Ý đồ đẩy Mỹ khỏi Biển Đông bằng ADIZ của Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông để gây sức ép buộc Mỹ phải rút ra khỏi khu vực này.
Giáo sư Seokwoo Lee, đại học Inha, giám đốc trung tâm Luật biển quốc tế Inha, Hàn Quốc. Ảnh: NVCC
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) xét xử vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông dự kiến ra phán quyết cuối cùng trong tháng 6. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng phán quyết này có thể bị trì hoãn, khi Tổng thống Philippines mới đắc cử Rodrigo Duterte tuyên bố có thể sẽ ưu tiên đàm phán song phương với Trung Quốc.
Trao đổi với VnExpress, giáo sư Seokwoo Lee, đại học Inha, giám đốc trung tâm Luật biển quốc tế Inha, Hàn Quốc nhận định quá trình ra phán quyết của PCA sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi tuyên bố này của ông Duterte.
“Theo tôi, đó chỉ là một quan điểm chính trị của người đứng đầu chính phủ Philippines, và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình pháp lý của phiên tòa. Bởi vậy, tôi cho rằng PCA sẽ ra phán quyết vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau. Tuy nhiên đến nay PCA vẫn chưa ra thông báo nào về thời điểm ra phán quyết, thế nên chúng ta vẫn phải chờ đợi”, ông Lee nói.
Trong trường hợp phán quyết mà PCA đưa ra có nhiều điểm có lợi cho Philippines, giáo sư Lee nhận định điều đó sẽ không làm thay đổi lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Chính phủ Trung Quốc hiện nay chịu sức ép từ hai phía, đó là cộng đồng quốc tế và dư luận trong nước, nên họ sẽ tìm mọi cách để cân bằng áp lực này. Nếu Bắc Kinh thay đổi lập trường của mình đối với vấn đề Biển Đông sau phán quyết của PCA, điều đó có nguy cơ kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước”.
Theo ông Lee, phán quyết của PCA sẽ khiến Trung Quốc chịu tác động rất lớn từ cộng đồng quốc tế, bởi việc bác bỏ phán quyết của PCA rõ ràng là hành động đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên.
“Tuy nhiên, với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, việc kiểm soát sức ép chính trị từ trong nước là yếu tố quan trọng hơn, và Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thực hiện chính sách đối ngoại và lập trường với vấn đề Biển Đông theo chiều hướng này”, ông Lee nhấn mạnh.
Để có thể chuyển hướng sức ép ra bên ngoài, Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động bồi lấp, cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp, tiếp tục giọng điệu về chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với phần lớn diện tích trên Biển Đông, bất chấp phán quyết nào của PCA. Bắc Kinh có thể sẽ không thiết lập Vùng nhận diện phòng không ( ADIZ) như lời kêu gọi của một số học giả, tướng lĩnh trong nước, ông Lee nói.
“Trung Quốc phải hứng chịu rất nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế, nên tôi cho rằng họ sẽ không muốn để tình hình leo thang đột ngột bằng việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông ngay sau phán quyết của PCA. Chiến lược của họ là leo thang tình hình một cách từ từ, từng bước một, không phải là những bước đi vội vàng, gấp gáp đến mức các cường quốc, chẳng hạn như Mỹ, phải can thiệp”.
Ông Tedsuo Kotani, nghiên cứu viên cao cấp, Học viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA), cũng nhất trí với nhận định trên của giáo sư Lee. “Tôi cũng cho rằng việc thiết lập ADIZ trên Biển Đông sau phán quyết của PCA là hành động rất bất lợi đối với Trung Quốc, khiến nước này phải chịu sức ép rất lớn từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”, ông nói.
Video đang HOT
Ông Kotani giải thích rằng Trung Quốc không phải là nước duy nhất thiết lập ADIZ trên biển, nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới đã làm vậy. Tuy nhiên, trong lịch sử châu Á, chưa từng có nước nào lập ADIZ trên vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đã lập ADIZ trên Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, vào năm 2013.
“Nhật Bản thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, bao trùm nhóm đảo Senkaku vào năm 1950, và mãi đến năm 1971, Trung Quốc mới đưa ra yêu sách chủ quyền đối với nhóm đảo này”, ông nói thêm.
Tedsuo Kotani, nghiên cứu viên cao cấp, Học viện Các vấn đề Quốc tế Nhật Bản. Ảnh: Trí Dũng
Chuyên gia Nhật Bản này cho rằng trong trường hợp Trung Quốc vẫn kiên quyết lập ADIZ trên Biển Đông như một cách phản đối phán quyết của tòa PCA, họ sẽ tăng cường đáng kể hiện diện quân sự tại vùng biển này.
“Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ quân sự phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa, và lập các đường băng trên những hòn đảo nhân tạo bồi lấp trái phép ở Trường Sa. Nếu thiết lập ADIZ ở khu vực này, họ sẽ xây thêm các trạm radar, điều các loại chiến đấu cơ đến các căn cứ trên Biển Đông. Khi radar của họ phát hiện, chẳng hạn như máy bay quân sự Mỹ, tiến vào Biển Đông mà không báo cáo, họ sẽ điều chiến đấu cơ lên ngăn chặn”, ông dự đoán.
Theo đó, phi công Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để đuổi máy bay quân sự Mỹ ra khỏi AIDZ mà họ thiết lập, thậm chí có những hành động mạo hiểm có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra đụng độ do tính toán sai lầm.
Ông Kotani nhắc lại sự kiện Trung Quốc điều chiến đấu cơ bám theo tàu chiến Mỹ thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, và dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục hành động này ở cấp độ cao hơn, thậm chí có thể đe dọa tàu chiến Mỹ.
Với tàu thuyền thương mại của các nước đi qua Biển Đông, ADIZ này nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của chúng, tuy nhiên các hãng hàng không dân sự sẽ phải báo cáo với phía Trung Quốc, tương tự những gì đã diễn ra trong ADIZ mà Trung Quốc đơn phương lập ra trên biển Hoa Đông, ông nói.
Chuyên gia này dự đoán ý đồ của Trung Quốc khi thiết lập ADIZ trên Biển Đông, là “làm leo thang căng thẳng, tăng cường mức độ đối đầu đến một ngưỡng mà Mỹ không chịu đựng được và phải rút lui khỏi khu vực”.
“Đây là một dạng ‘trò chơi thách đố’ trên Biển Đông, trong đó bên nào cảm thấy yếu thế hơn sẽ phải ngừng lại”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Kotani cho rằng Mỹ sẽ chỉ đơn giản là phớt lờ tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc, giống như họ đã làm trên biển Hoa Đông. Họ có thể sẽ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua khu vực này mà không báo cáo Trung Quốc, như một cách phản đối. Mỹ cũng vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự bình thường trên vùng biển quốc tế của mình.
Theo ông Kotani, các hành động của Mỹ trên Biển Đông còn phụ thuộc rất lớn vào việc ai sẽ là tổng thống tiếp theo của nước này. Bà Hillary Clinton có thể sẽ không bao giờ nhượng bộ Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng nếu ông Donald Trump đắc cử, không ai biết được điều gì sẽ diễn ra ở khu vực này.
“Nếu Trung Quốc đưa ra cam kết với ông Trump rằng họ sẽ không bao giờ gây khó dễ cho các tàu hàng của Mỹ hoạt động ở Biển Đông, ông Trump có thể gật đầu với họ”, chuyên gia này dự đoán.
Trí Dũng
Theo VNE
Viễn cảnh ADIZ ở Biển Đông
Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc lập ADIZ chỉ còn là vấn đề thời gian, nhưng một số bên vẫn có những biện pháp đối phó khiến Bắc Kinh e ngại.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trong một lần xuất hiện phi pháp trên đảo Phú Lâm81.CN
Cách đây 3 ngày, khi được hỏi liệu Trung Quốc có tiến hành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này là ông Hồng Lỗi trả lời rằng có nhiều yếu tố cần được xem xét, đặc biệt là mối đe dọa Bắc Kinh đối mặt từ trên không, theo Reuters.
Sự ngụy biện này khó được giới quan sát chấp nhận vì khi đơn phương tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013, Trung Quốc không hề đối mặt đe dọa an ninh trên không trong khu vực, theo tạp chí Philadelphia Trumpet.
Chờ quyết định cuối cùng
Giới quan sát cho rằng việc Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian sau khi một nguồn tin tiết lộ với tờ South China Morning Posthồi tuần trước rằng quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị lập vùng này và việc công bố tùy thuộc vào tình hình an ninh khu vực.
Tuy nhiên, tờ Asahi Shimbun mới đây dẫn một số nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay kế hoạch lập ADIZ nói trên vẫn còn trong giai đoạn dự thảo. Điều này có nghĩa là nhiều chi tiết, như phạm vi và thời điểm thiết lập sẽ phải được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua sau khi đánh giá kỹ lưỡng khả năng phản ứng của Mỹ, các nước thành viên ASEAN và năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc quản lý ADIZ nói trên.
