Xuyên Tết ‘tìm’ COVID-19
Dịch COVID-19 bùng lên ở TPHCM những ngày cận Tết cũng là lúc các bác sĩ và nhân viên y tế gác lại những dự định nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình để lao mình vào cuộc chiến ngăn COVID-19, giúp người dân thành phố có một Tết bình yên.
Anh Châu Thành Toàn (bìa phải) xuyên Tết hỗ trợ người dân ở Mả Lạng bị cách ly. Ảnh:U.P
Giao thừa đáng nhớ
Tự nhận năm nay mình không ăn Tết, anh Châu Thành Toàn, nhân viên Trạm Y tế phường Đa Kao thuộc Trung tâm Y tế quận 1, TPHCM, tâm sự: “Gần 10 năm trong nghề, có lẽ đây là cái Tết khó quên nhất đối với tôi. Có những ngày trực Tết căng thẳng, việc nhiều hơn cả ngày thường vì trên địa bàn có ca COVID-19 khiến hơn 2.000 người cách ly, phong tỏa cả khu vực lớn ở Mả Lạng”.
Vẫn nhớ như in ngày 27 Tết, khi bất ngờ nhận được tin sẽ phong tỏa khu Mả Lạng do liên quan đến các mắc COVID-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất, hít một hơi thật sâu, anh Toàn cùng những đồng nghiệp vội lên đường. “Đây là lần đầu tiên quận 1 có nơi bị phong tỏa rộng đến vậy. Chúng tôi dặn nhau phải làm thật tốt, lấy mẫu nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ người dân, trấn an tinh thần bởi không ít người sốc khi chỉ sau một đêm ngủ, cả khu vực bị cách ly ngay thời điểm cận Tết khiến họ khó chịu” – anh Toàn nhớ lại.
Ths.BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) nhớ lại, càng gần tới Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 đột ngột tăng cao. Lệnh “tổng động viên” của Ban giám đốc HCDC được ban ra, huy động toàn bộ nhân lực, sáng đèn suốt đêm, thay nhau hoạt động 24/24… “Mặc dù Tết là thời gian thiêng liêng nhất trong năm để mỗi người được trở về với gia đình, nhưng mọi người không ngại khó khăn khi được huy động lấy mẫu xét nghiệm, trực ở nơi cách ly ngay trong thời điểm cuối năm. Đến 23 giờ đêm 30 Tết, chúng tôi vẫn còn nhận được tin báo ở các điểm lấy mẫu. Cả ngày quay cuồng với điều tra, truy vết, xem xét số liệu… Tất cả chúng tôi đã trải qua một đêm giao thừa đáng nhớ như thế” – BS Nga tâm sự.
Giấc ngủ mệt mỏi sau một đêm thức trắng để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngay trong những ngày Tết. Ảnh:HCDC
Theo BS Nga, công tác chống dịch luôn có những áp lực, nhưng đối với đợt bùng lên ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất thì áp lực có khác hơn, vì số lượng ca bệnh dồn dập chỉ trong vòng vài ngày. Là đơn vị chủ lực trong đại dịch COVID-19 tại TPHCM, 100% cán bộ, nhân viên HCDC đều không nghỉ phép, những người mua vé xe, vé tàu đều trả hết để tham gia vào “trận chiến”. Từng bộ phận ai vào việc nấy, khẩn cấp lên đường, đội giám sát đi từng khu cách ly kiểm tra; đội điều tra, truy vết lên đường đến tận từng nhà dân; đội phân tích đánh giá nguy cơ sáng đèn suốt đêm tìm ra các mối liên quan giữa từng ca bệnh…
“Số mẫu cần phải lấy ngay trong những ngày Tết là rất lớn. Với tinh thần “thần tốc, quyết liệt”, chúng tôi gác lại sau lưng tất cả, chạy đua với thời gian để “tìm COVID-19″ theo phương châm mở rộng xét nghiệm, phong toả hẹp. Phải tìm ra kẻ thù càng sớm càng tốt. Dịch COVID-19 không còn là chuyện của riêng ai cả. Dù thức trắng mệt nhọc đến mấy, chúng tôi chỉ mong tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính”.
