Xung đột Hamas-Israel: Mỹ trao đổi với LHQ và các nước về dự thảo đề xuất ngừng bắn
Ngày 4/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington và thảo luận về những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột ở Dải Gaza.
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel tại thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 31/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thông cáo báo chí trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Matthew Miller cho biết Ngoại trưởng Mỹ Blinken bày tỏ cảm ơn đến Tổng Thư ký Guterres vì sự ủng hộ công khai của ông Guterres đối với đề xuất thỏa thuận nhằm đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, đảm bảo giải phóng tất cả con tin và chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza. Bộ trưởng Blinken nêu rõ tầm quan trọng của việc Hội đồng Bảo an LHQ lên tiếng kêu gọi thực hiện thỏa thuận này ngay lập tức. Ngoại trưởng Blinken và Tổng Thư ký Guterres cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc vận chuyển hàng viện trợ đến người dân ở Gaza.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp Algeria Ahmed Attaf, để trao đổi quan điểm về đề xuất ngừng bắn và thả con tin do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi cuối tháng 5 nhằm giải quyết xung đột ở Dải Gaza.
Phóng viên TTXVN tại Algiers dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Algeria cho biết hai nhà ngoại giao cấp cao cũng thảo luận về các điều kiện mà theo đó Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có thể xem xét đề xuất này.
Ngoại trưởng Algeria nhấn mạnh sự cần thiết phải nắm bắt các cơ hội mà đề xuất mang lại để đảm bảo lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza và hướng tới một giải pháp cuối cùng, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.
Video đang HOT
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đề xuất này sẽ cho phép tăng cường hỗ trợ nhân đạo, đưa những người phải di dời trở lại các khu vực trên khắp Gaza cũng như khởi động các nỗ lực tái thiết quốc tế.
Hôm 3/6, Mỹ thông báo một dự thảo nghị quyết mà nước này sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó kêu gọi hội đồng gồm 15 thành viên ủng hộ đề xuất nói trên. Trước đó, hôm 28/5, Algeria cũng có động thái tương tự khi gửi một bản dự thảo nghị quyết đến hội đồng, kêu gọi ngay lập tức chấm dứt xung đột ở Gaza cũng như hoạt động quân sự ở thành phố Rafah. Tuy nhiên, HĐBA LHQ chưa lên kế hoạch tiến hành bỏ phiếu đối với cả hai dự thảo trên.
Về đề xuất ngừng bắn nói trên, ngày 4/6, ông Osama Hamdan – quan chức cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas nhấn mạnh phong trào này không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào không đảm bảo lập trường rõ ràng của Israel về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút hoàn toàn lực lượng khỏi Gaza cũng như đi kèm với thỏa thuận trao đổi con tin. Qatar cho biết nước này cũng đang chờ đợi lập trường rõ ràng của Israel về những vấn đề này.
Kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập dẫn các nguồn tin cho biết phái đoàn an ninh nước này sẽ gặp các đối tác Mỹ và Qatar vào ngày 5/6 tại Doha, để thảo luận về các cơ chế nối lại đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Nguồn tin nói thêm phái đoàn an ninh Ai Cập đang tăng cường liên lạc với tất cả các bên liên quan, để thúc đẩy lộ trình đàm phán, nhằm đạt được thỏa thuận về Gaza.
Về vấn đề viện trợ nhân đạo ở Gaza, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 5/6 nhấn mạnh sự cần thiết phải mở tất cả các cửa khẩu giữa Dải Gaza và Israel, để đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo và sự an toàn của các đội cứu trợ quốc tế bên trong dải đất ven biển Địa Trung Hải này.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ông Shoukry đưa ra phát biểu trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh David Cameron, trong đó cả hai ngoại trưởng đều hối thúc tất cả các bên đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn thảm họa nhân đạo mà người dân ở Gaza đang phải chịu đựng.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ, tại cuộc điện đàm, ông Shoukry nhắc lại sự cần thiết cộng đồng quốc tế cần gây áp lực để Israel tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình, đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở nguồn viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine tại dải đất này cũng như chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, bao gồm thành phố Rafah ở phía Nam.
Nội bộ Israel 'lục đục' về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 1/6, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel và là người đứng đầu đảng Otzma Yehudit, ông Itamar Ben Gvir, đã bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin vừa được đề xuất.
Cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel tại thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 31/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel đã đưa ra "lộ trình" hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn "đầy đủ và toàn diện" kéo dài 6 tuần. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Trước đề xuất này, ông Ben Gvir cùng với đồng minh của mình là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cảnh báo Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng chính phủ của ông sẽ sụp đổ nếu chấp nhận thỏa thuận trên. Ông Ben Gvir nhấn mạnh chi tiết thỏa thuận đồng nghĩa là chấm dứt xung đột và từ bỏ việc đẩy lùi Hamas, cho rằng điều này đặt ra nguy cơ an ninh cho Nhà nước Israel. Quan chức này cũng đánh giá đây không phải là một chiến thắng hoàn toàn như ông Netanyahu từng nhiều lần cam kết và đảng Otzma Yehudit sẽ không cho phép xung đột kết thúc theo cách này.
Trong khi đó, Thủ lĩnh phe đối lập Yair Lapid chỉ trích phát biểu của ông Smotrich và Ben Gvir là "từ bỏ an ninh quốc gia", các con tin cũng như cư dân miền Bắc và miền Nam của Israel.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken thảo luận về tình hình ở Gaza và các giai đoạn của thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Biden công bố trước đó.
Trong cuộc điện đàm, Hoàng tử Faisal bin Farhan bày tỏ sự ủng hộ của Saudi Arabia đối với mọi nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, việc rút hoàn toàn lực lượng chiếm đóng của Israel, cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường bị ảnh hưởng vì xung đột leo thang cũng như sự trở về an toàn của những người dân phải sơ tán vì xung đột. Ngoại trưởng Saudi Arabia cũng mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết nghiêm túc bất kỳ đề xuất nào nhằm đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và chấm dứt sự đau khổ của người dân Palestine ở Gaza.
Trong diễn biến khác, Chile ngày 1/6 thông báo tham gia vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhằm vào chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza.
Phát biểu trước quốc hội, Tổng thống Chile Gabriel Boric đã đề cập đến "tình trạng thảm kịch nhân đạo" ở Gaza và kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng cứng rắn. Nhà lãnh đạo này mô tả xung đột ở Gaza là "không có lý do chính đáng" và "không thể chấp nhận được". Chile công nhận nhà nước Palestine là quốc gia độc lập năm 2011.
Ngày 29/12/2023, Nam Phi đã đề nghị ICJ tiến hành các thủ tục tố tụng đối với Israel, với cáo buộc Israel vi phạm nghĩa vụ của nước này theo Công ước Diệt chủng năm 1948 liên quan đến người Palestine ở Dải Gaza. Ngày 26/1, ICJ đã ra phán quyết yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn các hành động diệt chủng đối với người Palestine ở Dải Gaza. Ngày 6/3, Nam Phi tiếp tục đề nghị ICJ ban hành lệnh khẩn cấp đối với Israel nhằm chấm dứt nạn đói lan rộng ở Dải Gaza. Ngày 28/3, ICJ đã yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo viện trợ cơ bản đến được với người dân Palestine ở Dải Gaza.
Các nhà lãnh đạo quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn ở Gaza Lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ngày 9/5 tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Tòa nhà bị phá hủy sau vụ oanh kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza, ngày 7/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Thư...