Xung đột Mỹ-Iran: ‘Nước cờ vồ’ hay tầm nhìn xa trông rộng?
Mỹ và Iran sẽ tiếp tục sử dụng “nước cờ vồ”, tranh thủ đối phương sơ hở để trả đũa là điều không thể tránh khỏi, nhưng sẽ khó dẫn đến cuộc chiến tranh toàn diện.
Mỹ và Iran đang đi những nước cờ mạo hiểm, có thể đưa khu vực Trung Đông nói riêng và toàn thế giới nói chung đến với bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, nếu phân tích chi tiết về động cơ và cách thức tiến hành những nước cờ này, có thể thấy xung đột là đáng quan ngại, nhưng sẽ khó có thể trở thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai cường quốc quân sự – một của thế giới, một của Trung Đông – là Mỹ và Iran.
“Nước cờ vồ”
Tối 8/1, Tổng thống Donald Trump tuyên bố vụ Iran nã hàng loạt tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ không quân Mỹ ở Iraq không gây thương vong cho bất cứ người Mỹ nào. Truyền hình nhà nước Iran nói vụ tấn công này là đòn trả thù sau khi vị tướng hàng đầu của nước này, Qasem Soleimani, bị giết trong một vụ không kích ở Baghdad hôm 3/1, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau đám tang của tướng Soleimani. Vụ tấn công thứ hai diễn ra ở Irbil không lâu sau khi các tên lửa đầu tiên phóng vào Al-Asad.
24 tiếng sau, tên lửa vẫn rơi ở vùng Xanh của Baghdad, 1 quả rơi cách Đại sứ quán Mỹ chỉ 100m.
Rõ ràng ở đây, cái chết của ông Soleimani chính là mấu chốt đẩy mối quan hệ Mỹ-Iran vốn không mấy tốt đẹp tiến đến bờ vực chiến tranh. Nhưng liệu có phải ông Trump không lường trước được những hệ quả khi đưa ra quyết định đó?
Tổng thống Mỹ mỉm cười trong bữa tiệc trưa với các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng ngày 5/12/2019. (Ảnh: AP)
TS. Nguyễn Ngọc Trường – nguyên Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) khẳng định: “ Tiêu diệt nhân vật quyền lực thứ hai của Iran, đương nhiên Mỹ phải lường hết được mọi chuyện. Nếu hai bên chỉ đấu nhau về tên lửa thì Mỹ rõ ràng không việc gì phải lo lắng. Trong tính toán của ông Trump, quân đội Mỹ luôn có ưu thế vượt trội về mọi mặt. Đằng sau Mỹ, tại khu vực, là tình báo Israel vô cùng giỏi. Với tiềm lực vệ tinh kết hợp với tình báo Israel, Mỹ không hề sợ Iran làm gì mà mình không biết“.
Nhắc đến Soleimani – người lãnh đạo các lực lượng của Iran ở Trung Đông, đối với chính phủ Mỹ ông ta chính là khủng bố. Washington nói rằng Soleimani phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm lính Mỹ và cáo buộc ông ta âm mưu một cuộc tấn công “khẩn cấp”.
Video đang HOT
Trên thực tế, các hoạt động chống lại quyền lợi của nhiều phe phái gồm cả Mỹ, Israel cùng các nước Ả-rập thù địch với Iran đã khiến tướng Soleimani từ lâu trở thành mục tiêu. Tháng 8/2019, Israel công khai nói cần “nhổ rễ” ông Soleimani. Mới tháng 10 vừa qua, trong một động thái khác thường, Iran tiết lộ “phá được âm mưu” ám sát tướng Soleimani của “Israel và các cơ quan tình báo Ả-rập”.
Cuối cùng thì tên lửa của Mỹ giết chết ông Soleimani.
“ Khi cơ hội đến cả Mỹ và Iran đều sẽ tận dụng. Tướng Soleimani quá chủ quan khi nghĩ Mỹ không dám làm gì ông ta trên đất Iraq. Còn đối với ông Trump, chỉ đơn giản là ông không thể để tuột mất cơ hội tiêu diệt ‘khủng bố’. Có thể gọi đó là ‘nước cờ vồ’ khi đối phương sơ xảy” – TS Nguyễn Ngọc Trường phân tích.
Khi mất đi một trong những nhân vật quan trọng, có tầm ảnh hưởng tại đất nước, Iran thề “trả thù”.
Hành động trả đũa – nã tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq của Iran, mục đích chính là hướng tới tình hình trong nước: làm nguôi ngoai cơn giận dữ của dư luận Iran sau cái chết của ông Soleimani. TS. Nguyễn Ngọc Trường
Hàng triệu người Iran xuống đường dự đám tang của Tướng Soleimani, hô vang khẩu hiệu “cái chết cho nước Mỹ” và “ cái chết cho Trump“. Và cuộc tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq là một hành động như thế!
