Xuất khẩu tăng nhưng chưa hết lo
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2013 ước đạt 107,97 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch nhập siêu vẫn ở mức thấp.
Nông dân lo lắng khi giá cà phê giảm mạnh
Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, không vội mừng trước những con số lạc quan này.
Nông sản “trượt dốc”
Năm 2011, nông sản được coi là điểm sáng của xuất khẩu, đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhờ việc tăng cả lượng và giá so với năm 2010. Sang năm 2012, Bộ NN&PTNT cho biết, lần đầu tiên nông nghiệp xuất siêu hơn 10 tỷ USD, kể từ năm 1993. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản các tháng gần đây năm 2013 lại đang có chiều hướng không thuận lợi.
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 10 tháng năm 2013 đang bị “trượt dốc”. Tính chung 10 tháng, mặt hàng này xuất khẩu giảm 24% về lượng và 23,9% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trung tuần tháng 10-2013, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên được ví như đang “rơi tự do”, trong 3 ngày giảm 2 triệu đồng/tấn. Nông dân lo lắng không yên. Trên sàn giao dịch cà phê lớn quốc tế, giá cà phê cũng giảm thê thảm.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là gạo cũng giảm 14,1% về lượng và 16,9% về giá trị; Sắn và sản phẩm của sắn giảm 27,9% về lượng và 21,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Một số mặt hàng nông sản khác lại có tốc độ tăng trưởng thấp. Cụ thể, thủy sản tăng 6,2%; chè tăng 0,8% và hạt điều tăng 9,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, nông sản Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm từ các quốc gia khác. Nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, nếu Việt Nam không tranh thủ bán lúc được giá thì các nước xuất khẩu nông sản như: Brazil, Colombia, Indonesia… sẽ nhân cơ hội xuất khẩu cà phê, hoặc Thái Lan sẽ tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo.
21 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2013 ước đạt 107,97 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó có 21 mặt hàng vượt kim ngạch 1 tỷ USD và 11 nhóm hàng trong số này đạt kim ngạch hơn 2 tỷ USD.
Bà Phan Thị Diệu Hà- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng tưởng cao chủ yếu do các mặt hàng công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, đặc biệt mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện. Khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất khẩu 72,085 tỷ USD (kể cả dầu thô), tăng 22,3% so với cùng kỳ.
Bảng thống kê xuất nhập khẩu cả nước 10 tháng cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, thể hiện qua việc các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu là bông, vải, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép. Trên thực tế, một số doanh nghiệp ngành dệt may và da giày cũng đã ký kết các hợp đồng xuất khẩu cho cả các tháng đầu năm 2014. Ngoài ra, sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sản phẩm chất dẻo, linh kiện điện tử và một số mặt hàng tiêu dùng như: sữa, rau quả cũng tăng nhẹ.
“Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì kết thúc năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể đạt trên 131 tỷ, tăng trên 14% so với kế hoạch để ra từ đầu năm và kiểm soát nhập siêu có thể quanh mức 500 triệu USD”- bà Phan Thị Diệu Hà dự báo.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: đề nghị hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu; tổ chức giới thiệu về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để doanh nghiệp nắm bắt nội dung hiệp định, có bước chuẩn bị khi hiệp định được triển khai.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, nắm chắc thông tin thị trường có kế hoạch đàm phán tiêu thụ nông sản đúng mùa vụ. Người sản xuất, chế biến, xuất khẩu phải liên kết chuỗi tạo sản phẩm giá trị cao.
Hà Linh
Theo ANTD
Yêu cầu doanh nghiệp chưa tăng giá xăng, dầu
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối yêu cầu giữ nguyên giá bán.
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp chưa điều chỉnh giá, đồng thời giảm mức sử dụng quỹ bình ổn
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp xăng, dầu tiếp tục giữ nguyên giá bán các mặt hàng, trong điều kiện giá cơ sở đã vượt giá hiện hành trên 200 đồng/lít.
Bộ Tài chính cho biết, giá bán hiện hành của mặt hàng xăng RON 92 đang thấp hơn giá cơ sở là 204 đồng/lít. Trong khi đó mức chênh lệch của dầu diezel 0,05S đang là 592 đồng/lít. Với dầu hỏa và dầu mazut, giá cơ sở đang cao hơn giá bán lần lượt là 914 đồng/lít và 268 đồng/kg.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính quyết định giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu như hiện tại và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán.
Đối với mặt hàng xăng, cơ quan quản lý cho biết đã giảm mức sử dụng từ 300 đồng/lít xuống còn 200 đồng/lít, mặt hàng dầu hỏa cũng giảm mức sử dụng từ 800 đồng/lít xuống 700 đồng/lít.
Anh Tú
Theo ANTD
Thuốc lá điện tử: Chưa cho nhập đã tràn ngập thị trường Mặc dù là mặt hàng chưa được phép nhập khẩu và Bộ Công Thương mới đang đề nghị các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến về việc quản lý nhưng thuốc lá điện tử đã được bán tràn lan trên thị trường. Quảng cáo thuốc lá điện tử tràn lan trên mạng Cai nghiện bằng thuốc lá điện tử? Theo các...