Y án tử hình 3 bị cáo trong băng cướp 1.000 lượng vàng
Hôm (8.10), Tòa phúc thẩm – TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên tổng hợp hình phạt tử hình đối với 3 bị cáo trong băng nhóm dùng súng cướp hơn 1.000 lượng vàng về các tội “giết người”, “cướp tài sản”, “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
Ba bị cáo bị tuyên y án tử hình gồm: Huỳnh Văn Tiếm (SN 1959, ngụ tại Tây Ninh), Lê Anh Kiệt (SN 1964, ngụ tại P.4, Q.8, TPHCM) và Nguyễn Văn Nhãn (SN 1957, ngụ tại Tây Ninh).
Trong vụ án này, còn có 2 bị cáo đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân ( Phan Văn Tưởng, SN 1973, ngụ tại Tây Ninh) và 15 năm tù (Đặng Văn Phước, SN 1951, ngụ tại An Giang) về cùng các tội danh trên.
Những vụ cướp gây kinh hoàng cho giới kinh doanh vàng
Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM thì trong thời gian đi cải tạo tại Trại giam Tống Lê Chân (thuộc tỉnh Bình Phước), Tiếm và Kiệt có quen biết nhau. Sau khi mãn hạn tù, Tiếm đã tìm đến Kiệt rủ rê, lôi kéo thêm một số đối tượng khác tham gia cướp tiệm vàng lấy tiền tiêu xài. Để sắm phương tiện “hành nghề”, chúng góp tiền lại được 5 triệu đồng rồi nhờ Phan Văn Tưởng (em họ của Kiệt) mua 2 khẩu súng ngắn cùng với đạn đi kèm.
Có được “hàng nóng” trong tay, vụ đầu tiên mà chúng tiến hành là vào năm 2000. Nạn nhân là vợ chồng ông Đỗ Văn Xuân và bà Lê Thị Quận (ngụ Tây Ninh) – chủ tiệm vàng K’Tân Tiến, chợ Long Hoa, huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Sau một thời gian điều nghiên hiện trường, theo dõi quy luật hoạt động của chủ tiệm, đầu tháng 9.2000, Tiếm cùng Kiệt tham gia lên kế hoạch cướp tiệm vàng này.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện phi vụ đầu tiên sau khi ra tù này thì Kiệt bị tai nạn nên không tham gia được mà “tiến cử” đàn em của mình là Trần Hữu Lộc (SN 1978, ngụ Q.7, TPHCM, đã chết do sốc ma túy trước khi bị bắt) “tác chiến” cùng với Tiếm. Tham tiền, Lộc đồng ý tham gia.
Nắm được quy luật hoạt động của cặp vợ chồng giàu có này là sau một ngày buôn bán vàng bạc tại tiệm thì tối đến sẽ mang tiền, vàng về nhà để cất, sáng hôm sau lại mang ra tiệm để buôn bán, nên chúng lên kế hoạch mai phục, đợi thời cơ để ra tay.
Để vụ “ăn hàng” diễn ra thuận lợi, cả hai phân chia nhiệm vụ cụ thể. Lộc được Tiếm trang bị cho 1 cây tầm vông vót nhọn, Tiếm thì chuẩn bị súng K59 đã lên sẵn đạn, cả hai lên xe Honda 67 rồi đến đoạn đường đất đỏ gần tiệm vàng của 2 vợ chồng ông Xuân, bà Quận phục trước, chờ “con mồi” đến đây thì ra tay.
Đến 19h30 ngày 22.9.2000, thấy vợ chồng ông Xuân, bà Quận thu dọn vàng và tiền về nhà, Lộc xuống xe cầm tầm vông đứng đợi, còn Tiếm thì nổ máy sẵn, tay cầm súng để bắn trả nếu bị truy đuổi hay chống cự. Khi ông Xuân chở vợ bằng xe Dream về đến chỗ chúng mai phục thì Lộc bất ngờ cầm cây tầm vông đánh thẳng vào đầu ông Xuân, làm cho 2 vợ chồng ông Xuân ngã xuống đất cùng với chiếc xe, chiếc giỏ đựng tiền và vàng văng ra.
Video đang HOT
Bị tấn công bất ngờ, ông Xuân bị xe máy đè lên chân, bà Quận thì lao theo để giữ chiếc giỏ xách, đồng thời tri hô “cướp, cướp”. Tiếng nạn nhân vừa cất lên thì Lộc dùng cây đánh liên tiếp vào vai và đầu của bà Quận rồi lao vào giật chiếc giỏ xách trên tay của nạn nhân, lao về phía Tiếm đang ngồi trên xe để cả hai tẩu thoát.
Trong vụ này, bọn chúng cướp được số tài sản gồm 45 lượng vàng 18K, 3 lượng vàng 24K và 5,5 triệu đồng. Không quên vai trò của Kiệt, chúng đồng ý chia cho tên này 5 triệu đồng, số còn lại chia nhau tiêu xài.
