Xuất khẩu rau quả kì vọng xác lập kỉ lục mới: Vẫn chưa hết lo
Với mức tăng trưởng kỷ lục trong tháng 4.2019, xuất khẩu rau quả được kỳ vọng sẽ xác lập được kỷ lục mới trong năm nay. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều cảnh báo cho ngành hàng này.
“Tươi” lại sau 2 tháng ảm đạm
Sau khi đạt mức thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2019 (bình quân 1 tháng chỉ đạt 292 triệu USD, giảm 9,7%), đến tháng 3.2019 xuất khẩu rau quả đã đạt 364,6 triệu USD, tăng 57,4% so với tháng 2, tính chung 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ giảm 2,1%.
Tháng 4 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu rau quả khi kim ngạch đạt gần 467 triệu USD, tăng 28% so với tháng 3. Do tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã cao trở lại trong tháng 3 và tháng 4, nên tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã tăng 7% (tương đương 92 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Mới qua 1/3 năm, nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã bằng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của năm 2018. Nói cách khác, nếu những tháng còn lại tăng với tốc độ như 4 tháng đầu năm thì cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt mốc 4 tỷ USD, đạt kỷ lục mới.
Xuất khẩu rau quả năm 2019 có thể đạt trên 4 tỷ USD. ảnh: internet
Nếu tăng trưởng cao như tháng 3 – 4.2019 thì quy mô cả năm còn được dự báo cao hơn nữa (bình quân kim ngạch xuất khẩu 1 tháng trong 8 tháng cuối năm 2018 chỉ đạt 311 triệu USD, trong khi bình quân 1 tháng trong 2 tháng 3 – 4 đạt 415,7 triệu USD).
Mặt hàng rau quả của Việt Nam trong 4 tháng qua đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới (khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ chủ yếu). Trong đó có 12 thị trường đạt trên 10 triệu USD, tăng 2 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Australia, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Pháp). Riêng thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất, lên đến 1,038 triệu USD. Có 19 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 10 thị trường tăng trên 1 triệu USD, với 4 thị trường tăng trên 5 triệu USD (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ).
Để đạt được kết quả trên có nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về sản xuất, nhiều diện tích trước đây được trồng các loại cây có hiệu quả thấp, khó khăn về thị trường… nay chuyển sang trồng rau quả; đã xuất hiện nhiều cơ sở ứng dụng khoa học – công nghệ cao để trồng rau hoa quả; công tác bảo quản, chế biến bước đầu được coi trọng.
Những cảnh báo đáng lưu ý
Bên cạnh những kết quả tích cực, kỳ vọng đạt kỷ lục mới, theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu rau quả cũng có những cảnh báo cần thiết đáng lưu ý.
Video đang HOT
Nhìn tổng quát, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng nhưng kim ngạch nhập khẩu rau quả còn tăng rất cao, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của xuất khẩu (42,8% so với 7%, cao gấp tới 6 lần). So với cùng kỳ năm trước, nếu mức tăng của kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 92 triệu USD, thì mức tăng của kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng tới 195 triệu USD, lớn gấp đôi.
Trong 16 thị trường nhập khẩu rau quả chủ yếu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019, chỉ có 6 thị trường giảm (Ấn Độ, Brazil, Campuchia, Lào, NewZealand, Malaysia), còn 11 thị trường tăng, trong đó có 10 thị trường tăng trên 1 triệu USD, đặc biệt, Thái Lan tăng 99,5 triệu USD, Trung Quốc tăng 41,7 triệu USD, Mỹ tăng 25,9 triệu USD, Chile tăng 23,2 triệu USD, Myanmar tăng 18,2 triệu USD, Australia tăng 12,9 triệu USD.
Trong 16 thị trường nhập khẩu trên, có 9 thị trường mà Việt Nam vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu.
Đó là cảnh báo về số lượng, quan trọng hơn là cảnh báo về chất lượng. Về mặt này, có một số điểm đáng lưu ý. Vấn đề quan trọng là vệ sinh an toàn thực phẩm phải bảo đảm theo yêu cầu, bắt đầu từ người sản xuất, người lưu thông. Vấn đề bảo quản cần được quan tâm để giữ được lâu, vận chuyển được xa mà không bị hao hụt.
Cần có thương hiệu riêng cho các mặt hàng rau quả. Ứng dụng kỹ thuật – công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất. Tăng cường chế biến để vừa nâng giá trị, vừa dễ bảo quản. Phát triển thị trường, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, nhưng phải quan tâm tới thị trường Trung Quốc vừa rộng lớn, vừa gần…, nhưng phải cải thiện khi Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch.
Theo Danviet
Từ sáng tới tối bầu bạn với rau, bỏ túi 500 ngàn đến 1 triệu/ngày
Nhiều năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã chú trọng xây dựng thành công nhiều mô hình rau an toàn, VietGAP, hữu cơ... nhằm tạo ra nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trong đó, rau sạch Tượng Sơn là sản phẩm đánh dấu sự thành công của ngành rau Hà Tĩnh, giúp nhiều nông dân có thu nhập khá và ổn định.
Trồng rau thời internet
Đầu năm 2019, Công ty CP Du lịch và Thực phẩm Sao Việt đã ký hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả cho HTX Hoàng Hà, xã Tượng Sơn để phục vụ cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và xuất khẩu đi thị trường châu Âu với sản lượng mỗi ngày 1,5 tấn rau, củ, quả các loại và có thể sẽ tăng lên khoảng 8 - 15 tấn/ngày vào cuối năm.
Trước đó, Công ty Sao Việt và chuyên gia CHLB Nga đã có nhiều chuyến khảo sát, đánh giá sản phẩm nông sản tại HTX Hoàng Hà. Ảnh: baohatinh
Đây là tin vui đối với bà con nông dân trồng rau ở xã Tượng Sơn, đồng thời mở ra cơ hội lớn để rau, củ, quả Hà Tĩnh vươn ra thị trường quốc tế.
Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Tượng Sơn - anh Dương Kim Tuấn, chúng tôi về với thôn Bắc Bình, nơi đây có vùng quy hoạch rau rộng 2,6 ha và gần 2 ha rau trồng trong vườn hộ. Với khẩu hiệu "Sản phẩm kết tinh từ tâm và công nghệ", đồng thời được hỗ trợ từ nhiều chính sách, sự quan tâm của các cấp chính quyền, năm 2011 đến nay, người dân xã Tượng Sơn đã không ngừng tiếp cận các công nghệ mới như giống mới, quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ, lắp đặt trạm báo thời tiết tự động, dán tem nhãn, đặc biệt là sử dụng công nghệ internet để quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường.
Thông qua hàng chục lớp đào tạo, tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng, lý thuyết kết hợp với thực tiễn đã xây dựng cho người dân Tượng Sơn một nền tảng kiến thức, kinh nghiệm thiết yếu trong sản xuất rau của mình.
Vùng sản xuất của HTX Hoàng Hà tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau, củ, quả VietGAP. Ảnh: baohatinh
Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng dưa chuột, bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Bắc Bình chia sẻ: Nhà tôi trồng hơn 2.000m2 rau, chồng làm Ví thư thôn nên đa phần thời gian là lo việc xóm làng, còn tôi cứ từ sáng đến tối bầu bạn với rau cũng mang lại nguồn thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày.
"Mỗi năm 3 vụ, mùa nào rau ấy, cứ vậy thành quen, giờ tôi cũng đã tích luỹ được nhiều "mẹo" để trồng rau ít sâu bệnh và cho nhiều quả. Đối với cây cho quả như cà chua, cà tím..., nếu muốn cây cho quả nhiều, to, đều, mẫu mã đẹp thì chỉ nên để 3 - 4 nhánh chính ở gốc; sau khi hái lứa quả đầu tiên phải bỏ bớt những lá mọc ban đầu, đặc biệt là các lá ở gốc để tạo độ thông thoáng, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh và nấm mốc. Cây bí xanh thì sau khi cây đủ 6 lá phải quấn quanh gốc, cứ mỗi mắt lá thì dùng đất lấp 1 mắt, để 1 mắt cho ra cành, khi cây có 3 đến 4 cành mới bắt nhánh lên giàn" - bà Thanh chia sẻ bí quyết trồng rau quả năng suất cao của mình.
Để có những bó rau chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất ngoại, nông dân Tượng Sơn và các cơ quan quản lý Nhà nước đã phải chuẩn bị trong thời gian dài. Trong đó, việc chuyển giao công nghệ sản xuất do Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh chịu trách nhiệm.
Chủ tịch Hội Nguyễn Xuân Tình cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, quy trình sản xuất, Hội chịu trách nhiệm giám sát và cung cấp tem, mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên từng bó rau.
