Ý, Mỹ ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao Ý, thượng nghị sỹ Benedetto Della Vedova khẳng định nước này muốn tham gia nhiều hơn nữa trong an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Ngoại giao Ý Benedetto Della Vedova (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại hội thảo – Ảnh: TTXVN
Ông Vedova đã đưa ra lời khẳng định trên trong cuộc Hội thảo mang tên “Ý, Việt Nam và hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương” do Bộ Ngoại giao Ý, Đại sứ quán Việt Nam tại Ý và tạp chí thời sự chính trị hàng đầu của Ý, Limes phối hợp tổ chức tại Rome ngày 26.3.
Theo Thứ trưởng Della Vedova, Chính phủ Ý ngày càng quan tâm hơn nữa đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, với một chính sách đối ngoại hướng mạnh sang hợp tác về nhiều mặt ở khu vực này, trong đó có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, đất nước mà Ý đã ký Hiệp định “đối tác chiến lược” vào năm 2013.
Ông Vedova khẳng định rằng, mối quan hệ Ý-Việt Nam ngày càng trở nên tốt đẹp, khi Ý coi Việt Nam như một cửa ngõ để bước vào thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng.
Việt Nam được đánh giá là một đất nước có tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực và cũng có rất nhiều sáng kiến trong việc phát triển hợp tác kinh tế và duy trì hòa bình trong khu vực.
Ông Vedova cho rằng, việc Đông Nam Á nóng lên do những tranh chấp liên quan đến các vấn đề biển đảo khiến Ý và EU rất lo ngại. Ý mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa trong vấn đề an ninh của khu vực này cũng như toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan điểm này cũng được hạ nghị sỹ Fabrizio Cicchitto, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy, chia sẻ.
Ông Cicchitto khẳng định rằng, sự bất ổn trong thời điểm hiện tại và tương lai của châu Á-Thái Bình Dương có thể đe dọa an ninh thế giới, bởi đây là nơi tập trung đông dân số thế giới, cũng như tạo ra 60% GDP của toàn cầu.
Video đang HOT
Theo ông Cicchitto, Ý đang ngày càng chú ý hơn đến những diễn biến ở Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á-Thái Bình Dương nói chung, và những kinh nghiệm của Italy trong việc thương lượng và giải quyết khủng hoảng có thể có ích trong tương lai.
Tham gia hội thảo, ông Paul Berg, chuyên viên về quan hệ chính trị của Đại sứ quán Mỹ ở Rome, nói rằng, Washington hoàn toàn ủng hộ việc Ý và các đồng minh muốn can dự nhiều hơn nữa trong các vấn đề về an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông do “thái độ” của Trung Quốc với các nước trong khu vực khiến Mỹ rất lo ngại, vì điều này làm cho an ninh khu vực bị đe dọa.
Do đó, Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam và nước ASEAN trong việc tạo ra một môi trường chung sống hòa bình. Ông cũng khẳng định, Mỹ rất quan tâm đến các động thái của Trung Quốc nói riêng và các nước trong khu vực nói chung, đặt trong an ninh chung của châu Á-Thái Bình Dương.
Các học giả và chính khách Ý tham dự hội thảo đặc biệt chú ý đến tham luận của ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, thuộc Học viện ngoại giao, Bộ ngoại giao.
Sau khi nêu ra sự phát triển của ASEAN trong những thập kỷ qua và sẽ trở thành một khối thống nhất về thị trường trong năm nay, cũng như khẳng định châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành khu vực kinh tế năng động nhất của toàn cầu, với sự trở lại của Nhật Bản, sự trỗi dậy của Ấn Độ, sự trở lại của Mỹ, trong khi Nga gia tăng sự hiện diện và Trung Quốc đang vươn lên thành một siêu cường, ông Tuấn cho rằng, cơ hội hợp tác và phát triển xuất hiện song song cùng với những mối đe dọa về an ninh.
Những mối đe dọa tới an ninh khu vực đang xuất hiện và trên thực tế đã ảnh hưởng đến nhiều nước từ những hành động đơn phương và các yêu sách vô lý trên Biển Đông của Trung Quốc.
Theo ông Tuấn, so với nhiều nước EU khác, sự hiện diện của Italy trong khu vực còn yếu. Ông hy vọng, Ý, với tư cách là đối tác chiến lược của Việt Nam, sẽ tích cực thể hiện vai trò của mình trong việc gìn giữ an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Tuấn cũng nêu ra những vấn đề này trong cuộc trao đổi ngày 27.3 với các chuyên gia địa-chính trị của Viện nghiên cứu quốc tế (Ce.S.I), một trong những cơ quan nghiên cứu chiến lược và chính sách ngoại giao hàng đầu của Italy.
Các chuyên viên của Ce.S.I cũng cho rằng, an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương là một vấn đề then chốt trong tiến trình hợp tác và phát triển kinh tế giữa các nước trong khu vực. Tiến trình đó có thể bị phá vỡ nếu như an ninh không được đảm bảo.
Các nước lớn phải đóng vai trò là những người kiến tạo hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế chứ không phải là những tác nhân gây ra bất ổn. Họ nhấn mạnh rằng, Ý rất lo ngại trước sự bất ổn đang diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo Thanh Niên
Philippines sửa chữa đường băng ở Biển Đông, kêu gọi Mỹ hỗ trợ
Philippines trông đợi vào phán quyết của trọng tài quốc tế vào tháng 2 năm 2016, muốn Mỹ tăng cường triển khai chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 27 tháng 3 dẫn hãng tin Reuters Anh đưa tin, Philippines ngày 26 tháng 3 cho biết "sẽ khôi phục hoạt động sửa chữa và xây dựng lại" khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2014, Philippines đã tạm dừng những hoạt động này, do họ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến vụ kiện Trung Quốc thông qua trọng tài quốc tế.
