm.
Còn sự khác thường ở Genesis nổi bật ở mẫu crossover chạy điện đầu tiên của hãng - GV60 - với chiếc cần số giống như một quả cầu pha lê cùng cách thức hoạt động mới mẻ, thay vì kiểu cần số truyền thống. Đó cũng là một ví dụ mạnh mẽ về thay đổi thiết kế, đưa sự ngạc nhiên và thích thú của người dùng lên một tầm cao mới kỳ lạ.
Trước đây, bạn sẽ mong đợi những thứ đó từ một công ty khởi nghiệp non trẻ. Nhưng giờ, các ông lớn trong ngành cũng chẳng ngần ngại nhảy vào sân chơi mới. Mercedes-Benz đang tạo ra một chiếc SUV có thể nhún nhảy một mình.
Hệ thống treo E-Active Body Control cho phép chủ phương tiện chủ động điều khiển hệ thống treo khí nén trên xe. Nó điều chỉnh hệ thống treo ở mỗi bánh xe riêng biệt để nâng cao chất lượng lái xe. Về cơ bản, tính năng này được thêm vào để cung cấp thêm độ bám cho xe trên cát và bùn. Nhưng hóa ra công dụng lớn nhất của nó là gây tò mò để thu hút sự chú ý, khi đậu xe ven hồ Tây hay quay video đăng TikTok.
Hãng xe Đức giờ đây cũng đang khiến người dùng choáng ngợp với các mẫu thiết kế nội thất ngày càng choáng ngợp, cùng vô số lựa chọn điều khiển trang trí công phu, được đóng khung bằng bảng màu LED Technicolor. Chúng dường như quá sặc sỡ đối với một số người, nhưng hứa hẹn sẽ thu hút một thế hệ người mua mới, và đó mới là điều mà Mercedes mong muốn hơn bao giờ hết.
Ford cũng gây bất ngờ với Mustang mới, với cái gọi là phanh tay điện hỗ trợ drift. Điều đó về cơ bản là kỳ lạ, khi nó là một cần điều khiển để xe của bạn có thể trượt sang một bên như một tay đua đang drift điệu nghệ. Việc một thương hiệu bảo thủ như Ford lại đặc biệt bổ sung một thiết bị chỉ để làm cho xe trượt đi dễ dàng trong tay những người mới sử dụng có vẻ "không bình thường" cho lắm.
Còn Hummer? Chiếc siêu bán tải GMC Hummer EV giờ có sẵn hệ thống lái bốn bánh với chức năng CrabWalk (đi ngang như cua), để người dùng có thể điều khiển nó chạy theo đường chéo, khi cả hai bánh trước và sau đều xoay về cùng một hướng.
Hay Rivian R1T, một chiếc bán tải điện khác, có bếp nấu trượt ra từ một bên hông xe. Tất cả đều là mánh lới quảng cáo, nhưng nó thú vị và khiến người dùng hứng khởi khi chọn lựa.
Bếp tích hợp trên bán tải điện Rivian R1T.
Tại sao tất cả những điều kỳ lạ này lại diễn ra? Tại sao bây giờ các thương hiệu xe hơi từ truyền thống tới vừa khởi nghiệp đều đang cố gắng hết sức để thu hút người tiêu dùng theo những cách ngày càng thú vị hơn? Bởi vì thời đại của xe điện đang đến.
Nhiều thương hiệu đang đưa ra các cam kết về điện khí hóa, hầu hết đều có các mốc thời gian tích cực cho sự chuyển đổi sang năng lượng pin. Và đây chính là chìa khóa của vấn đề. Bởi hãy tự hỏi làm thế nào mà các thương hiệu sẽ tạo ra sự khác biệt trong thời đại mà tiếng ồn khí thải chỉ tồn tại dưới dạng âm thanh kỹ thuật số được thêm vào, hay nơi mà hiệu suất tăng tốc là vô nghĩa vì mọi chiếc xe đều nhanh tới mức không cần thiết.
Hơn 3.000 xe Bentley Bentayga bị triệu hồi do camrera lùi mất tín hiệu Mới đây, siêu xe Bentley tiếp tục bị ra thông báo triệu hồi hơn 3000 xe do camera lùi mất tín hiệu, đây không phải là lần đầu tiên hãng xe này triệu hồi các dòng xe của mình vì nguyên nhân trên. Hơn 3.000 mẫu xe Bentley Bentayga được bán tại thị trường Mỹ đã bị thu hồi do một lỗi phần...