Xung đột Hamas-Israel: LHQ kêu gọi các nước tiếp tục tài trợ UNRWA
Ngày 28/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các nước tài trợ để “đảm bảo duy trì hoạt động liên tục” của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ ( UNRWA).
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza ngày 24/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Guterres đưa ra kêu gọi trên trong bối cảnh một số nước hiện đang tạm dừng tài trợ cho UNRWA sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của tổ chức này có liên quan đến cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người Israel thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh cần phải duy trì hoạt động của UNRWA để đáp ứng nhu cầu nhân đạo khẩn cấp của người dân tại Dải Gaza. Ông cũng cho biết LHQ đang điều tra làm rõ cáo buộc đối với một số nhân viên của UNRWA.
Người dân rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại miền Nam Dải Gaza ngày 26/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện các quốc gia tài trợ chính cho UNRWA như Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ và Đức đã tuyên bố đình chỉ tài trợ cho tổ chức này liên quan đến cáo buộc của Israel. Trong một phản ứng, Chính quyền Palestine (PA) ngày 27/1 đã đề nghị nối lại “viện trợ tối đa” cho người dân tại Gaza.
Cuộc xung đột Israel - Hamas sau 100 ngày: Nguy cơ "cháy lan" khắp vùng Vịnh
100 ngày kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Israel - Hamas, mở đầu bằng vụ tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10/2023, tiếng súng giao tranh vẫn chưa ngớt.
Trong khi người dân Gaza đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân đạo sau khi Israel đưa quân vào dải đất này, nguy cơ xung đột thậm chí còn lan rộng ra khắp Trung Đông.
Từ nỗi tuyệt vọng ngày càng lớn...
Đối với gia đình của những người bị Hamas bắt giữ, ngày Chủ nhật (14/1) đánh dấu một cột mốc mệt mỏi. Các con tin đã bị nhóm phiến quân giam giữ suốt 100 ngày - và trong khi một số gia đình có bằng chứng về sự sống thì những gia đình khác vẫn không biết số phận của những người thân yêu của họ.
Video đang HOT
Hơn 359.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại tại Gaza kể từ khi Israel tấn công vào dải đất này. Ảnh: CNN
Một thỏa thuận thả con tin đạt được giữa Israel và Hamas vào cuối tháng 11 đã kết thúc sau 6 ngày, với hơn 100 người được giải thoát. Kể từ đó, thân nhân các con tin hầu như không có hy vọng về một thỏa thuận khác - và một số người coi chiến dịch tấn công Gaza của Israel chỉ làm tăng nguy cơ gây tổn hại cho những người bị giam giữ. Những người khác tức giận vì điều mà họ coi là Hội Chữ thập đỏ đã không giúp đỡ họ.
"Đợt con tin đầu tiên được thả trong khoảng thời gian từ ngày 49 đến ngày 54. Tính đến nay đã gần gấp đôi thời gian họ ở đó", Naama Weinberg, người có anh họ Itai Svirsky bị bắt cóc khi đang thăm gia đình ở Kibbutz Be' eri vào ngày 7/10, nói với CNN vào tuần trước.
Cô cho biết gia đình các tù nhân "thất vọng và ngột ngạt", đồng thời nói thêm: "Không có tiến triển gì trong nhiều tuần. Không có gì chuyển động cả - ngoại trừ việc phát hiện thêm nhiều con tin đã chết".
Weinberg, 27 tuổi, người đã nói chuyện với CNN tại một địa điểm được gọi là "Quảng trường con tin" ở Tel Aviv, nơi các gia đình tụ tập trong nhiều tuần để phản đối, đã rất tức giận trước vụ giết chết một chỉ huy hàng đầu của Hamas ở Lebanon hồi đầu tháng này - được nhiều người cho là do Israel. Cô cho biết một số "hành động quân sự" của Israel đang "trực tiếp gây nguy hiểm cho các con tin".
Quân đội Israel trong tuần qua tiếp tục đấu pháo với lực lượng Hezbollah qua biên giới Lebanon. Ảnh: AP
"Lãnh đạo đất nước phải đặt việc thả con tin lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên", Weinberg nói. Trong nỗi tuyệt vọng, cô cùng với thân nhân của nhiều con tin khác mang theo loa, tập trung gần hàng rào vành đai với Gaza để phát đi những thông điệp mà họ hy vọng sẽ đến được với những người thân.
Họ, tất cả đều tham gia một nhóm gọi là "Diễn đàn con tin và gia đình mất tích" nói với CNN rằng sự kiện này là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện được thiết kế nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế đến một thực tế là tính đến Chủ nhật, các con tin đã bị giam giữ ở Gaza trong 100 ngày.
Cũng vào Chủ nhật (14/1), hàng nghìn người Israel khác đã xuống đường kêu gọi thả các con tin đang bị Hamas giam giữ ở Gaza. Cuộc biểu tình kéo dài suốt 24 giờ tại thủ đô Tel Aviv, với đám đông mang theo những biểu ngữ lớn có dòng chữ: "Và thế giới vẫn im lặng" đồng thời hô vang rằng các con tin phải được thả "bây giờ, bây giờ, ngay bây giờ".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tiếp tục chiến dịch tại Gaza cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra. Ảnh: Middle East Monitor
Thế kẹt của Israel
Những gì diễn ra trên đường phố Tel Aviv phản ánh một tình thế rối ren mà Israel đang phải đối mặt khi theo đuổi chiến dịch quân sự trên bộ tại Dải Gaza, một chiến dịch mà họ đặt ra mục tiêu kép: Loại bỏ hoàn toàn Hamas và giải cứu các con tin bị lực lượng chiến binh Palestine này giam giữ tại Gaza.
Cả hai mục tiêu, cho đến nay, đều chưa được hoàn thành. Chiến dịch tấn công vào Gaza đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất, khi binh sĩ Israel phải truy tìm Hamas trong một mê cung các đường hầm chằng chịt được cho là dài tới 500 km dưới lòng đất Gaza. Đấy là môi trường tác chiến phi đối xứng điển hình, nơi mà ưu thế về hỏa lực, trang bị của quân đội Israel không còn tạo ra sự áp đảo lớn với đối phương.
Đã có nhiều phương án được vạch ra, từ việc sử dụng các phương tiện bay không người lái loại nhỏ (drone) để trinh sát và mang theo chất nổ vào đường hầm, dùng "bom xốp", dùng chó nghiệp vụ, chó robot hoặc thậm chí là bơm nước làm ngập hệ thống địa đạo của Hamas. Nhưng phương án nào cũng có những rào cản lớn về mặt kỹ thuật và chiến thuật, khiến quân đội Israel chôn chân trên những đường phố đổ nát của Gaza suốt nhiều tuần qua.
Thêm một ngày mắc kẹt ở Gaza, là thêm một ngày áp lực quốc tế dồn lên Israel khi mà cuộc tấn công trên bộ của họ đã khiến vùng đất này bị tàn phá nặng nề, đẩy 2,3 triệu người Palestine sinh sống tại đây vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Theo Hội chữ thập đỏ Palestine, hơn 359.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại, 23.700 người chết và hơn 60.000 người bị thương tại Gaza kể từ khi Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào dải đất này. Còn theo tổ chức Oxfam, số người chết trung bình mỗi ngày ở Gaza là 250 người, cao hơn đáng kể so với bất kỳ cuộc xung đột vũ trang lớn nào gần đây bao gồm Syria (96,5 người chết mỗi ngày), Sudan (51,6), Iraq (50,8), Ukraine (43,9) Afghanistan ( 23,8) và Yemen (15,8).
Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông (UNRWA) gọi những gì đang diễn ra ở Gaza là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo "phức tạp và thách thức nhất" trên thế giới.
Lực lượng Houthi tổ chức diễu binh và khoe những vũ khí hiện đại như tên lửa hành trình và đối hải. Ước tính, Houthi có khoảng 120.000 quân tinh nhuệ. Ảnh: Middle East Monitor
Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã phát đi kêu gọi bảo vệ và giúp duy trì hoạt động cho các bệnh viện ít ỏi còn hoạt động ở Gaza, chẳng hạn như Al-Aqsa hay Nasser, khi hầu hết nhân viên y tế đã rời đi do điều kiện nguy hiểm và lệnh sơ tán. Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nói: "Ba tháng sau cuộc xung đột, không thể tưởng tượng được rằng nhu cầu thiết yếu nhất - bảo vệ chăm sóc sức khỏe - cũng không được đảm bảo".
Bức tranh nhân đạo ấy khiến Israel hứng chịu áp lực quốc tế ngày càng lớn. Hàng ngàn người đã xuống đường ở Washington, London, Paris, Rome, Milan và Dublin vào thứ Bảy (13/1) để yêu cầu chấm dứt chiến sự. Trong khi đó, Nam Phi đã kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) với cáo buộc nước này vi phạm Công ước năm 1948 về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng.
Đáp lại, chính phủ Israel cho biết họ vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế, khẳng định có quyền tự vệ sau khi bị Hamas tấn công và mô tả vụ kiện của Nam Phi là sự bôi nhọ, đồng thời chỉ định một nhóm pháp lý để tự bảo vệ mình.
