Xúc động với tình yêu hơn 70 năm trong “My Love, Don’t Cross That River”
“ My Love, Don’t Cross That River” ra mắt năm 2014 là câu chuyện về đôi vợ chồng già lão sống tại Hàn Quốc đã lấy đi nước mắt của biết bao người xem.
Đã bao giờ bạn quay lại ngắm nhìn người yêu trẻ trung của mình rồi tự hỏi về thế nào là yêu đến “đầu bạc răng long”? Mười lăm tháng trời tại Gangwon, đạo diễn Jin Mo-young đã đem tới cái nhìn sâu sắc về tình yêu vĩnh cửu giữa đôi vợ chồng Jo Byeong-man và Kang Kye-yeol. Cưới nhau từ khi bà Gye Yeol 14 tuổi, cả hai có 35 người con, cháu và chắt nhưng tất cả đều sống độc lập. Giờ đây, cặp vợ chồng già sống cùng một chú chó trong căn nhà ở tỉnh Gangwondo. Cho đến khi bộ phim kết thúc, người xem vẫn chưa thôi thổn thức về một mối tình đẹp trải dài trong 75 năm của My Love, Don’t Cross That River ( Người yêu ơi, Đừng qua sông).
Nàng kêu nàng bị cóng tay, chàng hà hơi mấy lần. Chàng hái hoa tặng nàng, nàng cài lên vành tai cả hai và âu yếm khen chàng đẹp trai. Nàng càu nhàu đi có mấy ngày mà chàng đã để sân vườn bừa bộn, chàng liền bảo: “Để đấy tôi dọn cho”. Trong tuyết trắng tê tái, hai kẻ yêu chia sẻ nắm tuyết để “ăn cho tốt mắt thính tai”. Chàng, 98 tuổi và nàng, 89.
Trailer của “My Love, Don’t Cross That River”
Tên phim lấy cảm hứng từ bài hát “Gongmudohagi”, về một người chồng lo cho vợ sa sẩy nên đã băng qua sông thay cô. Trong phim ông cụ Jo đã nghĩ khác, ông tay trong tay người vợ của mình, cả hai cùng nhau băng qua sông. Họ không nắm tay nhau đi khắp thế gian, không có sự biệt ly trắc trở đến độ xa mặt cách lòng. Thế nhưng điều gì đã làm nên sự kì diệu tựa đoá hoa nở trong lòng người xem trong từng phút giây của phim? Như một bài hát dân ca xứ Hàn, My Love, Don’t Cross That River hát lên những giai điệu ngọt ngào, đôi khi nhung nhớ và đau khổ.
Trong bộ hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) tươi sáng tiệp màu với nhau, hai mái đầu bạc nắm tay đi dọc con đường đời. Mùa xuân hái hoa, mùa hè dạo chơi bên hồ, té nước vào nhau, mùa đông vai kề vai nặn những người tuyết bằng đôi tay đã nhăn nheo và hơi thở khó nhọc. Câu chuyện về một đôi vợ chồng đã chạm tới trái tim của tất cả, khiến chúng ta chợt thèm khát được như vậy, được nắm tay giai nhân của mình và nói rằng “Anh rất đẹp” dù một người đã móm mém còn người kia nặng tai. Hai cụ già đã bên nhau hơn nửa thế kỉ, nhưng họ vẫn tìm được tình yêu và hạnh phúc từ những điều rất giản đơn. Điều kì diệu ấy vẫn thường xảy tới với những trái tim ấm áp biết yêu thương.
Là một hành trình trôi về chặng cuối của cuộc đời, “Người yêu ơi, đừng qua sông” viết nốt những trang đầy lãng mạn và ngậm ngùi của một chuyện tình có lẽ sẽ cứ âm thầm trôi mất nếu như không có bộ phim này. Con sông ở đây phải chăng là con sông của sự sống, như cái cách giọt nước mắt già nua của cụ bà chầm chậm lăn xuống gò má nhăn nheo khi nhìn thấy thời gian và bệnh tật hoành hành trên người chồng mình biết từ thuở mười bốn. “Nếu ông ấy ra đi, tôi cũng muốn đi theo. Thật tốt nếu cả hai có thể chết cùng nhau, tay nắm tay”.
Video đang HOT
Bộ phim chứng minh cho bốn quy tắc sống hạnh phúc mà hai ông bà cụ đã chiêm nghiệm từ cuộc đời. Một, cùng cười và bạn sẽ có rất nhiều khoảng thời gian thú vị với nhau. Cho dù thứ mà Jo mang cho vợ chỉ là một đoá hoa dại bên đường chứ không phải món quà đắt tiền nào, thì nụ cười của bà Kang cũng ngời lên ánh hạnh phúc. Hai, hãy thường xuyên nói điều âm yếm với nhau. Ba, biết chăm sóc và có trách nhiệm với nhau. Và cuối cùng, hãy sống như ngày cuối cùng và làm mọi thứ tốt nhất có thể. Hai cụ chưa bao giờ cãi nhau, vì họ nhận ra chẳng còn nhiều thời gian dành cho nhau và vì thế họ cố gắng yêu thương và trân trọng nhau nhất có thể.
Ra rạp từ hôm 27/11 ở Hàn Quốc, My Love, Don’t Cross That River ngay lập tức trở thành hiện tượng phòng vé, thu hút hàng triệu khán giả mọi lứa tuổi. Chỉ trong tuần đầu công chiếu, bộ phim có ngân sách 110.000 USD thu về 4,6 triệu USD và vươn lên đứng đầu doanh thu phòng vé xứ kim chi, soán ngôi các bom tấn Mỹ là Interstellar và Exodus: Gods & Kings.
Đến gần cuối tháng 12, phim hút hơn ba triệu lượt khán giả Hàn Quốc đến rạp, thu về gần 8 triệu USD và vẫn đang tiếp tục ăn khách. Ban đầu, phim chỉ được chiếu hạn chế ở 186 phòng rạp, đến nay phim có mặt ở 806 phòng chiếu và trở thành tác phẩm độc lập thành công nhất Hàn Quốc. Kỷ lục doanh thu của phim độc lập trước đó là Old Partner năm 2009 với 2,93 triệu USD.
My Love, Don’t Cross That River là những lát cắt của một câu chuyện tình chan chứa yêu thương, chứa đựng những chiêm nghiệm dung dị về cuộc sống khiến người xem thổn thức. Đã từ rất lâu rồi người ta mới lại được chứng kiến một tác phẩm điện ảnh độc lập Hàn Quốc xuất sắc đến thế. Người ta tìm thấy bóng dáng ông bà, bố mẹ, rồi nghĩ về những tháng năm xế bóng của đời mình, kết nối tâm hồn trong một thế giới giản dị của hai ông bà cụ. Ai cũng phải già, phải chết, nhưng có mấy ai trên cõi đời cùng người thương đầu bạc băng qua sông tay trong tay?
TheoNgọc King. / Trí Thức Trẻ
"Cầu Vồng Không Sắc": Không đột phá nhưng đủ nhân văn về đồng tính
"Cầu Vồng Không Sắc" là một trong những bộ phim đàng hoàng về người đồng tính và có một góc nhìn thiện cảm và nhân văn.
Phim Việt chiếu rạp bây giờ hầu như phim nào cũng có hình ảnh của người đồng tính, nhưng hiếm phim thể hiện tốt, chân thật, nhân văn về cộng đồng này. Cầu Vồng Không Sắc một lần nữa đem chủ đề này lên màn ảnh. Một bộ phim mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, thể hiện góc nhìn cảm thông, mặc dù câu chuyện không mới và thông điệp chưa đủ mạnh.
Nội dung phim khá quen thuộc và dễ xem
Phim kể về hai anh em Hùng (Vũ Tuấn Việt) và Hoàng (Nguyễn Thanh Tú). Hùng là con nuôi trong gia đình, hai anh em yêu nhau, và bi kịch bắt đầu. Có lẽ để an toàn, đạo diễn đã làm bộ phim với một nội dung dễ hiểu và cũng có phần dễ đoán, có thể điều này sẽ mang đến sự thất vọng cho những khán giả khó tính và đòi hỏi. Tuy nhiên, với những bộ phim như thế này, chiêu trò là điều không cần thiết, quan trọng là làm ra được cảm xúc của phim.
Khi khai thác về đề tài này, nếu chỉ kể về chuyện hai người yêu nhau, bị gia đình phản đối, dẫn đến những bi kịch sau đó thì rất nhàm chán. Người xem khó mà tìm thấy được sự hấp dẫn ở một câu chuyện như vậy. Thông điệp của bộ phim cũng chưa mạnh và không rõ ràng. "Đồng tính không phải là bệnh" - một thông điệp mơ hồ và chẳng đi đến đâu. Điểm mấu chốt là giải quyết vấn đề, ứng xử với gia đình, hướng đi cho trong cuộc sống cho những người đồng tính như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Đáng tiếc phim chỉ nêu ra một thông điệp nửa vời và chưa thực sự triệt để.
Ở đâu đó đoạn cuối phim, ta thấy được sự bế tắc, một cái kết không có nhiều niềm vui và mọi thứ vẫn còn đó. Có thể sau này tốt đẹp hơn nhưng thực tế đã cho thấy những đau khổ, điều đó khiến người ta e ngại những cuộc tình đồng tính. Giá như phim có một kết cục tốt hơn cho những người yêu nhau thì mọi thứ sẽ trở nên trọn vẹn. Tuy nhiên, dang dở đôi khi cũng là một điều đẹp đẽ khiến người ta nhớ mãi.
Mất điểm nhịp phim, hình ảnh - âm thanh gỡ gạc
Tuy nhiên, nhịp phim hơi dàn trải và thiếu cao trào, có những đoạn đối thoại quá nhiều khiến cho người xem mệt mỏi và không thiếu những lúc đọc "triết lý". Đoạn dẫn đầu phim cũng diễn ra quá dài khiến khán giả phải rất lâu mới bắt được nhịp của phim. Nếu như dựng phim cô đọng hơn, bỏ bớt những chi tiết thừa và tập trung vào những cao trào, những cảm xúc, những dằn vặt của hai người yêu nhau trong khổ sở thì nhịp phim sẽ hấp dẫn người xem hơn.
Phim được đầu tư rất nhiều về cảnh quay, những bối cảnh trong phim rất đẹp, nhất là căn biệt thự bên hồ, con đường độc đáo giữa rừng thông, hay là những cánh đồng hoa khoe sắc. Tất cả trở nên lung linh với góc quay từ flycam, những cú lia máy sáng tạo từ trên cao, từ những góc khuất. Hình ảnh trong phim thực sự đẹp và nó khiến cho người xem đắm chìm hơn vào câu chuyện phim.
Phần nhạc phim hay, nhất là bài hát chủ đề của phim, nó như là nỗi lòng của hai nhân vật trong phim, từng lời, từng nốt nhạc, từng câu hát như chắt lọc để bung ra trong một miền cảm xúc miên man và lắng đọng, một chút đau đớn xót xa, một bài hát hay. Không chỉ bài hát chủ đề, phần nhạc phim trong những phân đoạn khác nhau cũng được chăm chút kỹ lưỡng, nhất là bài hát sôi động khi ở trong quán bar. Về mặt âm thanh và hình ảnh thì phim này đã làm rất tốt.
Diễn xuất của các diễn viên tốt
Nguyễn Thanh Tú đã có một vai diễn xuất sắc, dù không phải là một diễn viên chuyên nghiệp nhưng diễn xuất của anh trong phim này thực sự chạm đến trái tim của người xem. Anh như bộc lộ toàn bộ cảm xúc chân thật nhất của mình, cháy hết mình cho một vai diễn. Tất nhiên, vẫn còn một đôi chỗ xử lý hơi gượng và một vài cảnh quá lên gân nhưng với một diễn viên mới, như vậy là quá tốt. Chính nhờ diễn xuất của Nguyễn Thanh Tú mà dù kịch bản phim không quá hay nhưng vẫn đủ sức thu hút khán giả theo dõi đến kết cục của câu chuyện. Có lẽ đây là vai diễn để đời của anh.
Vũ Tuấn Việt với gương mặt góc cạnh và có nhiều nét thâm trầm, rất thích hợp với một vai như vậy, diễn xuất ổn nhưng nhiều phân đoạn tình cảm anh diễn vẫn chưa tới. Một phần cũng là do kịch bản phát triển tâm lý nhân vật chưa tốt. Còn Việt My trong vai cô em gái không có nhiều đất diễn nhưng có những đoạn diễn rất dễ thương, nhuần nhuyễn, tạo được ấn tượng tốt.
Kim Khánh trong vai người mẹ giận dữ, điên cuồng khi cả hai đứa con trai đều "bị bệnh", có lẽ dạng vai này không phải là quá khó với Kim Khánh khi cô diễn rất mạnh mẽ khi nổi giận và rất đau khổ khi phải chứng kiến những bi kịch trong gia đình mình.
Cảnh nóng được tiết chế
Những bộ phim về đề tài đồng tính thường có những cảnh nóng, như ta từng thấy trong phim Hot Boy Nổi Loạn hay là phim Lạc Giới gần đây. Tuy vậy, trong Cầu Vồng Không Sắc không có quá nhiều cảnh nóng, ngoài một vài cảnh khoe body đẹp của Vũ Tuấn Việt hay là cảnh hai người ngủ trên giường.
Cảnh nóng trong phim được tiết chế nhiều, nóng nhất có lẽ là nụ hôn của hai nhân vật chính nhưng cảnh này được thể hiện đẹp, vừa phải và không quá phản cảm. Việc hạn chế dùng cảnh quá nóng khiến phim dễ nhận được thiện cảm của người xem hơn và cũng không phải hạn chế độ tuổi khán giả vào rạp.
Kết
Một câu chuyện về những người đồng tính không quá mới nhưng được thể hiện với nhiều cảm xúc và tâm huyết nhất. Phim có nhiều cảnh quay đẹp cộng với nhạc phim hay, diễn xuất của các diễn viên quá tốt. Cầu Vồng Không Sắc là một trong những bộ phim đàng hoàng về người đồng tính, một góc nhìn thiện cảm và nhân văn.
TheoPhong Vân / Trí Thức Trẻ
Ảnh cưới đẹp như mơ của Shin Min Ah và Jo Jung Suk Cùng ngắm loạt ảnh cưới hạnh phúc của Shin Min Ah và Jo Jung Suk. Shin Min Ah và Jo Jung Suk hóa thân thành cặp vợ chồng trẻ Mi Young và Young Min trong bộ phim điện ảnh My Love, My Bride. Tác phẩm này đang "làm mưa, làm gió" tại các rạp chiếu xứ Hàn nhưng đoàn phim vẫn tích cực...