Xung đột Hamas – Israel: Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm của Israel
Ngày 19/10, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã tiến hành xem xét hạ bậc tín nhiệm A1 của Chính phủ Israel, viện dẫn cuộc xung đột bạo lực hiện nay giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Xe bọc thép của Israel bắn hơi cay trong chiến dịch quân sự ở thành phố Jennin, Bờ Tây. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Moody’s nhận định xung đột quân sự đang làm gia tăng rủi ro địa chính trị với Israel. Mức độ nghiêm trọng của xung đột làm tăng khả năng ảnh hưởng lớn và lâu dài hơn đến bậc tín nhiệm. Theo Moody’s, trong khi xung đột trong thời gian ngắn vẫn có thể tác động đến bậc tín nhiệm, do đó khi xung đột quân sự kéo dài và nghiêm trọng hơn nhiều khả năng sẽ dẫn đến tác động lớn đối với hiệu quả chính sách, tài chính công và nền kinh tế.
Moody’s lưu ý rằng Israel chi khoảng 4,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế ( OECD). Với xung đột hiện nay, Israel dự kiến sẽ tăng chi tiêu quốc phòng. Hãng cảnh báo sẽ hạ bậc tín nhiệm của Israel nếu cuộc xung đột quân sự nhiều khả năng làm suy yếu đáng kể các thể chế của Israel, đặc biệt là hiệu quả trong việc hoạch định chính sách, sức mạnh tài chính hoặc kinh tế của nước này.
Trước đó, trong tuần này, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng cảnh báo tình trạng leo thang xung đột hiện nay có thể khiến Israel bị hạ bậc tín nhiệm.
Xung đột Hamas - Israel: ECB đánh giá ảnh hưởng đến lạm phát là hạn chế
Ngày 10/10, Thống đốc ngân hàng trung ương Pháp, thành viên Hội đồng Thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Francois Villeroy de Galhau nhận định dù xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đang tác động đến giá tiêu dùng, song lạm phát sẽ vẫn nằm trong khoảng mục tiêu 2% của ECB.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn, ông Villeroy cho biết ECB đang thận trọng theo dõi diễn biến của giá dầu, song nhấn mạnh giá dầu chỉ chiếm một phần nhỏ trong lạm phát - vốn nhìn chung đang có xu hướng giảm rõ rệt.
Giá dầu đã hạ nhiệt trong ngày 10/10 sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước đó, trong bối cảnh các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và tiếp tục theo dõi nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas leo thang. Một số người lo ngại rằng cuộc xung đột này sẽ có tác động đến giá dầu tương tự như cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 (giữa Israel và liên minh các nước Arab) - nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng năng lượng tại phương Tây. Ông Villeroy cho rằng dù tình hình hiện nay không giống với cuộc chiến Yom Kippur, song vẫn cần thận trọng do xung đột có thể tiềm ẩn rủi ro kinh tế. Ông đánh giá mức lãi suất cao kỷ lục 4% của ECB là phù hợp và cho rằng hiện chưa phải thời điểm để tăng thêm lãi suất.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho đánh giá xung đột leo thang tại Dải Gaza đã làm gia tăng rủi ro trên thị trường và có khả năng khiến giá dầu biến động mạnh, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ các diễn biến và có kế hoạch kinh tế dự phòng.
Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức của Bộ Tài chính nhằm tìm ra cách thức giảm thiểu tác động của những diễn biến hiện nay đối với kinh tế Hàn Quốc, ông Choo Kyung-ho nhận định dù thị trường tài chính quốc tế có phản ứng hạn chế trước diễn biến xung đột, song rủi ro đối với các xu hướng phát triển trong tương lai là rất lớn. Ông cho rằng cần theo dõi kỹ lưỡng các thị trường ngoại hối và tài chính ở trong nước và quốc tế, cũng như rà soát lại các kế hoạch dự phòng để có thể ứng phó với các tình huống khác nhau. Ông nêu rõ trong bối cảnh thị trường dầu mỏ sẽ có những biến động lớn hơn, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đề ra các biện pháp để ngăn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Hàn Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, với 67% lượng dầu thô đặt mua và 37% các thỏa thuận khí đốt là với khu vực Trung Đông.
Giá dầu toàn cầu đã tăng mạnh sau khi có những lo ngại về nguy cơ gián đoạn về nguồn cung và sản lượng từ khu vực Trung Đông. Trước tình hình này, Bộ trưởng Choo Kyung-ho đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường theo dõi nền kinh tế thực và củng cố các nỗ lực bình ổn giá.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc dự báo lạm phát của nước này sẽ bắt đầu hạ nhiệt trong tháng 10 sau khi giá tiêu dùng trong tháng 9 của Hàn Quốc đã tăng 3,7%, mức cao nhất trong 5 tháng trở lại đây. Trong tuyên bố ngày 10/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã nêu khả năng lạm phát và lãi suất tăng lên do ảnh hưởng của xung đột, đồng thời chỉ thị cho chính phủ ứng phó phù hợp đối với các rủi ro bên ngoài và không làm trầm trọng thêm các khó khăn về sinh kế của người dân.
Ông Biden đưa ra nhận định nóng khi vừa đặt chân đến Israel Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra những nhận định liên quan đến vụ nổ xảy ra tại bệnh viện ở Dải Gaza ngay khi vừa bắt đầu chuyến thăm Israel ngày 18/10. Đây là chuyến thăm Israel đầu tiên của Tổng thống Mỹ trong nhiều năm qua. Chuyến thăm nhằm thể hiện sự ủng hộ và tình đoàn kết với của...