Xuất khẩu lao động sang Angola: “Đem con bỏ chợ”
Được hứa hẹn làm việc cho công ty, lương cao, công việc ổn định nhưng trên thực tế, nhiều lao động Nghệ An khi sang Angola đã bị “bỏ rơi”. Họ phải tự đi tìm việc làm hoặc chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn lương thỏa thuận rất nhiều
Không những phải tự kiếm việc làm hoặc chấp nhận làm việc với tiền công rẻ mạt, các lao động Việt Nam phải tự kiếm thức ăn cho mình (trong ảnh là Thắng – người mặc áo xanh, đang giã ngô để ăn thay cơm)
Cuối năm 2012, với mối quan hệ quen biết, Hoàng Văn Thắng (SN 1989, trú tại xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) được một người môi giới xuất khẩu lao động làm thủ tục sang Angola với chi phí 140 triệu đồng. Theo lời hứa của người này, khi sang đó, Thắng sẽ được bố trí làm việc trong công ty xây dựng, được đảm bảo nơi ăn chốn ở, đi làm được ô tô đưa đón và được cấp phát quần áo bảo hộ lao động. Không những thế, người này còn đảm bảo rằng với công việc ổn định, thu nhập trong tháng đầu tiên của Thắng sẽ là 800 USD và tăng dần trong những tháng tiếp theo.
Huy động anh em trong nhà được 60 triệu đồng, bố mẹ Thắng vay ngân hàng thêm 60 triệu nữa để đóng tiền cọc cho con đi. Nể tình quen biết, người môi giới cho gia đình Thắng nợ 1.000 USD và sẽ trừ dần vào lương tháng khi sang Angola.
Vậy nhưng, khi đặt chân sang Angola, Thắng mới vỡ lẽ những lời hứa hẹn của người môi giới hoàn toàn không có thật. “Sang đây, bọn em không có việc làm cứ ngồi ở lán đợi. Hơn 10 ngày sau cũng không có việc, không thấy công ty nào cả mà chỉ là một cái lán tập trung nhiều người ở với điều kiện ăn uống kham khổ. Đợi đến phát hoảng, nhiều người phản ứng thì người ta mới đưa mấy anh em tới các công trường xây dựng khác để gửi”, Thắng cho biết thêm.
Đi cùng đợt vơi Thắng còn có 16 lao động. Số người này cũng bị chia nhỏ rồi gửi cho các công trường xây dựng khác. Bởi thuộc diện “đi gửi” nên Thắng và các anh em chỉ được nhận lương theo ngày thay vì lương tháng 800 – 1.000 USD như đã được hứa hẹn trước khi đi. “Hiện nay tiền công của em là 25 USD một ngày. Trừ chi phí, tiền cước gửi nữa thì gửi về nhà không được bao nhiêu”, Thắng cho hay. Nếu như tính mỗi tháng làm 26 ngày thì tổng thu nhập của Thắng (trong điều kiện có công việc thường xuyên để làm) chỉ được hơn 600 USD. Bởi vậy, dù sang Angola đã được 4 tháng nhưng Thắng mới chỉ gửi về nhà được 1.000 USD.
Nhưng Thắng vẫn thuộc diện may mắn hơn nhiều lao động Việt Nam khác khi đặt chân tới Angola. Theo anh Phùng Bá Ngọc – một lao động Nghệ An mới trở về từ Angola sau 3 tháng tìm kiếm vận may ở đất nước này – tiết lộ, sau khi đưa lao động sang đây, những người môi giới thường không bố trí được việc làm cho người lao động. “Lạ nước lạ cái”, bất đồng ngôn ngữ khiến người lao động chỉ còn cách ngồi chờ.
Chờ mãi vẫn không được bố trí công việc, món nợ lớn đang thúc sau lưng buộc họ phải tự tìm đến các công trường xây dựng để tìm kiếm việc làm và nhận những đồng tiền công rẻ mạt. Người may mắn thì được làm thợ xây, phụ hồ cho các chủ thầu người Việt Nam. Người không may thì phải làm thợ đổ bê tông cho các chủ thầu người ngoại quốc, công việc nặng nhọc nhưng luôn bị đe dọa, quỵt tiền công.
Video đang HOT
“Người đưa mình sang đây chỉ chờ mình bỏ ra ngoài tự tìm việc là ngay lập tức họ phủi bỏ trách nhiệm, để cho mình tự “bơi”. Lúc đó, may nhờ rủi chịu, nếu gặp rủi ro cũng không biết kêu ai. Mỗi người một cách lo cho tính mạng của mình và cắn răng làm việc mong có tiền trả nợ”, anh Ngọc cho biết thêm.
