Xung khắc Mỹ – Trung Quốc : Không chấm dứt, không quá mức
Càng gần tới thời điểm năm cũ bước sang năm mới, quan hệ Mỹ-Trung Quốc diễn biến càng thêm phức tạp, càng thêm khúc mắc. Triển vọng Mỹ – Trung Quốc ra sao? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Ngày 15/12 tới này sẽ lại là một dấu mốc mới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đưa ra quyết định có áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với thêm giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ hay không.
Xung khắc thương mại Mỹ – Trung Quốc tuy không bao giờ chấm dứt nhưng cũng không lại leo thang căng thẳng và gay cấn đến vô hạn. Biếm hoạ của Craig Stephens ( SCMP).
Xung khắc thuộc về bản chất quan hệ
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa ký kết được chính thức thoả thuận thương mại bộ phận được gọi là Giai đoạn 1 giúp hai bên vừa không leo thang căng thẳng và đối địch thêm trong cuộc xung khắc thương mại vừa có thể bắt đầu đàm phán về thoả thuận thương mại mới được gọi là Giai đoạn 2. Nếu ông Trump vào ngày 15/12 tới quyết định chơi tiếp cú đòn bảo hộ thương mại nữa với Trung Quốc thì không những chỉ có cái gọi là Giai đoạn 1 kia trở nên vô nghĩa mà còn chuyện đàm phán về cái gọi là Giai đoạn 2 cũng chẳng có cơ hội được bắt đầu.
Mặc dù cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều khi tỏ ra lạc quan lúc lại biểu hiện bi quan về triển vọng của cuộc đàm phán thương mại, họ đều chủ ý duy trì đàm phán thương mại chứ không chấm dứt nó. Nguyên do ở chỗ cả hai phía đều ý thức được rằng xung khắc thương mại giữa hai bên đã thuộc về bản chất của cặp quan hệ song phương này và không tách rời những phương diện quan hệ song phương khác giữa Mỹ và Trung Quốc nên nó sẽ không bao giờ chấm dứt, không bao giờ được xử lý dứt điểm và cũng không bao giờ được hai bên xử lý theo cách tách biệt ra khỏi hẳn những phương diện quan hệ song phương khác.
Video đang HOT
Cũng chính vì thế mà mọi thoả thuận mà hai bên đã, đang hay rồi đây sẽ đạt được đều chỉ mang tính tương đối và có hiệu lực thực tế vừa nhất thời vừa hạn chế. Đối với cả hai bên, những thoả thuận như thế trong thực chất không quan trọng bằng việc từng bên có thể và sẽ tận dụng cũng như lợi dụng chúng như thế nào cho vòng đàm phán tiếp theo.
Đài Loan, Hong Kong và khu vực Biển Đông là những từ khoá chính trong những bất đồng quan điểm sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc ở thời gian vừa qua. Chúng không hẳn ngăn trở hai bên không tiến triển được thêm trong tiến trình đàm phán thương mại nhưng làm cho mọi kết quả đàm phán đạt được không thể là giải pháp lâu bền, càng không thể là giải pháp dứt điểm cuối cùng, cho cuộc xung khắc thương mại.
Những con bài chủ của ông Trump
Chuyện xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tuy không bao giờ chấm dứt nhưng cũng không lại leo thang căng thẳng và gay cấn đến vô hạn. Điều này có thể được giải thích ở chỗ chỉ xung khắc thương mại thuần tuý với nhau thôi chứ chưa nói đến tiến hành chiến tranh thương mại với nhau thì cả hai phía đều bị ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại.
Mức độ bị ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại không đồng đều như nhau đối với hai bên nhưng đều đủ lớn đối với từng bên để đưa lại những tác động vô cùng tai hại cả về đối nội lẫn đối ngoại, cả về kinh tế và thương mại lẫn chính trị, cả về thể diện lẫn uy danh của hai bên trên thế giới. Vì thế, cả hai bên tuy sẵn sàng xô đẩy nhau tới giới hạn của căng thẳng và đối đầu nhưng rồi sẽ nứu kéo lẫn nhau để không bên nào bước qua giới hạn ấy hoặc đầy phía bên kia bước qua giới hạn ấy.
