Xứng danh lính trinh sát đặc nhiệm
Chúng tôi đến Đại đội 1 trinh sát đặc nhiệm thuộc Tiểu đoàn Trinh sát 32 ( Bộ Tham mưu, Quân khu 5) khi các anh đang luyện tập kỹ thuật bí mật vận động khắc phục vật cản trong thành phố.
30 phút của một quy trình diễn ra thật nhanh nhưng là cả công sức, mồ hôi của đại đội nhiều năm qua.
Đại úy Nguyễn Trùng Dương, Phó Tiểu đoàn trưởng, phụ trách đơn vị đặc nhiệm thổi còi khởi động xuất phát.
Nhanh như chớp, chuẩn xác và thuần thục, cả tổ leo qua các bức tường từ thấp đến cao; từ 2m đến 5m; từ tường trơn đến có gờ cửa sổ; từ công kênh nhau đến dùng thang dây hỗ trợ.
Những người lính tiếp tục vượt dây tử thần, tiếp cận tường vách đá nhấp nhô, khom người chui xuống cống ngầm dài chục mét, bí mật áp sát hàng rào nhà cao tầng.
Không còn đơn giản như ban đầu, các động tác càng lúc càng phức tạp và nguy hiểm.
Để tiếp cận mục tiêu cuối cùng, đội hình chia nhau leo trên cống thoát nước, cột thu lôi của nhà cao tầng, nghe ngóng, quan sát, sẵn sàng xử lý tình huống ở khu vực cầu thang và cuối cùng đột nhập vào căn nhà có đối tượng.
Không hổ danh lính trinh sát đặc nhiệm, 8 chướng ngại vật đã được vượt qua đúng 30 phút, không gặp bất cứ trở ngại nào.
Đại đội trinh sát đặc nhiệm leo dây tử thần.
Trở xuống và tiếp đất bằng thang dây, gương mặt đỏ ửng, mồ hôi chảy ròng ròng vậy mà những chiến sĩ đặc nhiệm lại bảo rằng, huấn luyện lúc trời nắng vẫn còn tốt hơn nhiều so với ban đêm.
Dù không có ánh sáng, tầm nhìn hạn chế, vẫn phải tuân thủ theo quy trình và thời gian như ban ngày.
Từng động tác tiếp đất, đặt chân trái hay chân phải xuống trước; cúi khom hay thẳng lưng; quan sát phía trước hay phía sau khi đột nhập nhà cao tầng vẫn phải đúng như giáo trình đã học.
Khó nhất là vượt qua hàng rào dây thép gai, chỉ cần không cẩn thận sẽ trầy xước tay chân, hay leo nhà cao tầng, nếu sơ sẩy là xảy ra tai nạn.
Video đang HOT
“Nuôi quân ba năm, dụng quân một giờ”, trong những tình huống khẩn cấp, đặc nhiệm chính là vũ khí quan trọng nhất.
Từ năm 2006 đến nay, Đại đội đã 3 lần tham gia diễn tập chống khủng bố, giải thoát con tin, diễn tập thiết quân luật của Quân khu và thành phố Đà Nẵng, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Khi được hỏi, tố chất nào quan trọng nhất với người lính đặc nhiệm, Thiếu úy QNCN Lê Phi Âu khẽ khàng: “Phải có sức khỏe, nhạy bén và dẻo dai”.
12 năm trong bộ quân phục màu cỏ, Phi Âu không nhớ hết những ngày đầu vất vả như thế nào.
Chỉ riêng động tác công kênh trèo tường, người phía dưới chịu sức nặng hơn một tạ của hai người ở trên là phải kể đến bao nhiêu vết bầm ở vai, cổ.
Tập hoài thì quen, tất cả đã trở thành kỹ năng, kỹ xảo. Ngày hôm nay phải nhanh hơn ngày hôm qua.
Hàng chục bài tập tổng hợp của chiến thuật như võ, kỹ thuật bí mật vận động, địa hình quân sự hay bắn súng, rèn luyện thể lực, được “cô đọng” lại để có 30 phút chuẩn sáng nay.
Lại hỏi, sao 12 năm rồi, mới thiếu úy, Âu cười, ở đây đa số anh em trưởng thành từ chiến sĩ, trình độ leo trèo là “cao học”, nhưng học vấn thì còn thấp.
