Ý đồ của TQ từ loạt hành động quân sự liên tiếp ở Biển Đông
Các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là kế hoạch nhằm khẳng định sự không thoả hiệp và sẽ thách thức Mỹ trên Biển Đông.
Tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Chỉ trong một tuần, truyền thông phương Tây liên tiếp phát hiện những động thái quân sự gây lo ngại của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Vào ngày 17/2, những ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đặt các tên lửa đất đối không HQ-9 ở bờ biển quanh đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Ngày 22/2, một nhóm dự án thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cho biết Trung Quốc đã lắp đặt nhiều trạm radar rải rác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 23/2, giới chức Mỹ xác nhận Trung Quốc đã điều các chiến đấu cơ hoạt động trái phép ở đảo Phú Lâm trong những ngày qua.
Ý đồ từ chuỗi hành động gây căng thẳng
Dù Trung Quốc từng triển khai chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm hồi cuối năm ngoái, giới quan sát tiếp tục lo ngại về diễn biến ngày 23/2.
“Việc điều J-11 ngay sau các tên lửa HQ-9 là diễn biến xấu vì sự quân sự hoá diễn ra quá nhanh và dày đặc ở khu vực này”, Giáo sư Zachary Abuza thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia, Mỹ, nhận định với Zing.vn.
Ông Abuza cho rằng, không thể tách diễn biến này ra khỏi Hội nghị Mỹ – ASEAN vừa kết thúc hồi tuần trước ở Sunnylands. “Đây rõ ràng là cách mà Trung Quốc gửi tín hiệu đến các nước ASEAN”, ông cho hay.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Euan Graham, Viện Lowy, Australia, nói trên trangABC.net.au rằng Trung Quốc đang chứng tỏ với Mỹ là họ sẽ không thoả hiệp. Hành động của Trung Quốc ngẫu nhiên lại trùng với chuyến thăm Washington của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trong khi đó, ông Nick Bisley, giám đốc chương trình châu Á tại Đại học La Trobe, Australia, nói trên Japan Times rằng việc tiếp tục điều máy bay J-11 chính là “tuyên bố về ý định của Trung Quốc, rằng đây chính là lời phản hồi trước những hành vi khiêu khích của Mỹ”.
Video đang HOT
Việc Hải quân Mỹ tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 1 khiến Bắc Kinh giận dữ và quyết định tăng cường quân sự hoá. Ảnh: US Navy
Tuy nhiên, giáo sư Abuza đưa ra thêm một cách lý giải khác, khi nói việc điều chiến đấu cơ là cách mà Trung Quốc chủ động xoa dịu những xung đột có thể xảy ra.
“Nếu Mỹ triển khai máy bay thực hiện một cuộc tuần tra khẳng định quyền tự do lưu thông, máy bay Trung Quốc sẽ ngăn chặn nó. Kết quả dù thế nào cũng không xấu bằng việc phóng tên lửa đất đối không. Đó cũng là cách kiểm soát mức độ leo thang. Tên lửa khi được phóng đi sẽ không quay trở lại”, giáo sư Abuza nói.
Máy bay Trung Quốc sẽ đánh chặn phi cơ Mỹ?
Giới quan sát nhận định, những ý đồ phi pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, cụ thể là đảo Phú Lâm, hoàn toàn tách biệt với các đảo nhân tạo mới bồi lấp ở quần đảo Trường Sa.
Quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp) gần với căn cứ đảo Hải Nam của Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh đã ngang nhiên tiến hành quân sự hoá trên đảo Phú Lâm từ nhiều thập kỷ qua. Do vậy, chuyến tuần tra của Hải quân Mỹ gần đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa vào tháng trước khiến Trung Quốc vô cùng tức giận, khiến nước này quyết định tăng cường hành động.
“Bắc Kinh luôn rêu rao sẽ đáp trả những phản ứng từ Mỹ, do vậy họ cần hành động liên tiếp để chứng tỏ họ có khả năng thực hiện như lời nói. Ông Tập Cận Bình cần phải thể hiện trước làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước. Trung Quốc đang tìm cách gia tăng nguy cơ đối với các máy bay quân sự và tàu Mỹ hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa”, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nói với PV.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc. Ảnh: USAF
Fox News cho biết, trong lần triển khai chiến đấu cơ mới nhất, Trung Quốc lần đầu đưa máy bay JH-7 ra đảo Phú Lâm. Đây là máy bay ném bom có độ chính xác cao, có khả năng chiến đấu trong tầm ngắn. Qua đó, Giáo sư Thayer cho rằng Trung Quốc muốn dùng JH-7 với mục đích phòng vệ hoặc tấn công các mục tiêu ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, “cơ sở vật chất trên đảo Phú Lâm rất hạn chế và không thể đặt một lượng lớn máy bay JH-7 ở đây. Do vậy, sự xuất hiện của nó vào lúc này chủ yếu chỉ để phô diễn sức mạnh”, ông Thayer nhận định.
Các động thái quân sự của Trung Quốc diễn ra liên tiếp được xem là sự thách thức trước kế hoạch tuần tra khẳng định tự do hàng hải, hàng không (FONOP) của Mỹ. Giới quan sát nhận định các chiến đấu cơ mà Trung Quốc luân phiên đưa ra đảo Phú Lâm là nhằm cản trở hoạt động tuần tra của các máy bay Mỹ trên Biển Đông.