Kế hoạch này chủ yếu được soạn bởi Trường Chỉ huy không quân ở Bắc Kinh, đơn vị từng chịu trách nhiệm vạch kế hoạch lập ADIZ ở biển Hoa Đông, và đã được trình lên cấp lãnh đạo. Theo nguồn tin nói trên, Bắc Kinh muốn lập các ADIZ từ những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và từ đảo Hải Nam. Do đó, các ADIZ mới sẽ bao phủ phần lớn khu vực nằm trong "đường lưỡi bò" phi lý mà Trung Quốc ngụy xưng ở Biển Đông, theo Asahi Shimbun.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc được đánh giá là chưa sở hữu đủ năng lực để giám sát một ADIZ tiềm tàng ở Trường Sa. Điều này có nghĩa Bắc Kinh có nguy cơ bị mất mặt nếu một máy bay quân sự đi vào ADIZ nhưng quân đội Trung Quốc không thể ứng phó một cách đầy đủ, theo Asahi Shimbun.
Ngoài ra, những căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng thuộc ASEAN chắc chắn sẽ leo thang nếu ADIZ do Bắc Kinh lập xâm lấn ADIZ của các nước khác trong khu vực. Tình trạng này đã xuất hiện khi Bắc Kinh lập ADIZ trên biển Hoa Đông chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản cách đây gần 3 năm, châm ngòi cho những phản đối mang tính quốc tế.
Hậu quả có thể sẽ còn tồi tệ hơn nếu Bắc Kinh lập ADIZ trên Biển Đông vì đây là tuyến hàng hải nhộn nhịp hơn biển Hoa Đông, được nhiều tàu bè và máy bay thương mại từ các nước khác nhau sử dụng. Điều này có nghĩa động thái lập ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm gia tăng các nguy cơ về an ninh và làm tổn hại nền kinh tế khu vực.
Để ứng phó những quan ngại như trên, nhiều nguồn tin cho rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu bằng việc lập ADIZ xoay quanh những địa điểm như Hoàng Sa rồi mới dần dần mở rộng đến toàn bộ khu vực trong "đường lưỡi bò".
"Những yếu tố như trình độ giám sát của các lực lượng vũ trang và sự đánh giá liệu việc lập ADIZ có lợi cho các quan hệ quốc tế hay không sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định cuối cùng", một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc nhận định với Asahi Shimbun.
Đối phó
Trong bối cảnh đó, cách phản ứng khả dĩ của các bên liên quan trước động thái khiêu khích tiềm tàng nói trên của Trung Quốc hiện là chủ đề thu hút sự chú ý của giới quan sát.
Trong bài bình luận mới đây trên chuyên san The National Interest, Giáo sư Alexander L.Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng do không phải là một bên tranh chấp nên Mỹ không có nhiều lựa chọn một khi Trung Quốc lập ADIZ trên Biển Đông. Theo đó, tương tự cách phản đối Bắc Kinh lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Washington có thể điều oanh tạc cơ, chiến đấu cơ đến khu vực nhằm thể hiện thái độ bác bỏ động thái của Bắc Kinh. Washington cũng có thể điều thêm khí tài tới khu vực, tăng tần suất tuần tra và triển khai tàu, máy bay tới gần những bãi đá Trung Quốc chiếm đóng.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ. REUTERS
Tuy nhiên, ông Vuving cho rằng dù Mỹ có tăng cường sự hiện diện quân sự gấp 3 lần mức hiện tại là 700 chuyến hoạt động của tàu hải quân/năm, điều đó vẫn sẽ không đối chọi được với hàng trăm tàu vũ trang Trung Quốc hiện diện thường trực ở khu vực.
Còn đối với những bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp, ông Vuving cho rằng Philippines không còn nhiều lựa chọn sau khi đã dùng lá bài lớn là kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết áp đặt ADIZ trên Biển Đông, Manila và Washington có thể nâng cấp Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao và bổ sung thêm 3 căn cứ hải quân vào danh sách những địa điểm ở Philippines mà quân đội Mỹ có thể đóng trú luân phiên.
Ông Vuving cho rằng Việt Nam có vịnh Cam Ranh và Đà Nẵng là những vị trí tốt nhất để vô hiệu hóa những ảnh hưởng từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, Malaysia, Philippines và Việt Nam có thể công bố ADIZ của chính mình để đáp lại ADIZ do Trung Quốc lập. Theo ông Vuving, cách này khả thi hơn so với biện pháp cho Mỹ tiếp cận sâu các căn cứ và kiện Trung Quốc ra tòa.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Lập luận 'nực cười' của Trung Quốc để bác phán quyết Biển Đông Bắc Kinh cố tình phớt lờ Điều 288(4) của UNCLOS để đưa ra lý do mơ hồ nhằm bác bỏ thẩm quyền xét xử vụ kiện "đường lưỡi bò" của tòa quốc tế. Đô đốc Tôn Kiến Quốc (áo trắng), trưởng đoàn Trung Quốc, lên phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters Trong Đối thoại Shangri-La vừa diễn ra ở Singapore hồi...