Một nhân viên y tế bộc bạch
Video đang HOT
Ai cũng hối hả, tất bật với công việc chỉ với mục tiêu duy nhất: chặn đứng ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, không để lây lan ra cộng đồng. “Chưa bao giờ chúng tôi trải qua một cái Tết với đầy áp lực như thế này. Tết thì ai cũng muốn được sum họp, nghỉ ngơi, đi chơi, nhưng khi có dịch thì chúng tôi vẫn sẵn sàng lên đường vì sự bình yên của người dân” – BS Lê Hồng Nga khẳng định.
Giữ thành phố bình yên
Thời điểm này, khoa Xét nghiệm của HCDC vẫn miệt mài với các mẫu bệnh phẩm các quận huyện gửi về để xét nghiệm COVID-19. Chị Nguyễn Thị Kim Trà, phòng tổ chức hành chính HCDC được phân công hỗ trợ cho khoa Xét nghiệm cho hay, chị đặt vé xe về quê ăn tết 2 tháng trước, cuối cùng phải hủy vé do cơ quan phân công. “Từ 28 Tết đến nay, chúng tôi đều làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, có hôm đến nửa đêm và ngủ lại cơ quan luôn. Dù rất đuối nhưng các anh chị khác cũng làm đến 4-5 giờ sáng nên mình có thêm động lực để cố gắng. Chúng tôi chưa ăn Tết ngày nào hết!” – chị Trà nói.
Là con trai một, lại còn mỗi cha già, năm nào anh Châu Thành Toàn cũng về nhà ăn Tết với cha. “Năm nay dù rất nhớ cha, nhưng tôi chỉ dám về lúc chiều tối. Do mình tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ cao nên không dám gần cha nhiều. Chỉ mong dịch mau qua để cuộc sống trở lại bình yên” – anh Toàn trải lòng.
Còn BS Hồng Nga tự hào: “Tôi may mắn có gia đình nhỏ và gia đình lớn luôn ủng hộ và chia sẻ. Mọi người đều hiểu công việc có ý nghĩa mà mình đang thực hiện cho xã hội, cho cuộc sống cộng đồng, do vậy đều động viên tôi trong cả năm qua và đặc biệt trong dịp Tết.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết, hệ thống các quận huyện đã nỗ lực “chiến đấu” trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh trong đợt tết vừa qua. Đợt cao điểm này hoàn toàn khác với các đợt dịch trước vì hoàn cảnh dự đoán khó và lại xảy ra trong những ngày tết.
Theo bác sĩ Dũng, khi có ca bệnh ở Chí Linh (Hải Dương) ngày 29/1, HCDC đánh giá đây là đợt cao điểm lớn. Do vậy, từ ngày 1/2, HCDC thống nhất 100% cán bộ, công nhân viên của HCDC có mặt ở TPHCM. Với vai trò đầu tàu trong phòng chống dịch, HCDC triển khai nhiều biện pháp như xét nghiệm thần tốc, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, phát hiện chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất, công tác cách ly, hậu cần… Từ khi xảy ra đợt dịch này, tính đến nay HCDC đã thực hiện hơn 45.000 mẫu xét nghiệm. Trải qua 11 ngày liên tiếp, Thành phố không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng; chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn dừng lại ở 35 trường hợp. “Thời điểm này TPHCM tạm yên chứ chưa hết dịch nên chúng tôi vẫn chưa thể hậu Tết” – ông Dũng nói.
Thời khắc phát hiện ổ dịch Chí Linh
Bác sĩ Hoàng Thị Thúy cùng đồng nghiệp "sửng sốt, hoảng sợ" khi nhìn kết quả xét nghiệm hơn 70 mẫu bệnh phẩm dương tính nCoV, hôm 28/1.