“ Tất nhiên đây là sự trả đũa của Iran 100%. Nhưng hành động đó với mục đích chính là hướng tới tình hình trong nước: làm nguôi ngoai cơn giận của dư luận Iran. Còn đối với Mỹ, tất nhiên Washington biết Iran sẽ dùng Iraq và Syria là nơi hai bên đấu nhau. Tướng Iran sang Iraq thì Mỹ tấn công, bây giờ Iran trả đũa vào các căn cứ Mỹ tại Iraq. Trước mắt sẽ là dùng các bên thứ ba để thể hiện uy lực của mình. Mỹ tất nhiên là lường hết được rồi. Cho nên thiệt hại chắc không lớn” – TS. Nguyễn Ngọc Trường cho biết.
Bản thân ông Trump cũng khẳng định không có người Mỹ nào bị thương sau vụ tấn công rạng sáng 8/1. “ Chúng tôi không ghi nhận thương vong. Tất cả các binh sỹ của chúng tôi đều an toàn và chỉ có thiệt hại tối thiểu ở các căn cứ quân sự của chúng tôi“.
“ Tương lai Mỹ và Iran sẽ còn có những hành động trả đũa qua lại, nhưng chắc chắn sẽ không để mọi chuyện vượt quá ranh giới đỏ. Cả hai đều hiểu rằng chiến tranh tổng lực không hề có lợi cho bất cứ bên nào. Do đó, sẽ là những đòn tấn công tên lửa vào các điểm trung gian. Sau khi dư luận trong nước nguôi ngoai, hai bên sẽ chờ đợi cơ hội, nếu bên nào sơ hở thì lại tiếp tục. Iran có thể lại tấn công vào máy bay không người lái của Mỹ, còn Mỹ có thể lại chờ tướng lĩnh Iran sang Iraq để tiêu diệt, bởi đã liệt quân đội của nhau vào danh sách khủng bố. Sẽ tiếp tục có ‘ăn miếng trả miếng’ nhưng có lẽ không có chiến tranh” – chuyên gia dự báo.
Tầm nhìn xa trông rộng?
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, dường như tất cả mọi sự kiện diễn ra đều có khả năng sẽ ảnh hưởng đến chính trường Mỹ, và sự đáp trả qua lại giữa Mỹ và Iran chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ. Với căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, hệ quả lâu dài sẽ phụ thuộc phần lớn vào cường độ và quy mô của bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra sau đó. Nhưng có một thực tế là, hình ảnh của ông Donald Trump trong mắt cử tri Mỹ đang được củng cố.
“ Hành động quyết đoán của ông Trump thể hiện được hình ảnh của một nước Mỹ cứng rắn và dám hành động, qua đó cũng nâng cao uy tín của ông Trump với tư cách là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Mỹ. Sau vụ tiêu diệt thủ lĩnh IS và mới đây là nhân vật quyền lực thứ hai của Iran, ông Trump ít nhiều ghi được dấu ấn trong mắt cử tri. Người Mỹ thường thích những tổng tư lệnh thể hiện được vai trò như thế, nhưng tất nhiên phải không được dẫn đến chiến tranh” – TS. Nguyễn Ngọc Trường khẳng định.
Và rõ ràng, trong tuyên bố tối 8/1, Tổng thống Trump khẳng định sức mạnh Mỹ nhưng không đề cập đến việc đưa ra bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào bằng hành động quân sự đối với Iran mà nhấn mạnh “sẽ ngay lập tức áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung” để đáp lại những gì ông gọi là “sự xâm lược của Iran”.
Thông thường, khi một Tổng thống Mỹ đối mặt với khủng hoảng về đối ngoại, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông ta sẽ tăng lên một cách ngắn hạn. Đó gọi là hiệu ứng “vì quốc kỳ” (rally around the flag). Hiệu ứng đó giúp thúc đẩy vị thế của George H.W. Bush trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Trong khi, con trai ông, George W Bush, cũng nhận được lượng ủng hộ tăng kỷ lục vài ngày sau vụ tấn công 11/9 và các vụ ném bom sau đó ở Afghanistan.
Ông Trump có thể như đang được hưởng lợi từ vụ việc này. Trong cuộc thăm dò của Huffington Post, 83% thành viên đảng Cộng hòa cho biết họ đồng ý với cuộc không kích. Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ coi cuộc tấn công Soleimani là cách mới để “kích động” các đối thủ chính trị. Bên cạnh đó, căng thẳng ở Trung Đông cũng có thể giúp Tổng thống Trump chuyển hướng sự chú ý của công luận ra khỏi cuộc luận tội và phiên tòa sắp tới ở Thượng viện.