Chỉ có một số được đi học các trường để phát triển, còn lại hầu hết coi đây là một cái nghề phục vụ lâu dài trong quân đội.
Có anh cha mẹ buôn bán, có thể ở nhà phụ kiếm tiền nhiều hơn vẫn xin ở lại quân ngũ làm lính đặc nhiệm.
Với mức lương như vậy, các quân nhân của Đại đội trinh sát phải tằn tiện chi tiêu.
Nhiều anh vợ chưa có việc làm, hay chưa có nhà, phải ở nhà thuê. Có anh không có điều kiện đi tìm hiểu, 9 năm đóng đô ở đây mà vẫn “ế”.
Những ngày nghỉ, lễ với người khác được vui vầy cùng gia đình, hoặc có thể đi xa, thì người lính đặc nhiệm phải tập trung cao độ, có lệnh là lên đường được ngay.
Đại đội trinh sát đặc nhiệm tiếp cận tường vách đá.
Đại úy Nguyễn Trùng Dương cho biết: Đại đội trinh sát đặc nhiệm 32 nhiều năm qua luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài luyện tập chuyên môn thường xuyên, đơn vị tham gia đi trinh sát địa hình Tây Nguyên khu vực biên giới.
30 đồng chí được huấn luyện nhảy dù ở sân bay Chu Lai; cùng tiểu đoàn làm thao trường khắc phục vật cản; tham gia các hội thi, hội thao và đều giành giải cao.
Trung úy QNCN Châu Ngọc Hải từng giành nhiều giải thưởng lớn cấp toàn quân.
Đời sống nhiều quân nhân còn rất khó khăn, nhưng tất cả đều yêu nghề, tự hào về công việc của mình, giữ nghiêm kỷ luật quân đội, là nhân tố quan trọng để Đại đội 1 trinh sát đặc nhiệm nhiều năm được cấp trên khen thưởng.
Theo Tri Thức
Mật lệnh giải phóng Trường Sa
Trong bức mật lệnh số 990B/TK của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến Chính ủy Quân khu 5 Võ Chí Công và Tư lệnh Chu Huy Mân lúc 17h30 ngày 4/4/1975 có nội dung "Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa".
Bộ đội đặc công giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh: Tư liệu lịch sử.
Trong đó, Đại tướng nhấn mạnh: "Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không hành động sớm sẽ bị nước khác đánh chiếm".
Cùng thời điểm này, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái cũng nhận được mật lệnh của Tướng Giáp yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, tranh thủ thời cơ giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước.
Theo đó, Quân chủng Hải quân chọn Đoàn 125 và Đoàn đặc công 126 thực thi nhiệm vụ giải phóng Trường Sa dưới sự chỉ huy của Thượng tá Mai Năng, Anh hùng lực lượng vũ trang sau này là Thiếu tướng Tư lệnh binh chủng đặc công - người đã từng chỉ huy đánh chìm nhiều tàu chiến của địch trên tuyến Cửa Việt - Đông Hà.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Chơn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 Quân khu 5 giao cho Trung tá Nguyễn Thanh Thí - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 và Thiếu tá, Chính ủy Trần Dược trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 4 và một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 phối hợp 3 biên đội tàu hải quân 673, 674, 675 của Đoàn 125 do các anh Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam, Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng và Đoàn đặc công 126 từ Hải Phòng vào hợp thành Đoàn C75 do Đoàn trưởng Mai Năng chỉ huy.
Sau này Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại: "Mặc dù anh em lính đặc công đã chiến đấu và chiến thắng hàng trăm trận đánh với nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi trăn trở lo toan khi trao đổi với anh Hoàng Hữu Thái rằng, anh em từng đánh tàu chiến, cầu tàu, cầu cảng... nhưng lần đầu tiên được giao đánh căn cứ trên đảo giữa biển khơi xa khi chưa thông thạo địa hình nên trách nhiệm giải phóng Trường Sa không hề đơn giản".
Nghe ông bày tỏ, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân hỏi: "Liệu có đánh được không ?". Sau vài giây suy nghĩ, ông Năng quả quyết: "Được. Nhưng phải có chiến thuật mới, đó là vừa trinh sát, vừa tấn công hỏa lực. Với 3 biên đội tàu và 250 cán bộ - chiến sĩ, không thể đồng loạt tấn công các đảo, vì thế Đoàn C75 thực hiện phương án đánh chiếm từng đảo".