Nhờ trồng rau sạch, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Thanh có thể thu về từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Người trồng rau ở Tượng Sơn cho biết, sản xuất rau hàng hóa khó ở chỗ mẫu mã đẹp thì người mua nghĩ là bón phân, phun thuốc, rau cằn cỗi lại không có người mua. Vậy nên quy trình chăm bón phải rất tỷ mỉ và cẩn trọng từ khâu làm đất, chọn giống đến phòng trừ sâu bệnh.
Riêng bón phân, bà con đã phải trải qua nhiều công đoạn cầu kì, cẩn thận. Phân chuồng là phân chủ đạo và được ủ vi sinh, hoai mục. Phân được bón vào các rãnh rồi lấy nước vào ngập rãnh, ngâm khoảng 12 tiếng, sau khi phân tan và ngấm hết vào đất thì tháo nước ra, như vậy phân sẽ không ngấm vào lá và quả.
Khâu ghọn giống cần lưu ý phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu thị hiếu của người dùng. Ở đây trồng giống bí xanh Tre Việt, quả vừa và đặc, còn các loại bí quả to quá hay nhỏ quá cũng hạn chế người mua. Cây giống ươm tập trung, rồi chọn cây to khỏe để trồng.
Khi đến ngày thu hoạch, rau quả phải được hái khi chưa có ánh nắng mặt trời, thường khoảng 2 giờ sáng người dân đã hái rau để tránh làm giảm chất lượng rau.
Rau, củ, quả tại Tượng Sơn được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Trọng Túc, Trưởng thôn Bắc Bình cho biết: Thôn có khoảng 5ha trồng rau ở vùng tập trung và các vườn hộ với gần 100 hộ, cho thu nhập bình quân khoảng 10 - 25 triệu đồng/tháng/hộ. Các hộ đều tuân thủ quy trình VietGAP và hữu cơ, sản phẩm được kiểm định chất lượng mới được dán tem nhãn, trong quá trình sản xuất các hộ kiểm soát lẫn nhau. Rau sạch Tượng Sơn đã có thương hiệu và thị trường nên người dân an tâm sản xuất và cũng ổn định thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Dương Kim Huy cho hay, hiện xã có 2 nhà máy sơ chế rau củ tại thôn Thượng Phú và Bắc Bình (do dự án WB7 đầu tư) để sơ chế nông sản trước khi xuất khẩu. Cũng để phục vụ xuất khẩu, ngoài đẩy mạnh phát triển sản xuất vườn hộ, xã đã quy hoạch 8 vùng sản xuất với tổng quy mô khoảng 100 ha. Theo năng suất hiện tại, sản lượng hàng ngày của xã đạt khoảng 4 - 5 tấn rau, củ, quả.
Đối chiếu với nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp, toàn bộ sản phẩm làm ra sẽ được tiêu thụ hết. Đây là tín hiệu rất vui với người dân xã Tượng Sơn nói riêng và nông dân Hà Tĩnh nói chung, bởi vấn đề tiêu thụ nông sản coi như được giải quyết.
Sau thời gian khảo sát, Công ty CP Du lịch và Thực phẩm Sao Việt (Hà Nội), HTX Hoàng Hà (xã Tượng Sơn -Thạch Hà) và Hội Làm vườn Hà Tĩnh tiến đến ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả E-VietGap.
Theo văn bản ký kết, mỗi ngày, HTX Hoàng Hà sẽ cung cấp cho nhà tiêu thụ khoảng 1,5 tấn rau - củ - quả các loại. Mức tiêu thụ có thể sẽ tăng lên khoảng 8 - 15 tấn/ngày vào cuối năm nay.
Số nông sản này sẽ được Công ty CP Du lịch và Thực phẩm Sao Việt cung cấp cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và xuất khẩu đi thị trường châu Âu.
Hiện nay, Công ty CP Du lịch và Thực phẩm Sao Việt đã thực hiện hợp tác với Công ty Công nghệ dinh dưỡng (Liên bang Nga) trong việc tiêu thụ rau củ quả cho nông dân Hà Tĩnh. Sản phẩm rau, củ, quả của nông dân sẽ xuất khẩu sau khi được sơ chế, đóng gói hoặc cấp đông tại Việt Nam.
Theo Danviet
Trái cây Việt Nam "vật lộn" cả sân nhà và sân khách Australia muốn thúc đẩy xuất khẩu nho tươi vào Việt Nam, trái việt quất của Mỹ cũng sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam trong thời gian không xa. Trái cây Việt đang đối mặt với áp lực cạnh tranh không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ở cả thị trường trong nước. Trái cây ngoại tấn công 3 nhà trồng...