Nguy cơ xung đột lan rộng
Bất chấp áp lực từ nhiều phía, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, khi tới thăm các binh sĩ tại Gaza, đã tuyên bố cuộc chiến còn tiếp tục cho đến khi hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh đó, các nhóm vũ trang Hồi giáo lâu nay vẫn chống lại nhà nước Do Thái ở Trung Đông như lực lượng Hezbollah tại Lebanon hay phong trào Houthi đang kiểm soát miền Bắc Yemen, đã tổ chức những cuộc tấn công đáp trả Tel Aviv nhằm thể hiện tình đoàn kết với Palestine và gây áp lực buộc Israel phải ngừng bắn.
Quân đội Israel hiện đấu súng gần như hàng ngày với các chiến binh Hezbollah ở biên giới với Lebanon. Hezbollah cũng thường xuyên bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel với cuộc oanh kích mới nhất diễn ra hôm Chủ nhật, chỉ một ngày sau khi quân đội Do Thái tiêu diệt 3 chiến binh Hezbollah vượt biên giới vào Israel từ Lebanon.
Những màn đáp trả qua lại giữa đôi bên có thể còn gia tăng cường độ nếu nhìn vào phát biểu của nhà lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, mới đây. Ông Nasrallah nói trực tiếp với dân thường Israel trong một bài phát biểu trên truyền hình: "Các bạn nên yêu cầu chính phủ của mình ngừng cuộc tấn công. Sẽ không có đối thoại trừ khi hành động gây hấn dừng lại ở Gaza".
Ở cực Nam của bán đảo Arab, lực lượng Houthi lại tạo ra một mối đe dọa khác. Họ tổ chức gần 30 cuộc tấn công vào các tàu thuyền có liên hệ với Israel tại khu vực eo biển Bab al-Mandab, cửa ngõ để Israel từ Biển Đỏ tiếp cận với Ấn Độ Dương.
Những động thái này buộc Mỹ và đồng minh phải thành lập một lực lượng hải quân quốc tế nhằm bảo vệ tàu thuyền qua lại trên Biển Đỏ. Nhưng ngay cả những tàu chiến này cũng bị Houthi tấn công bằng tên lửa đối hạm và UAV cảm tử, khiến Mỹ và Anh phải tổ chức không kích hàng chục địa điểm đóng quân và tàng trữ vũ khí của Houthi trên đất Yemen hôm 11/1.
Đòn không kích này được giải thích là động thái làm giảm bớt sức mạnh của Houthi và đảm bảo tự do hàng hải, đồng thời ngăn chặn xung đột lan rộng ra khắp Trung Đông. Mục đích là vậy, nhưng hệ quả có thể sẽ ngược hoàn toàn, bởi ngay lập tức, các chỉ huy quân sự của Houthi đã đăng đàn tuyên chiến.
Người phát ngôn của Houthi, Nasruldeen Amer nói với kênh Al Jazeera: "Cuộc tấn công mới này sẽ nhận lại phản ứng chắc chắn, mạnh mẽ và hiệu quả". Mohammed Abdulsalam, một phát ngôn viên khác của Houthi, nói với Reuters rằng thiệt hại từ các cuộc không kích sẽ không tác động đáng kể đến khả năng của họ trong việc ngăn chặn tàu thuyền có liên kết với Israel đi qua Biển Đỏ.
Tình báo phương Tây ước tính, phần lớn vũ khí của Houthi đều được che giấu cẩn thận, dễ phân tán nên vẫn an toàn. Do đó, nguy cơ về màn trả đũa là hiện hữu, không chỉ với lực lượng hải quân quốc tế hay các tàu thương mại trên Biển Đỏ mà còn với cả Saudi Arabia, quốc gia lâu nay vẫn hỗ trợ chính phủ Yemen lưu vong bị Houthi lật đổ trong cuộc nội chiến. Và, nếu các bên không xử lý khéo mồi lửa mới nhất này, xung đột Israel - Hamas sẽ chính thức được mở rộng ra khắp Vùng Vịnh, kéo theo nhiều lực lượng ủy nhiệm hoặc các quốc gia liên quan vào cuộc chiến.
Vậy là, sau 100 ngày chìm trong khói lửa đạn bom, Trung Đông vẫn như một thùng thuốc súng, chỉ chực chờ một sự bất cẩn là sẽ phát hỏa, dữ dội và có sức tàn phá mạnh hơn.
Mỹ, Israel và nhiều nước lên tiếng về phán quyết của ICJ Trong khi Israel tuyên bố có quyền tự vệ, Mỹ nói rằng phán quyết Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) phù hợp với quan điểm của Washington thì một số nước khác như Nam Phi, Iran và Nambia đã hoan nghênh phán quyết của ICJ. Một số hình ảnh tàn khốc về hậu quả của xung đột Israel - Hamas ở Dải...