Từ thực trạng hiện tại trong chuyện này mà suy thì triển vọng hai bên đạt được thoả thuận cụ thể để ký kết được chính thức cái gọi là Giai đoạn 1 kia không mấy sáng sủa và sau ngày 15/12 tới phía Mỹ có thể làm găng thêm chút còn phía Trung Quốc cũng sẽ đáp trả mạnh thêm chút, nhưng không nhiều và hoàn toàn không có nghĩa là hai bên xô đẩy nhau vào vòng xoáy xung khắc mới.
Quan điểm thái độ của Mỹ bộc lộ trong thời gian vừa qua về các vấn đề như Đài Loan hay khu vực Biển Đông về cơ bản chưa thấy có cái gì mới. Nhưng phía Mỹ đã phát hiện ra và bắt đầu chơi con chủ bài Hong Kong với Trung Quốc. Bộ luật mới liên quan đến Hong Kong mà quốc hội Mỹ vừa thông qua sẽ được ông Trump chơi theo cách riêng để vừa có thể gia tăng áp lực đối với Trung Quốc vừa có thể để tỏ thiện chí là có lưu ý đến một trong những vấn đề hiện nhạy cảm nhất cả về đối nội lẫn đối ngoại của Trung Quốc.
Hiện tại, ông Trump chưa có nhu cầu sử dụng con bài về xử lý mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống năm tới hay để đối phó với chuyện quốc hội luận tội và phế truất tổng thống. Nhưng điều có thể chắc chắn được là sớm hay muộn thì rồi ông Trump cũng sẽ chơi con chủ bài này. Và cả khi ấy, ông Trump cũng sẽ không để bước quá đà hay dám đi quá mức.
Dịch Dung
Theo baoquocte.vn
Thương chiến Mỹ-Trung : Cuộc chiến không bao giờ có hồi kết
Có một điều không nên bỏ qua khi nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ không bao giờ dứt và sẽ còn bất phân thắng bại trong thời gian dài nữa.
Kết quả vòng đàm phán thương mại thứ 13 vừa rồi giữa Mỹ và Trung Quốc ở Washington không gây bất ngờ đối với thế giới bên ngoài nhưng lại không khỏi khiến thế giới bên ngoài có phần thất vọng. Ai cũng biết và ngay đến cả Mỹ và Trung Quốc cũng đều không dấu diếm nhu cầu bức bách của họ phải đạt được kết quả nào đấy ở vòng đàm phán này. Ai cũng biết hai nước kia không có ảo tưởng, một vòng đàm phán dài hai ngày có thể giải quyết được ổn thoả cuộc xung khắc thương mại dai dẳng gần 18 tháng nay giữa Mỹ và Trung Quốc mà lại còn là một bộ phận cốt lõi của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Cho nên hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này có nhu cầu cấp thiết phải đạt được thoả thuận với nhau ở vòng đàm phán thương mại vừa rồi mà điều quan trọng và quyết định đối với họ lại không phải nội dung cụ thể của thoả thuận mà là hình ảnh và cảm nhận là hai bên đã đạt được thoả thuận, tức là vẫn có thể thoả hiệp được với nhau dẫu xung khắc có quyết liệt và dai dẳng đến mức nào. Thế giới bên ngoài thất vọng vì thoả thuận mới đạt đươc này giữa Trung Quốc và Mỹ quá sơ sài và ít ỏi, hoàn toàn chưa thể được coi là cơ bản. Nhưng cái Trung Quốc và Mỹ cần, muốn có và đã đạt được ở thoả thuận này là danh nghĩa chứ không phải thực chất.