Trong số 7 vụ còn lại, đáng nói nhất là vụ cướp ở tiệm vàng Kim Thanh ở chợ Phạm Thế Hiển, P.4, Q.8, TPHCM vào chiều 2.10.2004. Lần này, ngoài Tiếm, Kiệt còn có sự tham gia của Nhãn, Tưởng. Để cướp được 50 lượng vàng, 150 triệu đồng và hơn 10.000USD, Kiệt đã cùng Nhãn dùng súng bắn chết ông Doãn Mỹ – chủ tiệm vàng.
Sau vụ án này, giới kinh doanh vàng bạc tại TPHCM phải thuê vệ sĩ để áp tải tài sản hằng ngày khi trở về nhà từ tiệm vì rất sợ bị giết, cướp.
Lẩn trốn tinh ranh
Trước HĐXX, trong 2 phiên tòa sơ – phúc thẩm, chúng khai rằng sau mỗi phi vụ, chúng lại chia nhau tiền, vàng rồi tự động giải tán để trốn tránh sự truy lùng của lực lượng công an.
Kết cục của Tiếm là lĩnh bản án tử hình trên chiếc xe lăn. Ảnh: Trường Sơn
Ví như Kiệt, sau khi có được một khối tài sản bất chính, y lao vào cờ bạc, rượu chè một cách bí mật khiến vợ con y không thể ngờ rằng chồng, cha của mình là một tướng cướp khét tiếng. Ngày ngày, Kiệt đóng vai một người dân lương thiện, nghèo khó, chung tay cùng vợ buôn thúng bán bưng trong nghèo khổ tại một ngôi chợ tự phát tại Q.8, TPHCM. Số tài sản khổng lồ có được, Kiệt giấu nhẹm vợ con, đến cuối tuần thì mang đi ăn chơi, đánh bạc với các chiến hữu. Mỗi khi hết tiền, chúng lại tổ chức một vụ cướp mới để có tiền phục vụ nhu cầu của mình.
Cũng theo lời khai của chúng thì trước khi ra tay cướp một tiệm vàng nào đó, chúng bỏ ra một khoảng thời gian rất dài để điều nghiên hiện trường, thói quen, quy luật sinh hoạt, vận động của chủ tiệm. Ví như vụ cướp tiệm vàng K’Tân Tiến thì thời gian điều nghiên là gần 1 tháng trời. Việc chọn thời gian ra tay cũng là một sự lựa chọn tinh ranh của bọn chúng, mà người đảm trách công việc này không ai khác ngoài Kiệt.
Để xóa dấu tích số vàng cướp được, chúng nghĩ ra phương cách tẩu tán là cho khò chảy ra thành cục rồi mang đi bán lại cho các tiệm vàng khác. Những tài sản như ngoại tệ, chúng không gặp khó khăn gì trong việc tiêu thụ khi có trong tay nhiều mối quan hệ hắc ám trong thế giới tội phạm. Trong suốt thời gian gây án từ năm 2000-2005, với chiêu thức chia tiền đứt đoạn sau mỗi phi vụ, lại thêm tài ẩn thân “siêu hạng” sau khi gây án, chúng đã gây không biết bao nhiêu khó khăn cho lực lượng truy bắt.
“Công an họ tinh lắm, thấy thằng nào đang nghèo hèn mà có tiền, ăn chơi là họ tóm ngay, thành thử ra việc tiêu số tiền cướp được cũng phải giấu kín. Sau mỗi lần đi cướp, chia xong tiền là phần ai nấy đi, khi cần thì liên lạc với nhau để làm thêm vụ mới” – Kiệt nói về thủ đoạn lẩn trốn công an của băng cướp khét tiếng này.
Sẵn sàng ra tay bắn trả những người cản trở mình là thế, giết người không ghê tay để cướp tiền, vàng là thế, nhưng cuộc đời của những tên cướp này lại là một chuỗi ngày sống trong nơm nớp âu lo và sợ hãi. Trốn tránh sự truy lùng của các trinh sát, có tiền nhưng không dám để cho vợ con được hưởng vì sợ lộ, chúng chọn cho mình con đường ăn chơi, tiêu pha những đồng tiền bất chính trong cảnh lén lút.
Nhãn – kẻ ra tay bắn chết ông Doãn Mỹ trong vụ cướp tiệm vàng ở Q.8 như nêu trên – đã tự rước căn bệnh thế kỷ vào người trong chuỗi ngày ăn chơi trác táng đó, cho đến khi ra tòa để lĩnh bản án tử hình.