Điều khiến các nhà quan sát, bao gồm giáo sư Thayer, lo ngại là hành động của Trung Quốc khiến những rủi ro về tính toán sai lầm gia tăng, khi phi cơ nước này chạm trán với máy bay Mỹ trên không.
Một trong những sự cố do đối đầu trên không nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra vào đầu tháng 4/2001. Khi đó, máy bay do thám EP-3 Aries II của Hải quân Mỹ xuất phát từ căn cứ Okinawa và thực hiện nhiệm vụ ở vùng trời cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, khoảng 80 km.
Không lâu sau, hai máy bay tiêm kích J-8 của Trung Quốc xuất hiện để ngăn chặn máy bay Mỹ. Một chiếc EP-3 đã va chạm với chiếc J-8, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn phi công trên máy bay Mỹ phải cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Đến tháng 8/2014, máy bay J-11B của Trung Quốc đã ngăn chặn một máy bay P8-A của Hải quân Mỹ. Thậm chí, phi cơ Trung Quốc còn thực hiện những pha bay lướt, cắt ngang nguy hiểm.
“Có thể thấy những hành động của Trung Quốc đặt ra một xu hướng là họ sẽ thử thách ý chí lẫn nhau. Mỹ sẽ phải cam kết gia tăng quy mô và sự phức tạp trong các hoạt động FONOP, trong khi Bắc Kinh sẽ không ngừng thách thức”, Giáo sư Thayer nói với Zing.vn.
Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng các hành động của Trung Quốc sẽ không khiến Washington phải ngưng những kế hoạch tuần tra FONOP.
Mới đây, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, ngày 23/2 đã xâu chuỗi những hành động liên tiếp của Trung Quốc như đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, xây các loạt radar và đường băng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nói rằng Bắc Kinh “đang làm thay đổi môi trường hoạt động ở Biển Đông”.
Đô đốc Harris khẳng định “Trung Quốc đang theo đuổi bá quyền ở Đông Á”, đồng thời ủng hộ những cuộc tuần tra hàng hải và hàng không của Mỹ diễn ra thường xuyên hơn trên Biển Đông.
Theo Zing News
Trung Quốc ngang nhiên điều máy bay chiến đấu tới Hoàng Sa
Đài Fox News ngày 23-2 dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam), hơn 1 tuần sau sự xuất hiện của tên lửa đất đối không HQ-9.
Một trong hai quan chức Mỹ tiết lộ số máy bay chiến đấu được Trung Quốc triển khai không quá 10 chiếc nhưng không rõ con số cụ thể. Quan chức còn lại cho biết hoạt động này "diễn ra thường xuyên".
Trong vài ngày qua, tình báo Mỹ phát hiện Trung Quốc điều các máy bay Shenyang J-11 và Xian JH-7 tới đảo Phú Lâm, cũng là nơi hai khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 được Bắc Kinh tập kết ở đây hồi tuần trước.
Tháng 11 năm ngoái, truyền thông Trung Quốc công bố hình ảnh cho thấy máy bay chiến đấu J-11 được nước này triển khai cũng tại hòn đảo này. Tuy nhiên, lần triển khai hiện nay là lần đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh cho máy bay thương mại hạ cánh tại Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) vào tháng 1 vừa qua.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 23-2 hủy chuyến thăm tới Lầu Năm Góc mà không nói rõ lý do. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc cho biết lịch trình của ông Vương bị trùng nên cuộc gặp không thể diễn ra. Tại Bắc Kinh, ông Vương khẳng định các bệ phóng tên lửa trên đảo Phú Lâm sẽ được dùng cho "mục đích phòng thủ".
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày tại Washington, ông Vương "hy vọng các chuyến tuần tra của tàu hải quân và máy bay Mỹ quanh các đảo tranh chấp sẽ chấm dứt". Đáp lại, ông Kerry nhấn mạnh Trung Quốc phải dừng quân sự hóa biển Đông.
Trước chuyến thăm của ông Vương tới Washington, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ví hành động triển khai quân sự của nước này ở Phú Lâm giống như Hải quân Mỹ đã làm trên đảo Hawaii. Lập luận này bị Nhà Trắng phản bác vì "không ai tranh chấp Hawaii với Mỹ".
Sáng 23-2, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, lên án Trung Quốc quân sự hóa biển Đông một cách công khai, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1950). Đảo nằm cách một căn cứ tàu ngầm lớn của Trung Quốc trên đảo Hải Nam khoảng 400 km về phía Đông Nam.
P.Nghĩa (Theo Reuters, Fox News)
Theo_Người lao động
Tàu sân bay Mỹ đang mất thế bất khả xâm phạm trước Trung Quốc Các động thái quân sự của Trung Quốc, nhất là ở Biển Đông, đang là mối đe dọa cho đội tàu sân bay xưa nay được ví von bất khả xâm phạm của Mỹ. Nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) tham gia một cuộc tập trận ngày 23.9.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ Báo động đỏ: Mối đe dọa lớn...