Xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc: Bước ngoặt lớn ngành sữa
Lễ công bố xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được tổ chức ngày 22/10.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, đây là sự kiện thể hiện bước ngoặt lớn của ngành sữa Việt Nam và quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Cơ hội ở thị trường 1,4 tỷ dân
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ các nước, với trị giá gần 10 tỷ USD.
Theo dự báo của Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu khoảng 45% tính đến năm 2025. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu được sữa sang thị trường này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam.
Khách hàng Trung Quốc dùng thử sữa TH. Ảnh: T.L
Sau 6 tháng 10 ngày, kể từ khi ký kết Nghị định thư giữa Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (ngày 26/4/2019), với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NNPTNT, sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị chức năng, quyết tâm của các doanh nghiệp, ngày 16/10/2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc;
Đồng thời, công bố Công ty cổ phần Sữa TH là doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện được cấp mã số xuất khẩu 2 nhóm sản phẩm sữa, gồm: Sữa tiệt trùng và sữa bổ sung hương liệu tự nhiên (Sterilized milk và Modified milk) sang thị trường tiềm năng nhất thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người và có nhu cầu rất lớn về sữa và sản phẩm sữa.
Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành sữa nói riêng.
“Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam cho thấy ngành sữa của Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới. Doanh nghiệp sản xuất sữa đã xây dựng được các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất và quản trị…” – ông Quỳnh nói.
Video đang HOT
Bà Thái Hương – nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH cho biết: “Hơn cả việc xuất khẩu được lô sữa đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, thu được lợi nhuận, điều chúng tôi hạnh phúc hơn cả là ngành sữa Việt Nam đã thực sự lớn mạnh, chinh phục được một thị trường rộng lớn và ngày càng khó tính…”.
Hỗ trợ thêm nhiều doanh nghiệp
Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, để tổ chức các nội dung trong Nghị định thư, Cục đã xây dựng và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh trên đàn bò sữa theo quy định tại Nghị định thư, quy định của Tổ chức Thú ý Thế giới (OIE) và Luật Thú y.
Kết quả 100% số mẫu, số bò sữa được giám sát các bệnh theo quy định đều đạt yêu cầu. Hiện 100% các trang trại chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sản phẩm sữa thị trường Trung Quốc đều được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám sát các bệnh theo quy định.
“Đối với 4/5 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu trong đợt 1 chưa được phép xuất khẩu, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký xuất khẩu sữa, nếu hồ sơ chưa đạt thì hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung. Đối với các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu trong đợt 2, Cục Thú y sẽ kiểm tra giám sát các điều kiện vệ sinh thú y, giám sát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ cơ sở chăn nuôi đến chế biến” – ông Đông nói.
Về lâu dài, theo ông Đông, đến tháng 12/2020, Cục Thú y sẽ thông tin, tuyên truyền để có ít nhất 50% số hộ, cơ sở, trang trại nuôi gia súc trong vùng đệm thực hiện xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh; dự kiến đến tháng 12/2021, thực hiện giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành mầm bệnh theo quy định ít nhất tại 50% số hộ, cơ sở trang trại nuôi gia súc để lấy mẫu xét nghiệm; dự kiến đến tháng 12/2020, hoàn thiện hồ sơ đề nghị OIE đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, tạo nền tảng, cơ hội để sản phẩm sữa Việt chinh phục được nhiều thị trường khó tính hơn.
Theo Danviet
10 năm nông thôn mới: Mơ về những miền quê thanh tao, đáng sống
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có những đổi thay mang tính toàn diện.
Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, các tiêu chí xây dựng NTM cũng phải thay đổi để phù hợp với những biến động của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương đã đạt được những kết quả khá nổi bật. Theo Bộ trưởng, đâu là điểm nhấn quan trọng nhất của chương trình ?
- Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X lần đầu tiên bàn đến 3 nội dung lớn: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên cơ sở đó thống nhất về mặt hành động, nhận thức, ban hành các giải pháp đồng bộ để đưa nông nghiệp phát triển, giai cấp nông dân lên vị thế mới, nông thôn được ngày càng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên tinh thần đó, Chính phủ đã có chương trình hành động với những đề án cụ thể. Một trong những chương trình đó là xây dựng NTM, ban hành theo Quyết định 800, thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2020.
Có thể thấy, xây dựng NTM là một chương trình triển khai sâu rộng trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, xã hội đến an ninh quốc phòng, phạm vi ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, trên toàn bộ các vùng nông thôn trên lãnh thổ Việt Nam gồm 9.000 xã, 600 huyện của 63 tỉnh thành phố. Một chương trình chưa từng có tiền lệ.
Trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM chúng ta chưa hề có tiền lệ thực hiện một chương trình nào tương tự, với khối lượng công việc khổng lồ, mang tính toàn diện để thay đổi diện mạo nông thôn, cơ cấu sản xuất, đòi hỏi phải tiêu tốn một nguồn lực khá lớn để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, củng cố thiết chế văn hóa, đổi mới sản xuất. Nhiều người hoài nghi sẽ không thể thực hiện được mục tiêu của chương trình.
Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến thời điểm này, có thể khẳng định, những mục tiêu bao trùm của chương trình chúng ta đều đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu còn vượt mục tiêu đề ra.
Theo đó, Nghị quyết 26 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn tăng 2,5% so với năm 2008 thì đến nay mục tiêu bao trùm đã vượt, thu nhập của người dân đã tăng 3,5 - 3,7 lần (năm 2018, thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người, năm 2019 đạt 37 triệu đồng/người).
Thiết chế hạ tầng cứng và mềm ngày càng hoàn thiện, tổng đầu tư toàn xã hội cho xây dựng NTM trong 9 năm đạt 2 triệu tỷ đồng, từ đó hoàn thành thiết chế hạ tầng, riêng đầu tư cho hoàn thiện đường giao thông đã gấp 5 lần trong 5 năm qua; đến nay gần như 100% số xã đã cơ bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn NTM thì đến nay, đã có 5.500 xã đạt chuẩn, vượt trên 50%, về trước một năm.
Bộ trưởng Bộ NTNPTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 3 từ trái sang) đến thăm và chỉ đạo việc tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). (ảnh: Anh Thơ)
Nhưng trên thực tế, sau 10 năm thực hiện một chương trình phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, có những điểm nghẽn (ví dụ về đất đai) vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào ?
- Đúng là có những điểm nghẽn đang trở thành rào cản để thực hiện mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, ví dụ chính sách đất đai hiện nay đang gây khó khăn cho quá trình dồn điền đổi thửa.
Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, trên cơ sở đó chỉnh sửa một số vấn đề về đất đai, tạo điều kiện cũng như môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phù hợp với nền sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, cũng để phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực khác ngày càng rõ nét...
Bên cạnh đó, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuy đã đạt được nhiều kết quả, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án lớn nhưng thực tế con số vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Đến nay, mới có 1 vạn trong tổng số 700.000 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp. Vừa qua Chính phủ đã có Nghị định 57 về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tới đây, phải triển khai nghị định như thế nào để tạo ra động lực thu hút doanh nghiệp tìm đến nông nghiệp, tạo ra bức tranh tái cơ cấu nông nghiệp sâu hơn, toàn diện hơn.
Một con đường hoa ở xã Hải Bắc (Hải Hậu, Nam Định).
Trong giai đoạn mới, chương trình xây dựng NTM cần thay đổi những gì trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, thưa Bộ trưởng?
- Chúng ta đang đứng trước giai đoạn cách mạng 4.0 với nhiều cơ hội cũng như thách thức, cơ hội là được tiếp cận với nền khoa học công nghệ phát triển để có thể tận dụng cơ hội rút ngắn khoảng cách tạo cuộc chơi công bằng. Nhưng biến đổi khí hậu cũng đặt ra những thách thức to lớn, đòi hỏi chúng ta phải có sự chủ động để ứng phó.
Trong bối cảnh đó, có rất nhiều vấn đề đặt ra, phải đánh giá lại bộ tiêu chí NTM, có những tiêu chí mang tính bản chất như thu nhập, đời sống người dân, tiêu chí cơ bản về môi trường hay những tiêu chí mềm như bản sắc văn hóa dân tộc, đời sống nông dân, vai trò vị thế của người nông dân cần được đánh giá lại.
Bên cạnh đó, khi hội nhập với nền kinh tế thế giới nghĩa là chúng ta đã tham gia cuộc chơi toàn cầu, chúng ta phải chấp nhận cả những rào cản kỹ thuật mà các nước dựng lên để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, hình thành các chuỗi liên kết lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ thực tế này, đòi hỏi các ngành chức năng hoàn thiện cơ chế chính sách đảm bảo nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định.
Nếu có một mong ước về bức tranh NTM trong tương lai thì ông mong ước điều gì?
- Chúng tôi kỳ vọng chúng ta có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững, giai cấp nông dân tiến bộ, khá giả, tiến tới giàu có, nông thôn có nét đẹp riêng, các giá trị văn hóa tốt đẹp được lưu giữ, môi trường sống trong lành, nông thôn là những làng quê thanh tao, đáng sống.
Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Danviet
Doanh nghiệp sữa Việt đầu tiên chinh phục thị trường 60 tỷ USD Theo thông báo của Đại Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc . Ngày 17/10, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức công bố danh sách các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. TH Milk là doanh nghiệp đầu tiên được cấp mã giao dịch để xuất khẩu. Thông báo của Đại sứ quán...