Xúc động đám cưới vắng chú rể của cô giáo mầm non với người lính biển
Na mặc áo cô dâu, nhận lời chúc phúc của gia đình, bè bạn nhưng lòng như lửa đốt bởi chú rể đang còn lênh đênh trên biển…
Ngày cưới, người thân và bạn bè vui mừng chúc phúc Na, cô giáo mầm non đẹp người đẹp nết, có một tình yêu đẹp, chung thủy với người lính Hải quân đang công tác tại Trường Sa. Nhưng trong ngày cưới, lòng Na như lửa đốt, bởi chồng cô – Thượng úy Nguyễn Văn Đức đang lênh đênh trên biển.
Tình cờ qua một thầy giáo, chúng tôi biết được chuyện tình đầy thử thách tình yêu của cô giáo mầm non Dương Thị Ly Na (sinh năm 1993, xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị) với người lính biển, Thượng úy Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1993, Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Trên hôn trường, mình cô dâu Ly Na cầm hoa, còn chú rể đang lênh đênh ngoài biển. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ngày 12/7, cũng là ngày cưới, không như những cặp đôi khác, ngày cưới Na cặp đôi chưa kịp chụp ảnh cưới, lễ thành hôn không cắt bánh, không rót rượu, không chén giao bôi và cũng chẳng có tiết mục trao nhẫn cưới, người đến dự đám cưới thương Na, thương chú rể Thượng úy Hải quân Nguyễn Văn Đức đang trên đường từ Trường Sa trở về.
Khi bạn bè người thân đã về bớt, chúng tôi mới có thể trò chuyện với cô giáo mầm non và cũng là cô dâu đặc biệt Dương Thị Ly Na.
Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi về cô giáo Na đó chính là niềm tin mãnh liệt vào tình yêu cô dành cho chồng – người lính Hải quân đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Với Na, Trường Sa tuy xa nhưng đang về thật gần. Na bảo, có lẽ ông trời đang thử thách đôi trẻ bởi cả hai đã định ngày cưới từ rất lâu, tất cả đã sắp xếp hết.
Đức cũng đã xin đơn vị về cho hơn 10 ngày, trong kế hoạch, Đức sẽ có mặt ở nhà để chuẩn bị đám cưới trước 3 ngày.
Thế nhưng, thời tiết không thuận lợi, tàu vừa rời đi được 2 ngày thì thời tiết xấu, buộc phải quay về đảo.
Vậy là chuyến tàu chở chú rể từ Trường Sa trở về đất liền xây hạnh phúc ấy lại phải tạm hoãn.
Đến ngày 12/7, mọi thứ đã chuẩn bị sẵn, chỉ còn chú rể là chưa thể trở về.
Bạn bè đến chúc phúc Ly Na nhưng lòng cô như lửa đốt. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đôi trẻ phải chịu thử thách ngay từ khi yêu, họ yêu xa và tâm tình với nhau qua điện thoại, internet.
Nói về tình yêu của mình, Na chỉ nói rất ngắn gọn, giữa chúng em chỉ có tình yêu thôi và trong lúc trò chuyện với chúng tôi, Ly Na cũng nhắc lại rất nhiều lần câu nói đó.
Gặp nhau qua sự giới thiệu của một người bạn, đôi trẻ bằng tuổi đã cảm mến nhau ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Họ hẹn hò nhau qua những đêm dài nhung nhớ khi Đức theo học tại Học viện Hậu Cần, còn Ly Na ngày ngày nuôi ước mơ cô giáo mầm non ở Đại học Sư phạm Huế.
Sau 6 năm tìm hiểu qua… công nghệ, họ thấy mình quá thấu hiểu nhau và quyết định về chung một nhà để xây dựng tổ ấm.
Bức hình hiếm hoi hai người chụp chung. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cả hai đã lên kế hoạch ăn hỏi từ cách đây cả năm, nhưng sau ăn hỏi ấy, Đức nhận nhiệm vụ mới ở Trường Sa.
Hai người lại một lần nữa phải biền biệt nghìn trùng vì nhiệm vụ, Đức ra đầu sóng ngọn gió, giữ từng tấc đất hải đảo của Tổ quốc, còn Ly Na về với tiếng ê a của lớp học mầm non trong làng.
Dù xa cách ngàn trùng nhưng Ly Na vẫn một lòng chung thủy với chàng lính Hải quân đang ngày đêm biền biệt trên ngọn sóng.
Khi được hỏi vì điều gì giúp Ly Na và Đức giữ được tình yêu dù xa cách như vậy, Ly Na cho biết, giữa họ chỉ có tình yêu và sự tin tưởng đã dẫn đến việc họ quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình.
Video đang HOT
Ngày cưới, dù lòng như lửa đốt nhưng Ly Na tâm sự: ‘Em bây giờ còn gia đình, bạn bè, người thân động viên, chỉ thương anh ấy đang lênh đênh giữa biển…. Bây giờ em phải làm hậu phương vững chắc cho chồng em thôi’.
Ly Na cũng cho biết, Ly Na nhìn vào các thế hệ trước để giữ vững niềm tin với chồng.
Biết là Đức cũng vì nhiệm vụ nên mình ở nhà động viên anh giữ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ, còn Na sẽ trở thành hậu phương vững chắc cho Đức.
Ngày đôi trẻ thành hôn, dẫu không có chú rể đứng cạnh dẫn tay Na vào hôn trường, không được trọn vẹn như những cặp đôi khác nhưng với niềm tin của mình, cô giáo mầm non Ly Na cho biết, đôi trẻ ấy sẽ vượt qua tất cả để xây dựng hạnh phúc.
Đã có rất nhiều lời chúc hạnh phúc từ các bạn trẻ phương xa dành cho hai vợ chồng Na khi họ được nghe câu chuyện của Na dù họ chưa một lần gặp mặt.
Theo giaoduc.net.vn
'Tụi trẻ bây giờ lạ, đám cưới tốn tiền mà không truyền thống'
Tự bỏ tiền và tổ chức theo cách riêng là mong muốn của nhiều người trẻ về "lễ cưới trong mơ". Tuy nhiên, các bậc cha mẹ thường phản đối, muốn làm chủ vì "phải giữ mặt mũi với người thân, họ hàng".
"Cháu có phải người tổ chức tiệc cưới cho con bác không? Đám cưới của tổng thống à mà cái gì cũng đắt thế? Nó là con trai bác, bác chưa đồng ý thì không tổ chức gì cả".
Đỗ Hoàng Anh nhận được cuộc gọi của bố chú rể cách ngày cưới của đôi uyên ương chừng một tuần. Gần 2 năm làm nhân viên tổ chức tiệc cưới ở Hà Nội, Hoàng Anh (25 tuổi) gặp đủ tình huống dở khóc, dở cười.
Thế nhưng, lần lên kế hoạch đám cưới cho cặp vợ chồng cùng sinh năm 1989 quê Yên Bái vẫn là một trong những trải nghiệm khó quên nhất.
Đều có thu nhập khá, cô dâu - chú rể, đều làm việc ở Hà Nội, tổ chức lễ cưới lần đầu ở quê để tiếp họ hàng, bà con lối xóm. Còn lần hai tại Hà Nội thì mời đồng nghiệp, bạn bè của hai vợ chồng, đôi uyên ương tỏ ra "chịu chơi" khi đặt 40 mâm, có rượu xịn, bánh ngon và hơn cả là mời ca sĩ biểu diễn.
Mọi việc được thống nhất, chỉ đợi tới ngày cử hành hôn lễ thì Hoàng Anh nhận được cuộc gọi "sấm sét" của bố chú rể.
Người này dập máy trước khi Hoàng Anh hiểu chuyện gì xảy ra. Gọi cho Long, chú rể, để làm rõ sự tình, Hoàng Anh nhận được lời giải thích: "Hôm nay anh mới về quê cho ông bà xem cụ thể khâu tổ chức cưới lần hai. Vừa đưa cái bảng giá thì cả nhà hét lớn không đồng ý và nói là làm rạp cưới như ở quê được rồi. Tiền đâu mà mời ca sĩ".
2 ngày sau đó, Long hẹn gặp Hoàng Anh và lần này có thêm sự góp mặt của phụ huynh. Nữ nhân viên tổ chức tiệc cưới hy vọng thuyết phục được bố chú rể bởi không thể hủy kế hoạch sát nút ngày diễn ra vì lý do "kỳ cục" như vậy.
Buổi "thương thảo" diễn ra gần 3 tiếng đồng hồ. Kết quả, Long vẫn được gia đình chấp thuận cho tổ chức tại khách sạn với điều kiện bỏ khoản mời ca sĩ và bỏ luôn cả đêm tân hôn trị giá 6 triệu đồng tại đây.
"Cưới xong về nhà ngủ. Nhà có rồi, ngủ lại đây làm gì để mất thêm 6 triệu bạc", bố Long nói.
Và trường hợp của Long không phải "ca khó" duy nhất Hoàng Anh gặp. Cô nói không ít cặp cô dâu - chú rể muốn chi mạnh tay cho đám cưới nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt.
Cũng là người trẻ, Hoàng Anh hiểu vấn đề nằm ở quan điểm khác biệt của hai thế hệ.
"Các bạn trẻ thường muốn đám cưới của mình thật đáng nhớ với suy nghĩ 'dịp trọng đại phải làm cho thật hoành tráng'. Trái lại, các ông bố, bà mẹ cho rằng cưới có một ngày, đầu tư hết cỡ làm gì cho tốn kém, mà nên để tiền đó lo cho con cái, cho cuộc sống sau này", Hoàng Anh nói.
Thế hệ Y đời cuối và thế hệ Z muốn "thay đổi cuộc chơi" theo cách của riêng họ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyện hôn nhân. Ảnh: Chiara Ferragni.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giá trị mà thế hệ Y đời cuối và thế hệ Z (những người sinh vào giữa thập niện 90 trở về sau) tìm kiếm nằm ở việc được tự do là chính mình, được thỏa sức sáng tạo, được tự thân quyết định con đường mình đi chứ không phải là một phần của khuôn mẫu được định sẵn nào đó.
Những người này muốn "thay đổi cuộc chơi" theo cách của riêng họ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyện hôn nhân.
Giáo sư Jose Luis Nueno của Trường Kinh doanh IESE thuộc Đại học Navarra (Tây Ban Nha) khẳng định trong nghiên cứu của mình về các cô dâu thuộc thế hệ Y (Gen Y hay Millennials, sinh năm 1981-1996), thế hệ Z (Gen Z, hiện chiếm 6% số lượng cô dâu) rằng họ sẽ xem "trải nghiệm mang tính cá nhân hóa" là ưu tiên hàng đầu.
Theo khảo sát của The Knot - một thương hiệu chuyên lập kế hoạch cho các đám cưới, 92% bạn trẻ trong độ tuổi 14-23 tham gia khảo sát muốn tự bỏ tiền ra tổ chức lễ cưới mà không xin cha mẹ.
Bên cạnh đó, 87% muốn lễ cưới mang dấu ấn của chính họ, có thể chỉ thêm chút phá cách vào đám cưới truyền thống từ thời ông bà, cha mẹ họ hay kết hợp văn hóa của nhiều nước. Trong đó, gần 24% muốn sáng tạo những điều hoàn toàn mới mẻ.
Dù muốn thay đổi ít hay nhiều so với thế hệ trước, xu hướng này được gọi là "đám cưới đề cao tính cá nhân".
Cô dâu mặc váy cưới có túi, đi giày thể thao
Mường tượng về đám cưới trong tương lai, Jennifer Boyd (18 tuổi, ở bang Massachusetts, Mỹ) nói sẽ đưa dấu ấn cá nhân vào tất cả sự kiện cưới, từ bữa tiệc chia tay đời độc thân đến hôn lễ chính.
Nữ sinh viên nói rằng cô sẽ tự viết ca khúc cho chồng tương lai trình diễn tại buổi tiếp đón khách khứa hai bên.
"Tôi muốn đám cưới thể hiện cá tính riêng của mình và chồng. Nếu như chúng tôi cùng có niềm đam mê âm nhạc và khả năng trình diễn, đó sẽ là phần không thể thiếu. Quan trọng là hai đứa có thời gian tạo kỷ niệm đáng nhớ trong đám cưới, thay cho rất nhiều lời hứa hẹn", Boyd nói.
Nền tảng mua sắm Lyst đưa ra báo cáo về xu hướng tổ chức đám cưới trong năm 2019 dựa trên việc phân tích hành vi mua sắm trực tuyến của hơn 5 triệu người/tháng đối với mặt hàng thời trang của hơn 12.000 nhà thiết kế và cửa hàng online.
Theo đó, đám cưới hiện nay thường mang dấu ấn cá nhân, là dịp ghi lại những thước ảnh chuyên nghiệp và tràn ngập hashtag trên mạng xã hội. Xu hướng thời trang trong lễ cưới cũng trông thấy rõ sự thay đổi so với thế hệ trước.
Cô dâu thời hiện đại phá cách trong việc lựa chọn trang phục cưới. Lễ phục có túi và giày thể thao là hai trong số đó. Ảnh: Oakandblossom, Instagram.
Trang phục cưới không còn đơn thuần là đồ có màu trắng tinh khiết, khăn voan hay giày cao gót, các cô dâu thế hệ mới chọn cho mình nhiều phong cách thú vị hơn thế hệ trước. Váy cưới có túi là một trong số đó.
Bên cạnh đó, các cô dâu cũng không muốn hành hạ đôi chân của mình cả ngày dài với giày cao gót. Họ chuyển sang mang giày thể thao màu trắng trong ngày trọng đại của mình với xu hướng tìm kiếm "giày trắng" tăng 61% mỗi năm.
"Cưới một lần thì phải chơi cho lớn"
Cũng như giới trẻ nước ngoài, xu hướng "cá nhân hóa đám cưới" cũng tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người thuộc lứa 9X đời giữa hay Gen Z ở Việt Nam.
Trước khi "về chung một nhà" vào đầu năm nay, Đình Huy (29 tuổi, kiến trúc sư ở Hà Nội) và Linh Nga (26 tuổi, nhân viên ngân hàng) có 2 năm vun đắp tình cảm và tích cóp tiền mua nhà, xe.
Nhớ lại khoảng thời gian chuẩn bị cho lễ cưới, Huy - Nga cùng lên ý tưởng cho một đám cưới trong mơ như tổ chức ở đâu, số lượng khách thế nào, mời ca sĩ ra sao, tuần trăng mật sau đó phải đặc sắc cỡ nào...
Ban đầu, trong tưởng tượng của cả hai, việc đề cập chuyện cưới xin với gia đình chỉ mang tính chất thông báo, bởi họ nhận được sự ủng hộ lớn từ ngày đầu quen nhau.
Tuy vậy, có một bất đồng lớn, nằm ngoài tầm kiểm soát của Huy xảy ra.
Huy sinh ra trong gia đình truyền thống ở Hà Nội, bố mẹ là viên chức đã về hưu. Là cháu đích tôn của dòng họ, Huy ở cùng bà nội, xung quanh là cô, dì, chú, bác đủ cả. Cũng vì điều này, gia đình Huy đề nghị anh tổ chức hôn lễ ở nhà văn hoá.
Theo bà nội Huy, đó là phương án hợp lý nhất khi vừa tiết kiệm chi phí, vừa để bà con lối xóm, họ hàng đi lại thuận tiện hơn.
Tất nhiên, Huy - Nga phản đối dữ dội điều này. Mong mỏi lớn nhất của họ là có đám cưới cổ tích. Tổ chức ở nhà văn hoá đồng nghĩa với việc ước mơ bao lâu "đổ sông đổ bể".
Trong buổi họp gia đình, Huy thẳng thắn nói: "Đám cưới của con cũng là chuyện cả đời, chuyện hệ trọng nhất từ trước tới giờ của con. Con mong bà và bố mẹ ủng hộ. Con cũng không muốn làm vợ hụt hẫng".
Chàng trai cũng nói thêm mình sẽ chi trả toàn bộ chi phí tổ chức lễ cưới.
Nhiều cô dâu - chú rể muốn tổ chức lễ cưới theo ý tưởng của riêng mình nhưng không nhận được sự đồng tình của cha mẹ. Ảnh: Nguyễn Minh.
Không nằm ngoài dự đoán của Huy, bà nội, bố mẹ anh thất vọng ra mặt. Họ nói Huy mới kiếm được tiền đã cãi lại gia đình. Cả vợ anh cũng bị chì chiết là thích khoe mẽ, không biết tiết kiệm cho chồng.
Tuy nhiên, Huy là chủ đám cưới, cũng đứng ra chi trả tất cả nên gia đình buộc nghe theo. Vì bất đồng quan điểm với người lớn, Huy - Nga tự lên kế hoạch cho ngày trọng đại của mình.
"Trong cái rủi có cái may. Tư duy hai thế hệ vốn khác nhau nên việc người lớn không góp ý giúp mình thoải mái đưa ra quyết định. Điều quan trọng nhất, đám cưới của mình thì mình phải là người định hướng tổ chức, nếu không sau này sẽ ân hận lắm ", Linh Nga nói với Zing.vn.
"Phải nghĩ tới mặt mũi của cha mẹ"
Trước xu hướng "tụi con muốn tự lo lễ cưới" của người trẻ Việt hiện nay, nhiều phụ huynh dường như chưa sẵn sàng, nhất là khi trong tư tưởng của họ, đám cưới của con "luôn phải ngó bà con, họ hàng".
"Cái gì làm đám cưới ở Sài Gòn? Không được đâu bây ơi. Mày về đây nói chuyện với mẹ gấp", cô Nguyễn Hồng Nga (50 tuổi, Bạc Liêu) nhớ lại lời nói với con trai từ hơn một năm trước. Lúc này Chí Vĩnh - con trai thứ ba của cô - vẫn chưa cưới vợ và ngỏ ý muốn làm đám cưới ở Sài Gòn để "tiết kiệm chi phí với thời gian".
Sau hơn 15 phút nói chuyện qua điện thoại, hai mẹ con vẫn mỗi người một ý.
"Mày đừng nói nhiều, một là sắp xếp về đây nói chuyện với ba mày. Hai là mày tự làm đám cưới trên đó mà không có mặt ba mẹ", cô Nga nói.
Một tuần sau cuộc trò chuyện, Chí Vĩnh (28 tuổi, kinh doanh tự do tại TP.HCM) dẫn người yêu về nói chuyện trực tiếp với cha mẹ tại quê nhà.
"Con thấy đám cưới mình làm đơn giản cũng tốt mà mẹ. Làm đám hỏi cũng mất 2 ngày, đám cưới 2 ngày, chưa kể nhiều nghi lễ rườm rà, tốn kém và mất thời gian lắm", Vĩnh nói với cha mẹ.
"Vậy mày chui từ dưới đất lên hay sao? Đi Sài Gòn được vài năm quên mất ông bà tổ tiên rồi hả?", cô Nga đáp.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng giới trẻ thời nay "không giống ai" khi thích tổ chức đám cưới tốn kém và không hợp truyền thống. Ảnh:Davidbastianoni.
Chia sẻ với Zing.vn, cô Nga nói bản thân khi đó đã cố gắng kiềm chế cảm xúc để mọi chuyện giải quyết trong êm đẹp.
Đầu tiên, người mẹ phân tích cho con hiểu thế nào là lễ nghi, sự quan trọng của việc đứng trước bàn gia tiên, làm lễ với ông bà cha mẹ. Cuối cùng, cô chốt câu chuyện bằng câu nói đánh vào tâm lý con mình: "Mày không nghĩ cho mày cũng phải nghĩ tới mặt mũi của cha mẹ. Đừng để mẹ nuôi con cho lớn lại bị nói không biết dạy con".
Sau nhiều lần được cha mẹ "làm tư tưởng", Chí Vĩnh chấp thuận yêu cầu của cha mẹ. Hai tháng sau đó, lễ cưới diễn ra. Đến giờ, cô Nga vẫn tin thái độ quyết liệt của mình ngày trước là đúng.
Cô Thảo (47 tuổi, hiệu trưởng trường cấp 2 ở Vĩnh Phúc) cũng quyết tổ chức lễ cưới cho con trai cả theo sự sắp xếp của mình vào đầu năm 2018.
Với cô Thảo, hôn lễ đúng là chuyện trăm năm của con, nhưng khách mời của bố mẹ chiếm phần đa số. Đây không chỉ là dịp con trẻ về chung một nhà mà còn là lúc để người lớn ngoại giao. Chính vì thế, cô nói khâu chuẩn bị phải do bố mẹ kiểm duyệt.
"Tụi trẻ bây giờ lạ thật. Thích làm đám cưới ở nhà hàng, hát hò ầm ĩ, ăn uống cũng lạ. Vừa tốn tiền, vừa không truyền thống", cô Thảo nói với Zing.vn.
Dave Ramsay - chuyên gia tư vấn tài chính người Mỹ - từng nhận được câu hỏi từ khách hàng tên Anthony về việc anh và vợ sắp cưới chi 7.000 USD để trang trải đám cưới từ A-Z. Vấn đề nằm ở việc phụ huynh 2 bên không chi tiền, song vẫn muốn quyết một số hoạt động của buổi lễ và số lượng khách tham dự.
Nam chuyên gia khẳng định: "Tôi biết cha mẹ yêu bạn và họ mong muốn lễ cưới là ngày tuyệt vời cho mọi người. Tuy nhiên, đây là đám cưới của hai bạn, không phải của họ".
Để dung hòa ý kiến giữa con cái và phụ huynh, Ramsay khuyên cô dâu - chú rể có thái độ lịch sự và nhẹ nhàng khi giải thích với cha mẹ rằng hai người đã dự trù bao nhiêu ngân sách đủ cho bao nhiêu khách mời, cũng như lễ cưới sẽ có những hoạt động thú vị nào.
"Lắng nghe lời góp ý của cha mẹ, cân nhắc tính hợp lý, nhưng quyết định là ở bạn", Ramsay kết luận.
Thiên Nhi - Dương Ong - Trọng Huy - Minh Hồng
Theo Zing
Bị bắt uống cả bàn rượu mới được rước dâu, chú rể đành chùn bước quay lưng nhưng sự thật lại bất ngờ làm sao Những bức ảnh về 1 chú rể chùn bước quay lưng khi bị bắt uống cả khay rượu mới được rước dâu đã khiến dân mạng không khỏi xôn xao. Mới đây, những bức ảnh ghi lại màn thách uống rượu trước khi đón dâu ở Lạng Sơn đã trở thành tâm điểm chú ý của dân mạng. Theo đó, chú rể phải...