Trao đổi với VnExpress chiều 4/2, bác sĩ Hoàng Thị Thúy, 43 tuổi, Trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, nói "khó quên được cảm xúc ở khoảnh khắc phát hiện số mẫu dương quá nhiều như thế này, chưa bao giờ gặp".
17h ngày 27/1, vừa xong công việc, chị chuẩn bị lấy xe về nhà thì điện thoại của đồng nghiệp gọi, thông báo phía Nhật Bản vừa ghi nhận một người Hải Dương mắc Covid-19.
CDC Hải Dương truy vết ngay. Chị Thúy nhanh chóng có trong tay danh sách 14 người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân này, đều ở thành phố Chí Linh. Anh Nguyễn Đoàn Tuân, Khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh, cùng nhân viên đến từng nhà của 14 người, lấy mẫu bệnh phẩm. Cùng lúc, nhân viên tổ kỹ thuật chuẩn bị bắt tay vào xét nghiệm. Đây là những người F1 đầu tiên tại Hải Dương, trong đợt dịch này.
Bác sĩ Thúy lúc ấy nghĩ: "Chỉ cần một trong 14 người nhiễm thì nguy cơ dịch lây lan, rất nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan".
Vài giờ sau, mẫu bệnh phẩm của 14 người F1 được chuyển về CDC Hải Dương làm xét nghiệm. Tối đó, chị và đồng nghiệp không chợp mắt, chờ kết quả. 5 giờ sáng, một trường hợp ghi nhận dương tính nCoV, 34 tuổi, là nữ công nhân Công ty TNHH PoYun, địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bộ Y tế sáng 28/1 ghi nhận người này là "bệnh nhân 1552".
Chưa kịp trấn tĩnh với kết quả xét nghiệm này, chị Thúy nhận được lệnh lên đường đến Công ty Poyun lúc 6h sáng, lấy mẫu xét nghiệm. Trong 2 tiếng, chị cùng ba nhân viên kỹ thuật lấy xong 190 mẫu bệnh phẩm từ công nhân Poyun, chuyển về CDC Hải Dương. Kết quả xét nghiệm hơn 70 mẫu dương tính nCoV.
"Tôi và tất cả mọi người lúc đó thật sự sửng sốt, hoảng sợ", bác sĩ Thúy nói. Trải qua nhiều đợt dịch trước, song chưa có lần nào số lượng người dương tính lại nhiều và dày đặc như vậy.
Các nhân viên trong phòng xét nghiệm. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Công ty Poyun trở thành ổ dịch. Trong vài ngày tiếp theo, tỉnh Hải Dương ghi nhận thêm nhiều ổ dịch khác. "Lượng mẫu lấy về rất khủng khiếp, lên tới 5.000-7.000 mẫu một ngày", chị Thúy kể. Ngày đầu ra quân lấy mẫu bệnh phẩm trong cộng đồng, có ba đội xét nghiệm từ trung ương về Hải Dương hỗ trợ là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đại học Y tế Công cộng và Bệnh viện Bạch Mai.
CDC Hải Dương huy động thêm nhân lực từ trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương. Các sinh viên và đội ngũ bác sĩ đa khoa chia làm 2 đoàn, hỗ trợ CDC Hải Dương lấy mẫu cho huyện Kinh Môn và TP Chí Linh. Mẫu bệnh phẩm ùn ứ. Mỗi ngày, mỗi đoàn mang về thấp nhất 3.000 mẫu, nhiều nhất 5.000 mẫu. Nhiệm vụ của trưởng khoa Xét nghiệm, là điều phối công việc, tổ chức lấy mẫu, tính toán số lượng, năng lực xét nghiệm của đơn vị...
Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng có 15 nhân viên, chia làm hai phòng, phòng Lab có 8 nhân viên kỹ thuật, phòng mã mẫu có 7 người. Bác sĩ Thúy cho biết, ban đầu khi lượng mẫu ít, khoa chỉ thực hiện xét nghiệm khoảng 500 mẫu một ngày. Các nhân viên một ngày chia hai ca làm việc, song 8 người phòng kỹ thuật thì không thể đủ. Lượng mẫu lớn, áp lực, Khoa phải nhờ đến các chuyên gia huy động thêm, tổng cộng lên 30 người.
Xe chở mẫu xét nghiệm đến sân, ê kíp nhanh chóng bê các thùng đựng mẫu vào phòng mã hóa mẫu. Tại đây, nhân viên y tế có nhiệm vụ phân loại các mẫu xét nghiệm và đánh mã mẫu từ F1 đến F4. Chị Thúy cho biết, mệt nhất là khoảng 20h đến 22h, mẫu xét nghiệm từ các nơi đổ về, "chúng tôi phải vào làm việc guồng quay đến khi trời sáng. Một ngày các nhân viên chỉ ngủ tổng cộng 3-4 tiếng. Mắt ai cũng thâm quầng".
Sau khi phân loại, các mẫu xét nghiệm được chuyển sang phòng tách chiết và tra mẫu. Dựa vào sự phân tích của máy Reatime-PCR sẽ giúp nhận biết các mẫu dương tính nCoV. Về sau, công suất xét nghiệm lên 5.000 mẫu một ngày.
Bác sĩ cho biết từ khi phát hiện ca nhiễm đến nay, CDC Hải Dương đã xét nghiệm khoảng 30.000 mẫu bệnh phẩm.
Nhân viên phân loại các mẫu xét nghiệm và đánh mã mẫu từ F1 đến F4. Ảnh: Bộ Y tế
Phòng làm việc nhỏ, đông nhân viên nhưng tất cả phối hợp rất nhịp nhàng khi được phân công nhiệm vụ. Chịu trách nhiệm toàn bộ ê kíp xét nghiệm là chuyên gia sinh học phân tử Nguyễn Nhân Duy. Nhà khoa học cho biết, khi nhận được tin, ông và các đồng nghiệp đã bay từ TP HCM ra với quyết tâm cố gắng hỗ trợ Hải Dương sớm kiểm soát dịch bệnh. Hầu hết thành viên trong nhóm đã từng chinh chiến ở Đà Nẵng và giờ tiếp tục "chia lửa" cùng Hải Dương.
Những ngày qua chị Thúy và tất cả mọi người tại Khoa gần như thức trắng. "Những đợt dịch trước rất căng thẳng và công việc vất vả, nhưng không áp lực tâm lý như đợt dịch này. Công việc phải chạy đua với số mẫu xét nghiệm, số mẫu lấy về để có kết quả nhanh nhất. Một số cán bộ khoa cũng phải chịu áp lực, stress khi chạy mẫu với nhiều kết quả dương tính", bác sĩ cho biết.
Bác sĩ Thúy cũng như mọi người một ngày chỉ ngủ 3 tiếng. Tất cả quân số khoa đều có mặt tại đơn vị với thời gian gần như 24/24h.
Khi màn đêm buông xuống, tòa nhà Khoa Xét nghiệm vẫn sáng đèn. "Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng nỗ lực với quyết tâm khi nào hết mẫu bệnh phẩm mới được phép cho bản thân nghỉ ngơi. Phải thật nhanh, thật thần tốc mới có thể nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch", bác sĩ Thúy nói.
Hai ca dương tính Covid-19 tại Sơn La đã có kết quả âm tính lần 2 Mẫu bệnh phẩm của 2 ca dương tính lần 1 tại Sơn La gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư ngày 31.1 để xét nghiệm đã cho kết quả âm tính lần 2. Hai ca dương tính tại Sơn La đã có kết quả âm tính lần 2 . ẢNH NGUYÊN CHUNG Đây là thông tin được Trung tâm Kiểm soát bệnh...