Xuất khẩu vũ khí của Nga “đổ xô” sang Châu Á
Việc Nga xích lại gần Châu Á không chỉ về năng lượng. Phần lớn các lĩnh vực của nền kinh tế Nga, đặc biệt là tài chính và quốc phòng, giờ đây, tìm cách hướng sang phía đông, theo RFI.
Vũ khí cũng như khí tài Nga được nhiều quốc gia Châu Á ưa chuộng. Ảnh Ria Novosti
Nhật báo Nga Novyie Izvestia, ngày hôm qua, 04/09/2014, dự báo, lĩnh vực quốc phòng Nga sẽ đổ xô sang phía Đông : Moscow bắt đầu nhìn sang Trung Quốc, thay vì Hoa Kỳ hay Liên hiệp Châu Âu, để tìm nguồn cung ứng các thiết bị điện tử cần thiết cho chương trình hiện đại hóa quân đội và tờ báo bình luận: Người ta có thể tự hỏi về tính khả tín của các thiết bị điện tử này .
Mùa hè vừa qua, báo chí Nga đã nói đến việc đóng băng một số các hợp đồng được ký kết với tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Mỹ Cisco, phục vụ cho quân đội Nga và trị giá hàng triệu đô la.
Do cấm vận của Châu Âu, chi nhánh hàng không giá rẻ Dobrolet thuộc công ty hàng không Aeroflot không thể thuê được máy bay tại Châu Âu. Hiện nay, công ty này quay sang tìm thuê máy bay tại Singapore, để thay thế.
Tại Nga, các ngân hàng của Nhà nước đang rất thiếu vốn, do không tiếp cận được thị trường Châu Âu. Các ngân hàng này phải nâng lãi suất cho vay đối với toàn bộ các doanh nghiệp Nga, làm tăng chi phí đầu tư.
Công ty thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor’s nhận định, đối với các công ty Nga đang tìm kiếm nguồn tài chính mới, các thị trường Châu Á, có thể so sánh về mặt khối lượng với các thị trường Châu Âu, là những đối tượng hiển nhiên, do chính sách đối ngoại của Nga .
Tuy nhiên, cần có thời gian và công sức, thì các doanh nghiệp Nga mới trở thành những người đi vay thường xuyên. Hiện nay, các doanh nghiệp này ít được biết đến tại Châu Á .
Theo các nguồn tin báo chí, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau, như công ty khí đốt Novatek, viễn thông MegaFon, hay khai thác quặng mỏ Norilsk Nickel, dường như đã chuyển đổi một phần dự trữ ngoại tệ của mình sang đô la Hồng Kông, do Nga bị phương Tây trừng phạt.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Anh Barclays đánh giá, tổng nguồn tiền Nga trong hệ thống tài chính Hồng Kông có thể lên tới 67 tỷ đô la Hồng Kông (6,5 tỷ euro).
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, trong một hệ thống tài chính quốc tế kết nối, ít có khả năng là các ngân hàng Hồng Kông tổ chức huy động được vốn cho các doanh nghiệp bị Hoa Kỳ và Châu Âu trừng phạt và giới doanh nhân cũng sẽ lưỡng lự, cân nhắc cẩn thận, trước khi chấp nhận chi ra những khoản tiền lớn để đầu tư.
Theo NTD/Bizlive