Xúc động lá thư mẹ bé Bình An gửi lời cảm ơn bác sĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam
Trong lá thư gửi các y bác sĩ Bệnh viện K, chị Nguyễn Thị Liên – người mẹ mắc ung thư vẫn quyết giữ con để rồi bé Bình An được chào đời đã vô cùng xúc động gửi lời cảm ơn.
Những ngày vừa qua, hàng trăm lá thư và đóa hoa chúc mừng được gửi đến chúc mừng những Người Thầy thuốc, bác sỹ Bệnh viện K – những người cống hiến cả cuộc đời mình, hết lòng chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Công tác trong ngành Y vốn đã có nhiều sự hy sinh, vất vả, điều ấy càng đặc biệt hơn với những bác sỹ điều trị cho bệnh nhân ung thư, bởi đó là hành trình rất dài và gian nan. Nhưng với các y bác sĩ những người đã và đang khoác chiếc áo blouse không khỏi tự hào vì chính những hy sinh ấy lại viết lên những câu chuyện đẹp cho hàng ngàn người bệnh. Hôm nay, một lá thư đặc biệt cũng từ một bệnh nhân đặc biệt gửi đến Ban Giám đốc bệnh viện và các bác sỹ tại Bệnh viện K.
Chị Liên cùng chồng gửi lời cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện K.
Lá thư từ chị Nguyễn Thị Liên (29 tuổi quê tại Hà Nam) – người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối, nghị lực vượt qua ca phẫu thuật trong tư thế mổ ngồi để chào đón em bé Bình An.
Chị Liên đến chúc mừng các bác sỹ với tinh thần lạc quan, tràn đầy sức sống, nụ cười rạng rỡ, đó chính là đóa hoa đẹp nhất, món quà ý nghĩa nhất mà tất cả những Người Thầy thuốc mong muốn được trao tặng.
Trong lá thư, chị Liên xúc động viết: “Kính gửi Ban Giám đốc, toàn thể khoa phòng cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện K. Tên tôi là: Nguyễn Thị Liên. Địa chỉ: Xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Hôm nay ngày 27/02/2020 nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, tôi viết lá thư này xin gửi tới Ban Giám đốc bệnh viện, các khoa phòng cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện K lời cảm ơn chân thành nhất.
Lá thư cảm ơn xúc động do chị Liên viết.
Như mọi người đã biết, hơn 9 tháng trước, vào ngày 22/5/2019 là một ngày vô cùng đặc biệt với gia đình tôi. Một ngày mà khi đó tôi chỉ mong ước một điều duy nhất đó là ca mổ bắt con của tôi được thành công và tôi được nhìn mặt con một lần. Và điều ước của tôi đã thành hiện thực. Không chỉ ca mổ thành công mà nhờ sự quan tâm chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện.
Đến hôm nay sau hơn 9 tháng sức khỏe của tôi đã dần ổn định, đã tự đi lại và tự chăm sóc bản thân. Và quan trọng hơn cả là nhờ các y bác sĩ, những người mà tôi luôn mang ơn suốt đời, và coi như cha mẹ thứ hai sinh ra tôi, mà tôi được bên gia đình, nhìn các con tôi lớn lên từng ngày. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc, các khoa phòng cùng toàn thể đội ngũ y bác sĩ, luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc”.
Đáp lại lời chị Liên, các bác sĩ Bệnh viện K đã gửi lời cảm ơn chị, cũng như niềm tin những người bệnh đã gửi trao bệnh viện. “Với trách nhiệm, tình cảm từ trái tim mình, tập thể cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện K, đặc biệt là các bác sỹ, thế hệ thầy thuốc trẻ nguyện cống hiến hết mình, đóng góp hơn nữa vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân để ngày mai sẽ là một ngày tươi sáng hơn, ngập tràn niềm vui, hạnh phúc đến với tất cả mọi người”, đại diện Bệnh viện K chia sẻ.
Hình ảnh vợ chồng chị Liên hạnh phúc bên con trai.
Video đang HOT
Cách đây hơn 9 tháng, khi vào ca phẫu thuật chị Nguyễn Thị Liên (1991, ở xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nhắn nhủ với ekip các y bác sĩ: “ Em chỉ cần được nhìn con 1 lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mong con một đời bình an”.
Với chồng của mình là anh Đỗ Văn Hùng, chị Liên cũng không quên nhắn nhủ: “ Nếu em có mệnh hệ gì, anh ở lại cố gắng thay em yêu thương, chăm sóc và nuôi các con nên người”. Những lời nói đó khiến các bác sĩ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và người thân vô cùng cảm động.
Suốt những ngày trước đó chị Liên đã kiên cường từ chối xạ trị điều trị ung thư để quyết giữ sinh linh bé nhỏ trong bụng mình. Chị Liên đã qua ca mổ đặc biệt chào đón bé trai Đỗ Bình An nặng 1,5 kg khiến nhiều người vô cùng cảm động.
Bé Bình An chào đời như tiếp thêm sức mạnh giúp chị Liên vượt qua bệnh tật.
Câu chuyện về người mẹ ấy như tiếp thêm động lực, là nguồn cảm hứng vô tận về tình mẫu tử. Vừa mới 28 tuổi, chị Liên chưa kịp vui mừng khi biết tin mình có thai thì bệnh tật bất ngờ ập tới, khiến suốt thời gian mang bầu của Liên chủ yếu phải sống trong bệnh viện. Hằng ngày chị ngủ ngồi suốt 4 tháng trời, chịu bao đau đớn vì căn bệnh đã di căn vào nhiều bộ phận cơ thể,… chỉ bằng ý chí chờ tới ngày con được chào đời, được nhìn thấy ánh mặt trời… nơi mà bao điều tốt đẹp đang chờ đợi con của mình dù tính mạng chị có thể bị đánh đổi…
Ngày 22/4, sau bao cố gắng nhưng do sức khỏe chị Liên quá yếu nên các bác sĩ đã quyết định mổ bắt thai khi con trai chị vừa tròn 31 tuần. Dù phải ngồi để mổ đẻ, không đủ sức gây mê nhưng người mẹ này vẫn kiên cường để con được chào đời. Sau những nỗ lực của ê kíp bác sĩ, con trai chị Liên đã cất tiếng khóc chào đời. Khi đó chị Liên chỉ kịp hỏi: “ Con em nặng mấy cân?” rồi lịm đi.
Anh Hùng vẫn thường đỡ vợ chăm sóc con trai.
Sau 6 ngày sinh bé Bình An sức khỏe chị Liên diễn biến xấu, suy hô hấp, kết quả chụp X-Q Phổi không khả quan. Ngay lập tức các bác sĩ bệnh viện K đã tiến hành hội chẩn liên viện với Bệnh viện Bạch Mai đề nghị điều trị, chăm sóc theo dõi tích cực, sát sao, sử dụng những thuốc điều trị đích, hỗ trợ thở tốt nhất cho chị Liên. Tưởng rằng nữ sản phụ sẽ không thể vượt qua được tất cả khi trải qua nhiều ngày hôn mê, cấp cứu nhưng vì tình thương dành cho con cũng như nghị lực sống phi thường đã giúp chị Liên được hồi sinh.
Khi tỉnh dậy chị Liên không thể nói mà chỉ viết lên bảng hỏi: “ Chồng, con em đâu?” khiến ai ai cũng mong muốn chị sớm khoẻ được được đoàn tụ với con. Khi sức khoẻ chị Liên dần ổn định, cuộc gặp gỡ đặc biệt mà người mẹ không được biết trước. Từ sáng ngày 13/6, cuộc hội chẩn do GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện k chủ trì để đánh giá tình hình sức khoẻ của Liên trước khi sang Bệnh viện Phụ sản.
Vẫn cứ ngỡ là được di chuyển để kiểm tra về sức khỏe nhưng khi chiếc xe cấp cứu dừng trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương – nơi con trai bé bỏng của mình đã gần 1 tháng tuổi mà hai mẹ con chưa một lần gặp gỡ đã khiến chị Liên tuôn trào nước mắt.
Hình ảnh chị Liên phải sinh trong tư thế ngồi, bé Bình An chào đời trong niềm hạnh phúc của chị cùng người thân.
Có mặt trên suốt hành trình cùng chị Liên đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều y bác sĩ Bệnh viện K cũng không kìm được xúc động. Hai mẹ con bé Bình An gặp nhau là khoảnh khắc, giây phút tất cả đều mong chờ. Chưa có cuộc gặp gỡ nào tại Trung tâm sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà mọi người xúc động, ai ai cũng rơi nhiều nước mắt nhiều đến thế. Bình An còn đỏ hỏn được các bác sĩ đưa đến nằm gọn trong tay mẹ Liên. Nụ cười của hạnh phúc, nụ cười của sự mãn nguyện của mẹ Liên, bố Hùng và cả gia đình bé Bình An.
Giây phút ôm con ngắn ngủi chưa đầy 10 phút vì bé Bình An cần đưa vào lồng kính để đảm bảo sức khỏe, trước khi quay trở về Bệnh viện K, mẹ Liên tự đứng dậy và lần đầu được cho con ăn sữa, vuốt ve đôi tay bé xíu của Bình An. Mẹ Liên vừa khóc, vừa cười nói: “Bình An nắm tay mẹ à. Ở đây ngoan, bao giờ mẹ khoẻ… mẹ sang”.
Sau gần 2 tháng chào đời và được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngày 15/7, bé Đỗ Bình An đã được xuất viện về nhà với sức khoẻ ổn định sức khỏe, cân nặng 2,4 kg.
Do chị Liên vẫn phải chống chọi và điều trị căn bệnh ung thư nên bé Bình An được đưa về quê để chị gái chị Liên là chị Nguyễn Thị Vân chăm sóc, nuôi dưỡng. Mặc dù rất nhớ con nhưng chị Liên cũng lấy đó làm động lực cố gắng vượt qua bệnh tật để sớm được về với con. Và cuối cùng chị Liên như được hồi sinh từ tình yêu thương… Đó là sợi dây gắn kết khiến chị vượt qua được nỗi đau của bệnh tật.
Theo saostar
Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Bác sĩ 9X chia sẻ trải nghiệm ở huyện vùng biên
Sau khi hoàn thành chương trình nội trú, bác sĩ Dương Minh Tuấn (29 tuổi) đã tình nguyện công tác 3 năm tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Tại đây, anh đã trải nghiệm sự khác biệt khi làm việc tại huyện vùng biên này.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn thăm khám bệnh nhân ở huyện Minh Hóa
Đến với ngành y từ những biến cố
Bác sĩ Dương Minh Tuấn được nhiều người biết đến qua những câu chuyện của anh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội về góc nhìn cuộc sống, về ngành y. Chính việc lan tỏa những năng lượng tích cực đã giúp Tuấn kết nối và nhận được sự yêu mến của nhiều người. Quyết định công tác tại một huyện biên giới có thể gây bất ngờ với những ai theo dõi Tuấn, nhưng với chàng bác sĩ trẻ, nó đã nằm trong dự định và được chuẩn bị trong quá trình dài.
Câu chuyện đến với ngành y của Tuấn là một chặng đường dài. Thừa nhận không chọn nghề y ngay từ đầu nhưng những biến cố cuộc đời đã tác động đến chàng trai Hà Nội lúc đó rất nhiều.
"Năm lớp 11, tôi chứng kiến ông ngoại mất trên đường cấp cứu từ Huế ra Hà Nội vì ông bị xuất huyết não. Lúc đó là mùng 3 tết, tiếng còi xe cấp cứu, tiếng máy thở..., tất cả tôi đều nhớ rõ. Đó có lẽ là sự kiện khiến tôi quyết định học để trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, những năm tháng học Y ở Hà Nội nhiều lúc tôi thấy mình không phù hợp với môi trường này, tôi đã từng nghĩ đến chuyện học cho xong bằng đại học rồi vào Sài Gòn thỏa sức với đam mê ca hát của mình. Nhưng rồi một biến cố nữa lại xảy đến, bố tôi ra đi đột ngột sau một cơn nhồi máu cơ tim ngay học kỳ cuối tôi chuẩn bị tốt nghiệp ĐH. Đó là một cú sốc lớn và cũng từ đây tôi đã quyết tâm theo đuổi con đường y học đến cùng".
Bác sĩ Dương Minh Tuấn cùng những đồng nghiệp trong một lần khám chữa bệnh tình nguyện
Chọn huyện vùng biên như một cơ duyên
Lựa chọn huyện Minh Hóa là nơi công tác và sinh sống trong 3 năm, Tuấn cho rằng nó đến từ cái duyên, trải nghiệm cá nhân và cả tính cách của bản thân. Được mọi người nhận xét là một người hướng ngoại nhưng bản thân Tuấn cho rằng mình là một người thích lang thang một mình và suy nghĩ, vốn không thoải mái khi ở những nơi bon chen và xô bồ, thế nên việc lựa chọn một nơi có cuộc sống yên bình, nhẹ nhàng sẽ phù hợp hơn. Trong thâm tâm, Tuấn luôn dành nhiều tình cảm cho dải đất miền Trung. Hơn nữa, Tuấn có thời gian lang thang trên đường mòn Hồ Chí Minh, xin ở nhờ và sinh hoạt cùng người dân ở phía tây Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và kết giao với nhiều người bạn ở đây.
Thế rồi khi biết đến "Dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" của Bộ Y tế, bác sĩ Tuấn đã quyết định đến huyện Minh Hóa.
Chia sẻ về cảm nhận đầu tiên khi làm việc ở huyện vùng biên Minh Hóa, Tuấn cho biết cảm thấy rất dễ chịu vì môi trường làm việc thoải mái, không khí trong lành, các đồng nghiệp ở bệnh viện vui tính và nhiệt tình giúp đỡ anh. Tuy nhiên, chính Tuấn cũng thừa nhận rằng khi chuyển đến mới tận mắt thấy được những khác biệt và khó khăn của các bác sĩ làm việc nơi đây.
"Do thiếu nhân lực mà mỗi buổi trực chỉ có một bác sĩ phụ trách cấp cứu. Cứ có bệnh nhân là bác sĩ dù thuộc chuyên ngành nào cũng phải đảm đương. Điều kiện khó khăn khiến bác sĩ cái gì cũng phải biết, phải làm, thành ra không thể chuyên sâu...".
Kiên nhẫn, bao dung và đồng cảm
"Việc thiếu thốn cơ sở vật chất cũng là bài toán đau đầu với các bác sĩ bệnh viện tuyến huyện, các bác sĩ chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng của mình với những gì đang có", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Không chỉ là một bác sĩ, Dương Minh Tuấn còn được biết đến như một tác giả với hai cuốn sách "Những đứa trẻ không bao giờ lớn", "Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn và những chuyện chưa kể" và đam mê ca hát với nhiều bản cover được nhiều người biết đến
Bác sĩ Tuấn chia sẻ về kế hoạch trong 3 năm tới trước hết là hoàn thành tốt công việc ở viện, sau đó là cố gắng kết nối các tổ chức từ thiện để hỗ trợ bà con nghèo nơi đây - những người còn thiếu cơm ăn áo mặc. "Những năm tháng học ngành y và làm việc ở bệnh viện đã rèn luyện cho tôi 3 điều, đó là: Sự kiên nhẫn, bao dung và đồng cảm. Tôi luôn cố gắng áp dụng những bài học ấy vào trong cuộc sống của mình. Khi đi làm, tôi gặp rất nhiều bác sĩ giỏi nhưng tôi chỉ nhìn vào để cố gắng hơn chứ ít khi so sánh vì tôi nghĩ mỗi người là một cá thể riêng biệt, mình cứ nhìn vào bản thân và cố gắng từng ngày, phát huy những thế mạnh sẵn có của mình. Bởi vì tôi quan niệm đừng nghĩ quá nhiều về tương lai mà hãy sống tốt cho hôm nay, tận hưởng phút giây hiện tại", bác sĩ Tuấn tâm sự.
Đối với những người trẻ, bác sĩ Dương Minh Tuấn muốn nhắn nhủ rằng tuổi trẻ phải dám đương đầu với sóng gió và dũng cảm bước qua những giới hạn bản thân vì bạn không thể tưởng tượng được mình tuyệt vời đến thế nào nếu như bạn không dám thử thách. Song hành với đó là luôn hướng về gia đình, yêu thương lấy những người thân còn lại quanh mình, từ đó mà học cách yêu tất cả mọi người.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn (29 tuổi ), sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, Quảng Bình.
Tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Hà Nội năm 2016 (ngành bác sĩ đa khoa)
Năm 2019, tốt nghiệp bác sĩ chuyên Khoa I (thuộc dự án 585 ), chuyên ngành nội khoa
Từng công tác tại Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM)
Tác giả hai tập sách: "Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn và những chuyện chưa kể" (2016), "Những đứa trẻ không bao giờ lớn" (2018).
Sở hữu gần 50.000 người theo dõi trên Facebook.
Theo thanhnien
Ngày thầy thuốc Việt Nam: Bàn thêm về "Lương y kiêm từ mẫu" Từ xưa cha ông ta đã truyền tụng câu nói: " Lương y kiêm từ mẫu" để ngợi ca vai trò của người thầy thuốc. Trong các ngành nghề, ít ai được so sánh với mẹ hiền như thế. Nếu Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, thì cái nghĩa, cái tình của người thầy thuốc đối với bệnh nhân cũng chẳng...