Xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng chỉ giảm 4,9% do Covid-19
Theo Bộ NNPTNT, tính chung trong 4 tháng đầu, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 5,8 tỷ USD, giảm 4,5%; lâm sản chính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 3,9%; thủy sản ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 10%; chăn nuôi ước đạt 150 triệu USD, giảm 23,8%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 16,9% so với tháng 4/2019 và giảm 18,9% so với tháng 3/2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 1,47 tỷ USD (giảm 14,7%), lâm sản chính khoảng 683 triệu USD (giảm 24,0%), thủy sản đạt 563 triệu USD (giảm 10,8%) và chăn nuôi đạt 41 triệu USD (giảm 27,7%).
Bị tạm dưng, ngưng hợp đồng xuất khẩu do tác động dịch Covid-19, lần đầu tiên xuất khẩu gỗ và lâm sản ghi nhận mức giảm mạnh, lên tới 24%.
Giữa tháng 4/2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, đối với thị trường xuất khẩu, đến tháng 4, khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, tạm ngưng, chưa tìm được đơn hàng mới.
Các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ quý I/2020 chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, EU khoảng gần 9% đã gần như đóng băng; các thị trường Nhật Bản chiếm 12%, Hàn Quốc 7-8% cũng chỉ có lác đác đơn hàng.
Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 10%; trong đó chủ yếu xuất khẩu 90% là sản phẩm dăm gỗ, trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch, giờ mới bắt đầu được phục hồi, nhưng cũng cần một thời gian nữa mới có thể bình thường.
“Tình hình sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có thể nói là ngừng trệ nghiêm trọng, do không có đơn hàng nên các doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp cho nghỉ 45 – 80% số lao động hoặc giãn thời gian làm việc.
Qua khảo sát bước đầu ở 130 doanh nghiệp lớn, bình quân mỗi doanh nghiệp trong quý I thiệt hại 25 tỷ đồng; tổng thiệt hại của các doanh nghiệp này từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch như: cao su đạt 383 triệu USD (giảm 31,1%), chè đạt 53 triệu USD (giảm 14,1%), hồ tiêu đạt 249 triệu USD (giảm 12%), quả đạt 952 triệu USD (giảm 19,6%), cá tra đạt 420 triệu USD (giảm 31,9%), tôm đạt 748 triệu USD (giảm 11,8%)…
Ở chiều tăng có các mặt hàng: cà phê, hạt điều, rau, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre… Cụ thể: giá trị xuất khẩu cà phê đạt 1,1 tỷ USD (tăng 1,5%); hạt điều đạt 948 triệu USD (tăng 4,2%); rau đạt 203 triệu USD (tăng 5,0%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,22 tỷ USD (tăng 3,5%); mây, tre, cói thảm đạt 162 triệu USD (tăng 11,8%).
Về thị trường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ và chiếm 23,4% thị phần.
Video đang HOT
Tiếp đến là Hoa Kỳ ước đạt 2,78 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ và chiếm 23,33% thị phần. Thị trường EU ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 1,9% và chiếm 10,75% thị phần. Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 2,9%, chiếm 9,0% thị phần. Xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm 10,49% thị phần.
Khương Lực
Thứ trưởng TT Bộ NNPTNT: Doanh nghiệp gỗ chuyển hướng bán online
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn trong cuộc trao đổi với báo chí về những giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ vượt qua khó khăn do những tác động của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với ngành gỗ hiện nay?
- Có thể nói, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam với phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Riêng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, tôi có thể điểm lại một số tác động nghiêm trọng.
Chế biến gỗ ván ép tại Công ty CP Woodsland (Tuyên Quang). Ảnh: Virorest
Thứ nhất, đối với thị trường xuất khẩu, đến tháng 4 này khoảng 80% đơn hàng phải tạm dừng, trong khi chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường lớn như Mỹ (chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu gỗ); EU (chiếm 39%) gần như đã đóng băng; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ còn lác đác những đơn hàng.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc dù đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng cần một thời gian nữa mới có thể bình thường. Tại các làng nghề truyền thống có đến 70 - 80% sản phẩm không tiêu thụ được, tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.
Thứ hai, sản phẩm chế biến cho các công trình lớn (khách sạn, công sở) giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ. Trong quý I/2020, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ cho chế biến cũng giảm đến 70 - 80% trong tổng số 10 triệu m3 gỗ quy tròn nhập khẩu, hiện sản xuất chủ yếu từ nguồn dự trữ.
Không có đơn hàng nên các doanh nghiệp chế biến gỗ buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ, đã có nhiều đơn vị cho nghỉ 40 - 80% số lao động (hoặc giãn thời gian làm việc). Chúng tôi rất mong muốn khó khăn này sẽ sớm kết thúc, nhưng qua đại dịch sẽ thấy mỗi doanh nghiệp có bản lĩnh khác nhau để xử lý tình huống này.
Bộ NNPTNT đã có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này, thưa Thứ trưởng ?
- Tôi muốn nói thêm, hiện chỉ có 7% doanh nghiệp ngành gỗ vẫn hoạt động bình thường, còn lại trên 90% doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động, tạo ra sự đứt gãy toàn chuỗi.
Sản xuất, tiêu thụ đình trệ, ảnh hưởng đến cả những người cung cấp nguyên, phụ liệu, đặc biệt là người trồng rừng. Hiện, người trồng rừng ở nhiều địa phương đã kêu khó khăn vì gỗ không có người mua. Nếu chúng ta không duy trì được các đơn hàng quốc tế thì khả năng khôi phục sản xuất càng khó khăn hơn.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các khó khăn của ngành gỗ, Bộ NNPTNT đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng đưa nhóm các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vào danh mục được hỗ trợ.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 đồng ý cho kéo dài 5 tháng đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung chậm nộp các loại thuế; chậm nộp 5 tháng với tiền thuê đất đợt 1.
Đối với khó khăn về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 285.000 tỷ đồng để xử lý giãn, hoãn nợ cũ, áp dụng cơ chế cho vay có điều kiện đảm bảo nhẹ nhàng hơn, lãi suất thấp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chính phủ cũng đã có nghị quyết hỗ trợ các cơ sở sản xuất, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỷ. Đây là những chính sách lần đầu tiên được áp dụng.
Bộ NNPTNT khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: I.T
Tái cơ cấu ngành gỗ
Có thể coi dịch Covid-19 là dịp tái cơ cấu lại ngành. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào về vấn đề này?
- Trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi mong các doanh nghiệp đánh giá tình hình không quá bi quan, bây giờ không phải là lúc nghĩ đến chuyện đóng cửa rồi phá sản mà phải có tư tưởng tìm cơ trong nguy. Theo đó, nếu thị trường chủ chốt khó khăn thì tìm thị trường khác và thị trường nội địa. Chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội thì chuyển sang bán hàng online.
Bộ NNPTNT cũng giao Tổng cục Lâm nghiệp làm việc với các hiệp hội, làng nghề, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, hết dịch thì phải khôi phục sản xuất ngay không được kéo dài, nếu kéo dài tình trạng tạm ngừng như hiện nay sẽ dẫn đến đình trệ.
Còn về giải pháp lâu dài, mặc dù khó khăn nhưng ngành gỗ vẫn có dư địa phát triển tốt, tiềm năng nâng cao chuỗi giá trị. Hiện nay, nếu dịch Covid-19 qua đi sớm, nhất là ở những thị trường chủ chốt thì khả năng chúng ta vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD.
Theo tôi, để đạt được mục tiêu, ngành phải tập trung 4 giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, dứt khoát cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, chúng ta vẫn phải dùng 25 - 26 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất ra khoảng 13 triệu tấn dăm, trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,5 - 1,6 tỷ USD, con số này rất thấp, chỉ chiếm hơn 10%, trong khi lượng nguyên liệu chiếm 60%.
Bên cạnh đó, đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ, EU chủ yếu là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm (chiếm 60%), trong khi đồ ngoại thất, văn phòng chỉ chiếm 40%, đây là dư địa lớn, cần chiếm lĩnh. Ngoài ra, cần cơ cấu lại cả chuỗi, trồng rừng gỗ lớn, cải tiến về giống, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vững.
Thứ hai, làm mạnh mẽ hơn liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu gỗ và phụ trợ, đẩy mạnh việc sản xuất phụ liệu trong nước, bởi hiện nay 80% vẫn phụ thuộc nhập khẩu, trong khi sản xuất trong nước giá thành cao, đây là một bất lợi.
Thứ ba, cần đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi, đổi mới thiết kế, tạo ra những mặt hàng phối trộn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Thiết lập và thực thi cho bằng được hệ thống pháp luật chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, phải minh bạch nguồn gốc ván dán, không được để "con sâu làm rầu nồi canh".
Thứ tư, cần đặc biệt chú ý đến thị trường nội địa. Hiện nay, tiêu thụ gỗ ở thị trường trong nước đã lên đến 3 tỷ USD và sẽ tăng lên. Vì vậy, phải xây dựng hệ thống siêu thị, phân phối sản phẩm để người dân có thể sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đẩy mạnh sử dụng gỗ chế biến trong chung cư, công sở
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, việc kết hợp với các doanh nghiệp bất động sản lớn đưa sản phẩm gỗ chế biến vào các công trình nhà chung cư, văn phòng là một dư địa lớn để phát triển.
"Truyền thống của người dân lâu nay vẫn hay dùng gỗ nguyên khang (gỗ thịt), nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nhờ sự phát triển mạnh của ngành chế biến gỗ hầu hết các chung cư, công sở đã dùng gỗ chế biến (MDF, ván ép). Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận người dân thích sử dụng gỗ rừng tự nhiên rất to, giá trị lớn" - ông Tuấn nói.
Để hạn chế thực trạng này, theo Thứ trưởng Tuấn, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông về phong cách sử dụng sản phẩm mới, Bộ NNPTNT cũng đã đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định về mua sắm tài sản công, không phải trường hợp nào cũng dùng gỗ thịt.
Ngoài ra, tạo môi trường để các nhà sử dụng gỗ lớn như các công trình của Vingroup, Sungroup và các doanh nghiệp gỗ ngồi với nhau, trao đổi, thấu hiểu, ký kết để tiến tới có thêm nhiều sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam xuất hiện trong những ngôi nhà Việt.
Anh Thơ
HTX xoay xở vượt khó (Bài cuối): Không đợi hết mưa mới ra đồng "Không đợi hết mưa... mới ra đồng và hơn lúc nào hết, hợp tác xã (HTX), nông dân cùng hành động vượt khó, sáng tạo để phát triển"- đó là khẳng định của ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT). Khó khăn chồng khó khăn Gần 20 năm qua, nông dân,...