Về định tính thì xem ra Trung Quốc đã nhượng bộ Mỹ nhiều hơn là Mỹ đã nhượng bộ Trung Quốc ở thoả thuận này. Với cam kết nhập khẩu thêm 40 đến 50 tỷ USD giá trị nông sản của Mỹ, phía Trung Quốc đã chủ định giúp tổng thống Mỹ Donald Trump bớt khó khăn và khó xử ở trong nước. Cả những cam kết khác của Trung Quốc như mở cửa thị trường Trung Quốc cho giới kinh tế Mỹ, bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp và bí quyết công nghệ, chấm dứt bù trợ xuất khẩu và không thao túng tiền tệ cũng nghe qua thì rât to tát và có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Trump nhưng thật ra lại hoàn toàn chẳng hề mới mẻ gì đối với Trung Quốc bởi chẳng qua chỉ là sự nhắc lại những gì Trung Quốc cho tới nay vốn đã không ít lần cam kết và quả quyết với Mỹ.
Hay như trong thoả thuận này, phía Mỹ cam kết không tăng mức thuế quan bảo hộ thương mại từ 25% (đã áp dụng) lên 30% từ ngày 15.10 tới đối với 250 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần tự chứng tỏ là có thể đảo ngược quyết định một cách lãng xẹt, bất ngờ và với lập luận mà chỉ có mỗi mình người này cho là có lý. Chủ ý của Mỹ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với thêm 160 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ hoàn toàn không được đề cập gì đến ở thoả thuận này.
Cho nên chỉ như thế thôi thì hai bên mới tạm đình chiến và không tiếp tục leo thang căng thẳng hay ăn miếng trả miếng nhau nữa. Cái tích cực ở thoả thuận này chính là đấy. Có một điều không nên bỏ qua khi nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ không bao giờ dứt và sẽ còn bất phân thắng bại trong thời gian dài nữa. Hai bên luôn có thể rất bất ngờ gia tăng mức độ xung khắc cũng như nhanh chóng đi vào thoả hiệp, vì thế mọi thoả hiệp đạt được đều chỉ là nhất thời và mang tính tình thế, không có giá trị hiệu lực lâu bền và càng không thể vĩnh viễn.
Thoả thuận lớn với Trung Quốc mà ông Trump đã nhiều lần đề cập đến không thể không giải quyết những vấn đề vướng mắc cơ bản nhất và cũng nan giải nhất giữa hai bên. Cho tới nay, mọi biện pháp chính sách của ông Trump đều chưa giúp người này giảm nhiều chứ chưa nói là đáng kể mức độ thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại với Trung Quốc. Phía Mỹ vẫn chưa có được cơ chế, quy trình hay biện pháp thực sự đắc dụng kiểm soát và kiểm chứng việc Trung Quốc thực hiện những cam kết với Mỹ liên quan đến chính sách tiền tệ, bù trợ xuất khẩu, cải cách kinh tế xã hội, mở của thị trường hay đảm bảo bảo hộ sở hữu trí tuệ công nghiệp, phát minh sáng chế và bí quyết công nghệ. Mỹ có thể gây thêm nhiều khó khăn nhưng không còn cản trở được Trung Quốc trên thực tế thực hiện kế hoạch "Made in China 2025".
Cho nên giai đoạn 2 của vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ là việc hoàn toàn khác so với giai đoạn đầu. Trung Quốc và Mỹ rồi đây có thể và sẽ phải đạt được với nhau một số thoả thuận nhỏ và lẻ mẻ nào đấy chứ còn việc đạt được thoả thuận lớn và bao trùm tổng thể thì hiện tại và cả trong tương lai gần nữa vẫn bất khả thi nhiều hơn hẳn khả thi đối với hai bên.
Theo danviet
Mỹ - Trung Quốc : Bớt ưu tiên mà thêm giá trị Mỹ - Trung Quốc chuẩn bị bước vào vòng 13 đàm phán thương mại. Có thể kỳ vọng gì ở vòng đàm phán này? 3 diễn biến gần đây cho phép dự báo về kết quả của vòng 13. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam. Nhiều diễn biến gần đây tác động đến chiều hướng kết quả của vòng đàm...