Xuất hiện thương lái Trung Quốc tranh mua nguyên liệu chè
Trong khi nhu cầu về trà của thế giới vẫn rất lớn thì xuất khẩu chè 8 tháng năm 2018 của Việt Nam sụt giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị, đồng thời đã xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc vào những vùng chè nổi tiếng của Việt Nam tranh mua nguyên liệu, thậm chí còn xuất hiện những doanh nghiệp Việt chế biến chè nhưng do người Trung Quốc làm chủ.
“Ngành chè đang xáo động”
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), xuất khẩu chè trong tháng 8.2018 ước đạt 13.000 tấn với giá trị đạt 21 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 8 tháng năm 2018 ước đạt 81.000 tấn và 133 triệu USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở các vùng nguyên liệu chè. Ảnh: T.L
Các thị trường chính của chè Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Pakistan (với 37,3 triệu USD, chiếm 33,6%), Đài Loan (15,6 triệu USD, chiếm 14,0%), Nga (12,8 triệu USD, chiếm 11,5%), Trung Quốc (9,5 triệu USD, chiếm 5%), Indonesia (5,4 triệu USD, chiếm 4,8%) và Mỹ (4,3 triệu USD, chiếm 3,8%).
Điểm nhấn của xuất khẩu chè trong 7 tháng đầu năm 2018 là sự tăng trưởng của thị trường Pakistan, với tổng khối lượng tăng 1.500 tấn (tương đương 9,7%) so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè của Việt Nam lại giảm mạnh ở 2 thị trường lớn là Nga, giảm 1.300 tấn (tương đương 13,2%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất giảm gần 2.000 tấn (tương đương 60,9%), khiến tổng lượng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm. Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.642 USD/tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng có một điểm đáng chú ý. Đó là, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng, thì ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng do người Trung Quốc làm chủ, cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp chè trong nước trong việc thu mua nguyên liệu. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam cũng thừa nhận điều này tại cuộc họp thường niên nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam. “Chưa bao giờ ngành chè lại xáo động đến thế. Biến động tỷ giá không khiến ngành chịu nhiều tác động nhưng hơn một tháng nay việc bán chè trở nên khó khăn, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải thu mua nguyên liệu” – bà Hồng nêu một thực tế.
Video đang HOT
Cũng theo bà Hồng, đang xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng do người Trung Quốc đi thu mua nguyên liệu chè và sẵn sàng mua với giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước khiến nhiều doanh nghiệp không cạnh tranh được.
Cần đa dạng hóa sản phẩm
Từ những khó khăn của ngành chè, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo cần có chính sách hỗ trợ vốn và công nghệ các doanh nghiệp chè trong đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chè. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thích hợp để ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc làm giá trên thị trường chè, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt Nam
Để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng chè, bên cạnh việc nâng cao chất lượng thì ngành hàng chè cần có biện pháp khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh lượng xuất khẩu đang có xu hướng giảm như hiện nay. Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm vào các phân khúc như chè hữu cơ, chè đặc sản để nâng cao giá trị gia tăng cho chè.
Thực tế, từ trước đến nay, khách hàng quốc tế vẫn “mặc định” các nhà sản xuất chè Việt Nam là những người có khả năng cung cấp khối lượng hàng hóa lớn nhưng chất lượng trung bình và giá rẻ. So với các nước trong khu vực, chè Việt Nam đang có giá xuất khẩu thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới. Nguyên nhân được cho là do không đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt. Vì vậy, bà Hồng cho rằng, muốn thâm nhập được vào các thị trường khó tính, điều cần làm là nâng cao chất lượng chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được những yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chè đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng chưa biết tận dụng bởi nhu cầu về loại thức uống này đối với người tiêu dùng thế giới vẫn rất lớn. Theo thống kê, có tới 158 triệu người Mỹ uống trà mỗi ngày, mỗi năm người Mỹ chi tới 80 tỷ USD cho các sản phẩm trà, vì vậy con số 4,3 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chè vào Mỹ 8 tháng năm 2018 là quá nhỏ. Nhưng để tìm đường vào Mỹ cũng không hề đơn giản, bởi đây là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Muốn tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, không còn cách nào khác, ngành chè phải thay đổi cả về hình ảnh và chất lượng. Cũng theo bà Hồng, bên cạnh tin không vui, ngành vẫn xuất hiện điểm sáng, đó là đã có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chế biến sâu (chè matcha) để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Hy vọng, với những nhân tố này, ngành chè sẽ khởi sắc.
Theo Danviet
XK nông sản vào Trung Quốc giảm: Thiệt đơn thiệt kép vì đi tiểu ngạch
Với rất nhiều chính sách nhập khẩu mới như quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng thuế..., Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính. Vì vậy, muốn đi đường dài ở thị trường này, các doanh nghiệp cần hướng đến cách làm bài bản, thay vì chỉ xuất khẩu (XK) tiểu ngạch vốn đang gây thiệt hại cho cả Nhà nước và nông dân như hiện nay.
Sụt giảm về khối lượng và kim ngạch
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), 8 tháng năm 2018, một số nông sản XK chủ lực của Việt Nam có sự sụt giảm mạnh cả về sản lượng và kim ngạch ở thị trường của "anh bạn láng giềng phương Bắc".
Cụ thể, khối lượng gạo XK trong tháng 8.2018 ước đạt 441.000 tấn, trị giá 209 triệu USD, đưa khối lượng gạo XK 8 tháng năm 2018 lên 4,4 triệu tấn, kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 với 24,7% thị phần.
Tuy nhiên, lượng gạo xuất sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 927.000 tấn với kim ngạch 491 triệu USD, giảm tới 32,5% về khối lượng và giảm 21,5% giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân cơ bản khiến XK gạo sang Trung Quốc sụt giảm là do từ năm 2017, Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát doanh nghiệp nhập khẩu gạo, giảm từ 150 doanh nghiệp xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp. Đến đầu năm 2018, có 3 trong số 22 doanh nghiệp này lại bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.
Thay vì xuất khẩu tiểu ngạch, các doanh nghiệp cá tra phải đẩy mạnh đi theo đường chính ngạch. ảnh tư liệu
Đối với mặt hàng cá tra, dù Trung Quốc vẫn đứng đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam nhưng nhiều quy định của phía bạn cũng khiến doanh nghiệp đau đầu. Ví dụ, quy định về dư lượng photphát trong cá tra, trong khi hàng không hóa chất châu Âu quy định hàm lượng này không vượt quá 4% thì phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ.
Đó là chưa kể, cá tra nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường chính ngạch phải chịu thuế VAT 17% (trong khi nhập khẩu tiểu ngạch không phải chịu thuế này) và Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm.
Thực tế, những đổi mới trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã được báo trước khi theo quy định từ ngày 1.4.2018, các loại trái cây của Việt Nam XK sang Trung Quốc phải được truy xuất nguồn gốc. Điều này ít nhiều khiến các doanh nghiệp bị động, nhất là trong vụ vải thiều vừa qua.
Hãy đi bằng chính ngạch
Có thể nhận thấy, dù thị trường Trung Quốc vô cùng rộng lớn nhưng cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược XK bài bản, rất nhiều loại nông sản vẫn được đưa sang nước bạn bằng con đường tiểu ngạch.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng thừa nhận một thực tế, hiện nay có một khối lượng lớn cá tra Việt Nam được XK sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
"Hiện nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch XK. Trong khi đó, giá XK giữa đường chính ngạch và tiểu ngạch chênh lệch khá lớn, lên đến 1USD/kg, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, chất lượng hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch cũng khó được kiểm soát, rất có thể các nhà nhập khẩu với giá rẻ, sau đó lại chế biến sản phẩm dưới tên gọi khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam" - ông Quốc nói.
Trước thực trạng XK cá tra tiểu ngạch sang Trung Quốc có phần lấn át, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đề nghị các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng hàng cá tra đi qua đường tiểu ngạch, Bộ NNPTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để đảm bảo chất lượng thủy sản XK qua biên giới.
VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng chứng thư thủy sản XK theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản XK nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra.
Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân (Trường Đại học Nam Cần Thơ) cho biết, để tăng cường XK gạo sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đã mời 15 doanh nghiệp Trung Quốc sang để bàn về XK gạo theo đường chính ngạch. Vì XK gạo tiểu ngạch vừa thiệt hại cho nông dân lại thiệt hại cho Nhà nước.
Trong rất nhiều cuộc hội thảo, người Trung Quốc luôn khẳng định, họ dễ tính nhưng không dễ dãi, và không phải cái gì cũng có thể đưa sang nước họ. Vì vậy, ngay từ lúc này, muốn đi đường dài, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, đưa hàng hóa sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, vừa bảo vệ uy tín sản phẩm vừa đảm bảo sự bền vững.
Theo Danviet
Bộ Nông nghiệp yêu cầu kiểm tra thực trạng nông dân vứt bỏ rau, củ Trước thực trạng thời gian gần đây, người nông dân tại một số địa phương phải ngậm ngùi vứt bỏ hàng tấn rau, củ quả vì giá rẻ và khó tiêu thụ, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ thực vật khẩn trương kiểm...