Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt kỷ lục
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ. Ảnh (tư liệu): Danh Lam/TTXVN
Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%. Như vậy, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2022 đã vượt con số kỷ lục của năm 2021 là 48,6 tỷ USD.
Tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 4,27 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 11/2021 và giảm 0,2% so với tháng 10/2022. Trong số đó, nhóm nông sản chính 2,13 tỷ USD, tăng 10,3% so tháng 11/2021; lâm sản chính gần 1,2 tỷ USD, giảm 15,2%; thủy sản 750 triệu USD, giảm 17,5% và chăn nuôi 31,7 triệu USD, giảm 13,5%…
Tính chung 11 tháng năm 2022, nhóm nông sản chính xuất khẩu được trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi 361,4 triệu USD, giảm 8,4%; đầu vào sản xuất trên 2,2 tỷ USD, tăng 38,1%.
Đến nay, ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: cà phê trên 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su trên 2,9 tỷ USD (tăng 3%); gạo trên 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); hồ tiêu 895 triệu USD (tăng 3,2%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%), cá tra 2,2 tỷ USD (tăn gần 62%), tôm 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ 14,6 tỷ USD (tăng 9%)…
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27, 4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%.
Video đang HOT
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ 2 là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ 3 là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9%…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách “Zero COVID”, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với VNĐ và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn.
Mới đây, quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sau quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa… Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và các yêu cầu tạm thời đối với chanh leo sang Trung Quốc; yêu cầu nhập khẩu đối với bưởi xuất sang Hoa Kỳ cho các tổ chức các nhân liên quan tại các đại phương.
Đặc biệt, Bộ đàm phán các nội dung kỹ thuật để sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc; đồng thời phối hợp kiểm tra trực tuyến hàng tuần với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với mặt hàng chuối và sầu riêng. Đồng thời, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Australia, New Zealand…
Các đơn vị chuyên môn làm việc với thanh tra kiểm dịch thực vật Nhật Bản sang kiểm tra các cơ sở xử lý thanh long, xoài, nhãn của Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp kiểm dịch động thực vật mới của Việt Nam đã thông báo với WTO. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan liên quan đến Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng ước trên 41,22 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 25,21 tỷ USD, tăng 3,9%; nhóm hàng thủy sản ước 2,5 tỷ USD, tăng 39,7%; nhóm lâm sản chính 2,89 tỷ USD, tăng 4%; nhóm sản phẩm chăn nuôi trên 3 tỷ USD, giảm 3,2%…
Doanh nghiệp thủy sản tham vọng doanh thu nghìn tỷ
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, nhiều doanh nghiệp thủy sản đặt mục tiêu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
Thủy sản cũng là một trong những ngành được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tăng trưởng, dù thực tế vẫn còn khó khăn.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (IDI) ở khu công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7%. Đặc biệt, mặt hàng cá tra, sau nhiều năm gặp khó thì kim ngạch xuất khẩu quý này đã đạt 606 triệu USD, tăng tới 82%; tôm đạt 929 triệu USD, tăng 39,7%.
Cá tra cũng là sản phẩm chủ lực của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn khi đóng góp 617 tỷ đồng doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 mới diễn ra, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước và lãi sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 46%. Đây cũng là kế hoạch cao nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I cũng vừa công bố báo cáo thường niên năm 2021 với dự báo tình hình kinh doanh khả quan, doanh thu năm 2022 ước đạt 8.301 tỷ đồng, tăng 45% so với doanh thu đạt được năm 2021, dự kiến doanh thu từ cá tra fillet đạt gần 4.100 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ước tính tăng hơn 6 lần lợi nhuận năm 2021 lên trên 900 tỷ đồng; trong đó, mảng cá tra fillet vẫn mang lại khoản lợi lớn nhất 666 tỷ đồng.
Năm 2022 được giới phân tích kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi hoàn toàn. Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các thị trường sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ở mức cao so với năm 2021. Bên cạnh đó, thuế suất ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và các thị trường tiềm năng thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương như Mexico, Canada, Nhật Bản là những động lực then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cung ứng khác.
Cùng quan điểm này, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định, nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi COVID-19; trong đó, thị trường Mỹ đang tăng mạnh, các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập khẩu cá tra khi mà diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Mỹ vẫn đang giảm trong 3 năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ. Đây cũng là nhân tố chính cho đà tăng mạnh của ngành cá tra tại thời điểm hiện nay.
Thị trường Trung Quốc cũng sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022. BSC cho rằng Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong 2 năm dịch.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, quý II/2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều giữ mức tăng trưởng cao, nhất là châu Âu khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng như cá tuyết, cá minh thái bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Theo VASEP, khủng hoảng lương thực, thực phẩm cũng đang diễn ra ở châu Âu, giá cả tăng vọt do thời gian qua chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu bùng nổ, thị trường năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến thị trường lương thực toàn cầu đang "nóng". Lần đầu sau nhiều năm giảm sút, xuất khẩu cá tra sang EU tăng 86,2% so với quý I/2021 với giá trị xuất khẩu đạt 46,7 triệu USD. Giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn trong khối như: Hà Lan tăng 86%; Đức tăng 97%; Bỉ tăng 120%; Tây Ban Nha tăng 67%.
Tuy nhiên, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn khi TP Hồ Chí Minh thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu...
Theo tính toán của các chuyên gia VASEP, từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đã có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về. Như vậy, tổng mức đóng phí qua 1 trạm là 360.000 đồng/container, theo đó, 1 container hàng doanh nghiệp hiện đã trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng/container... Như vậy trung bình mỗi năm một doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa với 3.000 container xuất khẩu/năm phải trả thêm 7,5 tỷ đồng/năm tiền phí trạm BOT.
Nếu gánh thêm khoản phí mới này, một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP Hồ Chí Minh sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, hiện tại các cảng biển cũng đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng như: phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container... Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới phục hồi và phát triển sau dịch bệnh.
Trước đó, ngành thủy sản đã ghi nhận một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) bị "ăn mòn" lợi nhuận do phí cước tàu, vận chuyển. Cụ thể, luỹ kế năm 2021, doanh thu thuần của công ty ghi nhận tăng nhẹ 0,77%, lên mức 3.504 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 37%, về 127,8 tỷ đồng.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, không chỉ giá cước vận tải tăng, doanh nghiệp thủy sản đang đối mặt tình trạng phí chồng phí khi hàng loạt vật tư đầu vào đều đồng loạt "bắt tay" tăng giá. Hiện, giá tôm giống nhập về đều tăng từ 5-7%; giá cá giống tăng từ 25-30%, thức ăn thủy sản tăng giá trên 5%. Đáng ngại hơn, giá một số hóa chất sử dụng trong nuôi trồng tôm tăng tới 20-30%.
Dù đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, trên thị trường, cổ phiếu ngành thủy sản duy trì được định giá tốt, là một trong những điểm sáng khi thị trường "đỏ lửa". Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu NAV của Công ty cổ phần Nam Việt có giá 25.000 đồng/đơn vị; cổ phiếu IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I có giá 24.900 đồng/đơn vị; cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta có giá 67.900 đồng/đơn vị và cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là 105.600 đồng/đơn vị.
Sản xuất, xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh Sau biến động tăng giá xăng, dầu là ảnh hưởng của giá vật tư đầu vào của ngành cá tra. Tuy nhiên, từ cộng hưởng của tác động dịch bệnh COVID-19, nhiều nông dân đã lo ngại, không dám thả nuôi cá tra. Điều này đã khiến cho nguồn nguyên liệu cá tra cung ứng cho chế biến và xuất khẩu thiếu hụt,...