Ngày 26 tháng 3, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các quan chức ngoại giao, quân đội và phóng viên nước ngoài rằng: "Thái độ của chúng tôi là, chúng tôi có thể tiếp tục công tác sửa chữa và bảo vệ". Ông nói, những hoạt động này bao gồm sửa chữa một đường băng sân bay.
Tháng 10 năm 2014, Philippines kêu gọi tất cả các nước chấm dứt hoạt động xây dựng trên các đảo, đá ngầm ở Biển Đông (nhất là hoạt động xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Năm 2013, Philippines đưa vụ kiện Trung Quốc lên tòa án luật biển quốc tế để chống lại yêu sách "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, phi lý, vô nghĩa và lố bịch của Trung Quốc - PV.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay, Philippines trông đợi tòa án sẽ đưa ra kết quả vào tháng 2 năm 2016. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố ngang nhiên là: Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia vụ kiện trọng tài của Philippines (tức là họ không chấp nhận luật pháp quốc tế - PV).
Hành động bành trướng "đưỡng lưỡi bò" của Trung Quốc trong năm 2014: Hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, kéo lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào vùng biển chủ quyền Việt Nam để đe dọa Việt Nam.
Trước đó, có nghị sĩ Mỹ cảnh báo rằng, Mỹ cần có chiến lược toàn diện để ngăn chặn và làm giảm các hoạt động (bành trướng, hung hăng) của Trung Quốc ở Biển Đông, nếu không, lợi ích lâu dài của Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ đối mặt với nguy hiểm.
Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Robert Thomas đề nghị, các nước ASEAN cần xây dựng lực lượng liên hợp trên biển để tuần tra Biển Đông, đồng thời cam kết Hạm đội 7 sẽ ủng hộ đối với vấn đề này.
Theo trang mạng tin tức GMA Philippines, ông Albert del Rosario ngày 26 tháng 3 cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố này. Đối với lời kêu gọi Mỹ dành nhiều sự ủng hộ mang tính thực chất hơn cho chiến lược tái cân bằng châu Á, chúng tôi cũng hoan nghênh".
Đối với vấn đề này, báo Trung Quốc dẫn phát ngôn viên quốc phòng Trung Quốc có tên là Cảnh Nhạn Sinh nói tại một cuộc họp báo ngày 26 tháng 3 rằng, Trung Quốc có lập trường nhất quán, rõ ràng trong vấn đề Biển Đông (bành trướng "đường lưỡi bò"). Cảnh Nhạn Sinh đồng thời lên án Mỹ đã phát ngôn làm "châm ngòi thổi gió", cho rằng, điều đó không có lợi cho "hòa bình, ổn định" Biển Đông.
Cảnh Nhạn Sinh còn yêu cầu Mỹ chấm dứt phát biểu "vô trách nhiệm", "tôn trọng những nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định của các nước khu vực Biển Đông, không làm những việc chia rẽ quan hệ nước khác, gây ra tình hình căng thẳng".
Hành động bành trướng "đường lưỡi bò" của Chính phủ Trung Quốc: biến các đá ngầm đã xâm lược của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo. Dư luận cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng các tiền đồn quân sự ở đây.
Trên thực tế, loại bành trướng "đường lưỡi bò" của Trung Quốc nếu không từ bỏ thì không bao giờ sẽ hết được những lời lên án, phê phán, dị nghị và cũng sẽ không thiếu những hành động kiềm chế, ngăn chặn, đáp trả kể cả về ngoại giao, quân sự, pháp lý... Điều này thì Trung Quốc nên hiểu và phải hiểu, cũng nên chấm dứt ngay yêu sách vô lý, phi pháp "đường lưỡi bò", từ bỏ mọi hành động bành trướng ở Biển Đông. Như thế, Trung Quốc mới có hòa bình và phát triển bền vững - PV.
Trung Quốc phải chấp nhận luật pháp quốc tế, phải hiểu luật, tôn trọng, sử dụng luật pháp quốc tế về biển đảo, đi theo con đường "pháp trị" trong quan hệ với các nước khác, với các nước ven Biển Đông, không thể đứng ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế, cũng không thể dùng luật của mình để áp đặt cho các nước khác ở Biển Đông - PV.
Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung xây dựng quốc gia "pháp trị" do Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra, vì vậy, Trung Quốc cũng nên tôn trọng cộng đồng quốc tế dùng luật pháp, dùng quy tắc ứng xử như trọng tài hay COC để xử lý các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông. Không có gì khác, cộng đồng quốc tế cần trừng trị nghiêm khắc những hành vi đã, đang và sẽ dùng chiến tranh xâm lược để cướp lấy biển đảo của nước khác.
Theo Giáo Dục
Khẩu chiến vẫn không ngừng gia tăng Ngày 21/3, tại Seoul, Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kết thúc cuộc họp đầu tiên trong gần 3 năm qua với cam kết, sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên. Cuộc đối thoại kể trên nhằm giải quyết những vấn đề căng thẳng trong khu vực phát sinh từ tranh chấp chủ quyền lãnh hải...