Sau khi biết bị “mang con bỏ chợ”, người môi giới đã không thực hiện đúng cam kết (bằng miệng), bố mẹ Thắng đã nhiều lần gọi điện cho người này nhưng đổi lại chỉ là những tiếng chuông điện thoại đáp lời. “Lúc cho Thắng đi, cứ nghĩ quen biết nhau cả nên cũng không làm giấy tờ chi cả. Giờ ra nông nổi này cũng không biết kêu ai. Chỉ mong con ở bên ấy bình yên, khỏe mạnh. Mấy lần giục nó về rồi kiếm tiền trả nợ sau nhưng số tiền nợ lúc đi lớn quá, nó cũng chưa dám về”, bà Nguyễn Thị Lương – mẹ Thắng sụt sùi.
Chiều ngày 16/4, trong vai một người có nhu cầu đi Angola, chúng tôi đã gọi điện cho một phụ nữ tên O. – người tổ chức cho Thắng đi xuất khẩu lao động “chui”. Chị này cho biết, hơn một tháng nay, lực lượng chức năng Angola tổ chức truy quét người lao động bất hợp pháp rất “rát”. “Người ta muốn về không được, em lại muốn đi làm gì?”. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi khẩn khoản nhờ cậy giúp đỡ, chị này tặc lưỡi: “Nếu em thích đi thì chị sẽ bố trí cho” và cho biết chi phí hết 6.000 USD.
Theo Dantri
Lao động "chui" ở Angola: Tan giấc mộng đổi đời
Chấp nhận bỏ hàng trăm triệu để xuất khẩu lao động "chui" sang Angola mong đổi đời nhưng hàng trăm lao động Nghệ An đã vỡ mộng khi đặt chân sang đây. Người may mắn thì gom đủ tiền trả nợ, nhiều người không may đã phải bỏ mạng nơi xứ người.
Lao động Việt Nam trên một công trường xây dựng ở Angola (Ảnh: facebook Ha Nguyen)
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã ghi nhận có 4 lao động của địa phương này bỏ mạng tại Angola. Phần lớn nguyên nhân tử vong đều do bệnh tật (chủ yếu bệnh sốt rét). Đến lúc này, người ta mới giật mình bởi một số lượng lớn lao động Nghệ An đã bằng cách này hay cách khác sang Angola để tìm giấc mơ đổi đời.
Theo thông tin chúng tôi có được, chi phí cho mỗi lao động sang đất nước Nam Châu Phi này dao động từ 5.000-7.000 USD. Mức chi phí này không phải là cao so với lời hứa hẹn công việc ổn định, mức thu nhập 1.000 USD mỗi tháng. Bởi vậy chỉ trong thời gian ngắn, một lực lượng lớn lao động Nghệ An đã bất chấp nguy hiểm, rủi ro để tìm giấc mơ đổi đời ở đất nước xa lạ này.
Thế nhưng, khi đặt chân tới Angola, họ mới biết được rằng, tất cả những lời hứa hẹn của môi giới chỉ là chiếc bánh vẽ. Với khoản nợ khổng lồ từ chi phí thủ tục, vé máy bay, phí môi giới..., họ phải còng lưng kiếm tiền trả nợ. Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn có được một công việc ổn định (chứ không nói đến công việc nhàn nhã như đã được hứa hẹn trước đó).
Hầu hết lao động sang Angola đều hoạt động trong ngành xây dựng nhưng công việc hết sức phập phù. Anh Phùng Bá Ngọc - một lao động Nghệ An ở Angola cho biết: "Trước khi đi, tôi cũng được hứa làm việc xây dựng với mức lương 1.000 USD/ tháng nhưng sang tới nơi thì không có việc làm. Sau gần 1 tháng chờ đợi, chúng tôi được mang đi gửi ở các công trường xây dựng khác. Lúc này tiền lương không được tính theo tháng mà tính theo ngày công lao động. Các công trường khác cũng rơi vào tình cảnh đói việc làm, bởi vậy, sang đó 3 tháng nhưng tôi chỉ làm được đúng 36 ngày, còn lại là ngồi chơi xơi nước".
Hầu hết họ phải ở trong các lán trại chật hẹp với điều kiện sống hết sức kham khổ, thiếu thốn
Không việc làm, thu nhập phập phù nhưng các lao động ở đây còn phải đối mặt với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Họ phải sống tập trung trong các lán trại, đối mặt với tình trạng mất vệ sinh trầm trọng bởi môi trường sống ô nhiễm. Mặt khác, điều kiện ăn uống cũng hết sức kham khổ. "Món ăn chủ lực của chúng tôi là cá đông lạnh và gà gô Trung Quốc. Họ cứ chất đầy một tủ lạnh những thức ăn này và chúng tôi phải ăn trong nhiều ngày liên tiếp. Thèm rau xanh kinh khủng nhưng không có, nhiều khi anh em phải hái rau dại để cải thiện thêm", anh Nguyễn Hồng Sơn (trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt, điều kiện sống thiếu thốn, không việc làm, thu nhập bữa có bữa không khiến người lao động hoang mang và muốn nhanh chóng trở về quê. Thế nhưng, chi phí máy bay để về cũng lên tới từ 1.300 - 1.700 USD, chưa kể các chi phí khác, mặt khác, món nợ khổng lồ trước khi đi khiến họ không dám quay về. Cố gắng để trả nợ, nhiều người trong số họ đã bỏ mạng nơi đất khách trong khi đó nợ nần lại càng chồng chất lên đôi vai của vợ con, cha mẹ ở quê.
Cái chết của anh Nguyễn Cao Nguyên (SN 1984, trú tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) khiến người thân hết sức đau buồn. Nhưng xen giữa nỗi buồn đau ấy là nỗi lo về một khoản nợ khổng lồ lên tới hàng tỷ đồng bởi chi phí chạy chữa ở Angola quá lớn. Nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, chi phí để đưa thi thể anh Nguyên về nước đã được giảm xuống còn hơn 500 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Hiền - vợ nạn nhân Nguyễn Công Nguyên với nỗi lo về khoản nợ hơn nửa tỷ đồng để đưa thi thể chồng về nước
Chị Hoàng Thị Hiền, vợ anh Nguyên nghẹn ngào: "Để chồng đi xuất khẩu lao động ở Angola chỉ mong có chút vốn liếng khi tuổi già sức yếu hay nuôi dạy con cái nên người. Nay khoản nợ vay đóng cọc trước khi đi chưa trả hết, gia đình tôi lại phải gánh tiếp khoản nợ lên tới nửa tỷ đồng. Mẹ góa, con côi, không biết trả khoản nợ này như thế nào".
Cũng giống như chị Hiền, mẹ con chị Nguyễn Thị Mai (xóm Phúc Long, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) - vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Sơn (tử vong tại Angola vào ngày 12/4) cũng đang khốn đốn với khoản tiền để đưa thi thể chồng mình về nước. Mặc dù anh Sơn đã đi Angola hơn 1 năm nhưng hiện vẫn đang còn khoản nợ gần 100 triệu đồng chưa trả hết. Cùng với khoản chi phí từ 600 - 700 triệu đồng để đưa thi hài anh Sơn về quê an táng, mẹ con chị Mai đang đứng trước nguy cơ phải bán đất, bán nhà nếu không muốn chồng phải chết cô quạnh nơi đất khách.
May mắn không phải bỏ mạng nơi đất nước xa lạ nhưng do hộ chiếu hết hạn chưa đổi được, anh Hoàng Văn Hiếu (xóm Khoa Đà, Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) bị lực lượng cảnh sát bắt giữ. "Anh gọi điện về thông báo, phía cảnh sát yêu cầu nộp 6.000 USD tiền phạt nhưng sau đó nhờ chủ thầu can thiệp nên chỉ mất 1.700 USD. Số tiền này chủ thầu ứng trả cho rồi trừ dần vào lương. Anh Hiếu đi Angola gần 1 năm nhưng mới chỉ được trả 8 tháng lương, 4 tháng còn lại đang bị chủ thầu giữ. Tiền nợ cũ chưa trả hết, giờ lại thêm tiền nợ mới nữa, không biết đến khi nào mới hoàn vốn", chị Tú - vợ anh Hiếu cho biết.
Nỗi đau mất chồng của chị Nguyễn Thị Mai cùng gánh nặng nợ nần khi anh đi xuất khẩu lao động và bỏ mạng ở Angola (Ảnh: Doãn Hòa)
Lo sợ cho sự an nguy của chồng, chị Tú giục chồng về nhưng nghĩ tới khoản nợ lên tới mấy chục triệu đồng trong khi ở nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, anh Hiếu đang nấn ná chưa quyết định.
Sau những cái chết liên tiếp của những người đồng hương, lao động Nghệ An tại Angola hết sức hoang mang. Gác lại giấc mơ làm giàu, nhiều lao động đã phải nhờ người nhà gửi tiền sang để mua vé máy bay trở về. "Gần 1 năm sang Angola, dù chưa trả hết nợ nhưng phải về thôi. Bao giờ mua được vé máy bay thì tôi về. Tiếp tục ở đây, không chết vì nạn cướp bóc hay mất tiền nộp phạt cho cảnh sát, sợ cũng phải bỏ mạng vì sốt rét. Lúc đó, nợ còn chồng lên nợ, khổ vợ con hơn thôi", anh Nguyễn Hồng Sơn cho biết
Theo Dantri
Lao động "chui" liên tiếp bị chết ở Angola Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương - ông Hồ Cảnh Sáu - xác nhận chiều 14.4, anh Hồ Cảnh Sơn - công dân xã Quỳnh Phương - vừa qua đời tại Angola vì bệnh sốt rét ác tính. Trước đó, ngày 12.4, anh Phan Văn Sơn (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên) bị chết tại Angola. Theo những lao động cùng làm việc với...