Xung đột Hamas – Israel: Nỗ lực thiết lập hành lang vận tải biển chở hàng viện trợ đến Gaza
Tổ chức từ thiện của Mỹ World Central Kitchen cho biết đang chất hàng viện trợ cho Dải Gaza lên một tàu ở CH Cyprus, chuẩn bị chở chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến vùng lãnh thổ này qua một hành lang vận tải biển mà Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng sẽ mở vào cuối tuần này.
Hàng viện trợ được thả xuống Dải Gaza ngày 1/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu Open Arms treo cờ Tây Ban Nha đã cập cảng Larnaca ở CH Cyprus 3 tuần trước đây. Cyprus là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có vị trí gần Gaza nhất.
Theo tuyên bố ngày 8/3 của World Central Kitchen, các nhóm thuộc tổ chức này đang ở Cyprus tiến hành chất các kiện hàng viện trợ nhân đạo lên tàu để chuyển tới phía Bắc Gaza. Tuyên bố nêu rõ nhiều tuần qua World Central Kitchen đã cùng với đối tác phi chính phủ Open Arms chuẩn bị cho việc mở một hành lang vận tải biển cho phép tăng cường các nỗ lực viện trợ trong khu vực.
Trên nền tảng truyền thông xã hội X, Open Arms cũng thông báo: “Nỗ lực thiết lập hành lang nhân đạo trên biển để viện trợ cho Gaza đang đạt được tiến bộ và các tàu kéo của chúng tôi đã sẵn sàng khởi hành ngay lập tức, chở hàng tấn thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm quan trọng cho dân thường Palestine”.
Video đang HOT
Trước đó, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen đã bày tỏ hy vọng rằng một hành lang vận tải biển có thể mở vào ngày 10/3. Bà cho biết một “chiến dịch thí điểm” được triển khai vào ngày 8/3, với sự hỗ trợ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm đảm bảo “chuyến hàng đầu tiên trong số nhiều chuyến hàng viện trợ chuyển đến người dân Gaza”.
Hiện không có cảng nào ở Gaza hoạt động và các quan chức không cho biết các chuyến hàng đầu tiên sẽ chuyển đến đâu, có chịu sự kiểm tra của Israel hay không và ai sẽ phân phối viện trợ.
Cũng trong ngày 8/3, Lầu Năm Góc cho biết kế hoạch của Mỹ nhằm thiết lập một “bến tàu biển tạm thời ngoài khơi” ở Gaza sẽ mất tới 60 ngày và có thể sẽ có sự tham gia của hơn 1.000 nhân viên Mỹ.
Liên quan vấn đề trên, ngày 9/3, Thụy Điển cho biết nước này đã quyết định nối lại tài trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc Cứu trợ người tị nạn Palestine ( UNRWA), với số tiền giải ngân ban đầu là 20 triệu USD, sau khi được đảm bảo về việc kiểm tra bổ sung đối với chi tiêu và nhân sự của cơ quan này.
Thông báo của Chính phủ Thụy Điển nêu rõ: “Chính phủ đã phân bổ 400 triệu kronor (40 triệu USD) cho UNRWA trong năm 2024. Đợt giải ngân đầu tiên sẽ là 200 triệu kronor”. Thông báo cũng cho biết thêm rằng để nhận được khoản tài trợ này, UNRWA đã đồng ý “cho phép kiểm tra và kiểm toán độc lập nhằm tăng cường giám sát nội bộ và kiểm soát nhân sự”.
Tháng trước, EC cũng thông báo sẽ giải ngân 50 triệu euro cho UNRWA.
UNRWA là trung tâm của các nỗ lực cung cấp cứu trợ nhân đạo ở Gaza. UNRWA có khoảng 30.000 nhân viên nhân đạo ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và ở Liban, Jordan, Syria – trong đó khoảng 13.000 nhân viên ở Dải Gaza.
Ngày 8/3, người đứng đầu UNRWA ở Trung Đông, ông Philippe Lazzarini ra thông cáo báo chí nhấn mạnh tình hình ở Gaza hiện nay “chưa từng thấy trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây”.
Trong thông cáo, ông Lazzarini nêu rõ người dân Gaza phải đối mặt với thảm kịch “lẽ ra có thể tránh được”. Ông cảnh báo rằng Gaza đang trên bờ vực nạn đói, nhấn mạnh “trẻ em ở đây đang chết vì đói và khát”. Ông kêu gọi sớm mở cửa khẩu cho xe cứu trợ vào Gaza.
Cơ quan y tế tại Gaza cho biết ít nhất 20 người, chủ yếu là trẻ em, đã chết vì suy dinh dưỡng và đói khát do xung đột gây ra.
WHO, Na Uy cảnh báo hậu quả từ quyết định cắt tài trợ cho UNRWA
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 31/1 cảnh báo việc ngừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) sẽ gây ra "hậu quả thảm khốc" đối với người dân ở Gaza - khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.
Người dân chờ nhận lương thực cứu trợ của UNRWA tại Rafah, Dải Gaza, ngày 28/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Người đứng đầu WHO bày tỏ: "Quyết định của nhiều quốc gia về việc dừng tài trợ cho UNRWA, nhà cung cấp viện trợ nhân đạo lớn nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay, sẽ gây ra hậu quả thảm khốc đối với người dân Gaza... Không có thực thể nào khác có khả năng cung cấp quy mô và phạm vi hỗ trợ mà 2,2 triệu người ở Gaza đang cần gấp. Chúng tôi kêu gọi các nước xem xét lại những thông báo ngừng tài trợ này".
Cũng trong ngày 31/1, Na Uy - một trong số ít nhà tài trợ lớn vẫn duy trì viện trợ cho UNRWA đã cảnh báo các nhà tài trợ khác về những hậu quả của quyết định đình chỉ tài trợ.
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn lời Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide kêu gọi các nước tài trợ cần tính đến những hậu quả của quyết định cắt viện trợ cho UNRWA. Ông Eide nhấn mạnh UNRWA là huyết mạch sống còn đối với hơn 1,5 triệu người tị nạn ở Gaza, đồng thời yêu cầu cần phân biệt "những gì cá nhân có thể đã làm với những gì UNRWA đại diện" để tránh việc trừng phạt tập thể đối với hàng triệu người.
Nhiều quốc gia - trong đó có các nhà tài trợ chính như Mỹ, Đức, Anh và Thụy Điển - đã đình chỉ tài trợ cho UNRWA do cáo buộc cho rằng một số nhân viên của cơ quan này có liên quan tới cuộc tấn công hôm 7/10/2023 của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel.
Cùng ngày, những người đứng đầu một số tổ chức của Liên hợp quốc cũng cảnh báo quyết định cắt tài trợ cho UNRWA, với khoảng 30.000 nhân viên, có nguy cơ gây ra tình trạng sụp đổ nhân đạo "thảm khốc" ở Gaza.
Tổng thư ký Liên hợp quốc hối thúc các nước nối lại tài trợ cho UNRWA Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 29/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã hối thúc các nước vừa ngừng tài trợ cho Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) xem lại quyết định này. Người tị nạn Palestine nhận lương thực cứu trợ từ Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người...