Xuất khẩu nông lâm thủy sản đầu năm đạt gần 3,5 tỷ USD
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2021 đạt 3,49 tỷ USD, tăng 27,1% so với tháng 1/2020.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đây là một tín hiệu đáng mừng của xuất khẩu Việt Nam ngay từ tháng đầu năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 28,9%; lâm sản tăng tới 47,8%, thuỷ sản tăng 19,6%.
Cụ thế, đối với các mặt hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2021 ước đạt 1,33 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong khi các mặt hàng vốn được xem là chủ lực kéo giá trị xuất khẩu tăng vào đầu năm như gạo, rau quả..thì năm nay sụt giảm lớn.
Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2021 chỉ đạt 280 nghìn tấn, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị xuất khẩu rau quả giảm 7,6%, chỉ đạt 260 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu cao su và điều nhân chế biến tăng mạnh. Xuất khẩu cao su đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 321 triệu USD gấp 2,2 lần về khối lượng so với tháng 1/2020; xuất khẩu điều nhân chế biến tăng tới 45 nghìn tấn với giá trị đạt 268 triệu USD, tăng đến gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Video đang HOT
Về xuất khẩu lâm sản, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 1/2021 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với tháng 1/2020. Năm 2021, ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD tăng 12% so với năm 2020, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13 tỷ USD.
Đối với ngành thủy sản, giá trị xuất khẩu trong tháng đầu năm 2021 ước đạt 600 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, do dịch COVID-19 kéo dài làm gián đoạn hoạt động thương mại thuỷ sản toàn cầu và thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản. Trong khi các nước nhập khẩu chính thuỷ sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản giảm nhẹ thì thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kể 10%. Ngoài ra, những thị trường khác như Nga, Anh, Úc, Canada thậm chí vẫn tăng mạnh từ 10-32% nhập khẩu từ Việt Nam. Dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.
Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, năm 2021 với những yếu tố tích cực từ thị trường cùng với những lợi thế mà Việt Nam có được từ các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam dự báo sẽ có sự tăng trưởng ấn tượng.
Tăng trưởng xuất khẩu, điểm sáng trong phát triển kinh tế năm 2020
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2020, Việt Nam vẫn có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng và thặng dư thương mại đạt kỷ lục.
Năm 2020, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.
Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. (Ảnh minh họa)
Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2020 có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu gần 62,7 tỷ USD); EU (xuất siêu gần 20,3 tỷ USD). Riêng đối với thị trường EU, cả năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU 34,94 tỷ USD giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các tác động của đại dịch.
Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng khoảng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo...
Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây chúng ta đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 89%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm dưới 6,27%.
Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư trong toàn bộ thời kỳ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản hàng hóa cho người nông dân.
Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với năm 2019 (10,87 tỷ USD), gấp gần 3 lần năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần năm 2016 (1,78 tỷ USD).
Năm 2021, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu.
Người Hà Nội đội nắng, nườm nượp đến giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương: "15 tấn rau bán hết veo trong vòng vài tiếng" Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh khiến các mặt hàng nông sản ở Hải Dương không tìm được đầu ra, lượng tồn lên tới hàng chục nghìn tấn. Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm...