Xuyên rừng Taiga tìm làng nuôi tuần lộc
8 giờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị hành lý để đi vào rừng Taiga rộng lớn. Đây vốn là nơi sinh sống của người Tsaatan – một trong những bộ tộc du mục chăn nuôi tuần lộc cuối cùng trên thế giới.
Để đến được đấy quả không hề dễ dàng! Từ Hà Nội, chúng tôi bay đến thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ. Từ đây, các bạn hướng dẫn viên đưa chúng tôi tiến vào thảo nguyên trên hai chiếc Land Cruiser cùng với đồ ăn, thức uống cho cả nhóm trong suốt hành trình dài. Ròng rã hơn 1.200km, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được nơi ở của một trong những gia đình du mục chăn nuôi tuần lộc lâu đời nhất thế giới.
Nơi này nằm trong khu bảo tồn rừng Taiga tại thung lũng Darkhad. Một nơi khắc nghiệt nhưng lại vô cùng đẹp đẽ, có thể ví như tiên cảnh trần gian. Đầu tiên, chúng tôi phải đăng ký trước với khu bảo tồn, rồi từ đó, đi thẳng vào sâu trong thung lũng để đến gặp gia đình kỵ sĩ đang chăn nuôi và thuần hóa ngựa.
Ở đây, mỗi người trong đoàn sẽ được hướng dẫn qua cách cưỡi ngựa để bắt đầu chinh phục con đường tiến vào rừng Taiga. Được tự mình cầm cương, cưỡi ngựa trên thảo nguyên bao la là mong ước bấy lâu nay của chúng tôi. Cuối cùng, ước muốn ấy cũng đã thành sự thật.
Những con ngựa được thuần hóa vô cùng thông minh. Chúng hầu như tự tìm đường đi tốt nhất, an toàn nhất. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là cố gắng để ngựa đi sát theo đoàn, tăng tốc, giảm tốc cũng như thúc chúng tiến lên khi gặp đoạn đường khó.
Mông Cổ được gọi là “vùng đất của bầu trời xanh”, vì bầu trời luôn xanh trong suốt năm cũng như nhiều nắng nhất thế giới. Phía trên là bầu trời bao la màu thiên thanh, phía dưới là những thảm hoa dại trổ hoa rực rỡ, xa xa là những khu rừng thông xanh ngắt. Dưới thung lũng là dòng suối chảy róc rách qua những tảng đá, óng ánh trong nắng vàng. Khung cảnh tuyệt đẹp như tranh vẽ khiến tôi nghĩ mình đang trong một giấc mơ diệu kỳ nào đó.
Suốt sáu tiếng đồng hồ, chúng tôi không biết đã vượt qua bao ngọn đồi, bao đồng cỏ, bao dòng suối và đầm lầy. Càng vào sâu trong rừng, cung đường càng khó đi. Những đầm lầy đầy đất đá hiểm trở, những con dốc cao trơn trượt hay những dòng suối sâu cuối cùng cũng không cản được chúng tôi đến đích.
Trước mắt chúng tôi là một hồ nước trong xanh, xung quanh được bao phủ bởi núi non và các khu rừng thông. Một khung cảnh vô cùng đẹp của thiên nhiên hiện lên sau bao vất vả khiến mọi người vô cùng phấn khích. Đằng xa, hai “tepee” (túp lều hình nón) của gia đình chăn nuôi tuần lộc hiện lên. Đó là lúc chúng tôi biết rằng, mình sắp được nghỉ ngơi sau một hành trình dài.
Video đang HOT
Tại vùng đất này còn khoảng 50 gia đình chăn nuôi tuần lộc với khoảng hơn 3.000 con, sống rải rác trên hai ngọn núi Đông và Tây Taiga. Loài tuần lộc ưa khí hậu lạnh nên họ thường phải sống trên các dãy núi cao quanh năm. Thiếu thốn đủ thứ. Có lẽ phải có tình yêu với tuần lộc cũng như cuộc sống du mục như thế này, họ mới có thể bám trụ được nơi đây. Không điện, không nước máy, không tiện nghi, con cái không được học hành. Ngày ngày, họ sống giữa thiên nhiên hoang dã, ngủ trong những chiếc lều nhỏ với vài vật dụng đơn giản.