Để né tránh tầm kiểm soát của máy bay địch từ trên không, ba biên đội tàu 673, 674, 675 cải trang thành tàu đánh cá của nước ngoài rời cảng Đà Nẵng hướng mũi lái ra Trường Sa. Không có hải đồ từ đất liền ra Trường Sa, chỉ có một la bàn từ, đồng hồ thiên văn, bộ định hướng theo sao trời.
Khi mới vươn khơi một chặng hải trình đã gặp sóng gió xô đập dữ dội, nhưng với kinh nghiệm của những thuyền trưởng, thuyền phó đã từng một thời chỉ huy những chuyến tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam, ba biên đội tàu vẫn vượt sóng gió vươn khơi.
Sau hơn hai ngày đêm tiến quân trên biển, đến 19h ngày 13/4/1975, phía trước mũi tàu là vệt đen hiện rõ dần lên đảo Song Tử Tây. Những chiếc xuồng cao su thả xuống biển khi những đợt sóng lớn xô đập mạnh, nhiều nơi rạn san hô nổi lởm chởm nhưng ba mũi quân của Đoàn C75 vẫn kiên cường tiếp cận mép đảo, bám sát mục tiêu.
4h30 sáng 14/4/1975, mệnh lệnh tấn công đã được khai hỏa bằng những loạt đạn DKZ. Phía địch có bắn trả nhưng pháo binh của ta dội lửa hỗ trợ kịp thời cho đặc công, bộ binh xông lên chiếm giữ mục tiêu, cờ giải phóng tung bay trên đảo Song Tử Tây lúc 5h sáng cùng ngày.
Trả lời câu hỏi của Thượng tá Mai Năng vì sao không kháng cự quyết liệt, Trung úy, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây lúc đó nói rằng: "Nếu có một lực lượng nào khác đến chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi bàn giao lại đảo cho quân giải phóng vì miền Bắc hay miền Nam cũng đều là người Việt cả".
Khi biết tin đảo Song Tử Tây đã bị quân giải phóng làm chủ, địch huy động hai tàu HQ-16, HQ-402 và máy bay trực thăng từ Vũng Tàu ra Trường Sa để mở cuộc phản kích, còn trung tâm chỉ huy ở đảo Nam Yết tăng cường phòng thủ.
Khi nhìn thấy cờ giải phóng tung bay trên đảo Song Tử Tây, hai tàu chiến và máy bay tăng viện đã phải rút lui, trong khi tinh thần sĩ quan, binh lính trên các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa, Nam Yết, An Bang lâm vào tình trạng hoảng loạn, vội vã chen chân ra tàu chiến, ca nô, xuồng máy để tìm đường rời khỏi đảo trong thời gian sớm nhất.
Tranh thủ cơ hội thuận lợi, rạng sáng 25/4/1975, các mũi quân của Đoàn C75 tiến lên đảo Sơn Ca. Những tiếng súng bắn trả rời rạc, yếu ớt không ngăn được bước chân của bộ đội đặc công, bộ binh nên gần một giờ sau đảo Sơn Ca đã được giải phóng.
Khi tiến công vào các đảo An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn trong các ngày 27, 28/4/1975, các mũi quân của ta không vấp phải một sự kháng cự nào vì phía địch đã nhận diện thất bại. Đến sáng 29/4/1975, Đoàn C75 đã làm chủ đảo Trường Sa Lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5.
Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, Thiếu tướng Mai Năng - người trực tiếp chỉ huy chiến đấu giải phóng Trường Sa với chức trách Đoàn trưởng C75 đã bày tỏ: "Chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi nhìn lá cờ giải phóng tung bay trên nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa, lòng cảm phục tài năng và tầm nhìn chiến lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại".
Với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ, chiến sĩ Đoàn C75 giải phóng Trường Sa là những "Yết Kiêu thời đại Hồ Chí Minh".
Theo Phan Thế Hữu Toàn
Theo Congannhandan
Huy động quân đội vô hiệu quả bom nặng 230 kg còn ngòi nổ Quả bom có đường kính 30 cm, dài 1,6 mét, được phát hiện trong tình trạng cắm sâu dưới lòng đất 1,5 mét, nghiêng 45 độ. Trong khi làm rẫy cách cầu số 6 đường tránh nam hầm Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) gần 400 m, một người dân phát hiện một quả bom nặng 230...