Sau khi gây ra các vụ cướp làm chấn động dư luận, làm kinh hoàng giới kinh doanh vàng bạc ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, bọn chúng rút vào hoạt động bí mật và không ra tay nữa. Mãi đến năm 2011, chúng lại tụ họp để chuẩn bị ra tay, đích nhắm là một tiệm vàng lớn ở quận 4.
Với khẩu súng K59 trong tay, lần này chúng quyết tâm làm thêm một phi vụ thật lớn để giúp Nhãn có tiền chữa căn bệnh AIDS đang trong giai đoạn cuối để làm tròn “tình huynh đệ”. Sau một thời gian điều nghiên, khi chúng đang tụ họp tại một quán càphê ở Q.7 bàn bạc kế hoạch thì bị các trinh sát tóm gọn.
Bị TAND TPHCM tuyên án với tổng hợp hình phạt là tử hình, cả Tiếm, Kiệt và Nhãn đều làm đơn kháng cáo để xin ân giảm hình phạt. Tuy nhiên, với những hành vi đặc biệt nghiêm trọng của bọn chúng, HĐXX đã bác kháng cáo, giữ nguyên hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên.
Bị từ chối giảm án, Tiếm, Kiệt và Nhãn được áp giải ra chiếc xe đặc chủng để về phòng giam dành cho tử tội, khi chẳng có một ai đến đưa tiễn…
Theo Laodong
Tử hình 3 đối tượng đầu sỏ trong băng cướp tiệm vàng dã man
Ngày 8.10, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với Huỳnh Văn Tiếm (54 tuổi), Nguyễn Văn Nhãn (56 tuổi, cùng ngụ Tây Ninh), Lê Anh Kiệt (47 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) về các tội "giết người", "cướp tài sản" và "tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng".
Các bị cáo tại tòa
Liên quan đến vụ án này, trước đó, TAND TP.HCM xử sơ thẩm còn tuyên phạt Phan Văn Tưởng (40 tuổi, ngụ Tây Ninh) tù chung thân về ba tội trên; Đặng Văn Phước (62 tuổi, ngụ An Giang) lãnh 15 tù về hai tội "cướp tài sản" và "tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng". Nhưng 2 bị cáo này không có kháng cáo nên tòa không xét.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2000 - 2005, các bị cáo nói trên đã tham gia cướp 8 tiệm vàng ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP.HCM và đang chuẩn bị thực hiện vụ cướp tiệm vàng thứ 9 thì bị bắt giữ.
Tổng cộng các bị cáo đã cướp 30 lượng vàng SJC, 363 lượng vàng 24k, 350 lượng vàng 18k, 84 viên kim cương, 605 triệu đồng, 16.500 USD, 210.000 yên Nhật, 500 đô la Canada, 300 đô la Úc.
Trong đó Tiếm chiếm hưởng 3,4 tỉ đồng, Kiệt 1,24 tỉ đồng, Nhãn 142 triệu đồng, Tưởng 252 triệu đồng... Số tiền, vàng cướp được hầu hết các bị cáo khai vung vào những trò chơi đỏ đen, tiêu xài hết.
Tại phiên xử phúc thẩm, Huỳnh Văn Tiếm kêu oan cho rằng không phải là người chủ mưu và không giết người. Hai bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi xét hỏi các bị cáo, sau khi nghe các bên tranh luận, HĐXX nhận định các bị cáo là những phần tử nhiều lần vi phạm pháp luật. Sau khi ra tù không có ý thức phục thiện, không muốn lao động chân chính để sinh sống mà tiếp tục tụ tập, liên kết với nhau thành băng nhóm.
Các bị cáo cử người theo dõi quy luật sinh hoạt của các bị hại, hoạch định kế hoạch, chuẩn bị mua, tàng trữ 4 khẩu súng và các hung khí nguy hiểm khác. Sau đó, các bị cáo sử dụng những hung khí, súng đạn nói trên tấn công quyết liệt các bị hại ở 8 tiệm vàng làm 1 người chết 15 người bị thương để chiếm đoạt số lượng tiền, vàng có giá trị lớn chia nhau tiều xài.
Cũng theo HĐXX, hành vi của các bị cáo phạm tội có tổ chức. Lời kêu oan của Tiếm là không có cơ sở để chấp nhận. Tiếm và Kiệt là những kẻ chủ mưu, cầm đầu. Thủ đoạn của các bị cáo hết sức manh động, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân. Xét các bị cáo nói trên không còn khả năng giáo dục, cải tạo nên HĐXX đã tuyên y án tử hình đối với cả 3 bị cáo.
Theo TNO
Tử hình 3 đối tượng đầu sỏ trong băng cướp tiệm vàng khét tiếng Các bị cáo đã tham gia cướp 8 tiệm vàng ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP.HCM và đang chuẩn bị thực hiện vụ cướp thứ 9 thì bị bắt giữ. Các bị cáo tại tòa Ngày 8/10, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên y án tử hình đối...