“ Trong cuộc đua tranh cử tổng thống, sẽ là rất có lợi nếu ứng cử viên nào trở nên nổi bật ở giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng Iran hiện tại, sự củng cố uy tín của ông Trump đối với cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, cơ hội dành cho các ứng cử viên khác có lẽ đã không còn. Không biết vô tình hay cố ý, nhưng rõ ràng ở đây thấy được tầm nhìn xa trông rộng của ông Trump” – chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường kết luận.
VĂN ĐỨC
Theo vtc.vn
Vì sao Iran chọn tên lửa đạn đạo, không phải vũ khí khác?
Việc chọn nã tên lửa đạn đạo vào căn cứ Mỹ, không phải vũ khí hay hình thức tấn công khác có sức phá hủy mạnh hơn liên quan đến ý đồ thật sự của Iran.
Sáng sớm 8-1, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq để trả thù cho việc Mỹ tiêu diệt Tướng Qasem Soleimani. Iran xác nhận các tên lửa được sử dụng trong vụ việc là tên lửa đạn đạo.
Từ phân tích các video hiện trường, Daily Mail cho rằng nhiều khả năng Iran phần lớn đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và một số tên lửa đạn đạo Qiam-1 trong vụ này.
Tên lửa đạn đạo Fateh-110 của Iran trong một lần thử. Ảnh: AFP
Tại sao Iran chọn sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công căn cứ Mỹ mà không phải vũ khí khác? Chia sẻ với Fox News, cựu binh Jim Hanson (từng phục vụ trong Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ, hiện là chủ tịch tổ chức SSG chuyên nghiên cứu an ninh Mỹ) có cách giải thích khá bất ngờ nhưng hợp lý về điều này.
Theo ông, việc chọn nã tên lửa đạn đạo chứ không phải một loại vũ khí khác hay hình thức tấn công có sức phá hủy mạnh hơn, như bom hay tấn công trực tiếp, cho thấy Iran chỉ muốn trả thù cho Tướng Soleimani chứ không thực sự muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh với Mỹ.
Người dân Iran thương tiếc Tướng Qasem Soleimani. Ảnh: SALAMPIX
Các lãnh đạo Iran biết Mỹ có khả năng phòng thủ các vụ tấn công tên lửa. Vụ nã tên lửa vừa rồi vừa giúp Iran lấy lại được thể diện sau cái chết của Tướng Soleimani, vừa không kích động Mỹ quá đáng khi nó không giết lính Mỹ. Việc có hay không có thương vong lính Mỹ trong vụ này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của ông Trump.
Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn một nguồn tin giấu tên nói Mỹ không chặn được quả tên lửa nào, khoảng 80 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, trực thăng, máy bay và khí tài quân sự Mỹ hư hỏng nặng. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa lên tiếng.
Phát ngôn trên Twitter sau vụ việc, ông Trump vẫn lạc quan rằng tình hình vẫn ổn vì Mỹ có hệ thống khí tài quân sự mạnh, chưa có báo cáo thương vong. CNN dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết vài giờ sau vụ nã tên lửa, binh sĩ Mỹ và binh sĩ Iraq vẫn đi tuần tra bên ngoài các căn cứ.
Tên lửa đạn đạo Qiam-1 của Iran. Ảnh: CSIS
Nói cách khác, nếu lời ông Trump chính xác, Mỹ không có thương vong thì vụ nã tên lửa của Iran có thể xem là một cơ hội để hai bên xuống thang căng thẳng mà không bị mất mặt. Iran nói đó là hành động trả thù cho Tướng Soleimani. Còn Mỹ thì có thể chê đòn trả đũa của Iran thiếu sức mạnh. Đó là viễn cảnh tốt nhất.
Nhưng nếu thật sự có thương vong phía Mỹ thì sao? Nên nhớ chỉ cần một nhà thầu thiệt mạng trong vụ căn cứ ở Kirkuk (Iraq) bị tấn công cuối tháng 12-2019 cũng khiến ông Trump lệnh thực hiện tới năm vụ không kích xuống các mục tiêu của nhóm dân quân Kataib Hezbollah thân Iran.
THIÊN ÂN
Căng thẳng Mỹ-Iran: Australia cân nhắc đưa công dân tại Iraq về nước Thủ tướng Australia Morrison cho biết quyết định đưa toàn bộ lực lượng quân đội và các nhân viên ngoại giao còn lại của nước này tại Iraq về nước sẽ được đưa ra sau cuộc họp nội các ngày 8/1. Một căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq trúng rocket phóng từ Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN) Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran...