Xuất ngoại bắt kẻ mang lệnh truy nã quốc tế
Trên chuyến bay về nước, trùm cờ bạc “Hạnh Sự” có 40 đàn em, bạn bè đi cùng. Tránh sự kiểm soát, người này thường xuyên đổi chỗ ngồi trên máy bay và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo.
Khi máy bay cất cánh đi Bắc Kinh (Trung Quốc) để bàn giao 2 kẻ bị truy nã đỏ quốc tế cho nước bạn về tội Buôn lậu tài sản với hơn 4.500 tấn than chì, đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an hôm đó ngồi lặng lẽ ở hàng ghế cuối. Ngoài thượng tá Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng 4 (Cục C52), thiếu tá Vũ Ngọc Anh (C44) còn có sự góp mặt của hai nữ cảnh sát xinh đẹp là đại úy Đỗ Thị Quỳnh Phương, Phó Phòng 2 và trung úy Đặng Thùy Linh, cán bộ Phòng 2 (C55).
Đại úy Phương nói, do thạo tiếng Trung nên chị cùng trung úy Linh đảm nhận luôn việc phiên dịch trong suốt chuyến đi. Lúc đầu họ cũng bị áp lực vì cả 2 kẻ mang lệnh truy nã người đều to con, trong đó một người là võ sư. Tuy nhiên, do có kế hoạch từ trước nên các thành viên trong đoàn ai cũng chủ động để đảm bảo an toàn cho bản thân, kẻ bị truy nã cũng như các hành khách đi trên chuyến bay đó.
Lực lượng Cảnh sát Việt Nam dẫn giải kẻ bị truy nã Lê Thị Kim Dung tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Theo lời kể, suốt chặng đường, tội phạm không có biểu hiện chống đối. Việc bàn giao tội phạm của đoàn công tác đều diễn ra suôn sẻ, theo đúng luật định.
Không riêng chuyện bàn giao, việc xuất ngoại truy bắt, dẫn giải kẻ mang lệnh truy nã về nước cũng nhiều gian truân. Thượng tá Hà Văn Hường, Trưởng phòng 1, Cục C52 nhớ lại, trung tuần tháng 12/2012, sau khi làm xong mọi thủ tục để đưa kẻ mang lệnh truy nã quốc tế Hoàng Minh Đức (55 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Du lịch Hàng không) từ Bờ Biển Ngà về nước, bất ngờ một người phụ nữ Việt chạy vào khu hành lý kêu khóc. Bộ phận an ninh hãng hàng không Emirates đã trả lại hành lý, không cho Đức lên máy bay vì lo ngại vấn đề an toàn.
Video đang HOT
Thượng tá Hường bảo, đêm chờ để đưa Đức về nước anh đã phải thức trắng. Mọi việc trở nên khó khăn hơn khi hãng hàng không chỉ chấp nhận khi có 2 sỹ quan an ninh của hãng đi cùng với chi phí phải trả là 12.000 USD. Cách xa tổ công tác hàng vạn dặm, thiếu tướng Nguyễn Dĩnh (Cục trưởng Cục C52) trằn trọc không ngủ được. Chuông điện thoại của ông đổ dồn dập.
Để đảm bảo cho đoàn và chi phí, tướng Dĩnh quyết định đổi lịch trình và đi chuyến bay của hãng Ethoepian Airline. Quá cảnh tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok), cảnh sát Thái Lan đã hỗ trợ đoàn, đưa Đức cấp cứu tại khu vực y tế sân bay khi anh ta có biểu hiện khó thở. “Về đến sân bay quốc tế Nội Bài chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì nhiệm vụ đã hoàn thành”, thượng tá Hường bộc bạch.
Cũng liên quan đến chuyện bắt kẻ mang lệnh truy nã, các trinh sát kể, sau khi bị phát lệnh truy nã về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thị Hạnh (tức Hạnh Sự, 55 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) đã chạy trốn sang Lào và đổi tên thành Phommalath Ketsana. Chuyện Hạnh thường xuyên từ Lào bay sang Singapore để có mặt tại các sòng bài đã được các trinh sát Phòng 4 Cục C52 nắm bắt.
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đoàn công tác gồm 4 người lên đường sang Singapore. Khi Đại sứ quán Lào có công hàm gửi các cơ quan chức năng của Singapore về việc Phommalath Ketsana không mang quốc tịch Lào mà dùng giấy tờ giả để nhập cảnh Singapore, hộ chiếu Hạnh dùng để xuất nhập cảnh đã bị hủy giá trị, tổ công tác triển khai nhiều kế hoạch để có thể đưa Hạnh về nước ngay sau khi bị tòa án Singapore xét xử.
Các điều tra viên nhớ lại, sáng 5/6/2012, ngay sau khi Tòa án Havelock Square tuyên án cho Hạnh tại ngoại, Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore đã ra lệnh bắt giữ, đồng thời trục xuất Hạnh ra khỏi lãnh thổ Singapore. Hạnh không ngờ rằng, trong những người ngồi dự phiên tòa có mặt một tổ công tác đặc biệt của lực lượng cảnh sát Việt Nam.
Chiều 7/6/2012, Cục Xuất nhập cảnh Singapore đã áp giải Nguyễn Thị Hạnh ra sân bay Changi (Singapore) để trục xuất về Việt Nam. Trên chuyến bay đưa Hạnh về nước có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè của bà ta. Nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo. Song, mọi hành vi đều bị các trinh sát ngồi trên máy bay đưa vào tầm ngắm.
Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, 7 ôtô chở khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đã tập kết tại địa điểm được phân công. Nhiều người thân của Hạnh cũng xuất hiện tại sân bay. Cuộc chạm trán giữa lực lượng bắt Hạnh và nhóm giải cứu cho bà ta là cuộc đối đầu quyết liệt nhưng do có kế hoạch trước nên mọi việc diễn ra đều suôn sẻ.
Biết không thể thoát tội, Hạnh đã theo chân các trinh sát xuống nhà ga bằng lối đi đã được bố trí trước. Đến nửa đêm, khi Hạnh được đưa vào trại giam, đàn em của người phụ nữ này mới biết chuyện.
Theo dantri
Kiều nữ xứ Lạng và những vụ trộm cắp siêu hạng
Xuất hiện ở tòa với cặp kính cận thời trang và mái tóc buộc kiểu đuôi gà, Lương Thị Thanh mang vẻ xinh tươi của một sinh viên con nhà khá giả. Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài ấy lại là một tay trộm cắp siêu hạng.
Lừa lấy lòng tin để trộm cắp
Phiên xét xử Lương Thị Thanh (SN 1994, trú ở xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) theo tội "Trộm cắp tài sản" diễn ra vào chiều muộn ngày 19-12, do tòa phải đợi người đại diện hợp pháp của bị cáo có mặt. Thời điểm này, Thanh đã bước vào tuổi 18, nhưng pháp luật vẫn buộc phải xem xét tội phạm của cô ta từ hồi còn là "trẻ con". Bị dẫn giải tới tòa, nhưng Thanh vẫn xúng xính trong chiếc khoác mũ lông hàng hiệu và chiếc quần âu là "cháy" ly. Đối lập với sự ăn diện của kiều nữ - ông Lương Văn Phương (bố của Thanh) lại lặn lội đến tòa trong bộ dạng mệt mỏi.
Lương Thị Thanh bần thần ngồi đợi tòa ra tuyên án
Cùng với cáo trạng truy tố sau khi phiên xử bắt đầu, kiều nữ đã nói về mánh lới trộm cắp của mình. Cuối năm 2009, Thanh lên mạng Internet tán gẫu và nhanh chóng quen được nam sinh viên một trường đại học. Ngỏ lời "kiếm hộ" bộ trang phục cảnh sát, kiều nữ lập tức được anh chàng kia giúp đỡ. Thế rồi kiều nữ "đóng bộ", chụp hình và đưa lên mạng với những lời trích dẫn "mùi mẫn" và cái tên Trần Thị Hồng Nhung. Nhờ vẻ ngoài hiền lành và tấm "bình phong" cảnh sát, Thanh dễ dàng làm quen, tiếp cận một số người, để từ đó thừa cơ "cuỗm" tài sản, rồi lặn mất tăm.
Một trong những nạn nhân là vợ chồng anh Nguyễn Hồng Thanh, trú ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hồi tháng 8-2010, Thanh lên mạng làm quen với anh Nguyễn Văn Luyện, sinh viên trường Sỹ quan Chính trị Bắc Ninh. Ngay trong lần đầu tán chuyện, Thanh đã tự giới thiệu đang làm việc tại Cục Hình sự - Bộ Công an. Ngày 8-11-2010, kiều nữ "mò" về Bắc Ninh với lý do đi công tác. Thanh được Luyện đưa đến nhà anh Hồng Thanh (chỉ huy của Luyện) chơi. Được chủ nhà nhiệt thành giữ lại ít ngày, Thanh đã lén mở tủ lấy cắp 5 chỉ vàng, trước khi "mất dạng".
Cùng thời điểm thực hiện vụ trộm cắp trên, tháng 10-2010, Thanh lại tự giới thiệu đang công tác tại CAQ Tây Hồ để làm quen với chị Lê Thị Thanh Vân ở Quảng Ninh. Ngày 3-11-2010, kiều nữ tìm về đất mỏ vì lý do "công vụ". Ăn ở tại nhà chị Vân, Thanh phát hiện gia chủ thường để chiếc ví hớ hênh, bên trong có 17 triệu đồng. Nhân lúc chị Vân ra ngoài, kiều nữ xứ Lạng liền cất ngay vào túi mình và tức khắc rời khỏi hiện trường... Theo lời trần tình của Thanh, ngoài những vụ trộm cắp "siêu hạng" này, cô ta còn gây ra nhiều vụ trộm cắp máy tính xách tay nữa, khi thì ở các quán cà phê, lúc lại ở một vài nhà trọ. Và hầu hết những lần "chôm chỉa" tài sản ấy, kiều nữ đều nhận mình là cảnh sát hòng chiếm được sự tin tưởng tuyệt đối của bị hại.
Trượt dài vì hoàn cảnh?
Trình bày về các tang vật trộm cắp với tòa, Thanh lý nhí: "Bị cáo đã bán đi và ăn tiêu hết cả". Lúc vị hội thẩm căn vặn: "Bị cáo thấy hành vi của mình đáng xấu hổ không? Ở tuổi của bị cáo lẽ ra phải ra sức học tập và cống hiến cho xã hội, đằng này lại chuyên đi lấy cắp tài sản của người khác. Bị cáo nghĩ sao?". Lương Thị Thanh chỉ cúi đầu im lặng.
Giờ tòa nghị án, chúng tôi tranh thủ tiếp xúc Thanh. Với mánh lới cực kỳ tinh vi khi gây án, ngỡ tưởng Thanh từng được học hành "đến đầu đến đũa". Ai dè, cô ta mới chỉ học hết lớp 5. Năm 2004, Thanh vừa bước vào lớp 6 thì mẹ đột ngột qua đời. Ít ngày sau Thanh bỏ học, rồi bỏ luôn cả bố, chị gái và em trai để về Sóc Sơn sống với ông bà ngoại. Cũng kể từ thời điểm đó, Thanh thường xuyên "dạt" nhà xuống Hà Nội. Những ngày đầu "tự lập", Thanh đi bán quần áo thuê. Nhưng chỉ sau một lần "chôm" được tài sản của người khác một cách dễ dàng, cô ta bắt đầu trượt dốc. Trong lúc chờ tòa Đống Đa đưa vụ án ra xét xử, Thanh bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên đã bị công an truy bắt theo lệnh truy nã, ngày 27-7.
Ngoài trời nhá nhem tối, lất phất mưa phùn, trong phòng xử án, Lương Thị Thanh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 tháng tù giam. Nhìn kiều nữ lầm lũi bước ra xe chở phạm, trong lòng chúng tôi cứ canh cánh một điều, liệu sau này mãn hạn tù, Thanh có thoát khỏi câu ca: "Ăn trộm quen tay, ăn mày quen ngõ"!?
Theo 24h
Phá ổ bạc "khủng": Lộ nhiều "trùm" khét tiếng Giới cờ bạc và giang hồ miền Bắc không lạ gì sới xóc đĩa chùa Dận, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ hàng chục năm nay. Trước đây, gần sới bạc này có sới Minh "săng" do con bạc tên Minh cầm trịch Qua nhiều năm với không ít biến cố, ngôi vị ông trùm cờ bạc Từ Sơn thuộc về...