Xung đột Nagorno-Karabakh và nguy cơ đối với nước Nga
Căng thẳng leo thang tại Nagorno-Karabakh đang đẩy Nga vào thế khó khi Moscow muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với cả Azerbaijan và Armenia.
Vào những ngày đầu tiên của tháng Tư, giao tranh ác liệt đã nổ ra tại Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia. Đây là cuộc xung đột lớn nhất kể từ năm 1994 khi hai bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Vậy đằng sau sự bùng phát xung đột này là gì và nó có ảnh hưởng như thế nào đối với đối với Nga?
Một đơn vị pháo binh của Armenia tại thị trấn Martakert thuộc khu vực Nogorno-Karabakh. Ảnh: Reuters
Bản chất của xung đột tại Nagorno-Karabakh
Các cuộc giao tranh xảy ra tại Nagorno-Karabakh về bản chất là cuộc xung đột sắc tộc giữa Azerbaijan và Armenia. Đỉnh điểm của xung đột này diễn ra vào những năm cuối của thời kỳ Liên Xô cũ và đã bùng phát thành một cuộc chiến tranh giữa hai nước trong giai đoạn 1991-1994.
Azerbaijan và Armenia giao tranh với nhau để giành quyền kiểm soát một vùng đất vốn thuộc về Azerbaijan nhưng cư dân của nó lại chủ yếu lại là người Armenia. Trong cuộc chiến 1991-1994 khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng, Armenia là bên chiến thắng và Nagorno-Karabakh đã thành lập nước cộng hòa tự xưng với sự hậu thuẫn của Armenia.
Đằng sau những căng thẳng bùng phát gần đây tại Nagorno-Karabakh?
Video đang HOT
Giới quan sát Nga tin rằng, căng thẳng leo thang và biến thành một cuộc xung đột vào đầu tháng qua là do những hành động “khiêu khích” từ phía Azerbaijan. Sự suy thoái về kinh tế khiến giới chức cầm quyền ở Baku được cho là đang tìm cách để hướng sự chú ý ra bên ngoài.
Hơn thế nữa, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Azerbaijan được cho là phụ thuộc chủ yếu vào việc ông “cứng rắn” đến đâu trong việc đòi lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong khi đó, theo các nhà phân tích, Armenia không có lý do ở trong nước để “khuấy lên” căng thẳng tại Nagorno-Karabakh.
Một bên nữa được cho là muốn xung đột bùng phát trở lại tại Nagorno-Karabakh có thể là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Alexander Skakov từ Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã hành động như một “bên kích động” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mình tại khu vực này. Tuy nhiên Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga không đổ lỗi cho Ankara vì đã kích động căng thẳng ở Nagorno-Karabakh.
Việc căng thẳng gia tăng dẫn đến xung đột tại Nagorno-Karabakh được cho là không có gì bất ngờ. Theo các nhà quan sát, tình hình đã nóng lên trong nhiều tháng qua. Cuối tháng 9/2015, các vụ đấu pháo giữa hai bên tại Nagorno-Karabakh đã khiến 10 binh sĩ thiệt mạng. Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã cảnh báo rằng khu vực này đang “trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thực sự”.
Xe tăng của lực lượng tự vệ Nagorno-Karabakh tại làng Talish. Ảnh: Reuters
Quan điểm của Nga về xung đột tại Nagorno-Karabakh
Việc căng thẳng leo thang tại Nagorno-Karabakh được cho là đang đẩy Nga vào thế khó khi lợi ích của nước này là duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với cả Azerbaijan và Armenia. Bên cạnh đó, việc Nga và Armenia là đồng minh sẽ buộc Nga phải công khai hỗ trợ Yerevan nếu xung đột leo thang hơn nữa. Điều này sẽ đặt ra sự hoài nghi về “mối quan hệ đặc biệt” mà Moscow đang muốn xây dựng với Baku, ông Alexander Skakov nói.
Cho đến nay, Nga đã và đang áp dụng các giải pháp ngoại giao nhằm gây áp lực đối với các bên trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi Tổng thống Azerbaijan và Armenia chấm dứt các cuộc giao chiến và ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã tiến hành các cuộc hội đàm với các đối tác Azerbaijan và Armenia nhằm “giảm nhiệt” tại Nagorno-Karabakh.
Theo các chuyên gia nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, xung đột giữa Azerbaijan và Armenia có thể vượt ra ngoài khu vực Nagorno-Karabakh và trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan.
Nếu điều này xảy ra, Nga có thể buộc phải triển khai quân đội của mình trên lãnh thổ đồng minh Armenia. Điều đó đồng nghĩa với việc Nga sẽ bị cuốn vào một cuộc xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, chiến sự leo thang tại Nagono-Karabakh có thể dẫn đến bất ổn ở khu vực Nam Kavkaz và nước Cộng hòa Bắc Kavkaz thuộc Nga.
Các chuyên gia tin rằng, một cuộc chiến toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan khó có thể xảy ra vào thời điểm này. Sự leo thang căng thẳng hiện nay có thể chỉ là một nỗ lực của Baku nhằm tìm hiểu phản ứng của các bên quan tâm.
Tuy nhiên các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, các bên trung gian trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, trong đó có Moscow nên tập trung vào việc triển khai các quan sát viên quốc tế tại khu vực này, đồng thời thiết lập một cơ chế quan sát về cuộc xung đột. Nếu không, căng thẳng tiếp tục bùng phát là điều không thể tránh khỏi./.
Liệu Nga có “nhảy vào” cuộc chiến Armenia – Azerbaijan?
Nguyễn Hùng
Theo_VOV
Nga: Ngưng cấp vũ khí cho Azerbaijan nếu còn đánh nhau
Moscow đang để ngỏ khả năng ngưng cấp vũ khí cho Azerbaijan nếu xung đột tiếp tục leo thang ở vùng Karabakh.
Truyền thông Armenia đưa tin, Hội đồng Liên bang Nga đang tỏ ra không hài lòng với cách Azerbaijan sử dụng các loại vũ khí do Nga chế tạo để khơi mào cuộc chiến với vùng Karabakh vốn thân Armenian.
Franz Klintsevich - Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban các vấn đề quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên Bang Nga cho rằng, Moscow hổ trợ Azerbaijan trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang không có nghĩa là Nga đang đồng tình với cách làm của Baku hiện tại. Và các nhà lập pháp Nga không hài lòng với việc Azerbaijan sử dụng vũ khí Nga chống lại nhân dân Karabakh.
Tổ hợp rocket phóng loạt hạng nặng TOS-1 của Azerbaijan.
"Nga có thể đơn phương ngừng cung cấp vũ khí cho Azerbaijan nếu như xung đột không ngừng leo thang trong thời gian sắp tới. Và hiện tại Quân đội Azerbaijan đã triển khai một lượng lớn binh sĩ và trang thiết bị quân sự hạng nặng đến sát biên giới với Karabakh." Klintsevich cho hay.
Được biết, Quân đội Azerbaijan cũng đã triển khai nhiều loại vũ khí hạng nặng trong đó có cả tổ hợp phun lửa TOS-1 mang theo đạn rocket nhiệt áp đến Karabakh.
Klintsevich cũng cho biết thêm rằng, vấn đề ngưng cấp vũ khí cho Azerbaijan sẽ do đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định bởi vì việc này có liên quan đến hàng loạt hợp đồng quốc phòng đã được ký kết giữa các tập đoàn vũ khí của Nga với Azerbaijan.
Trà Khánh
Theo_Kiến Thức
Khám phá sức mạnh Hải quân Nga thời mạnh hơn Mỹ Trong thời kỳ phát triển đỉnh cao, Hải quân Nga từng đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Anh và Pháp. Hải quân Nga hoàng là lực lượng hải quân của Đế quốc Nga, tồn tại từ năm 1696 đến Cách mạng tháng Hai năm 1917. Nó thoát thai từ một lực lượng nhỏ đã tồn tại trước khi vua Peter đại đế...