Khi vào lều, chúng tôi được gia đình Bayanmonkh mời thưởng thức món sữa tuần lộc và bánh mì họ tự làm. Trên chiếc lò sưởi là những dây thịt cừu khô được họ dùng làm thức ăn hằng ngày, cùng với những vật dụng tối giản để dễ dàng vận chuyển và mang vác trong thời gian ngắn. Trong lều chỉ có một, hai thùng gỗ đựng đồ, vài tấm chăn, xoong chảo và một vài vật dụng cá nhân thiết yếu. Để có điện, họ phải dùng năng lượng mặt trời. Nếu muốn gọi điện thoại thì phải mắc ăng-ten vào cây cao bên ngoài để có thể liên lạc được với thế giới ngoài kia.
Khu rừng gần đó bỗng có tiếng loạt soạt. Urnaa – bạn hướng dẫn viên người Mông cổ ra hiệu cho chúng tôi ra khỏi lều. Trước mắt tôi là một con tuần lộc với bộ lông trắng muốt như tuyết, bằng xương bằng thịt đang gặm cỏ dưới nắng chiều. Một khung cảnh tuyệt đẹp khiến tất cả chúng tôi ngẩn ngơ. Tiếp theo sau là một con khác, với bộ lông màu xám tro, cũng tiến lại gần với bộ sừng cứng cáp được bọc nhung đặc trưng.
Vậy là mơ ước lớn nhất trong chuyến hành trình đã thành hiện thực. Cả buổi chiều, chúng tôi đi lang thang trong thung lũng và bên hồ nước, ngắm đàn tuần lộc đang gặm cỏ và khung cảnh thơ mộng bình yên nơi đây. Những dòng suối chảy róc rách từ sâu trong núi ra bên hồ, xa xa là những cánh rừng thông lác đác phủ tuyết trắng. Những cây hoa dại trắng muốt lung linh trong ánh nắng tô điểm thêm cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.
Tôi dành chút thời gian cuối ngày để nô đùa với lũ trẻ. Chúng vô cùng hồn nhiên và đáng yêu với đôi má đỏ ửng vì lạnh. Chúng tôi chơi trò ném bóng với nhau, dù quả bóng đã chằng chịt vết khâu vá rách cũng không ngăn được niềm vui của chúng.
Buổi tối, cả đoàn chúng tôi ngủ trong túp lều mà gia đình người chăn tuần lộc đã dựng sẵn trong rừng. Để sưởi ấm, các bạn hướng dẫn viên lần lượt cho củi vào chiếc lò sưởi được đặt ở giữa lều. Vào ban đêm, nhiệt độ xuống thấp khoảng -1, -2 độ. Bầu trời vẫn trong vắt, chỉ cần ngước nhìn lên là bạn có thể bắt gặp cả dải ngân hà tuyệt đẹp, điều mà bạn sẽ không thể bắt gặp khi ở nhà.
Vào thời điểm này, mặt trời lặn khá muộn và mọc khá sớm tại Mông Cổ. 8 giờ tối, bạn vẫn có thể cảm thấy như đang 4 giờ chiều. Buổi sáng cũng như thế. Khi tôi thức giấc lúc 6 giờ, trời đã sáng rực rỡ. Những tia nắng chiếu lên các cành cây còn đọng những hạt sương. Xa xa, trên đỉnh núi, tuyết đã phủ trắng thêm. Từ hai túp lều của người nuôi tuần lộc, khói đã bốc lên từ bao giờ. Đàn tuần lộc được thả ra ăn cỏ từ sớm.
Ngày mới bình yên và dịu dàng quá đỗi. Tôi cầm cốc cà phê nóng hổi ra tảng đá gần bờ suối, ngồi ngắm khung cảnh mãi không biết chán. Sau giờ ăn sáng, bọn trẻ con hôm qua đã khoác trên mình những bộ trang phục dân tộc sặc sỡ, đứng hát những bài nhạc truyền thống quanh đám tuần lộc. Cứ sau mỗi bài hát, chúng lại bẽn lẽn cúi đầu cảm ơn trước sự vỗ tay không ngớt của mọi người xung quanh.
Thời gian còn lại, tôi chỉ dành để lang thang quanh khu rừng, ngắm những đàn tuần lộc với những bộ lông mềm mượt óng ả và khung cảnh nơi này. Tôi chỉ muốn lưu lại thật nhiều ký ức tuyệt đẹp tại vùng đất này. Đến trưa, sau khi đã dùng bữa và lũ ngựa đã được ăn đầy bụng cỏ non, chúng tôi lại bắt đầu chuẩn bị hành trình quay trở lại khu rừng và về với thảo nguyên.
Gia đình người tuần lộc đều mặc quần áo truyền thống, đứng trước lều vẫy tay tạm biệt chúng tôi. Thời gian ở rừng Taiga không nhiều, nhưng có lẽ, đây là một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà tôi từng trải qua trong các cuộc hành trình của mình.
Lãng đãng nét thu trong làng cổ
Từ thủ đô, rời đi khoảng 30 km, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thu vô cùng lãng mạn nơi làng cổ Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).
Đường Lâm còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Bắc Bộ.
Làng cổ Đường Lâm được coi là đứng đầu trong "Tứ đại danh thôn" tại thủ đô bởi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng quê Bắc Bộ.
Về Đường Lâm là về với không gian văn hóa nông thôn truyền thống của người Việt, với những ngôi nhà mái ngói mộc mạc, đình làng nhộn nhịp ngày hội, cảnh những người nông dân sớm hôm cày cuốc trên đồng...
Khi mùa thu đến, nắng vàng trải rộng khắp đường làng, ngõ xóm, trên những bờ tường đá ong cổ kính khiến Đường Lâm càng trở nên lãng mạn.
Đến Đường Lâm, bạn sẽ không thể bỏ qua những ngôi nhà cổ, có tuổi đời lên tới 400 năm với nhiều giá trị kiến trúc truyền thống.
Những ngôi nhà cổ này đều được xây bằng đá ong, từ cổng vào, tường vách đều đồng màu đỏ vàng nổi bật hẳn lên so với những mái ngói đã nhuộm màu rêu phong. Đặc tính của những ngôi nhà này là luôn ấm về mùa đông, mát mẻ vào mùa hè.
Dù cuộc sống có tất bật đến đâu, bước qua cánh cửa gỗ đã ngả màu thời gian là đã thấy thời gian như đang ngưng đọng lại trong không gian cổ xưa với hoành phi, câu đối, những bộ sập gụ, tủ chè đã tồn tại từ mấy thế hệ hay những chum vại chứa sản phẩm tương gạo truyền thống của vùng. Du khách có thể mua những chai tương thơm ngon hoặc rượu quê được chính người dân sản xuất bằng phương pháp thủ công về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Những ngôi nhà cổ trăm năm ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)
Theo những con đường làng lát gạch, du khách sẽ đến những điểm tham quan di tích xung quanh như nhà thờ Giang Văn Minh, chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền... gắn với truyền thống yêu nước của dân tộc. Điển hình nhất là đình làng Mông Phụ xây cách đây gần 400 năm mang kiểu dáng Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi, câu đối tuổi đời hàng trăm năm.
Tất cả đều quây quần trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông Bắc Bộ.
Nắng thu đã về, Đường Lâm lại đang khoác lên mình những chiếc áo mới. Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập, vẫn có những nơi đúng nghĩa "làng" để du khách tìm về với những giá trị xưa cũ, truyền thống bao đời.
Những địa danh gắn với ngày Giải phóng Thủ đô 10.10 Cột cờ Hà Nội, Nhà hát Lớn, Gà Hà Nội... là những địa danh vẹn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa gắn với ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.1954. Cầu Long Biên như một chứng nhân lịch sử của chiến thắng của quân và dân ta. Hiệp định Geneve được ký kết vào 20.7.1954, quân Pháp có 80 ngày để rút khỏi...