Xuất hiện khe hở giữa đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông và ke ga, Ban QLDA đường sắt nói gì?
Về ý kiến cho rằng khe hở giữa đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông và ke ga quá rộng gây nguy hiểm, ông Vũ Hồng Phương – Phó Giám đốc (phụ trách) Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định: “Đây là yếu tố liên quan đến an toàn cần được giải thích và làm rõ để người dân yên tâm”.
Xuất hiện khe hở giữa đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông và ke ga, Ban QLDA Đường sắt nói gì? (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến)
Ngày 20/5, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải “mở cửa” tàu đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông (Hà Nội) tại điểm ga La Khê, để người dân Thủ đô tham quan.
Trong quá trình tham quan, nhiều ý kiến từ phía người dân cho rằng khe hở giữa tàu và ke ga rộng không đảm bảo an toàn giao khách lên/xuống tàu Cát Linh- Hà Đông.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Hồng Phương – Phó Giám đốc (phụ trách) Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định: “Đây là yếu tố liên quan đến an toàn cần được giải thích và làm rõ để người dân yên tâm”.
Ông Phương cho biết, trong quy phạm thiết kế, với tốc độ, với quy trình thiết kế thì khe hở này có thể được đến 8cm. Trên thế giới, nhiều tuyến, nhiều dự án cũng có những khe hở tương tự.
“Thông tin phản ánh này đã được gửi tới chúng tôi từ hồi tháng 5 vừa qua, khi chúng tôi mở nhà ga mẫu để người dân tham quan. Chúng tôi cũng thấy khe hở lớn hơn quy định, tức là khe hở tương đối rộng. Ngay sau đó, chúng tôi chỉ đạo tổng thầu kiểm tra lại, đoàn tàu khi đó chưa được sắp đặt vào vị trí chính thức, với căn chỉnh và độ nghiêng của đoàn tàu nên khe rộng hơn. Khi đường sắt trên cao đi vào chính thức thì việc này sẽ được đưa vào đúng quy phạm”, ông Phương nói.
Video đang HOT
Ngoài ra, ở một số tuyến có ý kiến lo lắng trẻ em có thể vô tình gặp tai nạn, ông Phương cho biết, Ban Quản lý dự án cũng đã chỉ đạo tổng thầu nghiên cứu thêm các giải pháp để phòng ngừa các tình huống này để đảm bảo an toàn cho người dân.
Các hạng mục đã hoàn thành trên 96%
“Toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%. Còn một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành. Hiện nay đã nhập về công trường trên 95% trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%, trong đó có một số thiết bị chuyên ngành chính liên quan đến hệ thống thiết bị điều khiển đoàn tàu”.
Ông Vũ Hồng Phương – Phó Giám đốc (phụ trách) Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT)
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công năm 2011 gồm 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot và 12 nhà ga… Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào năm 2016 nhưng bị chậm tiến độ, nên chỉ chạy thử nghiệm vào cuối năm nay và khai trương vào quý 2/2018.
Đoàn tàu chạy tốc độ tối đa 80km/h; tốc độ trung bình 35km/h. Khoảng cách trung bình giữa các ga là 1,1km. Thời gian di chuyển tổng cộng 13km vào khoảng 25 phút.
Lê Ngà
Theo vietnamfinance
Trung Quốc đã bàn giao 3 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông
Đến ngày 4/10, Trung Quốc đã bàn giao cho Việt Nam 3 trong tổng số 13 đoàn tàu của Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Dự kiến, 10 đoàn tàu còn lại sẽ được bàn giao hết từ nay đến cuối năm 2017.
Hồi tháng 2, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đầu tiên được phía Trung Quốc bàn giao và đặt tại điểm ga La Khê. Theo kế hoạch, việc tiếp nhận 12 đoàn tàu còn lại là từ tháng 6 - 7/2017, tuy nhiên đến nay, khi đã sang tháng 10, Việt Nam mới được tiếp nhận thêm các đoàn tàu từ Trung Quốc.
Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sáng ngày 24/9, 2 đoàn tàu số 2 và 3 (mỗi đoàn tàu gồm 2 toa đầu tàu và 2 toa khách) đã cập cảng Hải Phòng; 24h tối cùng ngày, các toa tàu đã được chuyển lên bờ thành công.
Trung Quốc đã bàn giao 3 trong tổng số 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông cho Việt Nam
Các bên gồm đơn vị bảo hiểm vận tải biển và vận tải đường bộ cùng phối hợp chặt chẽ, xác nhận các thủ tục chuyển giao trách nhiệm trước khi tàu được đưa lên bờ chuẩn bị cho công tác vận chuyển về dự án.
Do toa tàu có chiều cao lớn, dài, cộng với chiều cao của xe vận chuyển chuyên dụng nên cung đường vận chuyển phải đảm bảo không vướng các chướng ngại về chiều cao cũng như góc rẽ.
Theo đó, lộ trình vận chuyển được cấp phép từ cảng Hải phòng chạy dọc theo Quốc lộ 5 cũ - Quốc lộ 10 - rẽ vào Quốc lộ 21B về đến Phủ Lý - rẽ vào Quốc lộ 1 cũ về đến Văn Điển - rẽ vào Quốc lộ 70 về đến đường Quang Trung - Hà Đông và tập kết tại khu Depot của Dự án.
Rạng sáng các ngày 2/10 và 3/10, đoàn tàu số 2 và số 3 đã được vận chuyển và tập kết an toàn về khu Depot của Dự án. Trong suốt quá trình vận chuyển, các bên tham gia luôn túc trực áp tải, tiền trạm dẫn đường với duy nhất nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn tàu.
Hiện nay, các toa tàu đã được đưa lên đường ray khu Depot và đang thực hiện công tác liên kết, tổ hợp thành các đoàn tàu hoàn chỉnh.
Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, từ nay đến cuối năm 2017, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục bàn giao 10 đoàn tàu còn lại. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao phụ thuộc vào tiến độ giải ngân vốn cho gói thầu thiết bị của dự án này.
Trước đó, theo kế hoạch, dựa án sẽ được vận hành thử nghiệm từ tháng 10/2017, tuy nhiên mới đây Bộ GTVT đã chính thức xác định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không đạt được kế hoạch. Nguyên nhân do dự án thiếu vốn, nguồn tiền giải ngân chậm khiến tiến độ bị chậm.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD. Dự kiến, quý II/2018, tuyến đường sắt sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
"Nhặt" bản đồ ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Cẩu thả và vô trách nhiệm? Không tán thành với lời giải thích "nhặt" bản đồ trên mạng để "mô tả về dự án cho dễ hiểu", vấn đề dư luận đặt ra ở đây là trình độ, tính chuyên nghiệp và sự nghiêm túc của các đơn vị thực hiện Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)... Mới đây, sinh viên Đào Mạnh Sơn...